Banner trang chủ

Kinh nghiệm của một số quốc gia trong cách tiếp cận thúc đẩy Tăng trưởng xanh

16/01/2015

     Thời gian qua, TTX đã được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều quốc gia trên thế giới với nỗ lực đạt được sự phát triển bền vững. Trong đó, tại châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản), châu Âu (Đức, Anh, Pháp, Hà Lan…) đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy TTX với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh.

     Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy TTX, đó là cách tiếp cận theo từng khu vực của nền kinh tế, hoặc cách tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững… Tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của TTX chủ yếu bao gồm: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh và các ngành công nghiệp sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.

     Kế hoạch Grenelle Môi trường của Pháp

     Từ đầu những năm 2000, vấn đề phát triển bền vững và TTX đã được chú trọng ở Pháp với nhiều chính sách như Luật Định hướng về Quy hoạch và Phát triển bền vững lãnh thổ ra đời năm 1999, các đạo luật điều chỉnh vấn đề chống hiệu ứng nhà kính và phòng ngừa rủi ro liên quan đến sự nóng lên toàn cầu năm 2001. Từ năm 2002 - 2006, Chiến lược Phát triển bền vững quốc gia chính thức được triển khai. Tuy nhiên, đến năm 2007, TTX mới thực sự đi vào việc hoạch định chính sách của Pháp (tiến trình Grenelle Môi trường). Trong thời gian này, Pháp cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với sự BĐKH nghiêm trọng. Cùng với những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến việc tìm kiếm một mô hình tăng trưởng hợp lý trở thành vấn đề cấp bách.

     Trên thực tế, Grenelle Môi trường chính là cách gọi tắt của tiến trình xây dựng nền kinh tế xanh của Pháp, với khởi đầu là các cuộc gặp gỡ chính trị nhằm đưa ra những quyết định dài hạn về vấn đề môi trường, phát triển bền vững, sau đó là tiến trình xây dựng các quy chế, biện pháp từ những quyết định này và áp dụng vào thực tế nhằm đạt được sự TTX và phát triển bền vững. Grenelle Môi trường được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ký quyết định ngày 21/5/2007. Bước khởi động đầu tiên của kế hoạch này là Diễn đàn Grenelle Môi trường. Đây là giai đoạn đầu tiên dành riêng cho đối thoại và xây dựng các dự án phát triển trong 5 nhóm đại điện đến từ các phía: Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, giới chủ và người lao động.

     Kể từ khi Diễn đàn Grenelle Môi trường được diễn ra, Pháp đã thúc đẩy và giữ vị trí then chốt trong tiến trình TTX của thế giới. Trong số những nước phát triển, kế hoạch đối phó khủng hoảng kinh tế của Pháp tập trung vào chiều hướng xanh: 1/3 kế hoạch đối phó khủng hoảng nhằm vào những biện pháp xanh và một cam kết tài chính có giá trị cao dành cho những biện pháp này. Trong 10 năm, kể từ khi gói kích thích kinh tế được đưa ra (năm 2009), gần 450 tỷ euro được đầu tư vào nhà ở, vận tải, năng lượng tái tạo, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý nước và rác thải, song song với chính sách khuyến khích tiêu dùng có trách nhiệm.

     Bên cạnh những kế hoạch thúc đẩy về mặt ngân sách, Grenelle Môi trường đã tiếp cận vấn đề TTX bằng cách thiết lập các mục tiêu khác nhau đối với tất cả các lĩnh vực như BĐKH, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, sản xuất và tiêu thụ bền vững, thúc đẩy mô hình phát triển bền vững thuận lợi cho tính cạnh tranh và việc làm, quản lý chất thải... Cụ thể: Trong lĩnh vực xây dựng, những tiêu chuẩn mới về cách nhiệt, cách âm đối với các công trình xây dựng đã được công bố và một chương trình cải tạo hệ thống nhiệt của các công trình xây dựng cũ đã được đưa ra nhằm giảm 38% sự tiêu thụ năng lượng từ nay đến năm 2020. Trong lĩnh vực vận tải có các biện pháp khuyến khích vận tải đường sắt và đường sông. Trong lĩnh vực năng lượng tái chế mục tiêu là sản xuất ít nhất 20% loại năng lượng này từ nay đến năm 2020; sản xuất điện tử năng lượng tái tạo sẽ chiếm 23% vào năm 2020. Trong lĩnh vực rác thải ưu tiên tái chế rác và tránh không thiêu đốt rác...

     Để hoàn thành các mục tiêu này, quá trình thực hiện được tập trung triển khai trên nhiều khía cạnh. Các chính sách công nhằm xây dựng nền kinh tế xanh của Pháp đều tập trung vào cải thiện năng lượng hiệu quả, bảo đảm sự đa dạng sinh thái và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Các ngành công nghiệp chiến lược của nền kinh tế xanh cũng được xác định là các ngành tạo ra sự tăng trưởng và việc làm. Đó là các ngành năng lượng sinh khối, gió, pin quang điện, địa nhiệt, năng lượng biển, chất đốt sinh học, lưu trữ và thu hồi CO2, mạng lưới điện thông minh... Trong đó, ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo. Đây là một trong những mục tiêu của kế hoạch TTX của Pháp, đất nước đứng vị trí thứ 9 trong đầu tư vào lĩnh vực này.

     TTX của Hàn Quốc

     Theo Chính phủ Hàn Quốc, TTX đem đến một giai đoạn mới cho phát triển kinh tế, giúp thoát khỏi sự mâu thuẫn giữa “xanh” và “tăng trưởng”. TTX sẽ là nguyên tắc chỉ đường cho sự phát triển đối với Hàn Quốc thông qua việc duy trì hoạt động kinh tế hiệu quả trong khi tối thiểu hóa áp lực về môi trường và coi việc đầu tư vào môi trường như là biện pháp để phát triển kinh tế.

