Banner trang chủ

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về điều chỉnh cam kết quốc gia tự quyết định từ thực hiện các sáng kiến phục hồi xanh

23/05/2024

    Từ ngày 22 - 24/5/2024, tại TP. Huế, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về điều chỉnh cam kết quốc gia tự quyết định (NDC) từ thực hiện các sáng kiến phục hồi xanh, thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia đến từ Benin, Albania, Ecuador, Jordan và Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh phát biểu tại Hội thảo

    Thế giới đang phải đối mặt với thách thức kép giữa phục hồi sau đại dịch Covid-19 đồng thời giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Do đó, điều chỉnh các Cam kết quốc gia tự quyết định (NDC) trong mối liên kết với các chiến lược phục hồi xanh được đánh giá là giải pháp phù hợp để đảm bảo phát triển bền vững. Nhận thức được điều này, UNDP đã khởi xướng một Dự án phục hồi xanh hỗ trợ thí điểm cho 5 quốc gia gồm Benin, Albania, Ecuador, Jordan và Việt Nam. Hội thảo lần này được tổ chức nhằm chia sẻ những hiểu biết và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia thí điểm việc điều chỉnh NDC dựa trên kết quả thực hiện các sáng kiến phục hồi xanh; xác định các thực hành tốt nhất và thách thức để cập nhật NDC dựa trên nỗ lực phục hồi kinh tế bền vững; xác định các cơ hội áp dụng các bài học kinh nghiệm vào quá trình xây dựng chương trình và hoạch định chính sách trong tương lai, nhất là trong quá trình điều chỉnh NDC 2025. Đồng thời, hướng tới thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ xây dựng mạng lưới để trao đổi kiến thức liên tục và học hỏi lẫn nhau.

Quang cảnh Hội thảo

    Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh cho biết, với sự hợp tác, hỗ trợ của UNDP, Thừa Thiên - Huế đã đạt được những kết quả tích cực trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải. Một số dự án có thể kể đến như thí điểm “Hỗ trợ cung cấp vốn cho vay ưu đãi cá nhân mua sắm phương tiện xe điện” cho người dân tại tỉnh Thừa - Thiên Huế; triển khai 6 xe tải điện thí điểm thu gom rác thải tại TP. Huế do UNDP tài trợ; nghiên cứu thử nghiệm chính sách về giao vận xanh đối với nhân viên giao hàng bằng xe máy tại TP. Huế; lắp đặt 4 hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời cho các trạm sạc xe điện… Bên cạnh đó, với mục tiêu cải thiện môi trường giao thông, đảm bảo người dân và du khách di chuyển an toàn, thoải mái và thuận lợi bằng xe đạp, TP. Huế tái khởi động hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng tại khu vực trung tâm thành phố và đặt mục tiêu từ tháng 9/2024 sẽ vận hành khoảng 1.000 xe đạp tại 30 trạm xe. Để thực hiện được các nội dung thúc đẩy phục hồi xanh tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh mong muốn được học hỏi những mô hình giao thông điện của các nước trên thế giới, những định hướng và mục tiêu của Chính phủ cũng như các mô hình thí điểm triển khai tại Việt Nam để có thể học tập và triển khai tại Thừa Thiên - Huế nhằm xây dựng TP. Huế trở thành đô thị xanh, đô thị sinh thái và hướng đến Net zero theo cam kết COP26.

    Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Benin, Albania, Ecuador, Jordan và Việt Nam đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các sáng kiến thí điểm phục hồi xanh tại quốc gia cũng như đưa ra kiến nghị đối với các chương trình hỗ trợ phát triển trong tương lai.

Quang cảnh Phiên thảo luận chuyên sâu

    Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã tham quan dàn xe điện được hỗ trợ mua thông qua Chương trình thúc đẩy giao thông bằng điện nhằm phát triển giao thông xanh tại TP. Huế của UNDP; hệ thống trạm pin năng lượng mặt trời và xe điện chở rác của Công ty HEPCO do Chính phủ Nhật Bản và UNDP tài trợ; mô hình trạm sạc đổi pin của shipper (Công ty Selex Motor); hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng tại TP. Huế.

Xe điện chở rác của Công ty HEPCO do Chính phủ Nhật Bản và UNDP tài trợ đang được triển khai thí điểm tại TP. Huế

Mai Hương

Ý kiến của bạn