Banner trang chủ

Kinh nghiệm hỗ trợ cộng đồng dân cư ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng

26/12/2016

   Triển khai công tác hỗ trợ cộng đồng ven biển ứng phó với BĐKH và nước biển dâng

   Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) là một tổ chức phi chính phủ chuyên hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ hệ sinh thái biển, phấn đấu vì vùng ven biển Việt Nam với các hệ sinh thái bền vững và các cộng đồng dân cư ven biển, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, có chất lượng cuộc sống tốt đẹp. Các vấn đề liên quan đến tác động và giải pháp ứng phó BĐKH và nước biển dâng được MCD lồng ghép trong tất cả các hoạt động của tổ chức. Bên cạnh việc ưu tiên thúc đẩy các giải pháp gia tăng khả năng thích nghi và chống chịu BĐKH của hệ sinh thái và sinh kế của người dân ven biển, MCD cũng tìm kiếm, giới thiệu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật và thực hành tốt nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động bảo tồn tài nguyên biển, thúc đẩy phong cách sống xanh, và hỗ trợ cộng đồng phát triển sinh kế phát thải thấp. Hoạt động ứng phó với BĐKH của MCD tập trung vào các nhóm nội dung:

   Thúc đẩy nâng cao khả năng thích ứng và sức đề kháng của các hệ sinh thái biển và người dân vùng ven biển và sinh kế của họ trong điều kiện BĐKH và sự cố môi trường. Góp phần hạn chế các nguồn phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt vùng ven biển, bảo vệ các hệ sinh thái ven biển để phát huy tốt vai trò điều tiết khí hậu và bảo vệ vùng bờ biển, góp phần giảm nhẹ BĐKH.Hỗ trợ thí điểm các mô hình thực tiễn ở một số địa phương ven biển và chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về ứng phó BĐKH vùng ven biển, góp phần nâng cao hiệu quả ứng phó với BĐKH ở cấp quản lý và hoạch định chính sách ở địa phương và Trung ương. Nâng cao năng lực của MCD và các tổ chức phi chính phủ trong nước về ứng phó BĐKH, phát huy vai trò tiên phong của MCD trong mạng lưới các tổ chức phi chính phủ hoạt động về môi trường, giảm nghèo và ứng phó BĐKH ở Việt Nam.

Tình nguyện viên Trung tâm MCD chung tay làm sạch biển

   Từ năm 2010 đến nay, MCD đã thực hiện khoảng 5 dự án ngắn hạn và nghiên cứu chuyên sâu về BĐKH vùng ven biển, đồng thời xây dựng và triển khai 5 dự án trung hạn (2 - 3 năm) tại 8 tỉnh ven biển, theo cách tiếp cận mô hình tích hợp quản lý tài nguyên và phát triển sinh kế bền vững ứng phó BĐKH vùng ven biển. Mô hình này thúc đẩy sử dụng đa dạng sinh học, giá trị và dịch vụ hệ sinh thái biển (rạn san hô, rừng ngập mặn) như một phần vốn và công cụ giúp cho con người ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH. Các tác động của BĐKH có thể làm suy giảm hoặc hủy hoại các tiến bộ đạt được từ những nỗ lực bảo tồn biển và phát triển sinh kế cho người dân biển và ngược lại những kết quả tốt trong bảo tồn hệ sinh thái biển và tăng cường sức đề kháng về kinh tế và xã hội cho cộng đồng có thể giảm thiểu và thích ứng hiệu quả với BĐKH. Trong các dự án của MCD ở các khu vực, mô hình này hỗ trợ phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái biển, nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lợi biển và phát triển đa dạng sinh kế biển với phương thức sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường và thích ứng với BĐKH.

   Mô hình tích hợp quản lý tài nguyên ven biển dựa vào cộng đồng và phát triển sinh kế bền vững ứng phó BĐKH do MCD điều phối đã được triển khai tại 4 điểm chính là xã Giao Xuân (Giao Thủy, Nam Định), xã Nam Phú (Tiền Hải, Thái Bình), xã Phù Long (Cát Bà, Hải Phòng) và xã Vạn Hưng (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Các xã này có đặc điểm chung là ở vùng ven biển, thuộc vùng đệm của các khu bảo tồn thiên nhiên và hệ sinh thái cấp quốc gia và cấp địa phương với hai hệ sinh thái biển điển hình là đất ngập nước ven biển và rạn san hô, đồng thời cũng là những nơi phần lớn dân cư sống phụ thuộc vào nguồn lợi biển từ các hệ sinh thái biển và nơi các biểu hiện tác động của BĐKH đang dần hiện hữu.