 

Pháp đưa ra mục tiêu tiết kiệm 40% năng lượng tiêu thụ đối với các tòa nhà xây mới

cho giai đoạn từ nay tới năm 2020

 

     TTX hay tăng trưởng ít các bon đã được Tổng thống Lee Myung Bak chính thức công bố trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Đại Hàn dân quốc 15/8/2008. Kế hoạch thích ứng với BĐKH và năng lượng quốc gia của Hàn Quốc được thông qua ngày 20/08/2008 đã đưa ra mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái sinh lên đến 11% trong tổng mức năng lượng sử dụng vào năm 2030.

     Gói kích cầu “Hiệp định TTX mới” được công bố tháng 1/2009 trị giá 50 nghìn tỷ won (tương đương 38,5 tỷ USD) trong 4 năm dành cho 9 dự án xanh chính và một số dự án lớn, qua đó tạo 956.000 việc làm xanh mới. 9 dự án này bao gồm: Khôi phục 4 dòng sông chính; xây dựng hệ thống giao thông xanh; xây dựng cơ sở dữ liệu về lãnh thổ và tài nguyên quốc gia; quản lý nguồn tài nguyên nước; ô tô xanh và chương trình năng lượng sạch hơn; chương trình tái sinh tài nguyên; quản lý rừng và chương trình sinh học; nhà xanh, văn phòng xanh và trường học xanh; phong cảnh và cơ sở hạ tầng xanh.

     Để giám sát việc triển khai những sáng kiến về TTX và tạo ra động lực, Ủy ban điều hành về TTX đã được thiết lập vào tháng 2/2009. Ủy ban gồm 47 thành viên là các Bộ trưởng hữu quan, các chuyên gia và những người tham gia trong lĩnh vực tư nhân. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đề xuất một khung luật mới về TTX, đề cập đến tất cả các vấn đề có liên quan đến năng lượng, BĐKH và phát triển bền vững.

     Chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy việc phát triển những ngành công nghiệp và công nghệ xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành công nghiệp này. Số lượng dự án của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp xanh đã tăng hơn 40% kể từ năm 2009, đã có 400 trường hợp được cấp Chứng chỉ xanh của Chính phủ. Với mục tiêu giảm phát thải khí thải nhà kính tới 30% vào năm 2020 so với mức của năm 2005, gần 500 doanh nghiệp sẽ hoạt động theo hệ thống quản lý năng lượng và khí thải nhà kính quốc gia. Năm 2011, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật nhằm hạn chế khí thải nhà kính và phát triển quản lý năng lượng.

     Để thay đổi cơ cấu tiêu dùng và đưa ý tưởng xanh vào trong cộng đồng Chính phủ Hàn Quốc đã phát hành thẻ tín dụng xanh. Người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và tiết kiệm trong chi tiêu, đồng thời sẽ nhận được điểm thưởng khi sử dụng các sản phẩm xanh. Điểm thưởng có thể được quy đổi thành tiền mặt hoặc dùng để giảm giá các hóa đơn thanh toán.

 

Hàn Quốc xây dựng Nhà máy điện sử dụng sức gió trên biển lần đầu tiên năm 2009 -

thúc đẩy chương trình năng lượng sạch

 

     Hàn Quốc đang chú trọng đầu tư các loại xe cơ giới chạy bằng điện không xả khí độc hại, đặc biệt là khí NO2, nguyên nhân chủ yếu gây ra mưa axit ra môi trường vì thế chúng được gọi là “phương tiện giao thông của tương lai”. Mẫu ô tô BlueOn, xe buýt điện ở Seoul là một trong những cách làm hữu hiệu để giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, các chính quyền địa phương cũng đang tham gia vào cuộc đua xanh. Việc áp dụng xe buýt chạy bằng khí ga hóa lỏng, sử dụng xe ô tô chạy điện, thay thế bóng điện ở những nơi công cộng bằng đèn LED, khuyến khích các cửa hiệu xanh, xây dựng “rừng đô thị”… đang là xu thế TTX cho các chính quyền địa phương.

     Hàn Quốc đang hướng tới nền kinh tế xanh trước hết bằng việc thúc đẩy mô hình phát triển mới, nuôi dưỡng ngành công nghiệp xanh như là động cơ tăng trưởng mới, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, cải tiến sự cạnh tranh toàn cầu. Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy việc cải thiện điều kiện sống của người dân và đã thành công đáng kể trong việc khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân, số lượng gia đình tham gia vào hệ thống giảm thiểu khí thải các bon đã tăng lên 2 triệu vào tháng 2/2011. Hàn Quốc cũng chú trọng hoạt động hỗ trợ các nước đang phát triển trong thỏa thuận quốc tế để chống BĐKH và hợp tác với các nước trong TTX.

     TTX với nhiều cách tiếp cận và cũng bao gồm nhiều nội dung, mà tuỳ theo điều kiện cụ thể của mỗi nước, mỗi thời kỳ có thể lựa chọn thực hiện. Nội hàm then chốt của nền kinh tế xanh là bảo tồn được thiên nhiên cho các thế hệ mai sau, BVMT, phát triển các loại công nghệ sạch, sử dụng nguồn năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tăng trưởng ít các bon là một biện pháp hữu hiệu để đối phó với BĐKH và cũng là cách để loài người thoát khỏi những thảm họa do chính mình gây ra.

 

Lê Thị Hường (Tổng hợp)

Nguồn: Số Chuyên đề Tăng trưởng xanh, Tạp chí Môi trường 2014

 

 

 

Ý kiến của bạn