Banner trang chủ

Tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ về quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam

23/06/2023

    Sau 10 năm thi hành Luật Tài nguyên nước (TNN) và các văn bản quy định chi tiết, công tác quản lý TNN của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định trong thể chế, chính sách; trong quản lý, khai thác, bảo vệ, phòng chống, khắc phục tác hại do nước gây ra, đồng thời tạo được nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo anh ninh quốc phòng… Song, trước những yêu cầu, đòi hỏi mới của thực tiễn, việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn nữa pháp luật TNN đang là đòi hỏi cấp bách. Để có góc nhìn khách quan về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn PGS.TS Lê Bắc Huỳnh - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

    PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực thi Luật TNN năm 2012?

    PGS.TS Lê Bắc Huỳnh: Qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật TNN năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả TNN, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể khái quát kết quả nổi bật ở một số mặt như: Luật TNN năm 2012 đã tiếp tục thể chế hóa quan điểm hiện đại của thế giới về quản lý tổng hợp TNN, coi TNN là tài sản, là nguồn lực chung của quốc gia và phải được quản lý thống nhất. Luật đã bổ sung nhiều biện pháp, chế tài, gắn bảo vệ TNN với khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra; bảo vệ TNN gắn với bảo vệ, phát triển rừng - Nguồn sinh thủy và điều tiết dòng chảy, bảo vệ các dòng sông, định hướng áp dụng cơ chế thu tiền cấp quyền khai thác TNN… Đến nay, về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TNN đã tương đối hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về TNN. Bên cạnh những quy định chung để quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng TNN, Luật đã quy định yêu cầu cụ thể đối với từng mục đích khai thác, sử dụng, từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng đến vận hành công trình, trong đó có công trình thủy lợi, thủy điện; những vấn đề về phân phối, chuyển nước trên các lưu vực sông (LVS)... thể hiện nguyên tắc công bằng, hợp lý giữa các đối tượng khai thác, sử dụng TNN, bảo đảm phát triển bền vững nguồn nước trên LVS.

PGS.TS Lê Bắc Huỳnh - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

    Mặt khác, công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng TNN được quy định rõ trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật và thực thi ở cả Trung ương cũng như địa phương. Hiện có khoảng hơn 24 nghìn công trình khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước được quản lý thông qua biện pháp, công cụ cấp phép. Hơn nữa, về cơ bản, các chủ hồ đều đã chủ động lắp đặt thiết bị, camera giám sát, truyền thông tin, dữ liệu hồ chứa như mực nước hồ, lưu lượng xả nước, lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu, cung cấp kịp thời thông tin, số liệu vận hành, phục vụ công tác quản lý, giám sát khai thác, sử dụng TNN đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Việc lắp đặt thiết bị do chủ công trình khai thác sử dụng nước tự chịu trách nhiệm và kết nối về hệ thống của Bộ TNMT. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng TNN nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm từng bước được đẩy mạnh, thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở từng địa phương và ý thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN.

    Luật TNN năm 2012 cũng đã quy định rõ về vấn đề điều hòa, phân bổ TNN, chuyển nước LVS, bảo đảm tính công bằng, hợp lý và nâng cao hiệu quả trong khai thác, sử dụng TNN, góp phần giảm thiểu mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng giữa các ngành, các lĩnh vực, bảo đảm bảo vệ tốt được nguồn nước trên LVS. Thực tế cho thấy, việc thực hiện quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 LVS có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm điều hòa, phân bổ nguồn nước cũng như sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống các hậu quả, tác hại do nước gây ra. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, gắn chế độ vận hành của công trình với các yêu cầu về phòng, chống lũ và điều tiết nước cho hạ du các hồ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và BVMT, hệ sinh thái, đa dạng sinh học của các địa phương trên các LVS lớn, quan trọng.