   Các hoạt động cụ thể có thể kể đến là thúc đẩy thành lập và vận hành các tổ đồng quản lý rừng ngập mặn, khu bảo tồn rạn san hô do địa phương quản lý; hỗ trợ năng lực và kỹ thuật để người nghèo ven biển áp dụng sinh kế thích ứng BĐKH như thay đổi cơ cấu giống lúa và cải tiến kỹ thuật sử dụng phân bón lúa, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ngập mặn, trồng rau an toàn…

   Cách tiếp cận tương tự đã được triển khai nhân rộng tại các khu vực khác như mô hình Khu bảo vệ hệ sinh thái (HST) biển Rạn Trào đã nhân rộng tại Tam Hải - Quảng Nam, Núi Chúa - Ninh Thuận, Bãi Hương (Cù Lao Chàm - Quảng Nam), Nhơn Hải (Bình Định); mô hình Du lịch Sinh thái Cộng đồng (DLSTCD) xã Giao Xuân đã được chia sẻ cho mạng lưới sinh kế các khu bảo tồn biển Việt Nam và áp dụng ở Khu Bảo tồn Biển (KBTB) Núi Chúa, Cù Lao Chàm; mô hình nuôi ngao bền vững Giao Xuân đã được chia sẻ trên toàn huyện Giao Thủy; mô hình nuôi tôm cua dưới tán từng ngập mặn tại Phù Long có khả năng trở thành mô hình điểm cho các xã khác của huyện Cát Hải và TP. Hải Phòng.

   Các hỗ trợ của MCD trong thời gian qua đã đến với khoảng 30.000 người dân các địa phương ven biển kể cả trực tiếp và gián tiếp. Các kinh nghiệm chính từ quá trình đó:

   Thứ nhất, sự tham gia chủ động của người dân (tính sở hữu) trong tất cả các bước, quá trình của mô hình là yếu tố quan trọng, đảm bảo nâng cao năng lực thích ứng cho các nhóm tham gia và sự thụ hưởng, giám sát và đánh giá kết quả, phản hồi thông tin cho các bên liên quan.

   Thứ hai, trong khi triển khai thiết kế mô hình, các đánh giá và nghiên cứu khoa học ứng dụng có vai trò quan trọng, cung cấp thông tin hữu ích đặc biệt ở cấp địa phương. Đánh giá tính dễ bị tổn thương BĐKH trong phát triển sinh kế cho thấy mức độ tác động và khả năng thích ứng của các nhóm cộng đồng, đồng thời hỗ trợ lập kế hoạch thích ứng có sự tham gia bao gồm các giải pháp khả thi thực hiện mô hình.

   Thứ ba, các thực hành sinh kế bền vững và thích ứng là một quá trình “chuyển đổi’ và chịu sự tác động các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội và thể chế quản lý. Mô hình quản lý tài nguyên, phát triển sinh kế, thích ứng BĐKH nên lồng ghép cách tiếp cận “sinh kế và dịch vụ hệ sinh thái” nhằm tăng sức đề kháng và phục hồi trước BĐKH, duy trì khả năng cung cấp các giá trị dịch vụ hệ sinh thái biển và nguồn lợi cho người dân, đồng thời thay đổi việc tiếp cận sử dụng và quản lý tài nguyên theo hướng bền vững.

   Thứ tư, mọi dự án do MCD điều phối và thực hiện đều có sự tiếp nhận chính thức từ UBND các tỉnh tham gia với thông tin đa chiều từ các cơ quan tham mưu có liên quan và các địa phương trực tiếp tham gia dự án, do vậy các hoạt động được thực hiện lồng ghép chặt chẽ với các chương trình do các đơn vị và địa phương đang chủ trì.

   Thứ năm, sự phù hợp, gắn kết với các chương trình, kế hoạch của địa phương và quốc gia. Quá trình thiết kế, thực hiện mô hình đảm bảo sự phù hợp với nhu cầu và lồng ghép vào kế hoạch của địa phương. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch luôn có sự tham gia của địa phương và tham vấn chuyên gia trước khi thực hiện các hoạt động. Các mô hình sinh kế bao gồm thủy sản và phi thủy sản được lựa chọn kỹ lưỡng với định hướng đa dạng nguồn thu nhập, khuyến khích các biện pháp khai thác không hủy diệt và sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của địa phương. Các tiếp cận đồng quản lý, quản lý tổng hợp mà mô hình MCD áp dụng đều nằm trong chương trình, chính sách của Nhà nước. Các kinh nghiệm thực tế từ mô hình cùng với kiến thức năng lực của MCD được chia sẻ, lồng ghép, tư vấn cho các chính sách trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường biển như Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH, Chương trình và chiến lược quản lý tổng hợp dải ven biển, quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam, Chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, dự thảo chiến lược quản lý tổng hợp vùng ven biển quốc gia, kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của các địa phương mà MCD triển khai dự án.

