Banner trang chủ

Hầu hết các mục tiêu cụ thể về ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được, vượt mục tiêu đề ra

14/08/2023

    Đó là nhân định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tại Hội thảo chuyên đề Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về nội dung chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), diễn ra ở Hà Nội, ngày 11/8/2023.

Quang cảnh Hội thảo

    Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp. Nghị quyết đã đề ra những quyết sách lớn trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và BVMT ở nước ta, trong đó xác định ứng phó với BĐKH phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu; không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững.

    Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết đã được triển khai sâu rộng từ Trung ương đến địa phương, với sự tham gia thực hiện của các cấp ủy đảng các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng. Đảng bộ Chính phủ, các Bộ, ngành, các Tỉnh ủy, Thành ủy đều đã ban hành các chương trình hành động thực hiện; phần lớn các chủ trương, chính sách của Nghị quyết đã được thể chế hóa. Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả. Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết    số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/1/2021 về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW theo Kết luận số 56-KL/TW. Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã ban hành 98 kế hoạch/chương trình có liên quan đến thực hiện Nghị quyết; 63 tỉnh, thành phố đã có 311 chương trình/kế hoạch hành động thực hiện với 9.980 lớp học tập, quán triệt Nghị quyết cho 225.848 cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về ứng phó với BĐKH đã đề ra trong các tài liệu, văn kiện các kỳ đại hội Đảng, Nghị quyết số 24-NQ/TW và các nghị quyết của Bộ Chính trị được thể chế hóa trong quá trình xây dựng và ban hành Luật BVMT, Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành đã tạo lập được hành lang pháp lý bao quát, đầy đủ về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn và phát triển thị trường các-bon… góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp…

    Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với Ngành TN&MT. Đến nay, hầu hết các mục tiêu cụ thể về ứng phó với BĐKH đã đạt được, trong đó mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP vượt mục tiêu đề ra. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai được nâng lên rõ rệt và đạt trình độ hàng đầu Đông Nam Á. Bước đầu đã thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng người dân về chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, đặc biệt là tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển góp phần giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.

    Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm, thực chất và hiệu quả các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu. Từ 2013 đến nay, Việt Nam đã tham gia 11 Điều ước, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực BĐKH, tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030 so với năm 2020; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi đện than sang năng lượng sạch, tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Đóng góp do quốc gia quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH; thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)... Ngoài việc đạt được các mục tiêu chính nêu trên, nhiều nội dung quan trọng tại Nghị quyết cũng đã được tích cực triển khai mang lại hiệu quả thiết thực như: Thí điểm trên toàn quốc nhiều mô hình sinh kế cộng đồng thích ứng với BĐKH; Lồng ghép nội dung BĐKH vào hầu hết các chiến lược, quy hoạch quốc gia, ngành; Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, các chương trình KH&CN cấp quốc gia đã có đóng góp lớn trong nâng cao năng lực thích ứng BĐKH, cải thiện cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, xác định cơ sở khoa học cho các hoạt động ứng phó BĐKH trên quy mô cả nước.

    Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết được ban hành đến nay, bối cảnh thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi, BĐKH, ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên vẫn tiếp diễn. Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua với những ràng buộc mạnh mẽ hơn về ứng phó với BĐKH trên toàn thế giới. Các thành tựu của CMCN 4.0 và chuyển đổi số được ứng dụng trong quản lý tài nguyên và môi trường. Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 đang là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới. Ở trong nước, Đại hội XII, XIII của Đảng tiếp tục chủ trương phát triển nhanh và bền vững; tăng trưởng kinh tế phải gắn với công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn được lắng nghe những ý kiến, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và địa phương về nội dung tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về nội dung chủ động ứng phó với BĐKH.

    Chia sẻ về công tác nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo phục vụ phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, so với năm 2012, thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện với Luật Khí tượng thủy văn. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn. Hệ thống trạm quan trắc đến nay đã được củng cố, mở rộng, hiện đại hóa. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đạt tới trình độ hàng đầu Đông Nam Á, là cơ sở để Việt Nam trở thành Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm và cảnh báo lũ quét cho các nước Đông Nam Á. Mục tiêu đến năm 2030, lĩnh vực khí tượng thủy văn nỗ lực đạt đến trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.

    Nhận định về giảm phát thải khí nhà kính và những vấn đề đặt ra trong thời kỳ mới, GS.TSKH Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam cho rằng, với nền kinh tế có độ mở lớn như hiện nay, Việt Nam cần kịp thời nắm bắt và thích ứng, coi đây là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng cả ở cấp độ quốc gia và doanh nghiệp. GS.TS Trần Thục cũng kiến nghị, việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW cần đề xuất mục tiêu, quan điểm, định hướng hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới, bảo đảm năng lực thích ứng với các tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư quốc tế; thể chế hóa Nghị quyết của Đảng thành pháp luật. 

    Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo về thích ứng BĐKH và phòng chống thiên tai trong thời kỳ mới. Đại diện các tổ chức quốc tế UNDP, GFANZ… chia sẻ về chính sách quốc tế trong lĩnh vực BĐKH và chuyển đổi năng lượng; tài chính khí hậu trong bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh Yên Bái, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau báo cáo về nội dung chủ động ứng phó BĐKH trên địa bàn, đề xuất giải pháp thực hiện…

    Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp hết sức trách nhiệm của các đại biểu trong việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về nội dung chủ động ứng phó với BĐKH, đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới. Thứ trưởng cũng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, địa phương tiếp tục góp ý về nội dung này để Bộ TN&MT tổng hợp và tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trong thời gian tới.

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn