Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 06/07/2024

Tăng cường quản lý môi trường đất, nước ven biển

06/09/2023

    Vùng ven biển (hay còn gọi là vùng bờ, đới bờ) là khu vực chuyển tiếp giữa đất liền hoặc đảo với biển, bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển. Nơi đây chịu nhiều áp lực về môi trường bởi những hoạt động kinh tế - xã hội từ lục địa, các hoạt động trên biển cũng như quá trình vận động tự nhiên. Vùng ven biển là vùng nhạy cảm, chứa đựng những “điểm nóng” ô nhiễm môi trường biển, bao gồm ô nhiễm môi trường đất và nước ở vùng ven biển. Thời gian gần đây tài nguyên đất và nước vùng ven biển có chiều hướng gia tăng ô nhiễm, trong khi đó quản lý môi trường biển đang đối mặt với một số vấn đề. Do đó đòi hỏi có những giải pháp tăng cường quản lý môi trường biển nói chung, môi trường đất, nước vùng ven biển nói riêng.

    Hiện trạng môi trường đất và nước vùng ven biển

    Vùng ven biển Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.260 km (không kể bờ các đảo) chạy qua nhiều vùng có đặc điểm địa lý, địa chất khác nhau với hàng trăm cửa sông, đầm phá, vũng vịnh, các đảo và quần đảo... tạo nên một hệ thống các loại hình sinh cảnh phức tạp, đa dạng và hiện diện đa dạng các hệ sinh thái: bãi triều lầy, rừng ngập mặn, cửa sông, đầm phá, vũng vịnh nhỏ, rạn san hô, châu thổ, bãi cát, bãi bùn triều, nước trồi, đầm nuôi thủy sản nước lợ, đất ngập nước ven biển... Nơi đây còn hội tụ của 6/8 di sản thế giới, 7/11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 08 vườn quốc gia, 15 khu bảo tồn biển cùng 44 vũng vịnh và 125 bãi biển có khả năng khai thác phát triển du lịch.

    Vùng ven biển Việt Nam có 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là nơi tập trung đến 50% dân số cả nước với các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động bởi có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên lẫn tài nguyên nhân văn. Vùng ven biển nước ta có trên 300 địa điểm sản xuất công nghiệp là các khu kinh tế biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất ven biển cùng nhiều cơ sở công nghiệp rải rác, nhiều làng nghề ven biển. Các tỉnh ven biển nước ta cũng là các tỉnh có sản lượng sản xuất nông nghiệp rất lớn. Những hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản này đã phát thải ra rất lớn ra môi trường đất và nước vùng ven biển. Cùng với đó, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và đặc thù vùng biển đảo của Việt Nam đã tạo sức ép rất lớn đối với môi trường biển, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới, ô nhiễm môi trường biển không rõ nguồn gốc cũng như các tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những tác nhân này cũng gây sức ép không nhỏ đến môi trường đất và nước vùng ven biển Việt Nam.

    Chất thải rắn vùng ven biển: Những năm qua, chất thải rắn ở vùng ven biển Việt Nam gia tăng từ các hoạt động kinh tế - xã hội như nguồn thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch, sinh hoạt, y tế… Theo Bộ TN&MT, các vùng lãnh thổ có biển có mức phát sinh chất thải rắn luôn ở mức cao hơn với các vùng lãnh thổ xa biển: miền Đông Nam Bộ (32%), Đồng bằng sông Hồng (22%), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (18%), Đồng bằng sông Cửu Long (15%), Trung du và miền núi phía Bắc (7%), khu vực Tây Nguyên (5%).

    Năm 2014, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị (bao gồm các đô thị ven biển) phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày thì đến năm 2019, chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị đã phát sinh lên tới 35.624 tấn/ngày. Chất thải rắn công nghiệp năm 2011 của cả nước là 22.400 tấn/ngày thì các vùng lãnh thổ có biển đã chiếm đến 20.670 tấn/ngày (miền Đông Nam Bộ 7.570 tấn/ngày, Đồng bằng sông Hồng 7.250 tấn/ngày, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 3.680 tấn/ngày, Đồng bằng sông Cửu Long 2.170 tấn/ngày). Thống kê ở một số địa phương năm 2014, ngoại trừ Hà Nội, một số tỉnh ven biển phát sinh chất thải rắn từ hoạt động y tế đều cao hơn so với các tỉnh vào sâu trong nội địa (Nghệ An 3.904 tấn/năm, Ninh Bình 3.548 tấn/năm, Thanh Hóa 3.128 tấn/năm, Lạng Sơn 1.706 tấn/năm, Kon Tum 3.22 tấn/năm, An Giang 236 tấn/năm).

