Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 06/07/2024

Giáo dục phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

08/08/2023

    Nhằm góp phần triển khai thực thi các quy định của Luật BVMT năm 2020, ngày 8/8/2023, tại Ninh Bình, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Tổ chức Hanns Seidel Foundation - Cộng hòa Liên bang Đức (HSF) tổ chức Hội thảo tập huấn “Giáo dục phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Luật BVMT năm 2020” cho đội ngũ giáo viên, các nhà quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

    Tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh và lối sống tiêu dùng kém bền vững ở Việt Nam đã làm gia tăng phát sinh chất thải rắn. Giai đoạn 2016 - 2021, ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16 % mỗi năm. Năm 2022, theo số liệu tổng hợp từ 48/63 tỉnh thành của nước ta, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày. Trong khi đó, ở khu vực thành thị, vẫn còn khoảng 5 - 10% chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom, và ở các vùng nông thôn, tỷ lệ này khoảng 30 - 45%. Riêng tại tỉnh Ninh Bình, đến năm 2022, tỷ lệ chất thải được thu gom tại đô thị là 91,8% và tại nông thôn là 83,65%, cao hơn nhiều so với trung bình cả nước, tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nơi đây vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Michael Siegner, Trưởng Đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để BVMT. Để hành động này trở thành thói quen, Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV ngày 17/11/2020, với 16 Chương, 171 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 đã đưa ra những quy định mang tính đột phá, đề ra lộ trình và huy động các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng toàn thể nhân dân triển khai hiệu quả công tác này.

    Theo Luật BVMT năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 3 loại gồm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác; việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt bắt buộc thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại phải chứa, đựng vào các bao bì để chuyển giao như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt... Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

Các đại biểu thảo luận nhóm

    Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Hội thảo được tổ chức thí điểm tại Ninh Bình, với mong muốn giúp giáo viên tiểu học và các nhà giáo dục ở địa phương có được những hiểu biết cơ bản về phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định mới của Luật BVMT năm 2020, cách thức giáo dục phân loại chất thải rắn sinh hoạt cho học sinh tiểu học thông qua các video chuẩn SCORM, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân và học sinh về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và đảm bảo hành động phù hợp để tuân thủ Luật BVMT năm 2020 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, Hội thảo cũng là căn cứ thực tiễn để hoàn thiện tài liệu giáo dục về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu được lắng nghe các chuyên gia từ đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyên gia đào tạo trực tuyến, chuyên gia về lĩnh vực chất thải rắn trình bày về chất thải rắn sinh hoạt và tầm quan trọng của việc phân loại; hướng dẫn sử dụng hệ thống học tập trực tuyến (LMS); hướng dẫn giảng dạy về phân loại chất thải rắn sinh hoạt cho học sinh tiểu học thông qua video SCORM - phương tiện học trực tuyến được thiết kế phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học Việt Nam, trong đó các tài liệu và video tương tác có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, giúp các kiến thức được truyền tải trở nên trực quan sinh động, tạo hứng thú cho các em học sinh. Đồng thời, được trải nghiệm, thảo luận nhóm một số nội dung về phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Luật BVMT năm 2020 dưới dạng SCORM…

Hương Mai

Ý kiến của bạn