    Không những thế, vấn đề bảo vệ thuộc tính lưu thông của dòng chảy và các nguồn nước đã được phân cấp cho địa phương, chủ hồ chứa thực hiện, góp phần quan trọng trong phòng, chống những hoạt động tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; bảo vệ sự ổn định của bờ, bãi sông và phòng, chống việc lấn chiếm đất ven nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn, phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; nâng cao được các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng của nguồn nước. Đến nay, 38/63 tỉnh đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; 15/63 tỉnh đang lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ để trình UBND tỉnh phê duyệt. Hầu hết các hồ thủy điện dung tích trên 1 triệu m3 đã và đang hoàn thành việc cắm mốc hàng lang bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, kể từ khi Luật TNN năm 2012 được ban hành, mặc dù nguồn lực hạn chế, nhưng thông qua các chương trình, dự án ở các cấp với quy mô khác nhau, công tác điều tra cơ bản cũng đã phát huy hiệu lực, hiệu quả; vấn đề hợp tác quốc tế trong quản lý TNN được đẩy mạnh, qua đó khẳng định vai trò của Việt Nam trong nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước (ANNN) cho dân sinh, kinh tế.

    PV: Bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống pháp luật về TNN ở Việt Nam thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế gì, thưa ông?

    PGS.TS Lê Bắc Huỳnh: Trước nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về số lượng cũng như chất lượng nước để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và duy trì các hệ sinh thái, đã xuất hiện ngày càng nhiều những bất cập trong bảo đảm nguồn nước cho phát triển bền vững, trong khi đó, TNN của Việt Nam đã, đang và sẽ chịu tác động mạnh trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng như việc gia tăng khai thác, sử dụng nước ở các quốc gia trên thượng nguồn LVS lớn như sông Cửu Long, sông Hồng. Mặt khác, có tới hơn 63% tổng lượng nước đến nước ta được hình thành trên phần LVS thuộc lãnh thổ các quốc gia lân cận; nguồn nước đang suy thoái, ở một số lưu vực, khu vực còn có biểu hiện ô nhiễm, cạn kiệt; việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng chưa hợp lý, hiệu quả… Trong số những tồn tại, bất cập về pháp luật TNN, phải kể đến việc chưa xem TNN là tài sản công của các quốc gia cần phải được sử dụng, quản lý hiệu quả một cách bền vững, chia sẻ công bằng và cùng có lợi, phù hợp với luật pháp, cam kết quốc tế (như quy định tại Điều 53, Hiến pháp năm 2013). Song song với đó là tình trạng thiếu thống nhất, có sự giao thoa, chồng chéo của Luật TNN với các Luật ở một số ngành, lĩnh vực khác (TN&MT, NN&PTNT, giao thông đường thủy, điện lực, cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn, nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt…) cũng như tình trạng chưa tách bạch rõ trách nhiệm trong quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước và các hoạt động liên quan đến nước cũng là hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực, cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý. Hơn nữa, vấn đề hợp tác với các nước láng giềng trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước LVS liên quốc gia, quốc tế còn gặp vướng mắc, chưa hiệu quả và thực chất; nguồn nước tại Việt Nam chưa được bảo vệ, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, đa mục tiêu; vẫn tiếp diễn tình trạng nguồn nước ở nhiều LVS, đặc biệt là ở vùng hạ du các lưu vực bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt trong thời gian dài... Việc bảo đảm ANNN đang là một bài toán lớn trong phát triển bền vững, tuy nhiên hiện hoàn toàn thiếu khung pháp lý cho ANNN trong bối cảnh tài nguyên nước của Việt Nam đang phải chịu nhiều thách thức, đặc biệt là bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội thiết yếu đã được xác định trong Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm ANNN và an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    Mặt khác, một số quy định pháp luật TNN không còn phù hợp với yêu cầu thực tế, cần phải bổ sung như quy định về vật thể chứa nước (dòng sông, tầng chứa nước); quy hoạch TNN; cấp phép TNN; bảo vệ TNN; bảo vệ các dòng sông, tầng chứa nước, quản trị nước thông minh, chuyển đổi số, dự báo nguồn nước phục vụ điều hòa, phân bổ TNN cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhiều quy định có sự giao thoa, chồng chéo với các quy định pháp luật khác có liên quan, dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực, cần phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất; thiếu khung pháp lý cho an ninh TNN hoặc ANNN thiết yếu cho sinh hoạt, phát triển kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu nhiều thách thức như: Phụ thuộc lớn vào việc khai thác, sử dụng nước của các quốc gia láng giềng; phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của BĐKH; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên LVS; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp, các giá trị phổ quát của nguồn nước chưa được chú trọng khai thác. Ngoài ra, chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ, định giá giá trị của TNN, dẫn đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác, sử dụng nước thường không xác định rõ vai trò, giá trị của nước; chưa có cơ sở tính toán đủ giá thành sản phẩm vì chưa coi nước là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, dịch vụ; chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về sử dụng, phân bổ nguồn thu cho hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy…