    Bên cạnh đó, khu vực nông thôn (trong đó có khu vực nông thôn ven biển), chất thải rắn phát sinh ngày càng tăng, từ 18.200 tấn/ngày trong năm 2011 lên 28.394 tấn/ngày trong năm 2019. Mặt khác, sự phát triển của các làng nghề (trong đó có các làng nghề ở ven biển), đặc biệt là các làng nghề tái chế kim loại, đúc đồng cũng tạo sức ép lớn đối với môi trường khi thải ra lượng chất thải rắn lớn.

    Môi trường nước mặt lục địa vùng ven biển: Với hệ thống sông ngòi dày đặc thuộc 10 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước với tổng diện tích trên 1.167 triệu km2 và tổng lượng nước mặt trung bình năm của Việt Nam khoảng 830 tỉ m3. Do đặc trưng dòng chảy, sự phân bố lượng nước không đồng đều theo mùa và áp lực do nước thải công nghiệp và các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, hoạt động nông nghiệp, nước thải do sinh hoạt và các hoạt động khác đã theo hệ thống sông ra vùng ven biển làm môi trường nước mặt lục địa vùng ven biển gia tăng ô nhiễm khi nhiều thành phần các chất ô nhiễm trong nước có nồng độ vượt quá quy chuẩn cho phép, dao động từ 1,5 đến 3 lần.

    Môi trường nước biển ven bờ: Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước biển ven bờ Việt Nam còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng cho chất lượng nước biển nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Tuy nhiên, môi trường nước biển ven bờ tại một số thời điểm mùa mưa do sự gia tăng giá trị các hợp chất hữu cơ, hợp chất chứa nitơ (NH4+), TSS từ đất liền ra biển và sự trôi dạt chất ô nhiễm từ ngoài khơi vào dải ven bờ nên chỉ số rủi ro môi trường (RQ) biển ở một số khu vực biển có mức độ cao (Trà Cổ) và rất cao (Định An); hàm lượng NH+4, TTS, Fe, Coliform và P-PO43- có giá trị vượt QCVN 10-MT:2015/BTNMT ở một số khu vực ven biển miền Bắc; một số thông số như NH+4, Coliform, DO, TTS và Fe có hàm lượng vượt giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT ở một số khu vực ven biển miền Trung; các thông số ô nhiễm chủ yếu gồm NH+4, Coliform, TTS và Fe ở một số khu vực ven biển miền Nam.

    Ô nhiễm vùng ven biển Việt Nam làm ảnh hưởng đến môi trường đất và nước, Chất thải rắn sinh hoạt bị đổ thải trực tiếp trên mặt đất như tại các bãi rác tự phát, sự phân hủy thành phần hữu cơ trong điều kiện kỵ khí và dưới tác dụng của vi sinh vật sẽ tạo ra các axit hữu cơ làm axit hóa (chua) đất. Bên cạnh đó, sự tích tụ các kim loại nặng và chất nguy hại trong đất do thấm từ nước rỉ tác vào đất cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường đất. Chất thải rắn sinh hoạt phát thải vào nguồn nước làm cho các chất nổi lên bề mặt nước gây mất cảnh quan, cản trở sự truyền ánh sáng, gây ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của các loại thực vật trong nước. Chất thải rắn sinh hoạt lơ lửng trong nước, nhất là các loại nhựa sẽ quấn vào chân vịt của tàu thuyền làm cản trở giao thông và ảnh hưởng lớn đến các loài thủy hải sản. Các chất thải lắng xuống đáy làm gia tăng khối lượng trầm tích phải nạo vét hàng năm và quá trình trình phân hủy kỵ khí sinh ra các loại khí độc hại gây ngộ độc cho các loài thủy hải sản.

    Chất thải từ hoạt động kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến môi trường đất thông qua ảnh hưởng đến các tính chất vật lý và hoá học của đất. Những tác động về vật lý như xói mòn, nén chặt đất và phá huỷ cấu trúc đất do các hoạt động xây dựng và sản xuất. Các chất thải rắn, lỏng và khí có thể được tích luỹ trong đất trong thời gian dài gây ra những tác động có tính chất hóa học, có nguy cơ tiềm tàng đối với môi trường đất.

    Chất thải công nghiệp bao gồm các hóa chất độc hại và các kim loại nặng có khả năng tích luỹ cao trong các loại đất giàu khoáng sét và chất mùn. Khí thải tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với chất lượng môi trường đất do chúng có khả năng kết tụ hoặc hình thành mưa axit rơi xuống đất làm ô nhiễm đất. Các chất thải gây ô nhiễm đất ở mức độ cao là các chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, màu vẽ, công nghiệp sản xuất pin, thuộc da, công nghiệp sản xuất hoá chất. Nhiều loại chất hữu cơ đến từ nước cống, rãnh thành phố, nước thải công nghiệp được sử dụng làm nguồn nước tưới trong sản xuất nông nghiệp cũng là tác nhân gây ô nhiễm đất.

    Nước thải từ khu vực sản xuất, các khu dân cư vùng ven biển không qua xử lý xả thẳng ra môi trường theo kênh mương ngấm vào đất, gây ô nhiễm đất và làm thay đổi hàm lượng các chất hoá học trong đất. Nước rỉ từ các hầm ủ và bãi chôn lấp rác có tải lượng ô nhiễm chất hữu cơ rất cao cũng như các kim loại nặng không được xử lý theo quy định sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm đất và nước ngầm vùng ven biển.

    Chính những tác nhân gây gia tăng ô nhiễm môi trường vùng ven biển cùng với biến đổi khí hậu đã khiến môi trường đất phải đối mặt với tình trạng đất bị thoái hóa (mặn hóa, phèn hóa, khô hạn, xói mòn, xói lở, hoang mạc hóa) ở Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… hoặc ô nhiễm đất ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Định; chỉ số rủi ro môi trường biển bởi nước biển ven bờ ở một số khu vực có mức độ cao (Trà Cổ) và rất cao (Định An).

    Những vấn đề đặt ra trong quản lý môi trường đất, nước vùng ven biển

    Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã có sự quan tâm, chú trọng đến quản lý môi trường biển (bao gồm môi trường đất và nước vùng ven biển) thông qua việc ban hành và tổ chức triển khai hệ thống chính sách, pháp luật, các chương trình, kế hoạch, đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và vùng bờ…

    Tuy đạt được những kết quả nhất định, song quản lý môi trường biển (bao gồm môi trường đất và nước vùng ven biển) ở Việt Nam cũng đang gặp phải những vấn đề hạn chế trong quản lý:

    Thứ nhất, pháp luật quản lý môi trường biển còn bỏ trống vấn đề xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển; chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom, giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa đại dương trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ngày càng nghiêm trọng ở nước ta hiện nay.

    Pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể, thống nhất, đồng bộ đối với hoạt động lấn biển nên rất khó đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường đất và nước vùng ven biển; thiếu các chế tài xử lý hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân khi vi phạm các quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

    Nhiều văn bản về định mức kinh tế, kỹ thuật liên quan đến môi trường biển được ban hành đã lâu, đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung nên không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn để quản lý môi trường biển.

    Thứ hai, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường biển còn chồng chéo nhiệm vụ giữa các cơ quan, nhất là chưa thực sự thiết lập được cơ chế thống nhất điều phối các hoạt động quản lý môi trường biển.

    Thứ ba, đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường biển còn hạn chế ở cả cấp trung ương và địa phương, nhất là công chức ở các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo.

    Thứ tư, nguồn vật lực cho quản lý môi trường biển còn nhiều vướng mắc, chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu quản lý môi trường biển.

    Thứ năm, chưa phát huy được vai trò của cộng động dân cư, tổ chức, cá nhân và các bên liên quan (Stakeholders) khác tham gia quản lý môi trường biển.

    Thứ sáu, hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thanh tra và xử lý vi phạm về môi trường biển còn chưa được thường xuyên, chưa đầy đủ và chậm phát hiện các vi phạm. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương về môi trường (trong đó có môi trường biển) trên địa bàn còn chưa được chú trọng, đôi khi còn hình thức và hiệu quả chưa cao.

    Một số giải pháp quản lý môi trường đất, nước vùng ven biển

    Để tăng cường quản lý môi trường biển ở Việt Nam (bao gồm môi trường đất, nước vùng ven biển) trong thời gian tới, cần có các giải pháp sau:

    Một là, tổ chức rà soát để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật về quản lý môi trường biển: Trước hết tổ chức việc xây dựng và ban hành các quy định về việc xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển; xây dựng và ban hành các quy định liên quan đến kiểm soát, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; xây dựng và ban hành quy định về lấn biển nhằm kiểm soát những tác động tiêu cực về môi trường biển từ hoạt động lấn biển. Đồng thời, bổ sung và ban hành mới các quy định cụ thể về việc xử lý đối với hành vi vi phạm về các nội dung của quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý môi trường biển.

    Hai là, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích cộng đồng và các bên liên quan tham gia quản lý môi trường biển: Trên cơ sở các công cụ kinh tế, giáo dục, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát huy hương ước của cộng đồng trong quản lý môi trường biển phù hợp với bối cảnh mới. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm sự tham gia ý kiến của cộng đồng đối với việc lập chiến lược, quy hoạch, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; đánh giá tác động môi trường đối với các dự án trên biển, hải đảo và vùng bờ.

    Ba là, tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo: Tập trung hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức triển khai ngay các giải pháp bảo vệ môi trường biển và vùng ven biển trong quá trình thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Bốn là, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo: Thực hiện rà soát để hoàn thiện các quy định về phân công trách nhiệm của từng cơ quan trên cơ sở pháp luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trong đó, xác định rõ cơ quan thực hiện chức năng điều phối các hoạt động quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; xác định rõ các nội dung phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

    Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức: Tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý tổng hợp biển cũng như quản lý môi trường biển nhằm nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của công chức; đề cao đạo đức công vụ, tăng cường trách nhiệm của công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý môi trường biển. Đồng thời, cần bảo đảm đủ số lượng công chức thực thi nhiệm vụ quản lý môi trường biển trên cơ sở xác định vị trí việc làm cụ thể, nhất là ở các địa phương có biển.

    Sáu là, tăng cường đầu tư và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài chính công cho quản lý môi trường biển: Đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đồng thời, đẩy mạnh tính chủ động trong việc tìm kiếm, thiết lập và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế về môi trường biển; chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ nước ngoài sử dụng các cơ chế tài chính mới như ODA vay, vay ưu đãi, hợp tác công tư, đầu tư nước ngoài,… Xây dựng các chương trình, dự án có phạm vi và quy mô trung bình đến quy mô lớn có tác động đến chính sách, trong đó giải quyết được nhiều vấn đề có tính chất đa ngành, lĩnh vực và liên vùng, xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cần chú trọng nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong quản lý môi trường biển.

    Bảy là, nâng cao nhận thức về môi trường biển: Đa dạng hoá các nội dung, phương pháp và hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

    Tám là, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý môi trường biển: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc giám sát, kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý môi trường biển.

Hoàng Nhất Thống

Vụ Pháp chế

 Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2023)

    Tài liệu tham khảo

    1. Bộ TN&MT (2016), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, Nxb. Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội.

    2. Bộ TN&MT (2019), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, Chuyên đề: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, NXB Dân trí, Hà Nội.

    3. Bộ TN&MT (2021), Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 -2020 (Tổng quan), Hà Nội.

    4. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (2010), Báo cáo hiện trạng môi trường biển năm 2010, Hà Nội.

    5. Hoàng Nhất Thống (2023), Quản lý nhà nước về môi trường biển ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 3/2023.

Ý kiến của bạn