Banner trang chủ

Xây dựng văn hóa ứng xử của người Việt Nam với chất thải rắn sinh hoạt

28/12/2023

    Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành "Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải rắn sinh hoạt" là một bước trong quá trình cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Việc phân loại chất thải rắn trong sinh hoạt ngay tại từng tổ chức, cơ sở, cơ quan, đơn vị, gia đình... là trách nhiệm và là việc làm rất cần thiết, cấp bách, góp phần đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống ngay từ cơ sở, từ "tế bào xã hội", giữ cho xã hội lành mạnh, văn minh. Tuy nhiên, về lâu dài và bền vững, cần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong ứng xử thân thiện với môi trường, xây dựng văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên, trong đó có ứng xử với chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) mà con người thải ra hằng ngày. Điều mang tính quyết định là phải xây dựng văn hóa làm nền tảng trong đó xây dựng đạo đức môi trường làm căn cốt. Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp có nhiều truyền thống tốt đẹp, kinh nghiệm quý trong xử lý chất thải. Dân tộc ta từ sơ khai đã là dân tộc văn hiến, với nền văn minh lúa nước có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh những hàng hóa thân thiện với môi trường cũng như xử lý chất thải sinh hoạt, sống hòa hợp với thiên nhiên, môi trường. Do vậy, trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần quan tâm xây dựng nếp văn hóa từ những việc tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại vô cùng quan trọng. Đó là xử lý chính cái mà con người từng làm ra và bỏ đi. Văn hóa ứng xử với chất thải, trong mỗi cộng đồng, mỗi cơ quan, đơn vị, trong từng gia đình và trong mỗi con người phải trở thành nếp sống tự giác hằng ngày. Trong bài viết, tác giả đưa ra một số cơ sở lý luận, thực tiễn về văn hóa ứng xử với môi trường nói chung và với CTRSH nói riêng đề xuất một số nội dung, giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử của con người Việt Nam với chất thải sinh hoạt trong tình hình hiện nay.

    ​1. Đặt vấn đề

    Phân loại rác thải rắn sinh hoạt là thao tác kỹ thuật trong quá trình xử lý chất thải rắn do con người thải ra hoặc bỏ đi. Về thực chất, đây là thể hiện cách hành động của con người ứng xử với môi trường nói chung và với chất thải nói riêng. Việc làm nhở này lại phụ thuộc phần lớn vào ý thức tự giác của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân con người, nó biểu hiện của trình độ văn hóa của họ. Có định nghĩa về văn hóa liên quan trực tiếp đến việc con người đó, cộng đồng người đó hành xử với những chất thải của như thế nào. Đó là, văn hóa là trình độ người của mỗi một con người, là trình độ người của mỗi một dân tộc. Con người nói trong định nghĩa này là CON NGƯỜI theo ý nghĩa là biểu hiện của cái CHÂN, cái THIỆN, cái MỸ, những giá trị mà loài người tiến bộ luôn luôn vươn tới.

    Trong phạm vi rộng, văn hóa thường đi liền với văn minh và do đó, con người văn minh hay xã hội văn minh phải là con người, xã hội có văn hóa. Trình độ văn minh của xã hội tuỳ thuộc ở trình độ văn hóa của mỗi cộng đồng, của mỗi con người. Đất nước Việt Nam chúng ta đang ra sức xây dựng một xã hội "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Việc Đảng, Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến công tác BVMT, bảo đảm phát triển bền vững chính là đang từng bước phấn đấu trở để nước ta trở thành xã hội văn minh. Một trong những biểu hiện của một đất nước, một thành phố hay một vùng nông thôn văn minh có nghĩa là ở những nơi đó chất thải được thường xuyên thu dọn sạch sẽ, gọn gàng, không bị vứt bừa bãi, cộng đồng dân cư, mọi lứa tuổi, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều rất có ý thức BVMT sống, trong đó hành động cụ thể nhất là không xả chất thải sinh hoạt ra nơi công cộng mà cẩn thận đưa vào đúng nơi quy định. Nhìn vào một hành động nhỏ ấy, người ta có thế đánh giá được những con người đó là "người có văn hóa", một cộng đồng có văn hóa và suy ra một dân tộc có văn hóa cho dù không biết trình độ học vấn của một số người có thể không cao.

    Với phương pháp luận và cách đặt vấn đề như trên, công tác BVMT nói chung và giải quyết vấn đề rác thải rắn sinh hoạt nói riêng, bên cạnh những nội dung, giải pháp có tính bắt buộc, cấp thiết theo các quy định có tính pháp quy thì thì về cơ bản, lâu dài, bền vững phải là những giải pháp mang văn hóa mà trọng tâm là xây dựng xã hội, con người có văn hóa, trong đó có đạo đức môi trường, cách ứng xử của con người chúng ta đối với CTRSH, là sản phẩm do chính con người chúng ta tạo ra.

    Dân tộc Việt Nam từ rất lâu đã là dân tộc văn hiến với nền sản xuất nông nghiệp mà văn minh lúa nước đóng vai trò chủ đạo, chi phối đời sống người dân. Nền sản xuất nông nghiệp, văn minh lúa nước tạo ra cho con người nếp sống, lối sống, thói quen, đã làm ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, xây dựng, hình thành nếp sống, lối sống hòa hợp với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Con người được coi là một sản phẩm của tự nhiên, gắn bó với tự nhiên, sống chết đều phụ thuộc vào tự nhiên. Trong quá trình xây dựng, phát triển sản xuất, kinh doanh, sinh sống hằng ngày, dân tộc Việt Nam đã tích luỹ, đúc kết được nhiều kinh nghiệm, trong đó tạo ra cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, kể cả việc tận dụng chất thải phục vụ đời sống của mình. Đây là những giá trị, truyền thống rất tốt đẹp cần được phục hồi, duy trì và phát huy. 

    Trong những năm qua, nhất là từ khi đất nước ta chúng ta bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chạy theo sản xuất cho nhiều hàng hóa thì nhiều truyền thống tốt đẹp, thói quen BVMT trong sản xuất, kinh doanh, lối sống, phép ứng xử thân thiện với môi trường, sống hòa hợp với thiên nhiên... bị phá vỡ hoặc bị lãng quên. Vì chạy theo kinh tế thị trường mà văn hóa nhiều nơi, nhiều lúc bị lãng quên, thậm chí cái nền tảng này bị "bật gốc", nhiều giá trị truyền thống, đức tính, phẩm chất, lối sống tốt đẹp của con người bị đảo lộn, cái CHÂN, cái THIỆN, cái MỸ bị xâm phạm, thậm chí chà đạp mà không được bảo vệ. Tất cả những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường cộng với những thói hư, tật xấu, khuyết tật của chế độ phong kiến, nền sản xuất tiểu nông... đã gây ra những ảnh hưởng xấu, thậm chí là gây nên tội ác đối với xã hội, trong đó có môi trường sinh thái, môi trường nhân văn. Vấn đề nổi cộm, bức xúc hiện nay là vấn nạn đồ nhựa dùng một lần, trong đó có túi ni-lông phổ biến, tràn ngập khắp đường làng, ngõ xóm, thành thị đến miền núi, nhất là biển đảo, chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Chất thải sinh hoạt nói chung, CTRSH nói riêng, vấn nạn túi ni lông, đã và đang trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội, đất nước ta hiện nay, trong khi chúng ta đang cố gắng phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh.

    Chính vì vậy, xây dựng văn hóa ứng xử với môi trường nói chung và với CTRSH nói riêng là một trong những biểu hiện của một nếp sống, một nét văn hóa đẹp cần xây dựng trong cả quá trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng tới cái CHÂN, cái THIỆN, cái MỸ.

    2. Cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng văn hóa môi trường, ứng xử với chất thải rắn sinh hoạt

    Đây là một vấn đề lớn liên quan đến lịch sử, văn hóa dân tộc cả hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Dưới góc độ BVMT chỉ có thế đi vào một số khía cạnh nhỏ, mang tính vắn tắt và khái quát.

    2.1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của triết lý môi trường của dân tộc Việt Nam

    Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, thuận tiện cho việc nuôi trồng thực vật, chăn nuôi gia cầm, phát triển động vật xứ nhiệt đới. Nắng lắm, mưa nhiều ("Sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa") là điều kiện rất thuận tiện cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng cây, con, nhưng cũng khó khăn cho việc bảo quản nông sản, thực phẩm, dễ bị ẩm mốc, thiu thối. Dân tộc Việt Nam cũng thường xuyên bị giặc ngoại xâm xâm lấn đe dọa, đô hộ, cho nên từ xa xưa đã có truyền thống toàn dân đánh giặc, "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Mà muốn đánh thắng giặc thì phải có lương thực nuôi quân, thành ra mới có câu "Nhất sĩ nhì nông/Hết gạo chạy rông/ Nhất nông nhì sĩ). Chính vì vậy, Việt Nam từ sơ khai, đến khi các triều đại phong kiến mở mang bờ cõi, "khai khẩn đất hoang" thì nước ta hàng nghìn năm qua đã và đang và sẽ mãi là một nước nông nghiệp với nền văn minh lúa nước làm nòng cốt, chủ đạo.

    Trong hoàn cảnh, điều kiện đó, hình thành nên triết lý môi trường trong truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vì sống dựa hẳn vào thiên nhiên, cây trồng, vật nuôi, cho nên người Việt từ xa xưa đã có triết lý môi trường rất khoa học, tiến bộ. Người xưa coi CON NGƯỜI và MÔI TRƯỜNG là tiền đề của vũ trụ. Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thì "Bốn phương và trên dưới là Vũ; Xưa qua nay lại là Trụ; không gian và thời gian là Thế giới. Và như vậy, quan niệm "vũ trụ", "không gian, thời gian" (liên tục) thì con người là một vũ trụ nhỏ luôn luôn là một thống nhất, hòa với thế giới vĩ mô và thế giới vi mô. Đúng như định nghĩa sau này của Các-Mác: "Con người trong bản chất của nó, là tổng hòa các mối quan hệ xã hội". Đây cũng là triết lý môi trường hiện đại.

    Do hoàn cảnh địa lý, lịch sử đấu tranh và suốt quá trình lao động sản xuất, đã hình thành nên triết lý sống, thế ứng xử của người Việt Nam. Đó là: Sống với cộng với tình cảm cộng đồng, tức là cộng cảm cả với đồng loại, cả với thế giới xung quanh. Con người hòa điệu với Thiên nhiên và hài hòa với xã hội, tạo nên những giá trị: Khoan hòa - Khoan dung - Khoan nhượng - Khoan thứ - Ứng biến, ứng xử có tình có lý với vạn vật xung quanh. Chính vì vậy, đối với các hiện tượng, sản vật tự nhiên thì: Sùng bái các lực lượng, hiện tượng tự nhiên; coi các sản vật tự nhiêu sẵn có và do con người làm ra đều có đời sống riêng của mó. Các sản vật thiên nhiên đầu đều có phần xác và "phần hồn", cho nên các dân tộc Việt Nam đều tô tem thờ thần, trong đó có thần đất, thần nước, thần núi, thần sông, thần cây, thần con, "Thần cây đa, ma cây gạo". Điều này lý giải hiện nay nhiều con đường thẳng tắp, khi gặp cây đa, cây si, cây gạo... người ta phải lái con đường tránh các cây này. Biểu hiện của việc sống hòa hợp với tự nhiên, ngày nay chính là phương châm, mục đích: Giàu, mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

    2.2. Những biểu hiện và kinh nghiệm của phép ứng xử của người Việt Nam với chất thải rắn sinh hoạt trong đời sống nông nghiệp

    Điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, khí hậu nóng ẩm cộng với thói quen sinhh hoạt tạo làm cho phần lớn ra phần lớn chất thải sinh hoạt ở nước ta là chất thải hữu cơ dễ phân hủy. Trong cả hàng nghìn năm lịch sử, sản nền sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp, phục vụ con người dường như là một vòng tròn khép kín, cái nọ là tiền đề của cái kia; cái sau là sản phẩm của cái trước; chúng tồn tại dựa vào nhau mà trung tâm là phục vụ con người; con người tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sau khi phục vụ đời sống con người, đến lượt mình con người tái tạo, chế biến sản phẩm nông nghiệp thừa để phục vụ sản xuất, tái tạo chu kỳ mới. Hồi xưa hoàn toàn không có phân bón hóa học, không có hóa chất, cho nên, nền nông nghiệp nước nhà tồn tại, phát triển bằng phân bón hữu cơ bằng hình thức "lấy mỡ nó rán nó" mà không bỏ đi một chút nào. Rác thải rắn sinh hoạt chủ yếu, nếu không muốn nói là hoàn toàn là chất hữu cơ dễ phân hủy, hình thức tái tạo chủ yếu là chôn lấp, ủ hoai, lên men, tạo chất mùn cho đất và là điều kiện để vi, sinh vật có lợi phát triển...

    Nhìn vào bảng danh sách những công cụ lao động, vật phẩm tiêu dùng ở vùng nông thôn Bắc bộ, trong các làng xã Việt Nam, chúng ta đều thấy chúng được làm ra từ những sản vật nông nghiệp, có lợi cho môi trường. Chẳng hạn, nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi; bộ công cụ làm đất; bộ công cụ thu hoạch, chế biến lúa và nông sản; bộ công cụ dùng để rửa, chứa nông sản; bộ công cụ phục vụ ăn, uống, hút; bộ công cụ để nằm, nghỉ ngơi; bộ công cụ che mưa, che nắng; dụng cụ, đồ dùng phục vụ trang phục; các đồ đựng sản vật đi mua bán ở chợ quê... hầu hết là bằng những chất liệu được chế biến từ đất, cây gỗ, tre, nứa, dang, mây, mái, rạ, rơm, lá gồi, lá cọ, lá chuổi, cỏ gianh, dây cói, cây bèo tây... rất sẵn có, tiện lợi, dễ phân hủy, thân thiện môi trường. Ẩm thực cũng đã trở thành văn hóa tận dụng sản vật tự nhiên, cơ cấu bữa ăn thiên về thực vật mà cơm, các sản phẩm chế biến từ lúa gạo là thành phần đầu bảng kế đến là và các loại rau: "Cơm không rau như đánh nhau không chửi". Chính vì vậy, CTRSH được từng gia đình nông thôn xử lý rất đơn giản, hiệu quả, có ích cho đời sống. Tức là không bỏ đi thứ gì. Thành ra người nông dân Việt Nam xưa rất quý trọng, tạo ra văn hóa ứng xử với CTRSH.

    ​3. Xây dựng văn hóa ứng xử của người Việt Nam với chất thải rắn sinh hoạt

    Xử lý chất thải rắn ở nước ta hiện nay là một trong những vấn đề cấp thiết, nan giải, bất cập và cũng chưa có mô hình nào gọi là thành công. Do đó, để giải quyết vấn đề này, cần có những giải pháp đồng, cơ bản, lâu dài, trước mắt là xây dựng văn hóa ứng xử của người Việt Nam đối với CTRSH.

     3.1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng, nhân dân coi vấn đề thu gom rác thải rắn sinh hoạt không phải đơn giản là vấn đề môi trường mà là cách ứng xử văn hóa của con người

     Một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín BCH Trung ương khóa XI (ngày 9/6/2014) "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" là: "Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu: "Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước". Như vậy, việc phân loại, thu gom, xử lý CTRSH phải là một trong những nhiệm vụ văn hóa của các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người chủ gia đình phải làm gương để mọi người làm theo. Không ai có quyền từ chối mà nói rằng, việc thu gom, phân loại, xử lý CTRSH không phải là lĩnh công việc, lĩnh vực của ngành văn hóa.

    ​3.2. Tuyên truyền, phổ biến, phát huy, nhân rộng triết lý môi trường, truyền thống, kinh nghiệm tốt đẹp của dân tộc ta trong ứng xử với môi trường, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt do chính con người tạo ra.

    Một trong những xu hướng trong sản xuất, tiêu dùng trên thế giới ngày nay là "xây dựng lối sống xanh" thân thiện với môi trường. Ấy vậy mà Việt Nam chúng ta có lịch sử hàng nghìn năm đã "sống xanh" thân thiện với môi trường, xử lý CTRSH một cách khoa học, vệ sinh, hiệu quả. Hơn nữa, trong phong trào xây dựng nông mới, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cộng đồng dân cư ở nhiều nơi đã phục hồi, nhân rộng, phổ biến kinh nghiệm của ông cha ta trong việc xử lý CTRSH, tiêu biểu là các đoàn thể Phụ nữ, Thanh niên, Người cao cuổi, Hội Cựu chiến binh. Vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan chức năng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát động phong trào, xây dựng nền nếp, nét sinh hoạt, tạo điều kiện, kiểm tra, giám sát để từng bước xây dựng, hình thành nền văn hóa ứng xử với CTRSH của cộng đồng dân cư và trong mỗi gia đình.