   Những thách thức và giải pháp trong hỗ trợ cộng đồng ứng phó với BĐKH và nước biển dâng

   Mặc dù, đã có những kết quả tích cực trong bảo tồn hệ sinh thái biển, cải thiện đời sống cư dân ven biển trong bối cảnh BĐKH, việc triển khai các hoạt động của MCD vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức đối với việc tổ chức hỗ trợ triển khai, cũng như cộng đồng và các bên tham gia.

Hoạt động trồng rừng tại cộng đồng thu hút đông dảo các bạn trẻ tham gia

   Trước hết là, quy mô hoạt động của phương thức hỗ trợ can thiệp cụ thể trong mô hình tổng hợp còn nhỏ hẹp. Do vậy, cần có sự phối hợp từ các bên khác, đặc biệt từ các cơ quan thuộc Chính phủ để mở rộng mô hình hoặc nâng cao hiệu quả tác động. Sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, tham gia phối hợp của địa phương (tỉnh, huyện) và các chính sách sẽ đảm bảo tính bền vững của mô hình và khả năng nhân rộng. Cần tích cực vận động chính sách xây dựng và nâng cao năng lực thể chế trong việc lồng ghép BĐKH trong các chương trình kế hoạch quản lý, trong đó sự tham gia hỗ trợ các giải pháp sinh kế của người dân để duy trì sinh kế ổn định và thích ứng lâu dài trước tác động của BĐKH.

   Việc thiết kế nhóm biện pháp can thiệp phù hợp cho từng địa phương cũng là một thách thức lớn, phải có hiểu biết sâu sắc, đầy đủ và toàn diện về những vấn đề môi trường, kinh tế - xã hội, văn hóa của địa phương và đối tượng cộng đồng cần hỗ trợ, đặc biệt là đặt vào bối cảnh BĐKH đã và đang có những tác động về các mặt song rất khó dự báo và tính toán. Triển khai nhóm biện pháp can thiệp tổng hợp đòi hỏi nhiều điều kiện thiết yếu như sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của không chỉ cộng đồng dân cư mà của nhiều bên liên quan (các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đoàn thể…); sự đầu tư nguồn lực lớn của các tổ chức tài trợ; sự cam kết và nỗ lực dài hạn, kiên trì; sự linh hoạt trong ứng phó các diễn biến thực tiễn song kiên định với cách tiếp cận đã chọn và đặc biệt là năng lực đa ngành của tổ chức hỗ trợ triển khai. Đối với các biện pháp tổng hợp, có thể khó xác định hiệu quả trực tiếp, cụ thể, tức thời của biện pháp đó đối với ứng phó BĐKH. Vì vậy, các tiêu chí ứng phó BĐKH nhất thiết cần được lồng ghép vào ngay từ khi thiết kế giải pháp đế đảm bảo, khi biện pháp được thực hiện tốt thì cũng góp phần giải quyết BĐKH.

   Bên cạnh đó, với hàng loạt các hoạt động được thực hiện tại địa phương về nhiều chủ đề khác nhau trong gói giải pháp tổng hợp, có thể khiến cho người dân khó tiếp nhận và tham gia một cách đầy đủ và chủ động, khó quyết định lựa chọn vai trò của họ ở loại hoạt động nào. Vì vậy để khắc phục, cần đảm bảo sự mạch lạc trong thiết kế chi tiết các nội dung, tổ chức tuyên truyền vận động chu đáo.

   Mặc dù Nhà nước đã có định hướng quản lý tổng hợp biển và hải đảo, song thực tiễn quy hoạch và quản lý hiện nay vẫn còn theo kiểu đơn ngành. Đây là thách thức lớn cho việc gắn kết, thể chế hóa mô hình tổng hợp này vào trong quy hoạch, kế hoạch quản lý tài nguyên và ứng phó BĐKH chung của các địa phương.

Hồ Thị Yến Thu

Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn