Banner trang chủ

Các hoạt động tiêu chuẩn hóa liên quan đến hệ thống sạc và pin xe điện

28/09/2023

    Từ ngày 27 - 28/9/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo về các hoạt động tiêu chuẩn hóa liên quan đến hệ thống sạc và pin xe điện.

Quang cảnh Hội thảo

    Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo rằng, Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040. Doanh số tiêu thụ xe máy điện tại Việt Nam đã tăng khoảng 30% - 35% trong những năm gần đây, đưa Việt Nam trở thành thị trường xe máy điện lớn nhất khu vực ASEAN và lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Dù hiện tại, xe điện nói chung và ô tô điện nói riêng mới chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ tại Việt Nam, song trước xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới cùng với cam kết về mức phát thải ròng khí nhà kinh bằng “0” vào năm 2050, việc chuyển sang sử dụng xe điện thay cho xe chạy bằng xăng đã trở thành một hướng đi tất yếu mà Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển phương tiện giao thông phát thải thấp hoặc không phát thải. Tại Khoản 7, Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải; lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường. Ngày 11/01/2022, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, trong đó điều chỉnh giảm thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô điện xuống còn 1 - 3% (áp dụng từ ngày 01/3/2022 - 28/02/2027) và 4 - 11% (áp dụng từ ngày 01/3/2027). Tương tự với ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cũng phải đáp ứng yêu cầu về sản lượng tối thiểu là 250 chiếc/năm, áp dụng đối với xe chở người từ 9 chỗ trở xuống, xe tải, xe minibus; xe buýt/xe khách. Đến ngày 15/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ là 0% đối với ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu trong 3 năm kể từ ngày 1/3/2022. Trong 2 năm tiếp theo, mức thu này sẽ bằng 50% so với mức thu của các loại xe xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Với xe đăng ký từ lần thứ 2 trở đi, mức lệ phí trước bạ phải nộp được thống nhất trên toàn quốc là 2%, áp dụng chung cho cả xe điện và xe dùng động cơ đốt trong… Có thể thấy, những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam đã bước đầu được xây dựng, triển khai, dựa trên hệ thống những quy định, chính sách sẵn có dành cho xe dùng động cơ đốt trong. Đặc biệt, với những ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ, người tiêu dùng giảm được một khoản chi phí khá lớn khi mua xe ô tô điện. Đối với nhà sản xuất, các ưu đãi thuế khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin.

    Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn đối với việc phát triển xe điện vào thời điểm hiện tại là vấn đề về cơ sở hạ tầng thiết bị dịch vụ (như trạm sạc) và vấn đề quản lý chất thải từ pin thải (tái chế, tái sử dụng, thải bỏ). Tại Việt Nam hiện nay, hạ tầng trạm sạc chưa phát triển. Hầu hết các trạm sạc đã được lắp đặt là của VinFast. Song song với việc phát triển phương tiện, tính đến tháng 10/2022, VinFast cũng phát triển trạm sạc trên 63 tỉnh/thành với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

    Báo cáo về hoạt động tiêu chuẩn hóa và lộ trình cho ngành xe điện chạy bằng pin tại Việt Nam, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng cho biết thêm, hiện các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho môtô, xe máy khoảng 102 tiêu chuẩn và xe đạp 18 tiêu chuẩn. Trong các TCVN trên thì có 39 TCVN áp dụng cho xe điện (TCVN 12774:2020/ISO18243:2017: Xe máy và môtô điện - Đặc tính kỹ thuật thử nghiệm và yêu cầu về an toàn đối với hệ thống ắc quy lithi-ion; TCVN 5929:2005: Môtô, xe máy - Yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử; TCVN 7748:2004: Xe đạp điện - Yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử; TCVN 7450:2004: Động cơ điện một chiều dùng cho xe đạp điện - Yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử…).

    Tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội Tu nghiệp kỹ thuật hải ngoại Nhật Bản (AOTS) đã chia sẻ những nỗ lực của Nhật Bản cho việc phát triển tiêu chuẩn cho ngành ô tô; Tổng quan về hoạt động ISO/IEC của Viện Nghiên cứu phương tiện ô tô Nhật Bản (JARI) trong phát triển tiêu chuẩn xe điện; Chương trình chứng nhận của Nhật Bản cho pin EV, bộ sạc EV, hệ thống trao đổi pin…

    Đa số đại biểu tham dự Hội thảo tin tưởng xe điện sẽ là phương tiện của tương lai, giúp giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, một số đại biểu nhận định, tiêu chuẩn là tiền đề rất quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại để hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ hơn với quốc tế và khu vực. Trước sự phát triển của xe điện ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi phải có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ, hài hòa với các hệ thống tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới, phục vụ kịp thời nhu cầu của các nhà sản xuất, nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng,… Do vậy, trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện đối với hệ thống sạc nhanh; Yêu cầu về an toàn khi vận chuyển, thay thế pin/ắc quy của xe điện; Thuật ngữ và phân loại các mức độ của xe tự lái; Yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu an toàn đối với xe tự lái; Yêu cầu về kỹ thuật và yêu cầu về thử nghiệm đối với hệ thống điều khiển trong quá trình vận hành; Yêu cầu về tái chế đối với ắc quy, pin sau một thời gian sử dụng; Yêu cầu và đặc tính của thiết bị nạp tự động; Phương pháp thử nghiệm để đánh giá hiệu năng của hệ thống phanh tái sinh…

Hương Mai

 

Ý kiến của bạn