Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 10/07/2025

Triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa Việt Nam lần thứ 6

09/07/2025

    Trong hai ngày 9-10/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) Việt Nam lần thứ 6. Trong khuôn khổ Hội thảo, các bên tham gia cũng đã tham vấn cho đoàn đàm phán Việt Nam, chuẩn bị cho phiên họp 5.2 của Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC 5.2) nhằm hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa. Đánh dấu 5 năm nỗ lực không ngừng của NPAP trong việc kết nối các bên liên quan nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, Hội thảo đã quy tụ hơn 90 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến, đại diện cho các cơ quan Chính phủ, đại sứ quán, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển trên khắp mạng lưới NPAP Việt Nam.

Ông Vũ Đức Đam Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại Hội thảo

   Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Đức Đam Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, kể từ khi thành lập vào năm 2020 trong khuôn khổ hợp tác giữa Diễn đàn Kinh tế giới (WEF) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam), NPAP Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một nền tảng đa chủ thể hiệu quả, quy tụ sự tham gia tích cực của hơn 200 tổ chức từ nhiều đơn vị, lĩnh vực: chính phủ, tư nhân, các nhà khoa học và các đối tác phát triển quốc tế. Mối quan hệ hợp tác này đã được củng cố thêm bằng Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa WEF và Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị COP28 vào năm 2023. Việc kết nối, trao đổi đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác đa chiều, góp phần đáng kể vào việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực giữa các bên liên quan, từ đó thúc đẩy các giải pháp toàn diện và bền vững cho vấn đề ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.

    "Nhờ những nỗ lực phối hợp đồng bộ và quyết liệt đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa và từng bước cải thiện hình ảnh quốc gia, đưa tên ra khỏi danh sách các quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu trên thế giới", ông Vũ Đức Đam Quang nhấn mạnh.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam, Phó Trưởng Nhóm công tác chia sẻ tại Hội thảo

    Chia sẻ thêm về nội dung này, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam, Phó Trưởng Nhóm công tác cho biết thêm, NPAP Việt Nam đã kết nối hơn 200 tổ chức và hỗ trợ trên 160 dự án giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Sáng kiến này cũng đã thúc đẩy hơn 570 giải pháp sáng tạo, huy động tổng vốn đầu tư hơn 1 triệu USD. Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ đã góp phần định hình và lồng ghép nguyên tắc bao trùm vào các chính sách quốc gia. Điều này tạo nền móng vững chắc để NPAP tiếp tục phát triển, là một nền tảng đối tác đa chủ thể bền vững và do Việt Nam làm chủ.

    Đối với vấn nội dung tái chế nhựa, bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, mặc dù ngành nhựa trong nước phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu đầu vào, nhưng sản phẩm nhựa lại được xuất khẩu gián tiếp thông qua nhiều lĩnh vực như dệt may, thủy sản, gạo, hạt tiêu, điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, điện tử, máy tính, linh kiện điện thoại… Điều này cho thấy vai trò quan trọng của ngành nhựa trong chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế, nhu cầu tiêu dùng nhựa tại Việt Nam đang rất lớn, song phần lớn vẫn dựa vào nguồn nhựa tái chế đã tích lũy từ những năm trước. Trong khi đó, cả nước có rất nhiều cơ sở tái chế nhựa đang hoạt động nhưng chưa được khai báo đầy đủ, khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong công tác kiểm soát. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành nghề và đơn vị liên quan cũng chưa được tạo điều kiện tiếp cận dữ liệu cần thiết nên hạn chế khả năng thống kê và đánh giá đúng thực trạng của ngành. Từ những vướng mắc trên, bà Huỳnh Thị Mỹ đề xuất cần có hệ thống dữ liệu thống kê quốc gia đầy đủ, đồng bộ liên quan đến nguyên liệu và phế liệu nhựa. Việc tiếp cận được nguồn dữ liệu chính xác không chỉ giúp ngành nhựa có cái nhìn toàn diện, mà còn là cơ sở để xây dựng chính sách phù hợp, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Bà Fanny Quertamp - Cố vấn GIZ lại cho rằng, thị trường tái chế nhựa tại Việt Nam đang vận hành trong một hệ sinh thái phức tạp và phân mảnh, chịu ảnh hưởng lớn từ các hoạt động không chính thức. Các động lực chính sách hiện nay như hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa, nghĩa vụ mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (EPR), Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, buộc ngành tái chế phải thích ứng nhanh chóng. Bà Fanny Quertamp đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của thị trường tái chế nhựa. Cụ thể, cần hợp lý hóa quy trình tìm nguồn cung ứng và giao dịch vật liệu tái chế, đảm bảo đáp ứng được xu hướng, nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Một trong những điểm nhấn là việc thiết lập một môi trường giao dịch số an toàn, đáng tin cậy với các tính năng như xác minh người dùng, phương thức thanh toán an toàn, công cụ giao tiếp trực tiếp, dịch vụ kiểm định chất lượng và cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng…

    Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ các phân tích chuyên sâu từ dòng vật liệu nhựa, kiểm toán rác thải nhựa đến việc tích hợp khu vực phi chính thức vào hệ thống quản lý chất thải rắn; từ đó cung cấp những thông tin thực tiễn quan trọng hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách và triển khai sáng kiến. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đánh giá các thành tựu, kết quả đạt được của NPAP trong 6 tháng đầu năm 2025; Kế hoạch hoạt động của NPAP trong 6 tháng cuối năm 2025; tham vấn phương án tham gia Hội nghị đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa…

Quang cảnh Hội thảo

    Trong khuôn khổ Hội thảo cũng đã diễn ra Lễ ra mắt Nhóm kỹ thuật chính sách. Tham gia Nhóm kỹ thuật gồm 15 thành viên đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, đối tác phát triển, doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu như các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Vụ Pháp chế, Cục Môi trường, Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Cục Biển và Hải đảo, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo); Văn phòng EPR Quốc gia; Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế); Coca Cola Việt Nam; Nestle Việt Nam; TOMRA; GRAC; Đại sứ quán Canada; Hiệp hội Nhựa Việt Nam; Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam (VWRA); Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam)… Nhóm kỹ thuật chính sách được thành lập nhằm thúc đẩy xây dựng và triển khai các chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn nhựa thông qua việc chia sẻ thông tin và các giải pháp phù hợp với bối cảnh của Việt Nam; Hỗ trợ tăng cường tính nhất quán trong việc sử dụng các số liệu và phương pháp thu thập dữ liệu, phục vụ cho việc theo dõi và đánh giá tiến độ chuyển đổi theo hướng tuần hoàn; Nghiên cứu và đề xuất các mô hình chính sách đã thành công trong bối cảnh tương tự như Việt Nam nhằm tăng cường tính hiệu quả của các sáng kiến tuần hoàn nhựa tại Việt Nam; Thúc đẩy việc kết nối và phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, giới học giả và các đối tác phát triển. Đây là nhóm kỹ thuật thứ ba của NPAP Việt Nam, bên cạnh 2 Nhóm kỹ thuật được thành lập năm 2023 là Nhóm kỹ thuật đổi mới sáng tạo và tài chính và Nhóm kỹ thuật bình đẳng giới và Bao trùm xã hội. Sự ra đời của Nhóm kỹ thuật về chính sách đánh dấu một bước tiến lớn trong việc củng cố nền tảng chính sách, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các sáng kiến về tuần hoàn nhựa một cách hiệu quả hơn.

    Tại phiên tiếp theo của Hội thảo là nội dung tham vấn về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, hướng tới phiên họp thứ hai của kỳ họp thứ năm của Ủy ban Đàm phán Liên chính phủ (INC 5.2), dự kiến diễn ra vào tháng 8/2025 tại Geneva, Thụy Sĩ.

   Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) tại Việt Nam, chủ trì bởi UNDP Việt Nam, là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được thiết lập dựa trên hợp tác chính thức giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho phép thực hiện hợp tác giữa chính phủ và các đối tác quan trọng khác để hiện thực hóa những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa. Trưởng Nhóm công tác của Chương trình là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng 33 đại diện cấp cao thuộc các cơ quan Chính phủ, đối tác phát triển, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp tích cực chống ô nhiễm nhựa. Các lĩnh vực tác động của NPAP bao gồm chuyển đổi hành vi, thúc đẩy đổi mới, khơi nguồn tài chính, cung cấp thông tin xây dựng chính sách, hài hòa hóa các số liệu, thúc đẩy bình đẳng giới và bao trùm xã hội trong chuỗi giá trị nhựa.

    Hội thảo Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP Việt Nam lần thứ 6 đánh dấu sự tiếp nối cho cam kết trong việc giải quyết những thách thức ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng thông qua trách nhiệm chung, huy động nguồn lực và các giải pháp chính sách. Kết quả làm việc trong 2 ngày Hội thảo đã khẳng định tầm quan trọng của sự tham gia tích cực, chủ động của các bên nhằm đảm bảo quá trình đàm phán thành công và hiệu quả cho Việt Nam tại INC-5.2. Nền tảng thường niên do NPAP tổ chức đóng vai trò là công cụ hỗ trợ các bên liên quan đa ngành củng cố chuyên môn, chia sẻ quan điểm và liên kết các biện pháp can thiệp để đạt được các mục tiêu quốc gia của Việt Nam, bao gồm giảm 75% rác thải nhựa trên biển vào năm 2030, loại bỏ nhựa dùng một lần ở các tỉnh ven biển và triển khai Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trên toàn quốc.

Trung Hiếu - Hương Mai

Ý kiến của bạn