Banner trang chủ

Ưu tiên 3 hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai

08/02/2024

    Ngày 7/2/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Quyết định số 171/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030.

Ưu tiên các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai

    Với mục tiêu nâng cao chất lượng lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng cường trữ lượng các-bon của rừng và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời đóng góp chung vào mục tiêu phát triẻn kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đề án đã quy định cụ thể về việc xây dựng các dự án hỗ trợ, thực hiện. Theo đó, 3 hoạt động được ưu tiên thực hiện nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai cụ thể như sau:

    Thứ nhất, rà soát, xác định diện tích, đối tượng từng loại rừng theo chủ quản lý rừng để triển khai, thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, bao gồm: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; Làm giàu rừng; Nuôi dưỡng rừng và xác định loài cây trồng phù hợp để nâng cao chất lượng rừng phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng và thực tiễn tại địa phương.

    Thứ hai, xây dựng mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng đối với từng loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất), đại diện cho từng vùng thuộc phạm vi Đề án, trong đó áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; Làm giàu rừng; Nuôi dưỡng rừng để theo dõi, đánh giá, tổng kết làm cơ sở nhân rộng tại các địa phương và hoàn thiện chính sách.

    Thứ ba, đề xuất, lựa chọn các đề tài, nhiệm vụ khoa học nghiên cứu về phục hồi, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, tăng cường trữ lượng các-bon của rừng; trên cơ sở kết quả thực hiện xây dựng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp với từng đối tượng rừng; nghiên cứu chuyển hóa rừng đơn loài thành rừng hỗn giao, đa tầng tán...

    Phạm vi thực hiện đề án gồm: khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên - nơi thường xảy ra thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, nơi có diện tích rừng cần nâng cao chất lượng góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng, chống thiên tai. Riêng đối với khu vực rừng ven biển thực hiện theo Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1662/QĐ-TTg ngày 4/10/2021.

    Với việc đưa ra các hành động ưu tiên rõ ràng, xác định cụ thể diện tích, vị trí, ranh giới đối tượng rừng cần nâng cao, Đề án đặt mục tiêu năng cao chất lượng của 36.000 ha rừng đặc dụng, 138.000 ha rừng phòng hộ và 66.000 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Đức Anh

Ý kiến của bạn