Banner trang chủ

Trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan trong thu gom và xử lý sản phẩm thải bỏ

10/01/2014

     Collection and disposal of discarded products have revealed shortcomings, causing pollution and negative impact on human health. The reasons include inadequate infrastructure, backward collection and treatment technology and limited awareness.

     On 9 August 2013, Prime Minister issued Decision 50/2013/QD-TTg on collection and disposal of discarded products to implement Article 67 of Law on Environmental Protection. According to this decision, a list of discarded products subject to this regulation comprises batteries, electronic goods and home appliance, chemicals in industrial, agricultural and pharmaceutical production, lubricants, tires and transport means.

     To ensure feasibility, the decision sets out a road map for collection and disposal of discarded products to facilitate enterprises to have sufficient time to prepare for a change in regulations. One of the product groups that need to be collected first is electronic goods and home appliances. The collection of these products is scheduled to start by 2015 while that of transport means (automobils and motorbikes) is 2018.

     1. Ban hành quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ

     Hiện nay, hoạt động thu gom, xử lý đối với các sản phẩm thải bỏ (SPTB) chủ yếu do doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực tái chế chất thải hoặc hộ gia đình tại các làng nghề thực hiện mà chưa có sự gắn kết trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan (DN sản xuất, nhập khẩu, DN phân phối và người tiêu dùng).

     Hoạt động thu hồi, xử lý SPTB thông qua 2 hình thức: Các sản phẩm có giá trị sau khi tái chế (ắc quy, thiết bị điện, điện tử) do các tổ chức và cá nhân thu gom không chính thức thực hiện, sau đó chuyển tới các cơ sở tại các làng nghề, sử dụng công nghệ lạc hậu xử lý; Các sản phẩm không có giá trị (bóng đèn huỳnh quang, compact, pin), người tiêu dùng thường bỏ lẫn vào hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt hoặc vứt ra ven đường, nơi công cộng…

     Thực tế cho thấy, hoạt động thu gom, xử lý đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng còn yếu kém; công nghệ thu gom, xử lý lạc hậu; ý thức của con người hạn chế...

     Ngày 9/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg quy định về thu hồi và xử lý SPTB nhằm triển khai thực hiện Điều 67 của Luật BVMT. Theo đó, Danh mục SPTB gồm: Ắc quy và pin; Thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp; Hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và thuốc cho người; Dầu nhớt, mỡ bôi trơn; Săm, lốp; Phương tiện giao thông. Để đảm bảo tính khả thi, Quyết định đưa ra lộ trình thu hồi và xử lý SPTB, tạo điều kiện cho DN có đủ thời gian cần thiết chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực thực hiện việc thu hồi và xử lý SPTB. Một trong những nhóm sản phẩm phải thu hồi và xử lý sớm nhất là thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp vào năm 2015, còn các phương tiện giao thông (xe mô tô, xe gắn máy và ô tô) có thời điểm thu hồi muộn nhất vào năm 2018.

     2. Trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan trong thu gom và xử lý SPTB

     Trách nhiệm của DN sản xuất, nhập khẩu

     Theo Quyết định, DN sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập các điểm thu hồi SPTB. Điểm thu hồi SPTB phải phù hợp quy định của pháp luật về BVMT, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật như lưu giữ trong thùng kín, không rò rỉ, rơi vãi, phát tán ra môi trường.

     DN phải có trách nhiệm tiếp nhận SPTB do DN mình sản xuất, nhập khẩu đã bán ra thị trường Việt Nam. Khi người tiêu dùng mang SPTB đến điểm thu hồi, DN phải sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm đó trên cơ sơ sở thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận SPTB. Việc thỏa thuận này có thể hiểu là khi tiếp nhận SPTB, DN sản xuất, nhập khẩu có thể phải trả cho người tiêu dùng một khoản tiền, tặng thưởng bằng hiện vật, khuyến mại hoặc không trả bất kỳ chi phí nào. Đây là vấn đề đặc thù, vì thực tế ở Việt Nam hiện nay, hoạt động thu gom và tái chế SPTB đang là loại hình kinh doanh khá phát triển, mang lại lợi nhuận và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Quan hệ tài chính giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân thu gom SPTB được thể hiện dưới hình thức mua, bán và tự thỏa thuận. Theo đó, để thu hồi SPTB đã bán ra thị trường Việt Nam, các DN sản xuất, nhập khẩu cũng phải chấp nhận thực tế này.

 

 

     DN sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm vận chuyển SPTB từ các điểm thu hồi đến cơ sở xử lý bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng; chống rò rỉ, rơi vãi, sự cố do SPTB gây ra. Mặt khác, DN sản xuất, nhập khẩu phải thông báo bằng văn bản đến Bộ TN&MT về các điểm thu hồi và nơi thực hiện việc xử lý SPTB. Đồng thời, hàng năm, báo cáo lượng sản phẩm được sản xuất hoặc nhập khẩu đã bán ra thị trường Việt Nam; kết quả thu hồi và xử lý SPTB. Quy định này góp phần thống kê lượng chất thải dự kiến sẽ phát sinh khi sản phẩm kết thúc vòng đời cũng như lượng SPTB thực tế đã được thu hồi và xử lý.

     Trách nhiệm của người tiêu dùng, cơ sở phân phối, cơ sở thu gom và xử lý SPTB

     Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao SPTB tại điểm thu hồi. Hành vi chuyển giao SPTB của người tiêu dùng tại điểm thu hồi có ý nghĩa quan trọng, quyết định trực tiếp đến kết quả thu hồi của DN sản xuất, nhập khẩu.