    PV: Bộ TN&MT đang trong tiến trình nghiên cứu sửa đổi Luật TNN, vậy ông có góp ý gì nhằm bổ sung, hoàn thiện Luật trong thời gian tới?

    PGS.TS Lê Bắc Huỳnh: Việc xây dựng Luật TNN (sửa đổi) không chỉ để khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật TNN mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế liên quan đến TNN, bảo đảm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời, bổ sung thêm chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng như quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, tổng hợp, thống nhất về TNN, bảo đảm an ninh TNN.

Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật TNN (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 21/10/2022

    Theo ý kiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực TNN, một số vấn đề cần được quan tâm nhất khi hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi Luật TNN đó là phải Luật hóa được nội dung TNN là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý như quy định trong Hiến pháp năm 2013. Với vai trò đặc biệt quan trọng, thiết yếu, TNN phải là cốt lõi trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, phát triển các ngành, lĩnh vực có khai thác, sử dụng nước; việc khai thác, sử dụng nước phải theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, hài hòa các lợi ích, giá trị của nước, đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh đó, các quy định của Luật phải bảo đảm đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia để giám sát, kiểm soát được nguồn nước liên quốc gia, quốc tế vốn chiếm tới khoảng 2/3 TNN Việt Nam; cho phép thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TNN. Cập nhật, bổ sung các quy định hiện hành về bảo đảm ANNN của quốc gia, trước hết là bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt và các lĩnh vực, ngành kinh tế - xã hội thiết yếu, bảo vệ TNN và đáp ứng yêu cầu về nước cho phát triển bền vững trong tình hình mới; giảm thiểu sự phụ thuộc của phát triển kinh tế - xã hội và BVMT cùng các hệ sinh thái vào nguồn nước từ nước ngoài cũng như tác động của BĐKH; chú trọng cụ thể hóa các quy định về phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi những nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Đồng thời, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ cho quản trị TNN quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định liên quan đến quản lý nguồn nước, khai thác, sử dụng, cấp nước; tách bạch việc quản lý tổng hợp thống nhất về TNN với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); tiếp tục đổi mới các quy định để xã hội hóa ngành nước, khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội, tổ chức, cá nhân nâng cao trách nhiệm và hiệu quả bảo vệ, phát triển nguồn nước, giảm hậu quả tác hại do nước và nâng cao giá trị của nước. Bổ sung các quy định để phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, được xác định giá và cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; bảo đảm công bằng, cùng có lợi trong tiếp cận nguồn nước; mọi người dân, mọi đối tượng sử dụng nước được tiếp cận và sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt, sản xuất với chi phí hợp lý.

    Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ TNN, khai thác và sử dụng nước hiệu quả, hợp lý thì ngoài việc nghiên cứu, rà soát tồn tại, bất cập của Luật TNN năm 2012, việc tiếp tục tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến, có điều kiện tương đồng trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Ôxtrâylia, Nam Phi, Hà Lan... có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong việc nghiên cứu, đề xuất chính sách mới về quy định quản lý tổng hợp, thống nhất TNN LVS, dòng sông, hành lang bảo vệ nguồn nước, không gian cho các dòng sông, vùng bổ cập nước dưới đất; phòng, chống hậu quả tác hại do nước gây ra, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; thúc đẩy phát triển tài chính, kinh tế nước...

    Trong sửa đổi Luật TNN 2012, cần tập trung vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả TNN; bảo đảm ANNN quốc gia cho phát triển bền vững; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước, trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước; khắc phục tình trạng chồng chéo, xung đột trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, hướng tới quản lý TNN trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, giảm đầu tư của Nhà nước; tạo hành lang pháp lý để chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác TNN; đẩy mạnh xã hội hóa ngành nước.

    PV: Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, trong Dự án Luật TNN (sửa đổi) lần này nên xem xét, bổ sung riêng 1 Chương về bảo đảm an ninh TNN quốc gia, ông đánh giá như thế nào về điều này?

    PGS.TS Lê Bắc Huỳnh: Bảo đảm an ninh TNN quốc gia là vấn đề đặc biệt quan trọng trong phát triển bền vững trong bối cảnh Việt Nam vừa chịu tác động mạnh của BĐKH, vừa bị chi phối bởi việc khai thác, sử dụng nước của các quốc gia láng giềng. Vì vậy, việc bảo đản an ninh TNN quốc gia được nhiều chuyên gia, nhà quản lý và các nhà khoa học thảo luận sâu rộng trong thời gian gần đây. TNN của Việt Nam là hữu hạn trước nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về số lượng cũng như chất lượng nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và BVMT, duy trì sự bền vững các hệ sinh thái, do đó đã xuất hiện ngày càng nhiều những bất cập trong bảo đảm nguồn nước, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, trong khi đó, TNN của nước ta đang và sẽ chịu tác động mạnh của BĐKH (BĐKH). Mặt khác, có tới hơn 63% tổng lượng nước đến nước ta được hình thành trên phần LVS thuộc lãnh thổ các quốc gia làng giềng; nguồn nước lại đang suy thoái, ở một số lưu vực, khu vực, nguồn nước còn có biểu hiện ô nhiễm, cạn kiệt; việc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng thường chưa hợp lý, hiệu quả… Do vậy, việc bảo đảm ANNN bền vững, đáp ứng được các nhu cầu phát triển luôn là thách thức lớn.

    Vấn đề bảo đảm an ninh TNN quốc gia được đặt ra khá cụ thể tại một số Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhưng đến nay, chưa được quy định cụ thể trong Luật (bao gồm định nghĩa, nội hàm, phương thức, tổ chức thực hiện, chỉ số an ninh nước...) trong bối cảnh TNN của Việt Nam đang chịu nhiều thách thức, rủi ro. Đặc biệt, bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt, đời sống và phát triển bền vững những lĩnh vực, ngành kinh tế -xã hội thiết yếu là vấn đề lớn hiện nay, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách đồng bộ để vừa giải quyết, nâng cao tính chủ động nguồn nước, vừa bảo đảm an toàn cấp nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của nhân dân, kinh tế, môi trường ở mức cao nhất trong mọi tình huống, nhất là đối với những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, những vùng kinh tế trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng - Thái Bình.

    Hơn nữa, những năm gần đây, phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đang ngày càng đòi hỏi cao hơn về việc bảo đảm số lượng, chất lượng nguồn nước. Tại một số khu vực, trong thời gian nhất định, việc bảo đảm nguồn nước cho phát triển bền vững có khi bị đe dọa nghiêm trọng, đã xảy ra tình trạng mất an ninh về nước. Vì vậy, bảo đảm an ninh nước của quốc gia đang trở nên cấp bách và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đến nay, theo nhận xét của một số cơ quan chức năng và các chuyên gia, pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về “ANNN”, còn thiếu khung pháp lý được xây dựng theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, đa ngành cho ANNN, tuy ở đâu đó, nội hàm và trách nhiệm quản lý về ANNN đã được quy định đơn lẻ trong một số văn bản pháp luật dù vẫn còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa có định hướng, mục tiêu tổng hợp chung cho quản lý ANNN.

    Từ thực tế trên cho thấy, bảo đảm an ninh nước quốc gia là vấn đề mới, nhưng với nhận thức tiến bộ hiện nay của lãnh đạo các cấp, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, chúng ta chắc chắn sẽ và cần thiết phải xây dựng được một khung pháp lý cho “an ninh TNN”; Luật hóa cụ thể được nội dung của “an ninh nước” quốc gia và có những giải pháp phù hợp để bảo đảm an ninh về nước cho phát triển bền vững ngay trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp về TNN trong lần này.

    PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bùi Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2023)

Ý kiến của bạn