01/07/2025
Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé, tỉnh Điện Biên được xếp vào trong những khu rừng đặc dụng lớn của cả nước và là khu rừng đặc dụng quan trọng của tỉnh có tầm ảnh hưởng lớn đối với môi trường sinh thái. Với tiềm năng và giá trị nêu trên, UBND tỉnh Điện Biên vừa ký Quyết định phê duyệt đề cương kỹ thuật thực hiện dự án “Thành lập Vườn Quốc gia Mường Nhé trên cơ sở chuyển hạng Khu dự trữ thiên nhiên (DTTN) Mường Nhé”, thời gian thực hiện trong năm 2025.
Triển khai dự án thành lập Vườn quốc gia Mường Nhé, tỉnh Điện Biên
Khu DTTN Mường Nhé (tên cũ là Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé) tiền thân là Khu rừng cấm Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 64/QĐ-TKNN ngày 8/7/1976 của UBND tỉnh Lai Châu và được Nhà nước công nhận theo Quyết định số 194/CT ngày 09/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thành lập 73 khu rừng cấm trên cả nước, Khu rừng tại đây được đưa vào danh mục rừng cấm với diện tích quy hoạch 182.000 ha. Năm 2003 tỉnh Lai Châu (cũ) được chia tách địa giới hành chính thành 02 tỉnh Lai Châu và Điện Biên.
Năm 2005, Ban Quản lý Khu DTTN Mường Nhé chính thức được thành lập theo Quyết định số 1019/QĐ-UBND ngày 03/10/2005 của UBND tỉnh Điện Biên trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên và được kiện toàn lại trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) vào năm 2009 theo Quyết định số 500/QĐ-UBND ngày 10/4/2009 của UBND tỉnh Điện Biên. Đồng thời, ngày 23/5/2008 UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt dụ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu DTTN Mường Nhé với tổng diện tích quy hoạch là 45.581 ha, đến thời điểm hiện tại Ban quản lý Khu DTTN Mường Nhé được UBND tỉnh giao quản lý 46.730,51 ha đất đặc dụng.
Khu DTTN Mường Nhé là một trong những Khu bảo tồn có diện tích lớn ở Việt Nam với tổng diện tích tự nhiên là 46.730,51 ha; diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 24.238,15 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 22.208,23 ha, phân khu dịch vụ hành chính là 284,13 ha và diện tích vùng đệm là 59.849,1 ha nằm trên địa phận các xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè và huyện Mường Nhé. Trong Khu bảo tồn có các dãy núi cao nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, phía Tây Nam giáp với Khu dự trữ sinh quyển Quốc gia Phou Den Din của Lào (Nguyễn Đức Tú và cộng sự, 2001).
Khu DTTN Mường Nhé có hệ sinh thái rừng nhiệt đới với nhiều sinh cảnh như rừng gỗ lá rộng thường xanh núi đất, rừng hỗn giao tre nứa, rừng tre nứa, các trảng cỏ sau nương rẫy cùng hệ thống thủy văn, sông suối dày đặc. Đây là một trong những Khu bảo tồn có giá trị ĐDSH rất lớn không chỉ của miền Bắc mà còn của cả Việt Nam. Theo kết quả nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, ĐDSH; đề xuất các giải pháp bảo tồn ĐDSH và quản lý rừng bền vững tại khu DTTN Mường Nhé, tỉnh Điện Biên” thực hiện năm 2021, đã ghi nhận 976 loài thực vật, trong đó có 33 loài đặc hữu Việt Nam, 128 loài quý, hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ IUCN. Hệ động vật tại Khu DTTN Mường Nhé cũng ghi nhận 458 loài động vật hoang dã, trong đó có 97 loài có giá trị bảo tồn cao.
Cán bộ Khu DTTN Mường Nhé trao đổi với người dân về việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Theo Quyết định số 1352/QĐ-TTg ngày 08/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/08/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu DTTN Mường Nhé đã được quy hoạch thành Vườn quốc gia Mường Nhé. Do vậy, việc xây dựng, thực hiện dự án “Thành lập Vườn quốc gia Mường Nhé, tỉnh Điện Biên trên cơ sở chuyển hạng Khu DTTN Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên” là cần thiết để tổ chức thực hiện Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia và Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quyết tâm để Vườn quốc gia Mường Nhé về đích trong năm 2025
Để Vườn quốc gia Mường Nhé sớm đi vào hoạt động, Ban quản lý Khu DTTN Mường Nhé đã chủ động rà soát, đánh giá đầy đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, bảo tồn ĐDSH để đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định chuyển hạng Khu DTTN Mường Nhé thành Vườn quốc gia Mường Nhé. Trong đó, cần triển khai một số nội dung sau:
Thứ nhất, thu thập, tổng hợp và phân tích các số liệu, thông tin, đánh giá kết quả đã thực hiện từ các nhiệm vụ, dự án đã triển khai tại Khu DTTN Mường Nhé.
Thứ hai, điều tra, đánh giá được hiện trạng hệ sinh thái rừng, tài nguyên rừng: (1)Điều tra, xác định, cập nhật bổ sung hiện trạng rừng và xác định được các hệ sinh thái đặc trưng của khu rừng; (2) Điều tra ĐDSH, hiện trạng loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu; (3) Điều tra, đánh giá các giá trị khoa học, nghiên cứu, giáo dục; (4) Điều tra, khảo sát đánh giá cảnh quan môi trường, sinh thái đặc biệt có giá trị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Thứ ba, phân tích, so sánh hiện trạng của Khu DTTN Mường Nhé với các tiêu chí Vườn quốc gia theo quy định tại khoản 1, Điều 6, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ từ đó xác định các nội dung, đề xuất, kiến nghị và giải pháp cần thực hiện để chuyển hạng Khu DTTN Mường Nhé thành Vườn quốc gia Mường Nhé.
Với phạm vi thực hiện trên toàn bộ diện tích 46.730,51 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao cho Ban quản lý Khu DTTN Mường Nhé trên địa bàn 05 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Trong đó, xây dựng đề cương và dự toán kinh phí thực hiện dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thu thập, tổng hợp sản phẩm, kết quả thực hiện của các nhiệm vụ, dự án đã thực hiện tại Khu DTTN Mường Nhé (báo cáo, số liệu và bản đồ các nhiệm vụ đã thực hiện) như: Nhiệm vụ Điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, ĐDSH; đề xuất các giải pháp bảo tồn ĐDSH và quản lý rừng bền vững tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; Phương án quản lý rừng bền vững của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2030; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2022 - 2030; Nhiệm vụ Điều tra hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn một số loài thực vật đặc hữu, quý hiếm tại Khu DTTN Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Trên cơ sở các sản phẩm, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, dự án đã thực hiện tại Khu DTTN Mường Nhé tiến hành phân tích, đánh giá, đối chiếu theo các tiêu chí Vườn quốc gia theo quy định tại khoản 1, Điều 6, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ làm căn cứ xác định nội dung công việc, khối lượng công việc cần điều tra, khảo sát, thu thập tại thực địa phục vụ cho dự án. Đồng thời, dự án sẽ xây dựng đề xuất các chương trình hoạt động, giải pháp quản lý và phương án ổn định đời sống cư dân vùng đệm, hướng tới hình thành mô hình bảo tồn bền vững và phát triển sinh thái tại Mường Nhé.
Hướng tới Khu DTTN Mường Nhé trở thành Vườn quốc gia bền vững
Để đảm bảo việc chuyển đổi Khu DTTN Mường Nhé thành Vườn quốc gia được triển khai một cách thực chất, bền vững và hiệu quả, cần thiết phải có những chính sách mang tính đột phá về nhân sự, cơ chế tài chính, quyền hạn, cũng như huy động sự hỗ trợ từ cấp trên và các tổ chức trong nước, quốc tế. Một số đề xuất cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần chính sách nhân sự, phụ cấp đặc thù: Hiện nay, do điều kiện làm việc khó khăn, địa bàn rộng, phức tạp và xa trung tâm, việc thu hút và giữ chân đội ngũ cán bộ chuyên môn chất lượng cao là thách thức lớn. Do đó, cần áp dụng cơ chế phụ cấp ngoài lương cho viên chức tại các Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Khoản phụ cấp được sử dụng từ nguồn thu, nguồn ngân sách cấp tùy thuộc vào mức độ tự chủ tài chính của từng loại hình đơn vị nhưng sẽ góp phần thiết thực giúp cán bộ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề, tạo nền tảng ổn định tổ chức khi chuyển đổi sang mô hình Vườn quốc gia…
Thứ hai, tăng cường cơ chế, quyền hạn và chế độ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng: Cần nâng cao quyền hạn thực tế của lực lượng chuyên trách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ rừng tại chỗ, đặc biệt trong công tác tuần tra, lập hồ sơ ban đầu, giám sát cộng đồng. Áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù tương tự lực lượng kiểm lâm chuyên ngành, để bảo đảm công bằng và tạo động lực công tác lâu dài.
Thứ ba, chính sách, chương trình mục tiêu cấp quốc gia dành riêng cho vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn: Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia hoặc đề án chuyên biệt cho các khu DTTN chuyển đổi lên Vườn quốc gia ở vùng sâu, vùng xa như Mường Nhé. Nội dung hỗ trợ bao gồm: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo tồn, phục vụ du lịch sinh thái – giáo dục môi trường; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực bảo tồn chuyên sâu, có kiến thức về rừng, kiến thức bản địa, du lịch và công nghệ; Hỗ trợ các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rừng và giảm áp lực lên tài nguyên rừng.
Thứ tư, huy động các nguồn lực liên kết – đa ngành – đa đối tác: Cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế (như IUCN, WWF…), các cơ sở nghiên cứu, viện trường đại học để hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, tài chính, tập huấn và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.
Thứ năm, đầu tư nâng cao năng lực, kỹ năng số và truyền thông hiện đại: Đề xuất đầu tư các chương trình đào tạo dài hạn cho đội ngũ cán bộ, viên chức về: Chuyển đổi số trong giám sát tài nguyên rừng; Kỹ năng truyền thông số, vận hành các nền tảng trực tuyến phục vụ quản lý và quảng bá du lịch sinh thái; Sử dụng công nghệ (GPS, phần mềm SMART…) trong tuần tra, giám sát và báo cáo dữ liệu.
Diệp Văn Chính
Giám đốc Khu dự trự Thiên nhiên Mường Nhé, tỉnh Điện Biên
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)