Banner trang chủ

Đối thoại An ninh Năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ I

02/04/2018

     Ngày 30/3/2018, tại Hà Nội, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội phối hợp tổ chức Đối thoại An ninh Năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ I.

 

Toàn cảnh buổi Đối thoại

 

     Nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua với việc chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang một nền kinh tế sử dụng các dạng năng lượng tổng hợp và hiện đại. Tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) tính trên đầu người đã tăng 10 lần, từ 114 USD năm 1990, xấp xỉ 2400 USD vào năm 2015, đây là một dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập trung bình. Trong đó, dầu thô, than đá, khí, thủy điện và năng lượng phi thương mại là những nguồn năng lượng được khai thác trong nước. Những năm gần đây, tổng năng lượng khai thác có xu hướng ổn định, chủ yếu là do sản lượng khai thác các sản phẩm thương mại không có sự đột biến lớn về lượng. Với mức độ tăng cao về nhu cầu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng từ năm 2015.

     Năm 2015, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam là 70,6 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), trong đó, năng lượng thương mại chiếm 75,5% và năng lượng phi thương mại chiếm 24,5% trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp. Tỷ lệ năng lượng sinh khối phi thương mại trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp giảm đáng kể từ 44,2% năm 2000 xuống 16,9% vào năm 2015. Tỷ lệ sụt giảm là do năng lượng sinh khối phi thương mại đã dần được thay thế bởi các dạng năng lượng thương mại.

     Dự báo về nhu cầu năng lượng cho thấy, đến năng 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2015. Năng lượng cuối cùng có thể tăng từ 54 triệu TOE ở năm 2015 lên đến khoảng 90 triệu TOE ở năm 2025. Năng lượng cuối cùng có thể đạt mức 134,5 triệu TOE vào năm 2035. Trong giai đoạn 2016 - 2025, năng lượng cuối cùng tăng khoảng 5,1%/năm và có xu hướng giảm xuống mức 4,2%/năm ở giai đoạn 2026 - 2035 phù hợp với mức tăng dần của tăng trưởng GDP và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế…

     Tại buổi Đối thoại, Việt Nam và Hoa Kỳ trao đổi thông tin và chia sẻ quan điểm, tầm nhìn tại các phiên thảo luận về: An ninh cho các cơ sở hạ tầng năng lượng; Chiến lược đa dạng hóa các nguồn năng lượng; Các loại phí và giá năng lượng; Các hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ phát triển năng lượng tái tạo; Liên kết năng lượng trong khu vực và Thương mại năng lượng. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về các cơ hội để doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia tích cực hơn trong phát triển năng lượng tại Việt Nam.

     Trong khuôn khổ Đối thoại, các cuộc gặp cấp kỹ thuật cũng được tổ chức. Đây cũng là dịp để các chuyên gia và doanh nghiệp hai bên trao đổi thông tin về công nghệ tiên tiến và các kinh nghiệm thực tế có tính ứng dụng cao, có thể áp dụng cho các dự án năng lượng cụ thể tại Việt Nam.

 

Bảo Bình

Ý kiến của bạn