Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 29/06/2024

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp

04/06/2024

    Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6), ngày 4/6/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Môi trường lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp”.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại Diễn đàn

    Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, đô thị hóa cùng với gia tăng dân số và phát triển kinh tế mạnh mẽ đang khiến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam gia tăng lên nhanh chóng, ước tính đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm qua. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2023, con số này đã tăng lên 67.877,34 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh 38.143,05 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 56,19%; khu vực nông thôn phát sinh 29.734,30 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 43,81%. Hiện tại, hệ thống quản lý chất thải rắn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do các nguyên nhân gồm: thiếu các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh; thiếu phương pháp xử lý chất thải rắn tiên tiến và phù hợp và nguồn lực phân bổ cho công tác quản lý chất thải rắn vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thúc đẩy xử lý chất thải rắn sinh hoạt hướng đến nền kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết.

TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và môi trường phát biểu tại Diễn đàn

    Theo TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và môi trường, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn, quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò của các địa phương, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và trách nhiệm của người dân là yếu tố đầu tiên trong việc BVMT hiệu quả. Khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để giá trị cũng là nguồn tài nguyên quý giá, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu lớn để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn vì chất thải rắn sinh hoạt có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác. Tạp chí Tài nguyên và môi trường mong muốn thông qua Diễn đàn này truyền thông chính sách tới doanh nghiệp, người dân về việc phân loại rác đầu nguồn và sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, giảm thiểu đồ nhựa dung một lần, góp phần giảm bớt phát thải gây ô nhiễm môi trường.

    Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hồ Kiên Trung cho biết, Luật BVMT năm 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải. Theo đó, coi chất thải là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất nếu đã được phân loại; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; thực hiện triệt để nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả tiền, người thải nhiều chất thải thì phải trả tiền nhiều. Sau hơn 2 năm kể từ khi Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực, để thúc đẩy quản lý chất thải rắn sinh hoạt và phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình, cá nhân, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động để xây dựng mô hình phân loại chất thải, hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đến nay, hệ thống pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt về cơ bản đã hoàn thiện, còn văn bản về định mức kinh tế, kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang được Bộ hoàn tất các thủ tục để ban hành trong tháng 6/2024, làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố xây dựng định mức kỹ thuật, giá dịch vụ cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

    Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Hồ Kiên Trung, việc thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương hiện nay còn gặp nhiều thách thức, khó có thể thực hiện sau ngày 31/12/2024 do hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại còn thiếu và không đồng bộ; thiếu cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế giá để thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; nhận thức và sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chậm, chưa quyết liệt… Do vậy, để các địa phương thực thi công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế từ chất thải sau phân loại cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ của 3 bên: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Quang cảnh Diễn đàn

    Đối với công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam, PGS. TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chia sẻ, trước áp lực tác động đến môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thi hóa, phát triển dân số dẫn đến phát sinh nhiều chất thải, trong đó chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, Luật BVMT năm 2020 đã đề ra yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Vì vậy, cần có biện pháp quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng phù hợp với điều kiện Việt Nam, đảm bảo tính tiên tiến, các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ, hiệu quả kinh tế và môi trường. Hiện xu thế hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt là tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ chất thải rắn sau phân loại. PGS. TS Đặng Kim Chi kiến nghị, cần đánh giá hiệu quả và tính bền vững của các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động đối với chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại theo yêu cầu của Luật BVMT năm 2020 theo hướng kinh tế tuần hoàn.

    Diễn đàn Môi trường lần thứ 3 năm 2024 cũng đã nhận được nhiều tham luận và các ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các Sở TN&MT (tham dự tại các điểm cầu theo hình thức trực tuyến) đến từ Việt Nam, Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra khuyến nghị đối với quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Một số Viện nghiên cứu, doanh nghiệp môi trường đã giới thiệu công nghệ hiện đại, giải pháp hiệu quả trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn sinh hoạt…

Mai Hương

Ý kiến của bạn