Banner trang chủ

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000

10/10/2023

    Ngày 29/9/2023, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/3/2024. Các nội dung quy định đối với bản đồ địa hình tỷ lệ 1:250.000 tại Quyết định số 11/2006/QĐ-BTNMT ngày 22/8/2006 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc ban hành ký hiệu bản đồ địa hình tỷ lệ 1:250.000, 1:500.000 và 1:1.000.000 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Các nội dung quy định đối với bản đồ địa hình tỷ lệ 1:250.000 tại Quyết định số 09/2006/QĐ-BTNMT ngày 16/8/2006 của Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Quy phạm thành lập và chế in bản đồ địa hình tỷ lệ 1:250.000, 1:500.000 và 1:1.000.000 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

    Bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000 là bản đồ địa hình trên đất liền, đảo, quần đảo và bản đồ địa hình đáy biển được xây dựng trong hệ tọa độ quốc gia và hệ độ cao quốc gia để sử dụng thống nhất trong cả nước. Theo Thông tư, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định kỹ thuật về nội dung, ký hiệu và siêu dữ liệu của bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000 áp dụng đối với các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, lưu trữ, quản lý, cung cấp, sử dụng bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000.

    Theo Thông tư quy định, bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000 được thành lập trong Hệ quy chiếu và Hệ toạ độ quốc gia VN-2000, Hệ độ cao quốc gia. Bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000 được thành lập theo phép chiếu hình trụ ngang đồng góc, múi chiếu 60, hệ số điều chỉnh tỷ lệ biến dạng chiều dài k0 = 0,9996.

    Cùng với đó, bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000 được phân mảnh từ mảnh bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, theo đó mỗi mảnh bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000 chia thành 4 mảnh bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000. Mỗi mảnh bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000 có kích thước là 10 x 1030’.

    Bên cạnh việc phân mảnh và đặt phiên hiệu mảnh bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000, Thông tư cũng quy định nội dung, yêu cầu kỹ thuật thể hiện nội dung, nguyên tắc thể hiện vị trí đối tượng địa lý, quy định mức ưu tiên các đối tượng địa lý khi thể hiện trên bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000; Quy định nội dung nhóm lớp dữ liệu biên giới quốc gia, địa giới hành chính; Quy định nội dung nhóm lớp dữ liệu cơ sở toán học; Ký hiệu bản đồ và siêu dữ liệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000…

    Theo quy định, bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:250.000 được thành lập từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bao gồm các nhóm lớp dữ liệu: Nhóm lớp dữ liệu biên giới quốc gia, địa giới hành chính; Nhóm lớp dữ liệu cơ sở toán học; Nhóm lớp dữ liệu dân cư; Nhóm lớp dữ liệu địa hình; Nhóm lớp dữ liệu giao thông; Nhóm lớp dữ liệu phủ thực vật và Nhóm lớp dữ liệu thủy văn.

    Thông tư cũng quy định về quản lý và tổ chức thực hiện. Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này. Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam có trách nhiệm tổ chức phổ biến, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ TN&MT để xem xét, quyết định.

Châu Long

Ý kiến của bạn