Banner trang chủ

Các cấp Hội nông dân chung tay hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

01/12/2023

    Thời gian qua, cùng với các Bộ, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể… Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (TWHNDVN) đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TN&MT đến các cấp Hội, đưa Luật BVMT đi vào cuộc sống. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMTĐảng Đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã nghiêm túc triển khai nội dung của Nghị quyết, đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thay đổi thái độ và xây dựng thói quen sống thân thiện với môi trường; tham gia giám sát các hoạt động BVMT, trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên nông dân... Đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều kết quả trong các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đạt được, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

    1. Kịp thời trong công tác chỉ đạo

    Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, Đảng Đoàn, Ban Thường vụ TWHNDVN đã hướng dẫn, phổ biến, quán triệt đến các cấp Hội và hội viên nông dân các chỉ thị, nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/7/2014 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Hội về “Nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân (HND) Việt Nam tham gia BVMT nông thôn và chủ động thích ứng với BĐKH giai đoạn 2014 - 2020”; Chỉ thị số 25-CT/TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong BVMT; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Kế hoạch số 14-KH/ĐĐ-HNDVN ngày 20/11/2020 của Đảng đoàn HND Việt Nam thực hiện Kết luận số 56-KL/TW; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/1/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW theo Kết luận số 56-KL/TW; Nghị quyết số 08/NQ/TW ngày 23/1/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Đặc biệt là Chương trình phối hợp số 48/2017/CTPH-HND-BTNMT ngày 22/12/2017 với Bộ TN&MT về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2018 - 2023; Chương trình phối hợp số 8471/CTPH-BNN&PTNT-HNDVN ngày 14/12/2021 với Bộ NN&PTNT về đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025; Kết luận số 379-KL/HNDTW ngày 24/1/2022 của BCH TWHNDVN về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/7/2014.

    Đồng thời, Trung ương Hội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành Hội phối hợp với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể ở từng địa phương. Trọng tâm là phối hợp thực hiện hiệu quả Tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

    Tại các địa phương, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ TWHNDVN, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, hướng dẫn của các sở, ngành, HND các tỉnh, thành phố đã ban hành 1.150 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân thực hiện các nội dung, giải pháp của Nghị quyết. Đến nay, 57/63 tỉnh, thành Hội đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động hoặc các văn bản thực hiện Nghị quyết; 63/63 tỉnh, thành Hội ký Chương trình phối hợp với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT về lĩnh vực BVMT, ứng phó với BĐKH, thực hiện các tiêu chí liên qua đến môi trường trong xây dựng NTM.

    2. Những kết quả nổi bật

    Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về BVMT nông thôn, chủ động ứng phó với BĐKH:

    Không chỉ tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, chủ động ứng phó với BĐKH, TWHNDVN còn đẩy mạnh tuyên truyền các Luật: BVMT, Đa dạng sinh học, Đất đai, Bảo vệ và phát triển rừng, Tài nguyên nước… thông qua nhiều hình thức như tập huấn, tư liệu, tranh ảnh, phương tiện truyền thông, các cuộc thi viết, tìm hiểu pháp luật về môi trường, vận động cộng đồng tích cực tham gia hưởng ứng các sự kiện quan trọng về môi trường. Cụ thể, Trung ương Hội phối hợp với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương đăng tải hơn 25 phóng sự, 395.723 tin, bài phản ánh các hoạt động, phong trào nông dân tham gia BVMT, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, chủ động ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững; phối hợp với các chuyên gia biên soạn, in ấn, phát hành 3.432.078 tài liệu phổ biến kiến thức, pháp luật và giới thiệu những mô hình BVMT tiêu biểu, trong đó có hơn 1 triệu tờ gấp các loại hướng dẫn sử dụng nước sạch, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phát đến tận tay cán bộ, hội viên nông dân.

    Bên cạnh đó, chỉ đạo và hỗ trợ 22 tỉnh tổ chức thành công 167.284 Cuộc thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật về môi trường”; “Nông dân tìm hiểu kiến thức, pháp luật về nước sạch và BVMT” ở 3 cấp xã, huyện, tỉnh theo hình thức sân khấu hóa; phối hợp với Bộ TN&MT, NN&PTNT, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước tổ chức 14 cuộc mít tinh hưởng ứng các sự kiện môi trường; hàng năm vận động cán bộ, hội viên nông dân ra quân hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, nhằm khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đất…

    Kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền cho trên 12,5 triệu lượt cán bộ, hội viên nông dân; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, chuyên gia triển khai 677 lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH cho hơn 70.000 cán bộ, hội viên, nông dân, nhất là các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long - Những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Các cấp Hội ở địa phương cũng phối hợp tổ chức hơn 42.871 lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng truyền thông về nước sạch, BVMT nông thôn, chủ động thích ứng với BĐKH cho cán bộ, hội viên nông dân. Mặt khác, chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, tổ chức liên quan hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH; tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân trồng, chăm sóc trên 82 triệu cây xanh, góp phần bảo vệ rừng, nhất là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn.

    Công tác tư vấn, giám sát việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH

    Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 22/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp HND đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia các đoàn giám sát việc thực thi pháp luật về BVMT nông thôn do Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các Sở, ngành chủ trì. Trong đó, tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người nông dân như: Chính sách đất đai, vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; công tác quản lý, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, BVMT nông thôn...

    Đến nay, HND các tỉnh, thành phố đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức 31.786 cuộc giám sát việc thực thi pháp luật về phân bón, thuốc BVTV. Hàng năm hội viên, nông dân phát hiện và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý bình quân trên 3.000 vụ việc vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, buôn bán phân bón. Trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát huy quyền dân chủ, tích cực tham gia góp ý, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở địa phương, Trung ương Hội đã tổ chức thành công 3 Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân; HND các tỉnh, thành phố đã tổ chức 11.835 cuộc đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền với nông dân, đưa chủ trương đối thoại giữa lãnh đạo Chính phủ, chính quyền cấp tỉnh với hội viên nông dân trở thành hoạt động định kỳ hàng năm để kịp thời có giải pháp, chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho những vấn đề liên quan đến bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với BĐKH, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.

Hội thảo tăng cường sự phối hợp giữa HND các cấp với ngành TN&MT trong việc đưa Luật BVMT vào cuộc sống

    Mặt khác, các cấp Hội còn tích cực tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên nông dân tham gia góp ý cho Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn về những nội dung liên quan đến lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với BĐKH, phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai...

    Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội tham gia BVMT nông thôn

    TWHNDVN đã chủ động phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức tổng kết Nghị quyết liên tịch số 02/2011/NQLT-BTNMT-HND ngày 13/5/2011 giữa hai bên về tăng cường phối hợp hành động trong lĩnh vực TN&MT nông thôn giai đoạn 2011 - 2015; ký kết Chương trình phối hợp số 48/2017/CTPH-HND-BTNMT ngày 22/12/2017 về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2018 - 2023; Hội nghị bàn giải pháp nâng cao năng lực của nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; Hội thảo Tăng cường sự phối hợp giữa HND các cấp với ngành TN&MT trong việc đưa Luật BVMT đi vào cuộc sống; hàng năm tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ; hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Tháng hành động về môi trường, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn… Cùng với đó, phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai các nhiệm vụ BVMT, thích ứng với BĐKH và nước biển dâng; Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; thực hiện Đề án Nâng cao vai trò, trách nhiệm của HND Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

    Xây dựng và nhân rộng các phong trào, mô hình điển hình

    Các cấp Hội phối hợp với ngành TN&MT, NN&PTNT, khoa học và công nghệ ở Trung ương và địa phương vận động hội viên nông dân đóng góp kinh phí, vật tư, ngày công xây dựng hơn 50.874 mô hình nông dân tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH. Trong đó, Trung ương Hội chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các tỉnh, thành Hội xây dựng trên 215 mô hình điểm về nước sạch và vệ sinh môi trường, HND tham gia BVMT nông thôn, thích ứng với BĐKH, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Điển hình là các mô hình: “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại các tỉnh: Kon Tum, Lai Châu, Nam Định, Quảng Ngãi, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương ; “HND tham gia cải thiện điều kiện vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn trong xây dựng NTM”, “Vận động nông dân xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh” tại Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Quảng Trị...; “Cánh đồng không vỏ bao bì thuốc BVTV” tại Quảng Nam, Đồng Tháp, An Giang, Bắc Ninh, Khánh Hòa...; “Nói không với túi ni lông và rác thải nhựa”, “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”, “BVMT biển” tại Quảng Bình, Nghệ An, Hải Phòng, Đà Nẵng...; “Sạch từ nhà ra ngõ”, “Tiếng kẻng vệ sinh môi trường”, “Sạch làng, tốt ruộng, đẹp quê hương”, “Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học” tại Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Trị, Lâm Đồng, Cà Mau. Ngoài ra, HND các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành lập 25.588 câu lạc bộ nông dân BVMT, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia.

    3. Một số tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết vẫn còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế nhất định: Tổ chức Hội ở một số nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác phổ biến, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết; việc cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết bằng những hoạt động thực tiễn của Hội ở địa phương, cơ sở còn bộc lộ thiết sót; chưa tích cực, chủ động phối hợp và chậm đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành các quy định của pháp luật cũng như phát động các phong trào nông dân tham gia BVMT và thích ứng với BĐKH. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết chưa được chú trọng; mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhằm BVMT, ứng phó BĐKH (sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGap, hữu cơ, GACP, tưới tiết kiệm, canh tác lúa SRI) chưa có sợ phối hợp, liên kết 6 nhà (Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối) để chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển theo chuỗi giá trị gắn hoạt động sản xuất với BVMT, thích ứng với BĐKH.

    Hơn nữa, một bộ phận hội viên, nông dân vẫn duy trì thói quen canh tác lạc hậu, lạm dụng hóa chất, tiêu dùng thiếu thân thiện với môi trường... vi phạm quy định của pháp luật về thu gom, xử lý rác thải, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải trong chăn nuôi, chế biến nông sản, sử dụng phân bón, thuốc BVTV; chưa tích cực tham gia các hoạt động do HND phát động, nhất là nông dân sống tại khu vực xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Tại các vùng giáp biên giới, việc vận chuyển, tiêu thụ, sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc BVTV có chất cấm không rõ nguồn gốc chưa được kiểm soát triệt để...

    Từ những kết quả cũng như tồn tại, hạn chế nêu trên, TWHNDVN rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

    Thứ nhất, các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết thông qua việc chủ động tham mưu, đề xuất, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà khoa học nhằm có nguồn lực cơ bản để thực hiện mục tiêu, nội dung Nghị quyết đề ra.

    Thứ hai, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân thông qua nhiều hình thức, nhất là việc xây dựng các mô hình cụ thể, sáng tạo, hiệu quả thiết thực để người dân dễ thấy, đồng tình ủng hộ và làm theo.

    Thứ ba, các cấp Hội phải chủ động, thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân, đặc biệt là những nơi môi trường bị ô nhiễm, những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng của BĐKH, vùng thường xuyên bị thiên tai… để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng có biện pháp giải quyết kịp thời, qua đó giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu thiệt hại do tác động của BĐKH, tăng cường bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và môi trường ở nông thôn.

    Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường tại các địa phương và phát huy được vai trò giám sát của người dân trong việc phát hiện, tố giác hành vi vi phạm về môi trường.

    Thứ năm, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực, nhất là cán bộ HND cơ sở, tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân, với công tác BVMT nông thôn, xây dựng NTM xanh, sạch, đẹp. Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia BVMT và BĐKH.

    Thứ sáu, thường xuyên tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và phát hiện, nhân rộng điển hình trong công tác BVMT, thích ứng với BĐKH, đồng thời tìm ra những điểm còn hạn chế, tồn tại, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục.

    4. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

    Nhằm tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và khắc phục khó khăn, thách thức để nâng cao hiệu quả công tác BVMT, thời gian tới, TWHNDVN sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, BVMT và chủ động ứng phó với BĐKH, trong đó tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vận động hội viên, nông dân thực hiện thu gom, phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải làng nghề ở nông thôn; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp; trồng cây xanh, bảo vệ rừng; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.

    Song song với đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình: “Cánh đồng không bao bì thuốc BVTV”; “Thùng rác thân thiện với môi trường”; “Nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải nông thôn thành phân bón tại nguồn”; “Tổ thu gom rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc BVTV”; “Nói không với túi ni lông và rác thải nhựa”; “Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học”; “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”… Qua đó, tổ chức khảo sát, nghiên cứu một số mô hình tiêu biểu để xây dựng đề án đề xuất với Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương tạo cơ chế, chính sách và nguồn lực giao cho HND thực hiện.

    Cùng với việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, các cấp Hội sẽ tăng cường giám sát và thực hiện phản biện xã hội về chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của nông dân về BVMT nông thôn, thích ứng với BĐKH. Vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia giám sát và kịp thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý những sai phạm trong tổ chức thực hiện, sửa đổi những nội dung bất cập, chưa phù hợp.

    Để đạt được mục tiêu đề ra, TWHNDVN kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng ở địa phương chỉ đạo các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để các cấp HND thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia giám sát, phản biện xã hội về chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình, dự án BVMT nông thôn, chủ động ứng phó với BĐKH. Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan truyền thông ở Trung ương tăng cường phối hợp với HND trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp, trao đổi thông tin về tài nguyên, môi trường, BĐKH; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ Hội; hỗ trợ kinh phí nhân rộng các mô hình về BVMT nông thôn và chủ động ứng phó với BĐKH do HND chủ trì xây dựng. Ngoài ra, TWHNDVN kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tạo cơ chế để HND Việt Nam tham gia thị trường các-bon trong nước và quốc tế: Tư vấn, hỗ trợ, kết nối, cấp chứng chỉ và tiêu thụ chứng chỉ các-bon từ những hộ nông dân trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, nông lâm kết hợp và từ những thành quả của người nông dân trong việc nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Đinh Khắc Đính

Phó Chủ tịch

Bùi Thị Oanh

Trung tâm Môi trường nông thôn

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2023)

Ý kiến của bạn