Banner trang chủ

Tỉnh Hải Dương: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt

10/01/2024

    UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Quyết định số 46/2023/UBND (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/1/2024) quy định về tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), CTR công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.

    Theo đó, tỉnh Hải Dương quy định tất cả các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh được phép vận chuyển CTRSH, CTR công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại. Về thời gian vận chuyển, đối với khu vực trong đô thị, phương tiện vận chuyển CTRSH không giới hạn thời gian vận chuyển. Phương tiện vận chuyển CTR công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại được phép vận chuyển trong khoảng thời gian từ 21h30 ngày hôm trước đến 5h30 ngày hôm sau. Đối với khu vực ngoài đô thị không giới hạn thời gian vận chuyển.​

    Tỉnh Hải Dương giao các Sở: Giao thông vận tải, TN&MT, Xây dựng, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc vận chuyển CTRSH, CTR công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

    Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án “Xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Rà soát, đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc phát sinh, đề xuất giải pháp khắc phục, điều chỉnh phù hợp thực tiễn. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện các nội dung của đề án đã được phân công và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về nhiệm vụ được giao.

    Sở TN&MT hướng dẫn, kiểm tra việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn huyện Nam Sách và các xã thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn (xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng và xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà). Phối hợp tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí xử lý, cải tạo môi trường các bãi chôn lấp CTRSH do Nhà nước quản lý và các bãi chôn lấp CTRSH tự phát trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đóng cửa theo quy định. Phối hợp đánh giá hiệu quả các mô hình phân loại rác tại nguồn và hoạt động ủ mùn hữu cơ để làm cơ sở tham mưu đề xuất hoạt động thu gom, xử lý, phân loại CTRSH tại nguồn.

    Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan theo quy định.

    Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay, trung bình mỗi ngày trên địa bàn Hải Dương phát sinh khoảng 1.282 tấn rác/ngày, đêm, trong đó khu vực đô thị khoảng 601 tấn, khu vực nông thôn khoảng 681 tấn. Công tác thu gom chất thải trên địa bàn tỉnh được thực hiện bởi 6 công ty, 691 tổ, đội thu gom với tổng số khoảng 1.940 người tham gia. Chất thải trên địa bàn tỉnh hiện nay được xử lý bằng hình thức đốt tiêu hủy tại các nhà máy và chôn lấp tại các bãi chôn lấp, ủ mùn rác thải hữu cơ sau phân loại, trong đó tỷ lệ rác được đốt tại các nhà máy chiếm 39%, còn lại là chôn lấp. 

    Qua đánh giá của UBND tỉnh, quá trình thu gom, xử lý, phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Một số địa phương chưa thực hiện hoặc có triển khai nhưng thực hiện chưa triệt để. Người dân chưa đồng thuận trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng điểm tập kết, trung chuyển, khu chôn lấp chất thải, vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Việc ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH còn chậm so với mục tiêu đề án xử lý CTR.

    Một số bãi chôn lấp rác thải ở khu vực nông thôn không bảo đảm các yêu cầu về BVMT. Công tác phân loại chất thải tại nguồn nhằm tái chế, tái sử dụng thành phần có ích chưa đồng bộ, hiệu quả... Nguyên nhân của những hạn chế này do người dân chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc phân loại rác thải tại nguồn, chưa hình thành được thói quen phân loại rác. Một số quy định, hướng dẫn chi tiết Luật BVMT năm 2020 chưa được ban hành dẫn tới không đủ cơ sở để triển khai thực hiện một số nội dung có liên quan...

    Căn cứ hệ số phát thải CTRSH trên địa bàn tỉnh Hải Dương (tại khu vực đô thị trung bình 0,84 kg/người/ngày, khu vực nông thôn trung bình 0,58 kg/người/ngày), dự báo tăng dân số đến năm 2025 (số liệu của Cục Thống kê tỉnh) xác định được tổng lượng CTRSH năm 2025 phát sinh khoảng 1.387 tấn/ngày (khu vực đô thị khoảng 726 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 661 tấn/ngày) tương đương 506.255 tấn/năm. 

    Trong những năm qua, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành một số cơ chế, chính sách trong công tác quản lý CTRSH trên địa bàn, như Quyết định số 2559/QĐ-UBND, ngày 21/9/2016, về việc phê duyệt Đề án “Thu gom, xử lý CTRSH ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 958/QĐ-UBND, ngày 27/3/2018, của UBND tỉnh phê duyệt “Quy hoạch quản lý CTR tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 2/1/2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND, ngày 12/7/2019, của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các địa phương thuộc đối tượng được hỗ trợ vận chuyển CTRSH từ điểm tập kết tập trung đến cơ sở xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh…

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn