Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 05/07/2024

Trồng 10. 000 cây thuộc Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” tại rừng phòng hộ Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

11/04/2023

    Rừng phòng hộ Nghi Lộc có tổng diện tích 5.117,91 ha. Trong đó đất phi nông nghiệp (đất chuyên dùng) 0,796 ha; đất nông nghiệp khác 11,48 ha; và đất lâm nghiệplà 5.105,63 ha, chia ra 4.858,46 ha quy hoạch trồng rừng phòng hộ và247,17 ha quy hoạch trồng rừng sản xuất. Toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được phân bố trải dài trên địa bàn 17 xã, địa hình có dạng đồi núi phức tạp, cao, dốc, điều kiện lập địa trong vùng khá cực đoan, tốc độ xói mòn rửa trôi mạnh. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc các xã ven biển thường xuyên chịu tác động của gió mùa Đông Bắc và hơi mặn nước biển thổi vào, rất khó thi công trồng rừng và chăm sóc bảo vệ. Rừng trồng trên địa bàn huyện Nghi Lộc chủ yếu là rừng trồng Thông nhựa thuần loài và rừng hỗn giao Thông nhựa xen Keo (chiếm tỷ lệ gần 91%). Diện tích rừng còn lại là các trạng thái rừng Keo thuần loài, Lim xanh, Lim xen Keo, Bạch đàn xen Keo, Lát xen Keo…

    Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, ngành lâm nghiệp trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực. Từ sản xuất theo truyền thống lấy quốc doanh làm nòng cốt chuyển sang sản xuất theo hướng lâm nghiệp xã hội, tập trung xây dựng và phát triển rừng là chính, nhằm tăng nhanh độ che phủ của rừng trên toàn huyện, giảm mạnh diện tích đất trống đồi trọc. Do đó, rừng trên địa bàn huyện đã có sự phát triển nhanh về diện tích và giá trị kinh tế. Nhận thức của người dân đối với rừng ngày càng được nâng cao, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn liên quan không ngừng quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ. Công tác quy hoạch, thiết kế trồng rừng bố trí hợp lý, công tác giao khoán rừng tổ chức thực hiện ổn định, quản lý và giải quyết hài hòa cơ chế hưởng lợi từ rừng. Do đó rừng được bảo vệ an toàn, công tác phủ xanh đất trống đồi núi trọc được thực hiện nhanh và đảm bảo chất lượng, độ che phủ của rừng hàng năm không ngừng được tăng lên. Rừng đã thực sự phát huy tốt chức năng phòng hộ môi trường, hạn chế được xói mòn đất, chắn gió, chắn sóng; đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà.

    Nhằm tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân; phục hồi rừng, tăng độ che phủ trên diện tích đất lâm nghiệp, nâng cao khả năng rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn và nâng cao tính đa dạng sinh học, phục hồi bền vững môi trường sinh thái rừng; tạo việc làm cho người lao động; phát triển kinh tế - xã hội; lan tỏa lối sống xanh, khỏe mạnh tới người dân, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ… Trong tháng 4 năm 2023, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc tổ chức trồng 10. 000 cây thuộc Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic”.

    "Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic" là chương trình được Tập đoàn Panasonic triển khai nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, hiện thực hóa sứ mệnh đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và cam kết “Green Impact” của tập đoàn với mục tiêu giảm phát thải CO2 vào năm 2050 ở mức hơn 300 triệu tấn, tương đương khoảng 1% tổng lượng phát thải toàn cầu hiện tại. Đây là một chương trình trồng cây với quy mô lớn tại 13 tỉnh, thành từ Bắc vào Nam. Những khu vực này đều có vai trò quan trọng với đời sống của người dân địa phương, là nơi sinh sống của nhiều giống, loài động thực vật quý hiếm như: Rừng đầu nguồn sông Gianh; Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Thừa Thiên Huế; rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu, Sóc Trăng; Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Thanh Hoá; rừng phòng hộ Nghi Lộc; rừng phòng hộ sông Ngàn Phố…

    Các loại cây trong danh sách trồng được chọn lọc kỹ lưỡng theo hệ tiêu chuẩn khoa học, nhằm tối ưu khả năng hấp thụ CO2 của cây.

          Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn