Banner trang chủ

Huyện Phú Bình tăng cường thực hiện công tác phân loại rác thải tại nguồn

09/10/2023

    Huyện Phú Bình có diện tích 243,37 km², dân số năm 2019 là 156.804 người, mật độ dân số đạt 595 người/km², nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Thái Nguyên, cách TP. Thái Nguyên khoảng 26 km. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chung tay giữ gìn môi trường sống. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường việc xử phạt đối với các trường hợp cố tình xả rác ra môi trường thông qua các mắt camera an ninh, từ đó tạo tính răn đe, hạn chế các trường hợp tái phạm. Ngày nay, cảnh quan môi trường tại huyện Phú Bình ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, tình trạng vứt rác thải nơi công cộng gần như không còn, ý thức của người dân về BVMT không ngừng được nâng cao, nhất là công tác phân loại rác thải tại nguồn.

    Đa dạng các biện pháp

    Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác quan lý nhà nước về TN&MT, UBND huyện Phú Bình đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch, ra quân tổng vệ sinh môi trường các tuyến đường làng, ngõ xóm và các khu vực công cộng như một việc làm thường xuyên. Hàng tuần, các địa phương và tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã duy trì có hiệu quả Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” vệ sinh môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường. Đã thành thông lệ, Chủ nhật hàng tuần, người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện phối hợp cùng với các tổ chức, đoàn thể các địa phương tiến hành cắt tỉa cây xanh, tổng vệ sinh môi trường tại trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sân thể thao, chợ, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng. Đoàn Thanh niên cũng thường xuyên tổ chức ra quân thu gom rác thải dọc sông Đào chảy qua địa bàn huyện. Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện vận động hội viên tích cực thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường…

    Cùng với thường xuyên vệ sinh đường làng ngõ xóm, hiện nay 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Bình đã thành lập tổ thu gom rác thải; trang bị các thiết bị, phương tiện thu gom rác thải; ký hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải rắn với Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện để vận chuyển, xử lý rác thải theo quy định. Ngoài ra, đối với lượng chất thải rắn sinh hoạt, người dân đã chủ động ký cam kết với chính quyền địa phương thực hiện phân loại tại nguồn (tỷ lệ đạt trên 85%, tương đương 33.602/39.201 hộ), đồng thời chủ động phân loại rác thải theo các nhóm (chất thải hữu cơ, chất thải tái chế và chất thải sinh hoạt khác) tại gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường.

    Bên cạnh đó, ở 20 xã, thị trấn, trên 1.000 bể chứa có nắp đậy được đặt tại các cánh đồng để thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Để xử lý lượng rác thải này, UBND huyện Phú Bình đã ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý 100% rác thải là vỏ thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Đối với chất thải nhựa, tỷ lệ được thu gom, tái chế và bán cho các cơ sở thu mua để tái chế đạt gần 80% tổng khối lượng phát sinh trên địa bàn. Ở một số xã như Xuân Phương, Thượng Đình… tổ chức hội phụ nữ đã thành lập được mô hình thu gom chất thải tái chế, tái sử dụng…

Đoàn Thanh niên thu gom rác thải dọc sông Đào

    Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các địa phương phát triển mạng lưới camera an ninh. Đến nay đã có 19/20 xã, thị trấn thành lập được Mô hình tự quản camera an ninh, với trên 500 mắt. Sau khi đi vào hoạt động, hệ thống camera đã góp phần hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Hơn thế, đây cũng chính là biện pháp hữu hiệu để chính quyền các địa phương tiến hành “phạt nguội” đối với các trường hợp xả rác không đúng nơi quy định. Thời gian tới, công an các địa phương tiếp tục tham mưu với chính quyền địa phương mở rộng mạng lưới camera an ninh; đầu tư các mắt camera có chất lượng, hình ảnh tốt để thuận tiện cho việc check xuất.

    Những điểm sáng tiêu biểu

    Dương Thành là xã nằm ở phía Nam huyện Phú Bình, cách trung tâm huyện trên 10 km với diện tích đất tự nhiên là 756,92 ha, gồm 14 xóm, 1.848 hộ, gần 7.780 khẩu. Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương phát triển khá nhanh, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn xã đang có nhiều mô hình tiêu biểu về BVMT, như: “khu dân cư tự quản BVMT” do UBMTTQ xã triển khai; “ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới” do Hội LHPN xã triển khai; “vườn kiểu mẫu” do Hội Nông dân xã triển khai; “tuyến đường thắp sáng làng quê” do Đoàn thanh niên xã triển khai... Đáng chú ý, công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được xã triển khai đều đặn, rộng khắp. Với các xóm không gần trục đường giao thông lớn (trục chính), người dân phân loại rác hữu cơ cho vào bể chứa để xử lý lấy phân, rác vô cơ (gồm chai nhựa túi ly nông) có người thu mua. Với các hộ dân ở trục đường lớn vẫn thực hiện phân loại rác, rác hữu cơ được chở đi nhờ sự hỗ trợ phí vận chuyển của huyện; rác vô cơ cũng có người thu mua.

    Cùng với Dương Thành, xã Thanh Ninh cũng thực hiện khá tốt công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Toàn xã đang thực hiện 2 mô hình. Mô hình thứ nhất do Hội LHPN xã triển khai thí điểm phân loại và xử lý rác hữu cơ thành phân bón. Mô hình thứ hai do các hộ dân tiến hành phân loại, rác hữu cơ và thực hiện chôn lấp tại vườn, rác vô cơ thì xử lý bằng hình thức đốt. Hàng tháng, đã thành thông lệ, toàn xã đều tổ chức công tác tổng vệ sinh; người dân cùng với các tổ chức, đoàn thể tiến hành quét dọn, cắt tỉa cây xanh, thu gom rác thải dọc các tuyến đường trên địa bàn xã, xóm.

    Tân Đức là địa phương đầu tiên của huyện Phú Bình ra mắt Mô hình tự quản camera an ninh vào năm 2021. Sau thời gian vận hành, mô hình này không chỉ đảm bảo công tác an ninh trật tự, mà còn góp phần giúp chính quyền địa phương quản lý tốt hơn công tác môi trường. Được biết, khi mới thành lập, Mô hình tự quản camera an ninh của Tân Đức chỉ có 12 camera, đến nay đã nâng lên 23 camera. Trong năm 2023, xã có kế hoạch lắp thêm 10 camera tại các điểm dọc bờ sông, đường giao thông mà người dân hay xả rác thải. Còn với các điểm xa khu dân cư, khó khăn cho việc lắp camera Công an xã thành lập 3 tổ tuần tra, định kỳ hoặc đột xuất đi tuần vào các khung giờ từ 4h-6h và từ 18h-19h để mật phục, phát hiện các trường hợp vi phạm.

    Từ những hoạt động thường xuyên, liên tục, huyện Phú Bình đã phát huy được trách nhiệm, sự tích cực của người dân trong chỉnh trang cảnh quan đường làng, ngõ xóm; bảo vệ và giữ gìn môi trường sống, từ đó góp phần hoàn thiện Tiêu chí số 17 về Môi trường trong công cuộc xây dựng huyện nông thôn mới.

Điều 25, Nghị định số  45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ, quy định mức xử vi phạm hành chính đối với hành vi thực hiện trái quy định pháp luật về BVMT cụ thể như sau:

a) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu mẩu - tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

b) Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.

An Vi

Ý kiến của bạn