Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 05/07/2024

Bình Dương: Chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

18/09/2023

    Thời gian qua, Sở TN&MT Bình Dương đã chủ động, tích cực triển khai Luật BVMT năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, để chủ động trong việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo Luật BVMT năm 2020, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương đã đề nghị các Doanh nghiệp thực hiện các nội dung:

    Thứ nhất, thực hiện các quy định về phòng ngừa sự cố môi trường theo quy định tại Điều 122, chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường theo quy định tại Điều 124, tổ chức ứng phó sự cố môi trường theo quy định tại Điều 125 và phục hồi môi trường sau sự cố môi trường (nếu xảy ra sự cố) theo quy định tại Điều 126 Luật BVMT năm 2020. Đồng thời, có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường theo quy định tại Khoản 1 Điều 109 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất phối hợp nhiều lực lượng tại Công ty CP Tôn Đông Á (Khu công nghiệp Đồng An 2, TP.Thủ Dầu Một)

    Trường hợp kế hoạch ứng phó sự cố môi trường được lồng ghép, tích hợp và phê duyệt cùng với kế hoạch ứng phó sự cố khác thì phải bảo đảm có đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 108 Nghị định này.

    Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có trách nhiệm công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo quy định tại Khoản 3 Điều 110 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở ít nhất 02 năm một lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác theo quy định tại Khoản 7 Điều 124 Luật BVMT năm 2020; Bố trí kinh phí và nhân lực đảm bảo cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại cơ sở.

    Thứ hai, thực hiện các biện pháp BVMT theo đúng hồ sơ môi trường đã được cơ quan quản lý môi trường phê duyệt, đảm bảo chất thải phát sinh được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Trường hợp cơ sở có hệ thống xử lý nước thải phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với hệ thống xử lý nước thải theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 87 Luật BVMT năm 2020.

    Thứ ba, định kỳ hàng năm báo cáo công tác BVMT, trong đó bao gồm báo cáo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường theo Mẫu số 05.A hoặc 05.B (đối với dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) và Mẫu số 06 (đối với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp) Phụ lục VI Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT (kỳ báo cáo từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 hàng năm) gửi về các cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 5 Điều 66 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT trước ngày 15/1 (đối với dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) và trước ngày 20/1 (đối với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp) của năm tiếp theo.

    Thứ tư, chủ động rà soát nếu thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 39 Luật BVMT năm 2020 thì phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường quy định tại Điều 43 Luật BVMT năm 2020 và Điều 29 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và gửi về cơ quan quản lý môi trường để được xem xét, phê duyệt.

Đức Anh

 

Ý kiến của bạn