Banner trang chủ

Hà Giang đẩy mạnh phát triển Kinh tế xanh

19/04/2017

     Khi đã định hình được mục tiêu, chiến lược, bộ khung cho ngành lâm nghiệp, tỉnh Hà Giang dành những ưu đãi, hỗ trợ mạnh mẽ cho việc xây dựng các mô hình và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nên tỉ lệ người dân sống tốt nhờ rừng ngày một gia tăng.

     Tương lai “thu nhập xanh”

     GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang chia sẻ, việc lựa chọn giữa độ che phủ hay giá trị kinh tế tưởng dễ nhưng lại vô cùng khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn, nếu không có quy hoạch, xác định chi tiết, rõ ràng rất dễ bị rối bởi độ che phủ và giá trị kinh tế rừng thường mâu thuẫn nhau.

 

Người dân Hà Giang giữ rừng để trồng, khai thác và kinh doanh dược liệu

 

     Do đó, trong khoảng 10 năm nữa Hà Giang vẫn phải xác định nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 62%, bởi hiện tính cả đất ngoài lâm nghiệp mới đang ở mức 56,2%. Nhưng song song với việc duy trì độ che phủ rừng ở tốc độ phù hợp, Hà Giang sẽ tái cơ cấu mạnh mẽ nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập bền vững cho người dân từ kinh tế rừng.

     GS.TS Phạm Văn Điển cho biết thêm, độ che phủ tăng, tức là có nhiều rừng hơn, nhưng cái mà chúng ta cần là “màu vàng” ẩn chứa trong “màu xanh” của rừng. “Màu vàng” tức giá trị kinh tế, “màu xanh” ý nói đến mức độ nhiều hay ít của rừng.

     Có nhiều rừng cũng có nhiều cơ hội làm ra giá trị kinh tế từ rừng. Giá trị kinh tế càng cao chất lượng của độ che phủ càng lớn. Lúc này, rừng đáp ứng cả hai mục tiêu: bảo vệ môi trường và cung cấp lâm sản, tạo ra giá trị cao cho nền kinh tế sử dụng đất dốc. Thu nhập từ rừng chính là biểu hiện của “thu nhập xanh”. Kinh tế rừng chính là biểu hiện của nền “kinh tế xanh”, nền tảng cho nhiều đột phá, thương hiệu đặc sắc của Hà Giang trong tương lai.

     “Từ năm 2025 trở đi, khi độ che phủ của rừng Hà Giang đạt tối đa và duy trì ổn định ở mức 62%, mỗi khu rừng là một nguồn sống bền vững và có ý nghĩa cho người làm rừng. Độ che phủ được duy trì dựa trên rừng tự nhiên làm chính (chiếm 2/3). Kinh tế rừng dựa vào lâm sản gỗ ở rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ ở rừng tự nhiên làm chính.

     Vùng cao Hà Giang sẽ dựa vào rừng tự nhiên, vùng thấp (vùng động lực) đi lên từ kinh doanh rừng trồng. Đối với rừng tự nhiên, xây dựng rừng cung cấp lâm sản ngoài gỗ hoặc rừng cung cấp dược liệu, rừng cung cấp lương thực, thực phẩm để có thêm giá trị kinh tế trú ẩn trong lòng độ che phủ. Đối với rừng trồng, xây dựng rừng cung cấp gỗ cao sản và bền vững qua nhiều chu kỳ”, GS.TS Phạm Văn Điển.

     Cũng theo GS.TS Phạm Văn Điển, do có nhiều tiểu vùng sinh thái khác biệt nên Hà Giang phải cơ cấu tới 11 loại cây lâm nghiệp chính mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu phát triển. Qua đó, 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc, khô và lạnh về mùa đông, tầng đất mỏng, thường sử dụng các loài cây bản địa, gỗ lớn để trồng rừng tập trung, như sa mộc, thông, lát, mỡ và các loài cây trồng phân tán quí gồm hoàng đàn, nghiến, ngọc am. Các loài cây lâm sản ngoài gỗ có thảo quả, hồ đào, tam thất rừng, đỗ trọng…

     Sống cùng rừng

     Khác với một số tỉnh ở miền núi phía Bắc người dân đã cạo sạch rừng và trồng ngô lên tận đỉnh núi, Hà Giang cơ bản vẫn giữ lại được diện tích rừng khá lớn phần nửa trên của các ngọn núi, quả đồi, qua đó tránh được việc sản xuất nông nghiệp phụ thuộc 100% vào nước trời.

     Một mô hình vô cùng mới mẻ đang được tỉnh Hà Giang bắt đầu triển khai là ghép tầm gửi lên cây gạo nhằm tạo sinh kế cho người dân. Hiện một số huyện của Hà Giang có diện tích cây gạo khá lớn, trong khi đó gạo là cây dễ trồng, chịu hạn tốt, nhiều vùng như huyện Hoàng Su Phì mọc tập trung thành từng quần thể lớn.

     Bước đầu, Hà Giang sẽ quy hoạch 5 ha để thí điểm trồng tầm gửi lên cây gạo bằng giống cấy mô hiện đại. Với giá trị đang mua bán trên thị trường trên 1 triệu đồng/kg hiện nay, khi mô hình trồng tầm gửi trên cây gạo thành công, sẽ tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể với người dân vùng đặc biệt khó khăn này.

     Nhưng có lẽ nguồn thu lớn và ổn định nhất từ rừng với người dân Hà Giang hiện nay chính là khai thác các lâm sản ngoài gỗ thông qua trồng, khai thác dược liệu. Hà Giang hiện có khoảng 6.000 ha thảo quả và quy hoạch được 10.000 ha dược liệu cho thu nhập cả trăm triệu đồng/ha/năm. Vừa qua, tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Viện Dược liệu và Bộ Y tế công bố được dược chất 9 loại cây trên tổng số 29 loại cây dược liệu mà tỉnh xác định có tiềm năng, là tiền đề quan trọng hình thành nên các HTX dược liệu cũng như thu hút doanh nghiệp tới đầu tư.

 

Người dân Hà Giang giữ rừng để trồng, khai thác và kinh doanh dược liệu

 

     Tuy nhiên, việc phát triển cây thảo quả mang tính tự phát thời gian vừa qua cũng bộc lộ một số bất cập khi người dân ở một số nơi vì thiếu hiểu biết nên không có ý thức bảo vệ rừng. Do đó, thời gian tới Hà Giang sẽ không khuyến khích phát triển thêm diện tích thảo quả dưới tán rừng tự nhiên, thay vào đó sẽ xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến thảo quả bền vững để tập huấn, chuyển giao cho người dân để hạn chế ảnh hưởng tối đa đến rừng.

     Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của GS.TS Phạm Văn Điển, Hà Giang đã xây dựng thành công mô hình trồng cây thảo quả dưới tán rừng trồng cây tống quá sủ, mở ra hướng liên kết trồng rừng hiệu quả, bền vững.

     Một mặt kiên quyết giữ bằng được diện tích rừng tự nhiên hiện có để triển khai các mô hình du lịch sinh thái, chi trả dịch vụ môi trường rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ, tỉnh Hà Giang đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới ở khu vực rừng trồng, rừng kinh tế. Tỉnh Hà Giang đang triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nghề thủ công từ rừng, xây dựng hệ thống đường giao thông kết hợp đường băng vận chuyển nhằm thuận lợi cho việc khai thác gỗ hàng hóa sau này.

 

Quang Ngọc

Ý kiến của bạn