Banner trang chủ

Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường để phát triển nhanh, bền vững (*)

30/11/2023

    Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2023 diễn ra ngày 16/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Chính phủ trong thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế về bảo vệ môi trường, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tạp chí Môi trường xin lược trích những nội dung quan trọng trong bài phát biểu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2023

    Hiện nay, vấn đề môi trường, khí hậu luôn được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong các Chương trình nghị sự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được thể hiện rõ nét trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn năm 2023

    Triển khai những định hướng, chính sách lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước, nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và các đối tác trong và ngoài nước tổ chức “Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023” với chủ đề “Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” nhằm xác định lộ trình, thúc đẩy hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực song phương và đa phương từ các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiệu quả trong thời gian tới.

    Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 được tổ chức gần với thời điểm COP28 được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã truyền tải ý nghĩa sâu sắc thông điệp của Việt Nam đến cộng đồng quốc tế về những thách thức, nguy cơ và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Tăng cường sự tham gia của khối doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động giảm phát thải khí nhà kính (các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch trung hòa các-bon, chuyển đổi năng lượng…). Thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, đa phương, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế nhằm huy động hỗ trợ Việt Nam thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

  

Các nhà quản lý, chuyên gia, đối tác trong nước và quốc tế thảo luận về Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia

thực hiện kinh tế tuần hoàn và lộ trình triển khai tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn năm 2023

    Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và phát biểu tham luận của các vị đại biểu tại Phiên toàn thể của Diễn đàn. Đây là những ý kiến quý báu và là cơ sở quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn; có cơ chế khuyến khích và tạo cơ chế tài chính cho kinh tế tuần hoàn phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi cấu trúc quản lý, đổi mới, tiếp cận công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến để đóng góp vào tiến trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.

    Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương lồng ghép kinh tế tuần hoàn trong quá trình xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với Kế hoạch quốc gia và đặc điểm của ngành, lĩnh vực và địa phương. Trong quá trình thực hiện, thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin với Bộ Tài nguyên và Môi trường để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

    Cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và áp dụng các biện pháp để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải, nâng cao mức độ tái chế, tái sử dụng chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế đến giai đoạn sản xuất, phân phối sản phẩm, hàng hóa.

    Nhân dịp này, thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện các hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, tài nguyên. Trân trọng cảm ơn các Bộ, ban, ngành, địa phương, các đối tác, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động vì môi trường và khí hậu với nhiều sáng kiến rất thiết thực ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

    (*) Tiêu đề bài viết do Ban biên tập Tạp chí đặt

Đặng Quốc Khánh

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng,

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2023)

Ý kiến của bạn