Banner trang chủ

Hiệu quả từ việc đầu tư công nghệ xanh của Hàn Quốc

21/11/2016

   Là một quốc gia có tiềm năng phát triển, trong những năm qua, Hàn Quốc đã chủ động đầu tư vào công nghệ xanh (CNX). Cùng với việc khởi động Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, ít các bon, từ năm 2008 đến nay, Hàn Quốc đã lựa chọn những CNX cốt lõi để tập trung đầu tư chuyên sâu.

   Theo số liệu thống kê, năm 2008, Hàn Quốc đã đầu tư cho CNX là 1,46 nghìn tỷ won và lên tới 3,04 nghìn tỷ won năm 2013. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm (2008 - 2013), quy mô đầu tư đã tăng gấp đôi, từ gần 1,5 nghìn tỷ lên 3 nghìn tỷ.

Hình 1. Đầu tư cho CNX (2008 - 2013)

(đơn vị: nghìn tỷ won)

   Cùng với đó, số lượng dự án cũng gia tăng nhanh chóng. Năm 2008 là gần 4.000 dự án và đến năm 2013, số lượng dự án đã tăng gấp đôi, hơn 8.000 dự án.

Hình 2. Đầu tư R&D cho CNX và số lượng dự án con (2008 - 2013)

(đơn vị: 100 triệu won, số lượng dự án)

   Tỷ lệ đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) cho CNX trên tổng R&D quốc gia cũng có chiều hướng tăng dần theo từng năm. Riêng năm 2013, quy mô đầu tư của cho CNX là 3,04 nghìn tỷ won, chiếm 17,9% tổng R&D quốc gia (16,91 nghìn tỷ won), tăng 11,8% so với năm 2012.

   Về đầu tư cho các CNX cốt lõi, có thể thấy, quy mô cũng tăng dần theo từng năm, cụ thể: năm 2008 là 1,05 nghìn tỷ won đến năm 2012 là 2,06 nghìn tỷ won. Theo số liệu này, có thể thấy quy mô đầu tư cho CNX cốt lõi vào năm 2012 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2008. Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư cho CNX cốt lõi trên tổng đầu tư cho CNX là rất lớn, cụ thể: năm 2012, tỷ trọng này là 76%, năm 2011 là 78%, năm 2010 là 76%, như vậy là đều chiếm trên ¾. Điều này cho thấy, mức độ đầu tư tập trung rất cao vào 27 CNX cốt lõi (hình 4).

Hình 3. Đầu tư R&D cho CNX và tổng R&D quốc gia (2008 - 2013)

(đơn vị: trăm triệu won, %)

   Xét về nguồn đầu tư, các khoản đầu tư cho công nghệ nói chung và CNX nói riêng đến từ các Bộ Tương lai, sáng tạo và khoa học, Bộ Giáo dục, Bộ Đất đai, giao thông và hàng hải, Cục Phát triển nông thôn, Cục Quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Tài nguyên, công nghệ và năng lượng, Bộ Môi trường... Trong đó, Bộ Tài nguyên, công nghệ và năng lượng đầu tư nhiều nhất với tốc độ gia tăng mức đầu tư cũng nhanh nhất, chỉ trong vòng 4 năm, lượng đầu tư đã tăng từ 0,7 nghìn tỷ won (năm 2008) lên thành 1,27 nghìn tỷ won (năm 2012).

Hình 4. Đầu tư cho CNX và CNX cốt lõi (2008 - 2013)

 

   Đầu tư cho CNX còn được phân bổ theo 3 loại hình: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu phát triển. Nhìn chung, xu hướng đầu tư đều tăng dần theo từng năm, tuy nhiên, nghiên cứu phát triển được tập trung đầu tư nhiều nhất.

   Theo thống kê, trong vòng 4 năm (2008 - 2012), Hàn Quốc đã tiến hành tổng cộng 75 kế hoạch về CNX, bao gồm các kế hoạch ngắn hạn (10 kế hoạch), trung hạn (28 kế hoạch) và dài hạn (37 kế hoạch); trong đó phần lớn là các kế hoạch dài hạn, chiếm 49,3%. (Ngắn hạn: 1 năm; Trung hạn: dưới 5 năm; Dài hạn: trên 5 năm )

Hình 5. Đầu tư cho CNX (2008 - 2013)

Hình 6. Đầu tư theo loại hình nghiên cứu (2009-2013)

(đơn vị: trăm triệu won, %)

   Nhìn chung, đầu tư cho CNX của Hàn Quốc đều tăng dần theo từng năm và tập trung vào 27 ngành CNX cốt lõi. Với việc tập trung đầu tư chuyên sâu này, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ tạo được 1,18 triệu việc làm và giảm 130 triệu tấn khí thải các bon vào năm 2020. Song hành với việc đầu tư phát triển CNX là giảm dần hỗ trợ và trợ cấp cho các công nghệ dựa vào năng lượng hóa thạch và các công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng.

   Hiện tại, Hàn Quốc vẫn chưa phải là quốc gia phát triển hàng đầu về lĩnh vực công nghệ nhưng với việc đầu tư mạnh mẽ cho CNX, Hàn Quốc được đánh giá phát triển khá nhanh chóng, rút ngắn khoảng cách công nghệ với các nước phát triển, cụ thể là: trình độ 27 CNX cốt lõi so với các nước phát triển đã tăng từ 51,3% (năm 2009) lên tới 77,7% (năm 2011). Đặc biệt, trong một số lĩnh vực có thế mạnh, Hàn Quốc đã nắm bắt thời cơ và tạo ra đột phá, khi có những lĩnh vực chiếm lĩnh thị phần lớn trên thế giới và có những sản phẩm chất lượng hàng đầu, như lĩnh vực LED và ô tô xanh. Ngoài ra, Hàn Quốc còn tạo ấn tượng đối với thị trường CNX toàn cầu bằng việc sẵn sàng đầu tư mạnh để xây dựng những nhà máy có tầm cỡ hàng đầu thế giới, như nhà máy pin xe điện lớn nhất thế giới thuộc Tập đoàn LG và nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới - Nhà máy Sihwa.

Hệ thống tàu điện trên cao của Hàn Quốc

   Có thể nói, Hàn Quốc đã thể hiện là một quốc gia có tầm nhìn, tham vọng khi đầu tư vào CNX và mong muốn ghi tên mình trên bản đồ CNX thế giới. Tính từ năm 2008 đến nay, quá trình đầu tư cho CNX tuy chưa dài nhưng những thành tựu về CNX mà Hàn Quốc đạt được là rất đáng khích lệ. Với việc tăng cường đầu tư cho CNX, cùng nền tảng công nghệ vốn có và khả năng thích ứng nhanh nhạy với thị trường, Hàn Quốc có khả năng lớn trong việc hoàn thành các mục tiêu về CNX đã đề ra và trở thành một trong những cường quốc về CNX trên thế giới trong tương lai không xa.

                Lương Hồng Hạnh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

 

 

Ý kiến của bạn