Banner trang chủ

Kinh nghiệm triển khai Văn phòng xanh tại Phần Lan

01/06/2018

     Phần Lan là một trong những nước có mức tiêu thụ năng lượng (TTNL) bình quân đầu người lớn nhất thế giới. Mức TTNL bình quân đầu người gần gấp đôi mức trung bình của khối cộng đồng châu Âu. Bên cạnh đó, các yếu tố địa lý như mật độ dân số thấp và khí hậu lạnh cũng là nguyên nhân cho mức TTNL cao. Nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng (TKNL) và sử dụng năng lượng tái tạo, Chính phủ Phần Lan đã ban hành nhiều chính sách năng lượng, nhằm cung cấp các nguồn năng lượng rẻ và tin cậy cho ngành công nghiệp.

     Hiện nay Phần Lan đứng thứ hai châu Âu, sau Pháp theo tiêu chuẩn mua tương đương về giá điện rẻ. Bên cạnh đó, gần ½ lượng CO2 được giảm nhờ thành công trong nỗ lực TKNL. Các phương pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng bao gồm thiết lập định mức nhiệt chặt chẽ cho các tòa nhà mới xây, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong các tòa nhà cũ. Công cụ chính để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại các văn phòng là Thỏa thuận tự nguyện (1997) áp dụng với các tòa nhà và khối dịch vụ tư. Cũng như những nơi khác ở châu Âu, người dân Phần Lan luôn có thái độ tích cực đối với TKNL. Trong số 59% người dân Phần Lan được khảo sát mong muốn có những nỗ lực TKNL hơn là xây dựng các nhà máy điện mới. Nỗ lực giảm thiểu BĐKH đang trở thành một trong những động lực chính để tiết TKNL.

 

Thủ đô Helsinki, Phần Lan

 

     Nhằm giới thiệu phương thức quản lý và hệ thống chứng nhận môi trường hiệu quả, giảm phát thải khí CO2 cho các văn phòng, hướng đến mục tiêu lâu dài là ứng phó với BĐKH  và thúc đẩy lối sống bền vững thông qua nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên… WWF Phần Lan khởi xướng mô hình VPX. Sáng kiến VPX được thử nghiệm trong giai đoạn 1999 - 2002 tại Phần Lan và đã nhanh chóng lan tỏa trên thế giới. Năm 2006, mô hình VPX chính thức được giới thiệu và đã có trên 200 văn phòng của hơn 80 tổ chức khác nhau đạt chứng nhận VPX của WWF (trụ sở chính của các công ty/tập đoàn, công ty truyền thông và các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế).

     Sáng kiến VPX được các công ty/tập đoàn xây dựng một cách “tự nguyện”, “tự tài trợ” với sự tư vấn của WWF. Họ được trang bị những thông tin cần thiết như TKNL và nâng cao hiệu quả môi trường. Các đơn vị VPX cam kết thực hiện cải tiến liên tục, giám sát tiến trình mục tiêu, báo cáo hàng năm theo phương pháp tính toán do WWF quy định. Phương pháp tính toán phát thải dựa trên số liệu về mức tiêu thụ nhiệt và điện, mức tiêu thụ giấy và vận tải. WWF còn hỗ trợ một số hoạt động khác bao gồm hai khóa đào tạo hàng năm, cập nhật thường xuyên các ý tưởng tiết kiệm, với khoảng 20 giải pháp được khuyến nghị áp dụng. Ấn phẩm về những thực hành tốt được xuất bản/phát hành hàng năm. Đại diện của WWF thường xuyên kiểm tra các văn phòng được cấp chứng nhận. Các đơn vị tham gia đóng phí đăng ký từ 500 - 3000 EUR và phí hàng năm từ 200 - 2000 EUR tùy thuộc vào số lượng nhân viên.

     Một nghiên cứu của WWF Phần Lan năm 2006 thực hiện tại 17 trong số các tổ chức được chứng nhận VPX cho thấy, văn phòng có thể tiết kiệm tiền và cải thiện môi trường làm việc thông qua các hoạt động VPX. Theo nghiên cứu, các đơn vị tham gia có thể giảm lượng phát thải CO2 tới 70% chỉ với các giải pháp hợp lý về kinh tế (bao gồm phát thải gián tiếp từ việc giảm sử dụng giấy). Những tổ chức này đã tiết kiệm được tổng số 3.6 triệu EUR và giảm phát thải lên tới 1.091 tấn CO2.