     Các cơ sở phân phối có trách nhiệm tham gia thu hồi SPTB khi được các DN sản xuất, nhập khẩu đề nghị hợp tác trong việc thiết lập điểm thu hồi, tiếp nhận, chuyển giao SPTB.

     Cơ sở thu gom và xử lý SPTB thực hiện hợp đồng với DN sản xuất, nhập khẩu để thu hồi và xử lý SPTB phải tuân thủ quy định của pháp luật về BVMT. Cơ sở thu gom và xử lý SPTB khi hoạt động phải có giấy phép quản lý hành nghề chất thải nguy hại (nếu SPTB thuộc Danh mục chất thải nguy hại). Đồng thời phải thực hiện các yêu cầu đối với quản lý chất thải như khi vận chuyển phải có thiết bị phòng, chống rò rỉ, rơi vãi, sự cố môi trường; SPTB phải được xử lý bằng phương pháp, công nghệ, thiết bị phù hợp với đặc tính hóa học, lý học và sinh học của từng loại để bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

     Quyền lợi của DN sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng, cơ sở thu gom và xử lý SPTB

     DN sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng, cơ sở thu gom và xử lý SPTB được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về thuế, phí, đất đai, vốn, khoa học và công nghệ, tiêu thụ sản phẩm tái chế…

     DN sản xuất, nhập khẩu thiết lập điểm thu hồi để tiếp nhận SPTB là chất thải nguy hại được miễn đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại. Quy định này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN sản xuất, nhập khẩu giảm thiểu các thủ tục hành chính về môi trường.

     DN sản xuất, nhập khẩu trực tiếp thu hồi và vận chuyển SPTB là chất thải nguy hại được miễn đăng ký hành nghề quản lý chất thải nguy hại, nhưng phải đáp ứng các điều kiện: Đăng ký ngành, nghề kinh doanh sản phẩm thuộc Danh mục SPTB; Báo cáo về việc trực tiếp thu hồi và vận chuyển SPTB được Bộ TN&MT xác nhận; Trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm và BVMT tại các điểm thu hồi; Phương tiện, thiết bị chuyên dụng để thu hồi và vận chuyển SPTB; Có cán bộ kỹ thuật chuyên trách về hoạt động thu hồi và vận chuyển SPTB.

     DN sản xuất, nhập khẩu được liên kết với các DN sản xuất, nhập khẩu khác cùng thực hiện thu hồi và xử lý SPTB; hoặc hợp đồng với cơ sở thu gom và xử lý có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật để thu hồi và xử lý SPTB.

     Trách nhiệm của các cơ quan quản lý

     Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục SPTB, thời điểm thu hồi và xử lý SPTB; xây dựng các quy định chi tiết Quyết định này; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động thu hồi và xử lý SPTB; Thiết lập, quản lý dữ liệu về thu hồi và xử lý SPTB; Thanh tra, kiểm tra và xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về thu hồi và xử lý SPTB.

     UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng tham gia vào hoạt động thu hồi và xử lý SPTB; Hỗ trợ DN sản xuất, nhập khẩu thiết lập điểm thu hồi SPTB tại các địa điểm phù hợp trên địa bàn; Thực hiện quản lý SPTB theo quy định của pháp luật về BVMT như xem xét, phê duyệt các thủ tục môi trường, thanh tra, kiểm tra hoạt động thu hồi và xử lý SPTB trên địa bàn.

     3. Kết luận

     Việc ban hành Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg nhằm gắn trách nhiệm của DN sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm do mình bán ra thị trường cho đến khi sản phẩm đó được xử lý đảm bảo về môi trường. Quy định chịu trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm có ý nghĩa thúc đẩy các DN không ngừng cải tiến quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường. Đồng thời, Quyết định này cũng gắn người tiêu dùng và cơ sở phân phối phải tham gia vào hoạt động thu hồi SPTB, qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thu lại được nguồn vật liệu quý từ quá trình xử lý SPTB.

     Hiện nay, Tổng cục Môi trường đang khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết việc thiết lập điểm thu hồi, cách thức chuyển giao và tiếp nhận SPTB; hoạt động vận chuyển và xử lý SPTB; ký kết hợp đồng thu hồi và xử lý SPTB; chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động thu hồi và xử lý SPTB; miễn đăng ký chủ nguồn thải, miễn đăng ký hành nghề quản lý chất thải nguy hại đối với SPTB là chất thải nguy hại; liên kết thu hồi và xử lý SPTB; thiết lập, quản lý dữ liệu về thu hồi và xử lý SPTB; chế độ thông tin, báo cáo về SPTB để tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh nhằm thực hiện Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả. Đồng thời, Tổng cục Môi trường đang phối hợp với Hiệp hội DN Nhật Bản và Nhóm các Tập đoàn Công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như: HP, Canon, Dell, Panasonic, Sony... xây dựng Chương trình thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ và dự kiến bắt đầu triển khai Chương trình này từ năm 2014. Qua đó, góp phần thực hiện trách nhiệm của DN đối với cộng đồng và môi trường, từng bước tạo dựng môi trường kinh doanh bền vững tại Việt Namn.

 

ThS. Nguyễn Văn Hưng

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí môi trường, số 11/2013

Ý kiến của bạn