Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 06/07/2024

Lấy ý kiến đối với Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

25/04/2023

    Ngày 21/4/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến đối với Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Quang cảnh Hội thảo

    Quan trắc môi trường là hoạt động đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác BVMT, được thực hiện nhằm mục tiêu cung cấp các số liệu về hiện trạng chất lượng môi trường, đánh giá hoạt động xả thải ra môi trường góp phần giúp các cơ quan hữu quan thực hiện chức năng quản lý môi trường. Hiện nay, các quốc gia, khu vực trên thế giới đều quan tâm, chú trọng tới việc thiết lập các mạng lưới quan trắc môi trường nhằm đánh giá diễn biễn, đưa ra cảnh báo và xây dựng các phương án quản lý phù hợp. Tại Việt Nam, mạng lưới quan trắc môi trường đã được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước sau khi Luật BVMT đầu tiên ra đời năm 1993. Trong những năm vừa qua, hoạt động quan trắc môi trường luôn được Bộ TN&MT quan tâm chỉ đạo sát sao.

    Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức chia sẻ, để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường, Luật BVMT năm 2020 đã quy định đối với việc lập quy hoạch quốc gia riêng đối với lĩnh vực quan trắc môi trường. Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, tiếp nối các quy định trước đây tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.

    Để hướng xây dựng các nội dung Quy hoạch theo quy định, thông qua Hội thảo lấy ý kiến đối với Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận từ các Bộ/ngành, đơn vị quản lý tại địa phương để tiếp tục hoàn thiện nội dung quy hoạch trước khi tổ chức chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    Đại diện cho Ban soạn thảo, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho biết, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia nhằm xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia bao gồm chương trình quan trắc chất lượng môi trường tại các lưu vực sông và hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn tác động liên tỉnh, quan trắc môi trường xuyên biên giới để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh bảo môi trường phục vụ công tác quản lý và công khai thông tin tới cộng đồng. Tầm nhìn đến năm 2050 của Quy hoạch nhằm tăng cường đầu tư, hướng tới mở rộng các trạm quan trắc chất lượng không khí và chất lượng nước tự động, liên tục, hướng tới thay thế dần các điểm quan trắc chất lượng không khí định kỳ bằng các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục… Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, các mô hình xử lý thông tin có sử dụng trí tuệ nhân tạo cho hoạt động quản lý dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ cho hoạt động cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường. Phạm vi của Quy hoạch là hướng tới Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được giới hạn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam (bao gồm các vùng đất, vùng nước (vùng nước mặt lục địa và vùng nước biển), vùng trời, khoảng không, lòng đất thuộc chủ quyền của Việt Nam). Quy hoạch này không bao gồm các trạm quan trắc mang tính đặc thù, phục vụ riêng theo nhu cầu của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đồng thuận cao với đề cương Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Song theo Giám đốc Trung tâm Quan trắc TP. Hồ Chí Minh Mai Anh Tuấn, cần làm rõ căn cứ xác định số lượng trạm, quy mô dân số phù hợp với các nghiên cứu quốc tế, xác định rõ việc chia sẻ dữ liệu trong cả nước. Đại diện Sở TN&MT Cà Mau kiến nghị cần có hướng dẫn để xây dựng cho phù hợp…

    Kết luận Hội thảo, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức mong muốn, thời gian tới, các đại biểu tiếp tục bổ sung để hoàn thành xây dựng Quy hoạch. Trong đó, Quy hoạch phải đảm bảo mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được quy hoạch trên cơ sở kế thừa quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, có sự lồng ghép giữa các lĩnh vực, có tính kế thừa, tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có. Đồng thời, Quy hoạch cũng phải đảm bảo mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được quy hoạch phải đáp ứng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường đối với hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo quan trắc môi trường nền và môi trường tác động phục vụ việc quan trắc, cung cấp thông tin chất lượng môi trường nền và môi trường tác động tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới…

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn