Banner trang chủ

Tìm kiếm các giải pháp xanh, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững

06/09/2023

    Thực hiện nhiệm vụ được giao, năm 2023, Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, các Bộ, ban ngành liên quan và địa phương trên cả nước tổ chức thành công nhiều chương trình, sự kiện quan trọng về TN&MT, trong đó có hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 64 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tết trồng cây” (1959 - 2023) và hưởng ứng Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021 - 2030) do Liên hợp quốc phát động. Cùng với đó là các hoạt động thường niên như: Ngày Nước thế giới; Ngày Khí tượng thế giới; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học; Ngày Môi trường thế giới; Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn… Các hoạt động này đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT; sự hỗ trợ, hợp tác của các Bộ, ban/ngành liên quan và các cơ quan thông tấn, báo chí cũng như sự ghi nhận, đánh giá cao của Chính phủ, các Tổ chức quốc tế, Đại sứ quán…

Logo Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”

    Ngoài ra, Trung tâm đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức phát động nhiều cuộc thi nhằm tìm kiếm giải pháp góp phần giảm thiểu rác thải nhựa (RTN), chung tay BVMT, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH), phục vụ mục tiêu phát triển bền vững (PTBV). Trong đó, Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền KTTH, PTBV” nhận được sự quan tâm, đánh giá cao, hứa hẹn tạo ra nguồn tư liệu phong phú cùng kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, BVMT, PTBV, thúc đẩy tăng trưởng xanh, KTTH, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế.

Quyết định số 249/QĐ-TTTT về việc tổ chức Cuộc thi

    Theo đó, ngày 6/9/2023, Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 249/QĐ-TTTT về việc tổ chức Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền KTTH, PTBV”. Quyết định nêu rõ Thể lệ Cuộc thi (Mục đích, ý nghĩa; đối tượng dự thi; nội dung dự thi; hồ sơ sự thi; thủ tục đăng lý dự thi; Hội đồng Giám khảo; thang điểm và phương thức chấm điểm; cơ cấu giải thưởng… Cụ thể như sau:

    Thời gian nhận hồ sơ: Tính từ thời điểm phát động đến hết ngày 30/6 /2024.

    Đối tượng dự thi: Gồm các cá nhân và tập thể có các sáng kiến, giải pháp và mô hình hiệu quả trong giảm thiểu và xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nhựa.

    Hồ sơ dự thi: Bản đăng ký theo mẫu của Ban tổ chức, ảnh của tổ chức, cá nhân và tập thể, ảnh chụp về mô hình, sáng kiến, video mô tả chi tiết về quá trình thực hiện và vận hành sáng kiến,...

    Địa chỉ nhận hồ sơ dự thi: Trung tâm Dịch vụ và Tổ chức sự kiện, Tầng 5, Tòa nhà Báo Tài nguyên và Môi trường, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

    Hội đồng Giám khảo: Do Giám đốc Trung tâm truyền thông TN&MT quyết định thành lập; số lượng không quá 7 người, gồm các thành viên có chuyên môn trong lĩnh vực quản lý môi trường, xử lý chất thải, PTBV… thuộc các cơ quan, đơn vị ở Trung ương.

    Thang điểm và phương thức chấm điểm: Thang điểm 100, trong đó: Tính sáng tạo từ 0 -15 điểm; tính hiệu quả về kinh tế, xã hội từ 0 - 20 điểm; tính khả thi từ 0 - 25 điểm; khả năng áp dụng, nhân rộng từ 0 - 25 điểm; thuyết minh ý tưởng rõ ràng, tư liệu phong phú từ 0 - 15 điểm. Tại vòng Sơ khảo, từng thành viên Hội đồng xem xét tất cả các hồ sơ và cho điểm độc lập, sau đó tập hợp điểm của tất cả các thành viên để tính điểm trung bình. Những hồ sơ có điểm trung bình từ 60 trở lên được đưa vào chấm tiếp vòng Chung khảo. Tại vòng Chung khảo, thành viên Hội đồng xem xét lại tất cả các hồ sơ có điểm số trung bình từ 60 trở lên, thống nhất cho điểm dựa trên cơ sở các thành viên cùng họp bàn, đánh giá, sau đó lập, tổng hợp những hồ sơ có điểm bình quân từ cao xuống thấp, trình Ban Tổ chức xem xét, quyết định trao giải.

    Cơ cấu giải thưởng: 2 giải Nhất, mỗi giải trị giá 15 triệu đồng; 4 giải Nhì, mỗi giải trị giá 8 triệu đồng; 6 giải Ba, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 8 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.

    Lễ Tổng kết và trao giải thưởng: Dự kiến được tổ chức vào quý III/2024.

    Có thể nói, thực tế phát triển của Việt Nam hiện nay cho thấy, việc thực hiện KTTH là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế phải gắn với BVMT, góp phần thực hiện các cam kết về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trung hòa các-bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050... Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và có tính liên ngành, vì vậy, Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền KTTH, PTBV” sẽ truyền đi thông điệp “Rác thải cũng là một nguồn tài nguyên”, từ đó điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất, người tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện môi trường cũng như phát huy khả năng sáng tạo của cộng đồng trong sinh hoạt và sản xuất, nhằm giảm thiểu, quản lý, xử lý hiệu quả RTN, góp phần thúc đẩy thực hiện nền KTTH, PTBV một cách toàn diện, hiệu lực và hiệu quả.

Bảo Bình

Ý kiến của bạn