Banner trang chủ

Thừa Thiên - Huế: Tăng cường bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp

09/01/2014

     Hiện nay, công tác phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho địa phương… Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN, đang có nguy cơ gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển bền vững. Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường. Tạp chí Môi trường đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Đấu, Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế về vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Đình Đấu
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế

 

     Xin ông cho biết, công tác quản lý môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay?

     Theo “Quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, tỉnh đã quy hoạch phát triển 6 KCN với tổng diện tích 2168,76 ha, gồm: KCN Phú Bài (giai đoạn I, II, III và IV), thị xã Hương Thủy có diện tích 818,76 ha; KCN Phong Điền, huyện Phong Điền (400 ha); KCN Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (250 ha); KCN La Sơn, huyện Phú Lộc (300 ha); KCN Phú Đa, huyện Phú Vang (250 ha) và KCN Quảng Vinh, huyện Quảng Điền (150 ha). Đến nay, các KCN đã thu hút 77 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký là 9.093 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt 4.053,8 tỷ đồng đạt 44,% so với đăng ký, tập trung chủ yếu ở KCN Phú Bài và Phong Điền. Các dự án đầu tư vào các KCN đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và bản cam kết BVMT.

     Tổng lượng nước thải phát sinh tại các KCN đã được thu gom và xử lý đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Các hoạt động sản xuất của KCN Phú Bài phát sinh lượng nước thải khoảng 2.500 m3/ngày/đêm; toàn bộ khối lượng nước thải này đã được thu gom và xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung, công suất: 4.000 m3/ngày/đêm trước khi xả thải ra môi trường, đạt tỷ lệ 100%.

     Tại KCN Phong Điền, khối lượng nước thải đạt khoảng 150 m3/ngày/đêm, khối lượng này cũng đã được thu gom, để xử lý. Tại KCN này, Nhà máy xử lý nước thải tập trung cũng đang được xây dựng với công suất: 4.000 m3/ngày/đêm.

     Ngoài ra, 11 dự án đang hoạt động tại các KCN có sử dụng công nghệ đốt lò hơi để thu nhiệt phục vụ sản xuất, hầu hết các hoạt động này phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, tỷ lệ xử lý lượng khí thải đạt 40%.

     Về công tác thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, lượng chất thải rắn phát sinh tại các KCN hiện nay đạt khoảng 3,5 tấn/ngày/đêm, hầu hết đã được các doanh nghiệp thu gom và hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý, tỷ lệ đạt 95%. Khối lượng phát sinh chất thải nguy hại khoảng 0,25 tấn/ngày/đêm, tỷ lệ xử lý đạt 70%.

     Công tác quan trắc môi trường 6 tháng đầu năm 2012 tại các KCN cho kết quả: Chất lượng môi trường không khí và tiếng ồn tại KCN Phú Bài và KCN Phong Điền chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm. Đã tiến hành lấy 7 mẫu trong KCN Phú Bài, 4 mẫu tại KCN Phong Điền và kết quả phân tích cho thấy đều nằm trong giới hạn của Quy chuẩn MT hiện hành về chất lượng MTKK xung quanh QCVN 05:2009/BNMT, Quy chuẩn KTQG về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT.

     Kết quả quan trắc môi trường đất và môi trường nước, sau khi lấy mẫu kiểm tra (lấy 3 mẫu đất tại 3 vị trí khác nhau trong và ngoài KCN Phú Bài), các thông số đều có kết quả phân tích đạt Quy chuẩn môi trường hiện hành về giới hạn cho phép của kim loại nặng trong đất QCVN 03:2008/BTNMT; Tiến hành phân tích 2 mẫu nước tại nguồn tiếp nhận nước thải (Hói Ông Thơ), kết quả phân tích đối chiếu với quy chuẩn kỹ thuật môi trường QCVN 08: 2008/BTNMT về chất lượng nước mặt cho thấy hầu hết các thông số chất lượng nước mặt đều có giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép tại cột B1, một số chỉ tiêu còn đạt mức A1.

     Để tăng cường quản lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các KCN tỉnh cần thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

     Trước hết, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về BVMT cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các KCN cũng như trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về BVMT.

     Tiếp theo, phải tiến hành giám sát, quan trắc việc thực hiện các nội dung đã cam kết trong báo cáo ĐTM, cam kết BVMT đã được phê duyệt. Vai trò của công tác giám sát này rất quan trọng, khi phát hiện doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Khu Công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy

 

     Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp BVMT cũng như việc tuân thủ các quy định về pháp luật BVMT đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các KCN, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật BVMT; đồng thời, không cấp phép cho các dự án, các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

     Hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải và cơ sở hạ tầng trong các KCN; quản lý và khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

     Theo Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), điều 50, quy định các KCN, CCN phải xây dựng và thực hiện kế hoạch BVMT và ứng phó với sự cố môi trường; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện BVMT đối với KCN, CCN trên địa bàn quản lý của mình, vậy nhìn từ góc độ địa phương ông có góp ý cụ thể nào cho Dự thảo Luật?

     Từ góc độ địa phương, tôi hoàn toàn đồng ý với quy định nêu trên. Bởi vì các KCN, CCN tập trung nhiều cơ sở sản xuất, trong quá trình hoạt động phát sinh nhiều chất thải ra môi trường (nước thải, khí thải, chất thải rắn…) và có khả năng xảy ra các sự cố môi trường. Do đó, hàng năm cần phải xây dựng kế hoạch BVMT và ứng phó với sự cố môi trường và để làm tốt nhiệm vụ này các KCN, CCN cần phải có bộ phận chuyên môn đủ năng lực.

     Đồng thời, phải rà soát, sửa đổi các quy định liên quan trong Luật BVMT về tổ chức thanh tra môi trường trong các KCN, CCN; Phân cấp quản lý môi trường trong các KCN, CCN và các vấn đề khác có liên quan; Phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước cụ thể giữa Ban quản lý các Khu kinh tế và Sở TN&MT; Phân định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN, CCN với các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong KCN, CCN; Ban hành quy chế quản lý môi trường nội bộ KCN, CCN để tạo cơ chế hoạt động riêng theo đặc thù từng KCN, CCN và xác định quyền hạn, trách nhiệm của các bên tham gia trong KCN, CCN.

     Ngoài ra, cần có quy định tăng cường thu hút đầu tư vào các KCN, CCN theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của địa phương, thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án BVMT. Cuối cùng phải có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp trong các KCN, CCN thực hiện tốt công tác BVMT.

     Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

      Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013

 

 

 

 

Ý kiến của bạn