    3.3. Đề cao vai trò làm chủ, tôn trọng quyền quyết định của người dân về cách ứng xử đối với chất thải rắn sinh hoạt.

    Việc phân loại, thu gom, tập kết CTRSH là việc làm diễn ra thường xuyên, liên quan đến từng cơ sở, thôn, làng, ấp, bản, hộ gia đình. Đây là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của mỗi cộng đồng, từng gia đình và thành viên gia đình. Do đó, cần để cộng đồng, hộ gia đình, tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, tự quyết trong việc xây dựng hương ước, quy ước, quy định một cách cụ thể và được thông qua. Vận dụng phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trong quá trình ứng xử với CTRSH. Đồng thời vận dụng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (năm 2022) trong quá trình xử lý, ứng xử với chất thải rắn một cách văn hóa. Một trong những khâu quan trọng có tính quyết định là cần có sự vào cuộc thật sự của các cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm, khen thưởng, xử phạt nghiêm minh, kịp thời.

    3.4. Xây dựng văn hóa ứng xử với chất thải rắn sinh hoạt chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam có đức, có tài, trong đó không thể thiếu đạo đức môi trường.

    Trong quá trình xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Từ việc tưởng như nhỏ bé là cầm túi rác thải được phân loại bỏ vào đúng nơi quy định sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người Việt Nam. Những tấm gương điển hình, tiên tiến, những con người của công chúng, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, nêu gương sẽ gây hiệu ứng, tác dụng rất tốt đến cộng đồng, quần chúng, nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta là một tấm gương sáng ngời nêu cao đạo đức môi trường mà chúng ta cần học tập, noi theo.

      3.5. Việc xây dựng văn hóa ứng xử với chất thải rắn sinh hoạt, nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường 2020, tức là thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

    Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có nhiệm vụ "Lấy BVMT sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu". Như vậy, có thể nói, việc ứng xử với CTRSH tưởng là nhỏ nhưng thật sự có một tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao không thể coi thường, cần có sự cố gắng, nỗ lực, thường xuyên của các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương, cơ sở và tới từng tế bào của xã hội.

    4. Đề xuất, kiến nghị  

    Thứ nhất, để từng bước hình thành, xây dựng được văn hóa ứng xử với CTRSH, thì rất cần có những điều kiện tối thiểu và cụ thể. Chẳng hạn, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt phải có địa điểm, phương tiện đủ sức chứa chất thải và xử lý theo đúng quy trình, quy định. Tránh tình trạng người dân phân loại chất thải ở gia đình nhưng khi thu gom, xử lý lại gộp chung vào một và xử lý không đúng như rác đã được phân loại.

    Thứ hai, phục hồi và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, triết lý đối xử với môi trường của người Việt Nam thì cần ưu tiên thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tức là giảm thiểu rác thải ngay từ khâu sản xuất và làm thế nào thu hồi rác thải quay lại trong quá trình sản xuất. Thay vì chỉ liên quan đến người tiêu dùng thì giờ phải ràng buộc cả trách nhiệm của nhà sản xuất. Đây là một hướng đi đúng đắn và ưu việt sẵn có của dân tộc ta, không phải đi tìm hiểu đâu xa.

    Thứ ba, để giải quyết có hiệu quả vấn nạn chất thải nhựa dùng một lần tràn lan hiện nay, nên chăng các ngành chức năng tham mưu Chính phủ khuyến khích những cơ sở chế biến những bao gói, túi đựng bằng các vật liệu dễ tiêu hủy, khuyến khích các bà nội trợ mang vật dụng có sẵn đi chợ, không dùng túi ni-lông. Đồng thời, đánh thuế thật nặng đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu đồ nhựa dùng một lần.

Vũ Ngọc Lân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt IV/2023)

    Tài liệu tham khảo:

    1. Quốc hội, Luật số 72/2020/QH14, Luật Bảo vệ môi trường;  

    2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023). Hướng dẫn các địa phương kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

    3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2014). Nghị quyết "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"

    4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, tập 1

    5. Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh (1997), Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam.

    6. Nhà xuất bản Văn học (2003). Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam: tìm tòi và suy ngẫm

    7. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật (2022). Bùi Xuân Đính, Bách khoa thư Làng Việt cổ truyền.

Ý kiến của bạn