Banner trang chủ

Đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển OECM tại việt Nam

18/12/2023

    Ngày 15/12/2023, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tổ chức Hội thảo “Đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển OECM tại việt Nam”.

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học TS. Nguyễn Văn Tài cho biết, Công ước Đa dạng sinh học (CBD) đã đặt ra Mục tiêu Achi 11 xác định: “Đến năm 2020, ít nhất 17% diện tích trên cạn, vùng nước nội địa và 10% các vùng biển, ven biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, được bảo tồn thông qua hệ thống quản lý hiệu quả và công bằng, đại diện cho các hệ sinh thái, liên kết trong hệ thống các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn khu vực có hiệu quả khác, được lồng ghép kết nối với các cảnh quan trên cạn và trên biển rộng lớn hơn”. Để đạt được mục tiêu này, CBD khuyến nghị các quốc gia thành viên thực hiện OECM, một trong các giải pháp để tăng hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học nội vi, bảo tồn các giá trị của thiên nhiên. Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực đạt được một số mục tiêu quốc gia về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, nhưng với vai trò là quốc gia thành viên của CBD, Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều để đạt được Muc tiêu Achi 11. Trong khi đó, áp lực phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao là rào cản khiến Việt Nam khó đạt được mục tiêu, việc mở rộng hệ thống khu bảo tồn rất khó thực hiện được. Vì vậy, OECM chính là giải pháp hiệu quả cho Việt Nam. Do đó, TS. Nguyễn Văn Tài mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo chia sẻ, đóng góp ý kiến về tiềm năng, các quy định pháp lý liên quan đến OECM để thực hiện hiệu quả OECM tại Việt Nam.

    Chia sẻ về tiềm năng và định hướng của Việt Nam trong thực hiện OECM nhằm đạt mục tiêu 30x30 (Sáng kiến 30x30, tức 30% diện tích đại dương được bảo vệ và năm 2030), TS. Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho biết thêm, theo tiêu chí của IUCN/CBD, OECM gồm: Khu vực hiện chưa được công nhận là khu bảo vệ; Khu vực được quản trị và quản lý; Đóng góp bền vững và đạt được hiệu quả lâu dài về bảo tồn đa dạng sinh học và đóng góp được cho bảo tồn tại chỗ; Vùng có chức năng sinh thái liên kết, có các giá trị dịch vụ, văn hóa, tinh thần, kinh tế - xã hội cho địa phương. Dựa trên các tiêu chí sàng lọc trên, danh mục các OECM tiềm năng ở Việt Nam được đề xuất gồm: Danh mục các khu rừng đặc dụng tiềm năng là OECM; Danh mục các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiềm năng trở thành OECM; Danh mục các hành lang đa dạng sinh học tiềm năng trở thành OECM; Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng tiềm năng trở thành OECM; Danh mục các vùng đệm các khu bảo tồn biển, ven biển đã thành lập trở thành OECM; Danh sách các cơ sở bảo tồn đã được thành lập (đối với các cơ sở bảo tồn nguyên vị). Chính phủ Việt Nam đã cam kết ủng hộ mục tiêu 30x30 tại COP15-CBD và thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên Công ước. Nhằm góp phần đạt được mục tiêu 30x30, Việt Nam đang thúc đẩy triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và các hoạt động thực hiện mục tiêu GBF liên quan đến OECM; Thể chế hóa các tiêu chí, quy trình xác định và hướng dẫn xác lập, quản lý các khu vực bảo vệ hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn; Điều tra tổng thể, đánh giá và xác định các loại hình OECM và Danh mục các OECM tiềm năng trên phạm vi cả nước…

    Tại Hội thảo, các đại biểu được các chuyên gia chia sẻ cách tiếp cận toàn diện về OECM, đảm bảo sự tham gia chủ động từ cấp cơ sở và cộng đồng; Kinh nghiệm thực hiện OECM ở một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam; Bài học thực tiễn về thực hiện OECM ở cấp khu vực và quốc tế. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số nội dung: Danh mục, bộ tiêu chí và công cụ đánh giá OECM tại Việt Nam; Tiếp cận toàn diện về OECM; Kế hoạch thực hiện OECM…

    Theo IUCN-WCPA Task Force on OECMs, 2019, biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác (OECM) được hiểu là “Một khu vực địa lý được xác định không phải là khu bảo tồn, được quản trị và quản lý theo những cách thức giúp đạt được các kết quả tích cực và bền vững về mặt bảo tồn nội vi đa dạng sinh học cùng với các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái đi cùng và trong một số trường hợp, giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, tinh thần, kinh tế - xã hội và các giá trị địa phương khác”. Do vậy, các OECM là một cơ hội vừa để công nhận và đóng góp cho việc bảo tồn tính đa dạng sinh học bên ngoài các khu bảo tồn và cũng tạo động lực cho việc bảo tồn bên ngoài các khu bảo tồn thông qua việc xác định, hỗ trợ các OECM (IUCN, 2020).

Hương Mai

Ý kiến của bạn