 

Truyền thông tiết kiệm giấy trong chương trình VPX

 

     Sáng kiến VPX cũng triển khai thành công trong việc thúc đẩy một xã hội học tập: Các văn phòng được chứng nhận VPX trao đổi kinh nghiệm thông qua các cuộc họp mạng lưới định kỳ, từ đó quản lý năng lượng và môi trường được thể chế hóa tại các văn phòng. VPX cũng đang dần được thể chế hóa tại các đơn vị công khi hệ thống quản lý môi trường đang trở thành một yêu cầu.

     Mục tiêu của VPX là giảm lượng tiêu dùng tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy lối sống bền vững và giảm thiểu tác động BĐKH thông qua sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng tái tạo/bền vững, cụ thể: Giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên tại văn phòng; Thúc đẩy lối sống bền vững; Giảm phát thải CO2: đạt được thông qua nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sử dụng “điện xanh” cũng như tạo ra những tác động tới phát thải CO2 “gián tiếp” từ quá trình sản xuất.

 

Kết quả Giám sát giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2007- 2016 của WWF Phần Lan

 

     Những hành động đơn giản để thực hiện VPX gồm (tắt điện, cài đặt chế độ “ngủ” của máy tính…), tuy nhiên cam kết cải tiến liên tục đòi hỏi các văn phòng tham gia phải không ngừng tìm hiểu để có được những sáng kiến mới theo thời gian. Những sáng kiến này nhằm tạo tiền đề và phát triển năng lực của những người tham gia trong việc nhận diện các cơ hội để tiếp tục phát huy hiệu quả VPX. Ngay từ đầu, những thay đổi nhỏ trong hành vi đóng vai trò quan trọng và dễ dàng được thực hiện trước. Theo thời gian các tổ chức/đơn vị tập trung hơn vào những khoản đầu tư thúc đẩy hiệu suất nhằm đảm bảo quá trình cải tiến liên tục.

     Trong giai đoạn đầu, những văn phòng trong khối tư nhân đi tiên phong đăng ký thực hiện VPX, có thể là các công ty kinh doanh dịch vụ hay trụ sở chính… ở nhiều loại hình khác nhau. Tiếp đến là sự tham gia của các công ty năng lượng, công nghệ thông tin, tổ chức có danh tiếng... Tuy nhiên, dần dần các tổ chức/đơn vị trong khối công và tổ chức giáo dục (trường học) tham gia tích cưch. Một trong lý do chính là khả năng tiết kiệm tài chính mà VPX mang lại.

     Các tổ chức tham gia được yêu cầu thiết lập một chương trình quản lý môi trường, chỉ định một cán bộ phụ trách các hoạt động VPX, phát triển một kênh truyền thông nhằm phổ biến các thông tin môi trường, chứng minh rằng, phát thải CO2 từ việc tiêu thụ năng lượng đang giảm liên tục, tái chế rác thải, đảm bảo các nhân viên có nhận thức tốt về những mục tiêu củaVPX, giám sát và báo cáo cho WWF hàng năm. Khi tham gia đăng ký VPX, các tổ chức được yêu cầu ký một bản hợp đồng với WWF Phần Lan, trong đó quy định rõ trách nhiệm và cam kết của cả hai bên khi triển khai VPX.

     Bên cạnh đó, WWF Phần Lan luôn kiểm tra báo cáo hàng năm của các đơn vị tham gia nhằm đảm bảo hệ thống vẫn đang vận hành hiệu quả. Các tổ chức được trao chứng nhận VPX có thể sử dụng cho mục đích truyền thông. Ngoài ra, tên của các tổ chức tham gia VPX cũng được niêm yết trên website chính thức của WWF Phần Lan và được phép sử dụng lô gô của VPX cho mục đích truyền thông của tổ chức/đơn vị (nhưng không sử dụng cho mục đích quảng bá sản phẩm). Ngoài ra, phương pháp tính phát thải CO2 cũng là một công cụ được cung cấp nhằm giúp các đơn vị thực hiện VPX ước tính những tác động tới BĐKH gây ra.

 

Nguyễn Thị Bích Hòa

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)

 

 

 

Ý kiến của bạn