Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 25/04/2025

Tăng cường kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam

24/04/2025

    Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia về kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam, ngày 24/4/2025, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Y tế, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng tổ chức hai phiên họp kỹ thuật với nội dung: Các biện pháp kiểm kê, kiểm soát nguồn ô nhiễm không khí và Mạng lưới quan trắc, cảnh báo, dự báo về ô nhiễm không khí nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thành công từ các quốc gia trên thế giới, từ đó áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam trong kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí.

    Tới dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành; Cục trưởng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức; Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalid; Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Angela Pratt và đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết, ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng môi trường không khí AQI tại các thành phố này thường xuyên ở mức trung bình và có chiều hướng kém, gia tăng ô nhiễm trong những giai đoạn gần đây, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại hai thành phố này thường vượt so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và vượt nhiều so với khuyến cáo của WHO. Tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ kéo dài theo mùa, mà còn lan rộng về mặt không gian, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: phát thải từ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; hoạt động xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị chưa được kiểm soát tốt; phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp; hoạt động đốt rơm rạ, chất thải và sinh khối ngoài trời…

Phó Cục trưởng Cục Môi trường Lê Hoài Nam trình bày báo cáo tham luận thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam,

nguyên nhân và đề xuất giải pháp

    Trước tình hình ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đầu mối là Cục Môi trường đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng nhiệm vụ, dự án kiểm kê phát thải tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá dữ liệu, xây dựng các mô hình hóa và kịch bản dự báo ô nhiễm không khí; thử nghiệm mô hình dự báo chất lượng không khí trong 48 giờ tại Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc. Bên cạnh đó, Bộ cũng hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí, với các mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2025 – 2030, với từng nhóm giải pháp như năng lượng, nguồn thải, giao thông, xây dựng. Bộ cũng đã chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNDP, ADB, Worldbank, UNEP, các tập đoàn và tổng công ty để triển khai các dự án thí điểm, phát triển mạng lưới trạm đo nhanh chất lượng không khí, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giao thông xanh và huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng không khí.

PGS. Shaojun Zhang công tác tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Trung Quốc chia sẻ

mô hình của Bắc Kinh trong kiểm soát ô nhiễm không khí tại nguồn

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo khoa học từ các đại diện của Trung Quốc, Thái Lan thuộc các trường đại học danh tiếng và tổ chức quốc tế với các nội dung: Bối cảnh thế giới, khu vực, tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe  và kinh tế - xã hội; kinh nghiệm của Bắc Kinh trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí tại nguồn; quản lý đa ngành chất lượng không khí, tập trung vào áp dụng các công cụ kỹ thuật (kiểm kê và quan trắc); các bài học kinh nghiệm trong quan trắc, cảnh báo, dự báo về ô nhiễm không khí trong khu vực; hệ thống quan trắc/giám sát chất lượng không khí cho quản lý chất lượng không khí hiệu quả; quản lý, công bố dữ liệu chất lượng không khí hướng tới xây dựng mô hình cảnh báo, dự báo… nhằm chia sẻ các dữ liệu, thông tin trong kiểm soát ô nhiễm không khí trên thế giới và gợi ý các giải pháp cho Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo

    Sau các báo cáo tham luận, các đại biểu đều khẳng định ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, vì vậy, việc xác định các nguồn phát thải, mức phát thải gây ô nhiễm không khí tại mỗi khu vực (đô thị, nông thôn) là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu cùng trao đổi các biện pháp kiểm kê, kiểm soát nguồn ô nhiễm không khí; xây dựng các mạng lưới quan trắc, cảnh báo, dự báo về ô nhiễm không khí. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất các khuyến nghị thích ứng với Việt Nam, phù hợp với điều kiện địa phương, nguồn lực và mức độ phát triển khác nhau.

Quang cảnh Hội thảo

    Tiếp nối thành công của hai phiên hội thảo kỹ thuật, ngày mai (tức ngày 25/4/2025) sẽ diễn ra phiên họp toàn thể Hội thảo khoa học quốc gia về kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam. Các thông tin trong chuỗi Hội thảo này sẽ là đầu vào quan trọng cho việc hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025 - 2030 và các đề xuất chính sách sắp tới.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn