Banner trang chủ

Cần khuyến khích, huy động mọi nguồn lực từ xã hội và người dân vào việc phát triển năng lượng tái tạo

03/04/2017

     Mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo (NLTT), nhưng đến nay, việc đầu tư cho phát triển NLTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng. Nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận của nguồn NLTT thấp, cùng với đó là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, trình độ áp dụng công nghệ…

     Việt Nam được xem là quốc gia có tiềm năng lớn về NLTT từ thủy điện, gió, mặt trời, sinh khối… Theo TS. Nguyễn Thăng Long, Điều phối viên giữa Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Năng lượng, trong Dự án hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam, nguồn năng lượng gió ở nước ta có thể đạt công suất lắp đặt 24GW/năm, nguồn năng lượng mặt trời lên tới 130GW/năm. Sản xuất điện nhiệt có công suất tương đối nhỏ, nhưng hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu dân sinh. Nếu khai thác tối đa, Việt Nam sẽ chủ động được nguồn năng lượng trong nước, thoát khỏi việc bị phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

 

Nguồn nhiệt từ mặt trời là tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (Ảnh: Thái Hiền)

 

     Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển NLTT ở Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Cụ thể, năm 2016 tỷ phần NLTT so với hệ thống điện là 5%, chủ yếu vẫn là thủy điện nhỏ, chưa có năng lượng gió, mặt trời. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do công nghệ và giá thành đầu tư còn cao. Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Phòng NLTT, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3, các dự án NLTT đều cần nguồn vốn rất lớn, nếu không có sự hỗ trợ, các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc thu xếp vốn. Hơn nữa, do giá mua điện gió hiện nay theo đánh giá của nhà đầu tư là thấp, không đủ hỗ trợ cho phát triển, nên các nhà đầu tư vẫn đang chờ Chính phủ xem xét, hiệu chỉnh.

     Thực tế đầu tư một số dự án NLTT còn cho thấy nhiều vấn đề khác, hầu hết các thiết bị của dự án đều phải nhập khẩu. Song, chi phí cho việc nhập khẩu rất cao, ví dụ như nhập khẩu turbine gió của Mỹ, châu Âu thì riêng kinh phí vận chuyển đã chiếm 10 - 15% giá trị, làm cho giá thành đầu tư, giá năng lượng cao. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa tốt, một số dự án nhà đầu tư phải tự bỏ kinh phí ra làm đường vận chuyển thiết bị, dẫn đến đội giá thành đầu tư. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sửa đổi một số chính sách chưa hiệu quả, có ưu đãi đầu tư để đưa NLTT vào đời sống, đem đến lợi ích tốt nhất cho quốc gia và người dân.

     Đồng quan điểm, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và tái tạo (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương) cho rằng, mặc dù trong thời gian qua, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ phát triển NLTT, tuy nhiên, các nhà đầu tư đánh giá chính sách hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ và thấp so với các nước trên thế giới.

     Hiện tại, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ phần điện từ NLTT ở Việt Nam đạt 20%. Nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định cũng đặt ra yêu cầu các nhà đầu tư sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch phải có trách nhiệm phát triển NLTT. Đơn cử như cứ phát triển 1.000MW điện than thì phải có 30MW nguồn điện tái tạo, trên cơ sở có chế tài ràng buộc, yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư…

     Để phát triển NLTT, thời gian tới, Việt Nam cần khuyến khích, huy động mọi nguồn lực từ xã hội và người dân; đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn NLTT; từng bước gia tăng tỷ trọng nguồn NLTT trong sản xuất, tiêu thụ năng lượng quốc gia, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, BVMT và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 

Sơn Tùng

Ý kiến của bạn