Banner trang chủ

Vai trò của các tổ chức xã hội trong phát triển kinh tế ven biển

25/12/2013

     Thế kỷ 21 được thế giới xem là “Thế kỷ của đại dương”, các quốc gia có biển đều rất quan tâm và coi trọng việc quản lý khai thác biển. Với lợi thế hơn 3.200 km bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam,Việt Nam có hàng trăm bãi biển lớn nhỏ với cảnh quan đẹp rất phù hợp cho phát triển ngành công nghiệp du lịch. Mục tiêu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 50% tổng thu nhập quốc dân theo Chiến lược Phát triển kinh tế biển mà Đảng và Nhà nước đã đề ra nhằm giải quyết tốt các vấn đề xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trên đòi hỏi phải có sự đóng góp của tất cả các nguồn lực trong xã hội mà các tổ chức phi chính phủ (NGO) không nằm ngoài nguồn lực đó.

     Từng bước tiếp cận và triển khai

     Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, cùng với các chủ trương phát triển kinh tế, đa dạng hóa các thành phần, nhiều tổ chức NGO đã kịp thời nắm bắt cơ hội này, chủ động tiếp cận và triển khai các dự án theo kế hoạch của các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương về phát triển kinh tế biển. Những hoạt động phát triển cộng đồng trong nhiều lĩnh vực như nông, lâm ngư nghiệp, y tế, giáo dục, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo dạy nghề, giải quyết các vấn đề xã hội, phòng chống thiên tai và cứu trợ khẩn cấp, xóa đói giảm nghèo… được các tổ chức phi Chính phủ triển khai thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, với kinh nghiệm xây dựng và hỗ trợ vận hành những mô hình kinh tế nhỏ ở cộng đồng dân cư tại các vùng ven biển và hải đảo được các tổ chức NGO triển khai khá phù hợp, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là dân nghèo.

     Trong khi đó, các NGO hoạt động trong lĩnh vực môi trường đóng vai trò chủ yếu trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của các cơ quan, đoàn thể doanh nghiệp, người dân tham gia bảo vệ hệ sinh thái biển đảo và ứng dụng phương thức khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên biển đảo, góp phần phát triển kinh tế bền vững. Đây là cầu nối rất hiệu quả giữa người dân và chính quyền doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà tài trợ, từ đó thúc đẩy sự hiểu biết, đồng thuận và chung sức trong sự nghiệp phát triển kinh tế biển đảo.

     Mô hình sinh kế mới tại một vùng ven biển

     Có thể nói, gần 50% dân số cả nước sống trên 28 tỉnh/thành phố ven biển và khoảng 60% đô thị, khu công nghiệp lớn nằm ở vùng cửa sông, ven biển; 70% dân cư ở các xã ven biển sống phụ thuộc vào nguồn lợi từ biển. Trong khi đó, các nguồn lợi ven bờ trở nên cạn kiệt và suy thoái chủ yếu do chính hoạt động khai thác và sinh hoạt thiếu ý thức của con người dẫn tới tàn phá môi trường biển.

     Nhiều năm qua, các địa phương có biển đã không ngừng nỗ lực mở rộng hợp tác với các tổ chức NGO trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ người dân ven biển đảm bảo sinh kế bền vững. Tại vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), nơi đây được coi là vùng có hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc thù của khu vực ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng, với nhiều loài sinh vật quý hiếm và được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Trong quá khứ, diện tích rừng ngập mặn ở đây bị tàn phá nghiêm trọng do sức ép khai thác, chặt phá rừng và làm đầm nuôi hải sản. Tuy nhiên, từ năm 2004 - 2006, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) cùng với chính quyền địa phương và Ban quản lý Vườn Quốc gia (VQG) nâng cao nhận thức cộng đồng tại các xã vùng đệm của VQG, đặc biệt là xã Giao Xuân về việc bảo vệ rừng ngập mặn, giảm thiểu khai thác hải sản tự nhiên bằng phương thức hủy diệt. Khi nhận thức của người dân được nâng cao, đồng thời với việc phải cùng họ giải quyết vấn đề sinh kế như thế nào để giảm áp lực khai thác lên môi trường và tài nguyên.

 

Các tổ chức NGO trong và ngoài nước hỗ trợ người dân ven biển phát triển

sinh kế bền vững

 

     Trong bối cảnh đó, từ năm 2006 đến nay, MCD đã phát triển nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, như: Mô hình cộng đồng nuôi trồng thủy sản bền vững; Mô hình sinh thái dựa vào cộng đồng; Mô hình kinh doanh và đa dạng hóa sinh kế… Mục tiêu của các mô hình là nhằm giúp người dân có thêm hiểu biết các kỹ năng, khai thác nguồn lợi biển một cách hợp lý và bền vững, cuộc sống ổn định có khả năng chống chọi với những diễn biến của thiên nhiên. Nhờ đó, các hộ dân tại xã Giao Xuân và các xã lân cận đã được tham gia học tập, thực hành các mô hình phát triển bền vững. Chỉ tính riêng Dự án Du lịch sinh thái cộng đồng, trong giai đoạn từ năm 2006 - 2009, Dự án đã đào tạo người dân địa phương với một nhóm nòng cốt khoảng 100 người về kỹ năng và kiến thức điều hành về quản lý các tour du lịch sinh thái cộng đồng (lưu trú tại nhà, ăn uống, văn nghệ, vận chuyển, quà tặng…). Các sản phẩm tour du lịch sinh thái cộng đồng bước đầu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước… Riêng năm 2008, Dự án đã thu hút được gần 400 khách du lịch với gần 50% là khách nước ngoài. Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2011, Dự án hướng tới hoàn thiện mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Dự kiến sau hai năm có khoảng 1.500 người dân địa phương tham gia và hưởng lợi từ mô hình này.

     Năm 2010, nhóm nuôi ngao bền vững và nhóm du lịch sinh thái xã Giao Xuân đã vận hành tốt và thu được lợi ích rõ rệt. Hiện hai nhóm đang hướng tới mô hình Hợp tác xã, ở đó cộng đồng dân cư ven biển và các nhóm liên quan được nâng cao năng lực kinh doanh và thu được những lợi ích lâu bền về kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm cho các vùng ven biển khác. Kết quả bước đầu, rừng ngập mặn và môi trường biển được gìn giữ, không còn hoạt động đánh bắt hủy diệt hải sản, thu nhập bình quân của nhóm nòng cốt tăng thêm từ 400.000 đồng - 1.000.000 đồng/người/ tháng. Mô hình xã Giao Xuân được nhiều địa phương khác ở vùng ven biển đến học tập kinh nghiệm.

     Những vấn đề đặt ra đối với các NGO

     Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý cũng như của các tổ chức NGO, hiện nay cơ chế chính sách quản lý vùng bờ còn nhiều bất cập, có quá nhiều cơ quan quản lý khác nhau dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong khi có nhiều mảng trống bị bỏ ngỏ không ai có trách nhiệm. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ có năng lực và kiến thức trong quy hoạch thực hiện và giám sát quản lý vùng bờ… Ngoài ra, cộng đồng địa phương vẫn chưa được tham gia vào các kế hoạch quản lý vùng biển, lợi ích của người dân cũng như các bên liên quan trong việc sử dụng tài nguyên bờ chưa được bảo đảm. Theo bà Hồ Thị Yến Thu - Phó Giám đốc MCD: “Ở một số địa phương còn chưa nhận thức đúng về hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ. Hiện nay, các NGO chủ yếu làm công tác phát triển với nguồn lực và quy mô nhỏ, ưu tiên tăng cường năng lực cho người dân và các bên liên quan chứ không phải là những nhà tài trợ làm từ thiện hay nhà đầu tư cơ sở hạ tầng… do vậy, nếu các địa phương không hiểu rõ vấn đề này dẫn đến mâu thuẫn trong hợp tác và như thế Dự án khó thành công”.

     Ngoài ra, việc thực hiện Dự án với những sáng kiến mới cũng gặp khó khăn do thiếu chính sách hay khung pháp lý thích hợp. Ví dụ, phát triển doanh nghiệp cộng đồng kinh doanh các sản phẩm biển có nguồn gốc thân thiện môi trường hay được khai thác theo phương pháp bền vững hiện vẫn chưa được hỗ trợ bởi các chính sách thương mại hay chương trình quốc gia. Du lịch sinh thái cộng đồng đã và đang được các tổ chức NGO hỗ trợ thực hiện thành công ở một số địa phương ven biển song chưa được nhìn nhận chính thức trong các chương trình và chính sách xúc tiến du lịch… những bất cập trên phần nào ảnh hưởng đến nhân rộng mô hình.

     Từ những bài học kinh nghiệm nêu trên, rất mong những cơ quan thực thi chính sách, đặc biệt chính sách phát triển vững biển đảo cần sâu sát hơn, nhằm đảm bảo sự tham gia của cộng đồng và phát huy tính chủ động của các cấp cơ sở trong công tác bảo tồn biển.   

 

Thu Hường

Chuyên đề Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường

Ý kiến của bạn