Banner trang chủ

Hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn

14/04/2017

   Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển du lịch sinh thái (DLST) vì sự đa dạng sinh học (ĐDSH) với nhiều loài đặc hữu hoang dã, các hệ sinh thái (HST) đặc sắc khác nhau, trong đó, các Vườn quốc gia (VQG) và Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) đã thực sự trở thành “kho báu” lưu giữ và bảo vệ ĐDSH, phòng hộ, BVMT, phát triển DLST. Hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam hiện nay có 164 khu, trong đó 30 VQG và 69 khu BTTN với tiềm năng rất lớn cho phát triển DLST. Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở một số VQG và khu BTTN đang có những tác động tiêu cực lên tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa.

Với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, VQG Ba Vì là điểm du lịch hấp hẫn giới trẻ trải nghiệm

   Thực trạng hoạt động DLST ở các VQG, Khu BTTN

   Hiện có 3 hình thức tổ chức kinh doanh DLST phổ biến tại các VQG, Khu BTTN như: Tự tổ chức kinh doanh dịch vụ DLST; Cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch; Liên kết với các tổ chức, cá nhân để đầu tư phát triển du lịch.

   Các loại hình và chương trình du lịch mới chỉ tập trung chủ yếu vào một số VQG có điều kiện tiếp cận về cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật du lịch tốt. Nhiều VQG, khu BTTN có điều kiện, khả năng tổ chức các loại hình và chương trình du lịch đặc sắc, phong phú nhưng do nằm xa và điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông tiếp cận điểm đến còn nhiều khó khăn nên không thu hút được khách du lịch.

   Theo kết quả nghiên cứu của Hiệp hội VQG và khu BTTN năm 2010, có đến 80% du khách nội địa đến các VQG, khách du lịch quốc tế có xu hướng tăng dần qua các năm. Khách du lịch đến các VQG chủ yếu với mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, tham quan thưởng thức phong cảnh tự nhiên và nghiên cứu học tập, do vậy đối tượng khách chủ yếu là những người thích khám phá thiên nhiên, những hộ gia đình, học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu khoa học. Số lượng khách nội địa từ các doanh nghiệp, nhà máy đến tham quan các VQG, Khu BTTN còn ít.

   Các VQG, Khu BTTN có tiềm năng phát triển DLST rất lớn nhưng cho đến nay việc phát triển DLST còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng. DLST phát triển chủ yếu tập trung ở một số VQG có điều kiện tiếp cận giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối tốt như: VQG Cát Bà, Tam Đảo, Cúc Phương, Ba Vì, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cát Tiên... Nhưng ngay ở các VQG có hoạt động du lịch phát triển khá tốt này, loại hình DLST vẫn còn nhiều tồn tại, chưa tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc, quy chuẩn, tiêu chuẩn của DLST, chưa chú trọng các hoạt động giáo dục, BVMT; chưa tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí, tiêu chuẩn BVMT bền vững; chưa thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương làm du lịch, phát triển bền vững về sinh thái, môi trường…

   Ngoài các VQG Phong Nha - Kẻ Bảng và Ba Vì, các nguồn thu từ hoạt động DLST của các VQG và khu BTTN còn lại hết sức hạn chế, chưa đủ bù đắp chi phí và tái đầu tư cho công tác bảo tồn.

   Tại một số VQG, do sự phát triển nhanh của hoạt động du lịch dẫn đến những tác động tiêu cực lên tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa, như: vấn đề rác thải; sự tác động lên cảnh quan; có tình trạng săn bắt chim, thú, bẻ cây, khắc đẽo lên thân cây, vách đá, xâm hại các nhũ đá trong hang động; sự quá tải về lượng du khách đối với một số điểm đến...

   Nguyên nhân chính là do trình độ nhận thức về BVMT của người dân địa phương và đa số khách tham quan còn hạn chế. Phần lớn các VQG, các khu BTTN chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển DLST nên không có định hướng đầu tư, không có kế hoạch, dự án phát triển DLST. Số ít các VQG, khu BTTN đã có quy hoạch phát triển DLST (Côn Đảo, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bidoup - Núi Bà, Yok Đôn, Cúc Phương, Cát Tiên, Ba Vì...) nhưng thiếu nguồn lực, tài chính triển khai. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch, các dịch vụ hỗ trợ du lịch như cung cấp thông tin, y tế, bảo hiểm, vận tải hành khách, ăn uống, vui chơi, giải trí… đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu của khách DLST còn rất hạn chế và chưa đồng bộ. Công tác phối, kết hợp giữa các cơ quan quản lý, các cấp, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong hoạch định, xây dựng chính sách phát triển, quản lý du lịch và DLST còn bất cập. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách phát triển du lịch và DLST chưa thống nhất, đồng bộ, dẫn đến tình trạng phát triển tự phát, chồng chéo, nảy sinh những mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, giữa kinh tế và môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, văn hóa - xã hội.

   Đề xuất phát triển DLST bền vững tại các VQG, Khu BTTN

   Để phát triển DLST bền vững ở các VQG, Khu BTTN, Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh/thành phố, Sở NN&PTNT, các VQG và Khu BTTN cần chú ý một số vấn đề trọng tâm như: Xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển DLST bền vững ở các VQG và khu BTTN, làm cơ sở định hướng phát triển trên phạm vi toàn quốc và ở từng địa phương, VQG, Khu BTTN.

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng triển khai nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch quốc tế

    Đẩy mạnh quy hoạch phát triển DLST theo các vùng lãnh thổ, đến từng khu rừng đặc dụng, VQG, Khu BTTN là yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo phát triển DLST đi đôi với BVMT, bảo tồn ĐDSH, các giá trị văn hóa, xã hội, nhân văn của các vùng lãnh thổ, các cộng đồng dân cư. Hiện nay mới chỉ có một vài VQG, Khu BTTN có quy hoạch DLST như Phong Nha - Kẻ Bàng, Bến En…, các VQG thuộc Trung ương thì đang có đề án chờ phê duyệt.

   Cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản luật (Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật ĐDSH), các văn bản dưới Luật có liên quan tới phát triển du lịch, DLST cũng như xây dựng các chính sách tạo hành lang pháp lý và cơ chế rõ ràng, thuận lợi nhất cho các bên tham gia trong phát triển DLST.

   Đào tạo nâng cao chất lượng và có cơ chế tạo điều kiện làm việc cho nhân lực làm DLST để chuyên nghiệp hóa hoạt động, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức về môi trường, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, HST các VQG, các khu BTTN. DLST là một phương thức đặc biệt của du lịch và nó chỉ thành công khi có đội ngũ có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tốt.

   Ngoài ra, cần có chính sách và quy định đối với các tổ chức kinh doanh du lịch để đảm bảo có sự chia sẻ lợi nhuận bằng vật chất cho cộng đồng địa phương, bảo tồn thiên nhiên và BVMT nơi các tổ chức này khai thác phát triển du lịch. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật như nhà nghỉ, nhà ăn, trạm dừng chân, chòi quan sát, đường mòn… sao cho thích hợp với nhiệm vụ bảo tồn, không để công tác xây dựng cơ sở vật chất trở thành nguyên nhân của sự tàn phá môi trường.

TS. Phạm Hồng Long

Khoa Du lịch học, Đại học KHXH&NV Hà Nội

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn