Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 05/07/2024

Thái Bình: Tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho doanh nghiệp

01/08/2023

    Ngày 19/7/2023, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho gần 200 công nhân lao động, cán bộ làm công tác bảo hộ lao động tại Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam - Chi nhánh Thái Bình (Khu công nghiệp Sông Trà).

Quang cảnh Hội nghị

    Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 với 16 chương, 171 điều (giảm 04 chương và tăng 01 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện, trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường. Luật với nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tích hợp các thủ tục hành chính vào 01 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Luật cũng đã thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội.

    Tại Hội nghị, các đại biểu đã được truyền đạt các nội dung chính của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: Khái quát về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, những điểm mới của Luật bảo vệ môi trường năm 2020; Phân loại dự án theo các tiêu chí về môi trường; Đánh giá sơ bộ tác động môi trường và đánh giá tác động môi trường; Đăng ký môi trường; thủ tục cấp Giấy phép môi trường; Quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Các Nghị định và Thông tư liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…; các vấn đề gặp phải trong việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật như: quản lý chất thải rắn, biển cảnh báo an toàn và an toàn lao động trong quá trình thực hiện công việc.

    Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để thảo luận, trao đổi, liên hệ thực tế, giải đáp các vướng mắc của học viên và chia sẻ kinh nghiệm trong thực thi luật và công tác bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp như: phân loại và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; các cách sử dụng tái chế chất thải; cải thiện chất lượng môi trường không khí…

    Theo Kế hoạch Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Bình đến năm 2025, Thái Bình phấn đấu đến năm 2025: 100% các quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động của các ngành, các cấp phải lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt trên 90%; Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%, với cụm công nghiệp tỷ lệ này phải đạt 80% trở lên. Để giải quyết các vấn đề môi trường đặt ra hiện nay, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định các giải pháp cần tập trung thực hiện như: Xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách, các quy định của tỉnh về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các mô hình, điển hình về bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải, cải thiện chất lượng môi trường…

    Hiện nay, việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được bảo đảm theo quy định, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ hiện đại thay thế các khu xử lý không hợp vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Để thu hút đầu tư, thống nhất lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng, yêu cầu đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và đáp ứng tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy định tại Điều 28 Thông tư số 02 của Bộ trưởng Bộ TN&MT, phù hợp với điều kiện tỉnh Thái Bình.

Phương Linh

Ý kiến của bạn