Banner trang chủ

Hội thảo chuyên đề Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

10/08/2023

    Ngày 10/8/2023, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo chuyên đề Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW trong lĩnh vực BVMT. Hội thảo có sự tham dự của các Bộ, ngành, địa phương với 1 điểm cầu trực tiếp tại Hà Nội và 60 điểm cầu trực tuyến tại các địa phương với hơn 200 đại biểu tham dự, bao gồm các đồng chí đại diện cho một số Bộ, ngành ở Trung ương; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục BVMT, Phòng Quản lý Môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số trường đại học, viện, trung tâm và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã tới dự và chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 03/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ở nước ta vẫn tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng; đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khoẻ và đời sống nhân dân. Nghị quyết đã đề ra những quyết sách lớn trong BVMT, trở thành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề cập một cách toàn diện các quan điểm, chủ trương, chính sách đối với công tác BVMT. Quán triệt tinh thần của Nghị quyết, trong những năm qua, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước đến đẩy mạnh các nguồn lực cho công tác BVMT, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra tại Nghị Quyết trong lĩnh vực BVMT. Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về BVMT tại Nghị quyết số 24-NQ/TW; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đồng thời nhận diện rõ những nguy cơ, thách thức, xác định những nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về BVMT cho giai đoạn tới nói chung và tiến tới thực hiện thành công Nghị quyết số 24-NQ/TW nói riêng.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 1 báo cáo đề dẫn ngắn gọn; 2 báo cáo tham luận về quản lý chất thải rắn và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học nhằm làm rõ nội dung của báo cáo đề dẫn; 1 báo cáo của chuyên gia trình bày về các Quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về BVMT trong giai đoạn mới. Qua đó, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá cụ thể và khách quan những mặt được và chưa được trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu về BVMT tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, đề ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, góp phần chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.

Hình thành tư duy quản lý mới đối với các vấn đề môi trường

    Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với những cố gắng, nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ làm công tác BVMT trên cả nước, công tác BVMT nước ta đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, góp phần tích cực vào những thành tựu chung về phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, đưa nước ta hướng đến sự phát triển xanh và bền vững.

    Hệ thống chính sách, pháp luật, quy chuẩn về BVMT được hoàn thiện đồng bộ, tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật BVMT trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt là việc thông qua Luật BVMT với nhiều quy định mới, có tính đột phá. Nguồn lực cho BVMT đã có những chuyển biến tích cực góp phần quan trọng hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ công tác BVMT. Hình thành một phương thức và tư duy quản lý mới đối với các vấn đề môi trường, qua đó đã chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Công tác BVMT nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, nhiều vấn đề môi trường đã được quan tâm giải quyết. Áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường được kiểm soát tốt hơn; nhiều cơ sở, nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường được hạn chế, giảm thiểu; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý tăng; một số khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng đã từng bước được cải tạo, phục hồi. Xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, KCN, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường. Chất lượng môi trường ở một số nơi đã được cải thiện; điều kiện sống của người dân được nâng cao, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ của Nhân dân.

    Bên cạnh những thành công đạt được, việc triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW cũng còn một số tồn tại, hạn chế; một số nhiệm vụ, giải pháp chưa có nguồn lực đầu tư tương xứng để triển khai thực hiện nên một số chỉ tiêu môi trường chưa được như kỳ vọng của Nhân dân. Một số nơi, một số lúc, ở một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, vẫn còn tồn tại tư tưởng coi nhẹ, thậm chí bỏ qua lợi ích về môi trường trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn chưa được xử lý triệt để ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, khu công nghiệp, nông thôn và làng nghề; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn còn diễn biến phức tạp.

Quang cảnh Hội thảo

Môi trường là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững

    Để môi trường thực sự là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, trong thời gian tới Bộ TN&MT sẽ tập trung đề xuất những quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp về BVMT đảm bảo khả thi, phù hợp với xu thế, thực tiễn của địa phương và đất nước trong thời kỳ mới để đạt được những mục tiêu trọng tâm:

    Một là, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác BVMT, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; BVMT trở thành xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội; khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm BVMT.

    Hai là, giải pháp chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.

    Ba là, các giải pháp để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các lưu vực sông chính; thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải.

    Bốn là, nghiên cứu, đề xuất một số chương trình, nhiệm vụ trọng tâm về môi trường để giải quyết dứt điểm các vấn đề môi trường nóng, bức xúc hiện nay để có lộ trình thực hiện xong trong 5 - 10 năm tới, như: rác thải sinh hoạt; môi trường nước LVS; nước thải tập trung cho các đô thị; môi trường không khí tại các đô thị lớn...

    Năm là, tăng cường sự hợp tác quốc tế, đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng số trong giải quyết những vấn đề môi trường, đa dạng sinh học.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn