Banner trang chủ

Xử lý 7.000 lít dầu thải: Cần sự quyết tâm từ nhiều phía

04/09/2014

     Những ngày qua, dư luận đang rất quan tâm đến vụ việc 7.000 lít dầu thải có chứa hóa chất độc hại PCB được lưu giữ tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh) từ năm 2008 tới nay có nguy cơ rò rỉ ra môi trường, ảnh hưởng tới Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và hàng vạn người dân Quảng Ninh. Để rộng đường dư luận và có những nhận định đúng xác về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp về môi trường, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường về vấn đề này.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng

 

    Thưa Phó Tổng cục trưởng, gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc chất thải có chứa PCB được nhập khẩu vào Việt Nam và lưu giữ tại cảng Cái Lân trong 7 năm qua. Vậy chất thải đó thực chất là gì và có quy định nào về quản lý an toàn chất thải này?

     Ông Hoàng Dương Tùng: PCB nằm trong 23 nhóm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), có độc tính cao, cần phải quản lý theo quy định của Công ước Stốckhôm về các chất POP. PCB có các đặc tính như khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, khả năng di chuyển và phát tán xa, tích tụ sinh học cao. Tùy theo nồng độ, PCB có thể gây ngộ độc cấp tính như nổi mụn, cháy da, bỏng mắt… Về lâu dài, PCB có thể gây phá hủy gan, rối loạn sinh sản, biến đổi gen, gây ung thư, quái thai, dị dạng...

     Trước kia, PCB được sử dụng phổ biến để làm phụ gia trong dầu của các thiết bị điện và một số sản phẩm khác. Hiện nay, PCB đã không được sản xuất nữa, nhiều nước đã cấm sử dụng PCB. Tuy nhiên vẫn đang tồn tại một lượng lớn PCB trong dầu biến thế và các thiết bị điện tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.

     Việt Nam đã ý thức được rất sớm về rủi ro môi trường đối với chất PCB nói riêng và các chất POP nói chung. Vì vậy, Việt Nam đã có các quy định về quản lý PCB từ năm 1998 như Chỉ thị 29/1998/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, trong đó quy định “Cấm đổ bừa bãi các loại dầu biến thế, các loại dầu thải và thải các sản phẩm có chứa chất PCB ra môi trường xung quanh, hạn chế và tiến tới cấm sử dụng các sản phẩm công nghiệp có chứa PCB. Kiểm soát nghiêm ngặt để bảo đảm việc thải và vận chuyển các sản phẩm có chứa chất PCB theo đúng các quy định vệ sinh môi trường và quy chế quản lý các chất thải nguy hại”. Đồng thời, Việt Nam cũng tham gia vào Công ước Basel về kiểm soát quá cảnh và tiêu hủy chất thải nguy hại, bao gồm các chất POP/PCB vào năm 1995. Đến tháng 7/2002, Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 14 của Công ước Stốckhôm về các chất POP, trong đó có PCB và cam kết dừng sử dụng PCB vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn PCB vào năm 2028.

      Ngoài ra, để quản lý an toàn PCB và các thiết bị, vật liệu có PCB, Bộ TN&MT cũng đã ban hành một số quy chuẩn, cũng như hướng dẫn kỹ thuật về môi trường liên quan đến PCB và thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn về quản lý an toàn, ứng phó sự cố, phổ biến các quy định pháp luật về PCB cho các cơ quan quản lý (trong đó có Sở TN&MT Quảng Ninh), các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nhà báo.

     Sau khi phát hiện gần 7.000 lít dầu chứa PCB được nhập khẩu tại cảng Cái Lân, Tổng cục Môi trường đã có ý kiến gì về vấn đề này đối với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và doanh nghiệp? Chất thải chứa PCB tại cảng Cái Lân có mức độ độc hại như thế nào?

     Ông Hoàng Dương Tùng: Năm 2007, thông qua mạng lưới của các Công ước quốc tế về môi trường, Cơ quan quản lý môi trường của Việt Nam (khi đó là Cục Bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT) được biết trong lô hàng gồm 3 máy biến thế đã qua sử dụng được vận chuyển vào Việt Nam của Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin (trụ sở tại Hải Phòng) có thể có PCB, Bộ TN&MT đã có văn bản thông báo ngay với Cơ quan Hải quan để phối hợp kiểm soát, cũng như kiểm tra và phân tích hàm lượng PCB trong các thiết bị điện cũ của lô hàng. Qua đó, đã phát hiện có 1 máy biến thế loại lớn có dầu chứa PCB với nồng độ là 84 ppm.

     Theo quy định của Công ước Stốckhôm về các chất POP, các loại dầu đang sử dụng hoặc đã thải bỏ có nồng độ PCB từ 50 ppm trở lên phải được quản lý chặt chẽ. Vì thế, ngày 4/3/2008, Bộ TN&MT đã có Công văn số 754/BTNMT-BVMT về việc giải quyết nhập khẩu các lô hàng thiết bị điện của Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin (Công ty Cửu Long Vinashin), Bộ đã đề nghị UBND các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định giải quyết vụ việc này theo quy định, trong đó nêu rõ, việc quản lý chất thải PCB không thể chủ quan, đánh giá thấp những rủi ro đối với môi trường và sức khỏe con người, phải có các biện pháp quản lý và kiểm soát phù hợp. Ngày 17/7/2008, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cửu Long Vinashin do vi phạm Luật BVMT và buộc phải tái xuất về nước xuất khẩu lô hàng nhiễm PCB (Hàn Quốc). Tuy nhiên, phía Công ty cho biết, không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác không nhận lại.

     Tại thời điểm đó, các máy biến thế cũ này là tang vật của vụ án nhập khẩu trái phép, đang được cơ quan điều tra quản lý, Bộ TN&MT đã trao đổi với Sở TN&MT cần có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh và ý kiến thống nhất liên ngành của tỉnh để xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Sau đó, từ năm 2008 đến nay, Bộ TN&MT cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn đối với UBND tỉnh và doanh nghiệp, đồng thời, Bộ đã cử cán bộ, chuyên gia đến làm việc với các cơ quan liên quan tại địa phương và doanh nghiệp, cung cấp các thông tin, hướng dẫn kỹ thuật để đưa máy biến thế, dầu và các vật liệu nhiễm dầu có PCB vào lưu giữ an toàn trong các công-ten-nơ như hiện nay. Theo các chuyên gia quốc tế và Ban Thư ký Công ước Stốckhôm, đây là biện pháp lưu giữ an toàn trong khi chưa có đủ kinh phí và phương tiện để xử lý, tiêu hủy chúng. Điều đáng nói là vào thời điểm trước năm 2012, tại Việt Nam, chưa có một cơ sở nào có đủ khả năng để xử lý dầu có PCB. Hiện nay mới có một đơn vị có khả năng và được Bộ TN&MT cấp phép xử lý PCB, tuy nhiên lại ở Kiên Giang.

 

Hai công-ten-nơ chứa PCB được lưu giữ tại Cảng Cái Lân (Quảng Ninh)

 

     Vào thời điểm đó, vì lô hàng chưa thông quan nên việc quản lý và xử lý lô hàng thuộc trách nhiệm của chủ thể (là Công ty Cửu Long Vinashin) và lực lượng hải quan. Vì thế, trong các năm 2008 - 2009, Bộ TN&MT đã có các văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh và Sở TN&MT Quảng Ninh, hướng dẫn chuyên môn và pháp lý (về mặt môi trường) để xử lý vụ việc. Đồng thời, Tổng cục Môi trường đã có đoàn giám sát khu vực lưu giữ máy biến thế chứa dầu PCB, trao đổi, nhắc nhở cảng Cái Lân và đại diện Chi cục BVMT Quảng Ninh về việc lưu giữ PCB chưa an toàn (như có rò rỉ, không có mái che, không có biển cảnh báo…). Sau đó, Sở TN&MT đã yêu cầu Công ty xây dựng phương án quản lý an toàn và thực hiện việc lưu giữ máy biến thế, dầu và chất thải có PCB trong công-ten-nơ theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của Tổng cục Môi trường. Sở TN&MT Quảng Ninh đã chủ trì giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp. Hiện tại, PCB được cất giữ trong hai công-ten-nơ đáp ứng tốt việc lưu kho, có hệ thống đo nhiệt độ và cảnh báo, thông gió. Về bản chất, bản thân công-ten-nơ là một kho lưu giữ an toàn, để nằm yên một chỗ chắc chắn không có chuyện rò rỉ dầu và PCB ra môi trường.

     Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc xử lý dứt điểm vụ việc là vấn đề phức tạp trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Là cơ quan phụ trách môi trường, Bộ TN&MT có biện pháp nào để cùng các cơ quan liên quan giải quyết vụ việc này?

     Ông Hoàng Dương Tùng: Liên quan đến trách nhiệm quản lý chất thải nguy hại, nhất là quản lý PCB, thời gian qua, Bộ TN&MT đã liên tục hướng dẫn, tập huấn về quản lý an toàn, ứng phó sự cố, quy định pháp luật về PCB cho các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan trên phạm vi cả nước, trong đó có Sở TN&MT Quảng Ninh và các cơ quan thông tấn báo chí.

     Trên thực tế, quản lý an toàn PCB là một việc không dễ dàng, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam đã tham gia Công ước Stốckhôm để có được sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này.

     Để nhanh chóng giải quyết vụ việc này, ngày 22/8/2014, Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cửu Long Vinashin và các Sở, ngành liên quan để bàn giải pháp xử lý dứt điểm lô hàng có chứa PCB đang lưu giữ tại cảng Cái Lân. Bộ TN&MT và UBND tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất xử lý vấn đề trên theo hai bước. Thứ nhất, chuyển hai công-ten-nơ chứa hóa chất PCB ra khỏi cảng Cái Lân và đưa về lưu giữ tại địa điểm an toàn hơn. Thứ hai, vận chuyển số chất thải này từ Quảng Ninh về xử lý tại cơ sở có đủ năng lực xử lý chất thải có PCB trong khoảng 2 tháng.

     Theo kế hoạch, hai công-ten-nơ chất thải này sẽ được vận chuyển về cơ sở xử lý chất thải thuộc Công ty Môi trường của Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản (TKV), sau đó vận chuyển về Công ty Xi măng Thành Công ở Hải Dương, hoặc một cơ sở có đủ năng lực xử lý an toàn để xử lý tiêu hủy. Các thiết bị nhiễm PCB sẽ được rút dầu, sấy khô, cho vào công-ten-nơ đóng gói và không còn nguy hiểm tới môi trường nữa. Chúng tôi thấy rằng, đây là biện pháp phù hợp và khả thi. Chất thải sẽ được chuyển ra khỏi khu vực nhạy cảm về môi trường gần vịnh Hạ Long và giảm thiểu rủi ro môi trường.

     Để thực hiện được việc này cần có sự tham gia phối hợp của nhiều bên, bao gồm các cơ quan có thẩm quyền liên quan thuộc tỉnh Quảng Ninh, Tổng cục Môi trường và doanh nghiệp. Sau khi lưu giữ tại Công ty Môi trường của TKV, Công ty Cửu Long Vinashin sẽ có trách nhiệm đàm phán với cơ sở xử lý có đủ năng lực và được Bộ TN&MT chấp thuận, để ký kết hợp đồng xử lý gần 7.000 lít dầu chứa hóa chất PCB. Khi đạt được thỏa thuận thì sẽ vận chuyển về cơ sở này để tiến hành xử lý, mọi chi phí sẽ do doanh nghiệp chịu trách nhiệm.

     Tuy nhiên, trước mắt cần tuyên truyền cho nhân dân yên tâm, một mặt di chuyển, một mặt liên hệ với cơ sở dự kiến sẽ xử lý là Công ty Xi măng Thành Công để tiến hành làm hồ sơ và thống nhất xử lý hóa chất PCB theo công nghệ đốt, trên thế giới cũng có nhiều nước xử lý chất PCB này ở nhà máy xi măng nên điều này là hoàn toàn phù hợp. Việc này cần được đẩy nhanh tiến độ và phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của Công ty Cửu Long Vinashin.

     Xin ông cho biết, sau vụ việc này, cần rút ra bài học gì cho các cấp, các ngành và doanh nghiệp?

     Ông Hoàng Dương Tùng: Trước hết là về sự phối hợp liên ngành, giữa cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương phải cụ thể, chặt chẽ hơn. Về vụ việc này, Tổng cục Môi trường sẽ sát cánh với UBND và Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh để giải quyết, xử lý chất thải đến khi kết thúc, bảo đảm các yêu cầu về BVMT.

     Thứ hai, về nguyên tắc quản lý môi trường, chúng ta phải bảo đảm giảm thiểu rủi ro đối với môi trường và sức khỏe, bằng cách kết hợp: loại bỏ nguồn ô nhiễm, ngăn chặn đường lan truyền, tiếp xúc với nguồn ô nhiễm hoặc tách cộng đồng khỏi nguồn ô nhiễm. Ở đây, chúng tôi đã kết hợp giải pháp 2 và 3 và sẽ nỗ lực để thực hiện nhanh. Riêng việc tiêu hủy PCB sẽ chậm hơn một chút, vì đây không phải là việc dễ dàng. Cũng cần lưu ý là việc tiêu hủy PCB không đúng, không an toàn sẽ phát sinh Dioxin/Furan, là hóa chất độc hại hơn cả PCB.

     Thứ ba, quản lý PCB nói riêng và chất thải có hóa chất nguy hại nói chung là một vấn đề lâu dài, không hề dễ dàng. PCB và ô nhiễm do PCB là một vấn đề xuất phát từ lịch sử, khi chưa có đủ thông tin, kiến thức về các tính chất nguy hại của PCB và chưa có đủ nhận thức về nguy cơ tác động của hóa chất này đối với môi trường và sức khỏe. Ngày nay, quản lý và xử lý an toàn PCB là một vấn đề được cả thế giới quan tâm và thực hiện. Hiện nay, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm kê PCB và tăng cường năng lực quản lý an toàn PCB. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong lĩnh vực này. Chúng tôi sẽ nỗ lực để thực hiện trách nhiệm của mình.

     Thứ tư, chúng tôi cũng xin lưu ý một lần nữa rằng, PCB là một vấn đề lịch sử của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, PCB không phải chỉ có ở Quảng Ninh mà còn ở các địa phương khác. Vì vậy, việc quản lý, xử lý an toàn PCB để đảm bảo an toàn về môi trường và sức khỏe cần có sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ của cơ quan quản lý các cấp ở Trung ương, của từng địa phương và các địa phương với nhau, sự phối hợp liên ngành và điều rất quan trọng nữa là nhận thức đúng của cộng đồng về vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin, vì càng minh bạch thông tin thì chúng ta càng tránh được rủi ro môi trường.

     Qua đây, một lần nữa phải nói đến trách nhiệm của doanh nghiệp, đừng chỉ quan tâm đến lợi ích của mỗi doanh nghiệp mình mà quên đi hậu quả đối với môi trường và thế hệ mai sau.

     Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

            Phương Tâm (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn