Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 06/07/2024

Tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020

20/01/2015

     Năm 2013, trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả sau gần 10 năm thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT đến năm 2020 (gọi tắt là Kế hoạch). Nội dung quan trọng của Kế hoạch là trong giai đoạn đến năm 2015 sẽ tập trung xử lý triệt để, dứt điểm 229 cơ sở gây ÔNMTNT đã được phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý; đến năm 2020 tập trung xử lý triệt để, dứt điểm 249 cơ sở gây ÔNMTNT đã được phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý và các cơ sở gây ÔNMTNT mới phát sinh, phấn đấu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ÔNMTNT.

     1. Một số kết quả đạt được

     Ngay sau khi Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ TN&MT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai một số hoạt động chính:

     - Kiện toàn bộ máy tổ chức Ban Chỉ đạo liên ngành và Văn phòng giúp việc, đồng thời, xây dựng, hoàn thiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành, Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành nhằm tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện Kế hoạch theo đúng tiến độ đã được phê duyệt. Một số tỉnh, TP cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT của địa phương như Cao Bằng, Cà Mau...;

     - Ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã chủ động, tích cực xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lồng ghép nội dung triển khai Quyết định số 1788/QĐ-TTg trong các Chương trình, Kế hoạch về BVMT theo từng giai đoạn; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg.

     - Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT, cụ thể: Hoàn thiện các quy định về xử lý cơ sở gây ÔNMTNT trong Luật BVMT năm 2014 vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (Điều 104); xây dựng các quy định chi tiết nội dung này của Luật trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, trình Chính phủ ban hành; xây dựng Thông tư thay thế Quyết định số 10/2006/QĐ-BTNMT về chứng nhận cơ sở gây ÔNMTNT đã hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để, sẽ ban hành sau khi Luật BVMT năm 2014 có hiệu lực thi hành. Về phía các địa phương, một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã ban hành chính sách hỗ trợ cho các cơ sở triển khai xử lý ô nhiễm triệt để như chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp phải di dời vào khu công nghiệp.

     - Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành công tác xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMTNT. Qua đó đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung đối với các cơ sở có hành vi chậm xử lý ô nhiễm triệt để theo tiến độ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại các địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở gây ÔNMTNT hầu hết được lồng ghép vào các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác BVMT trên địa bàn hoặc phối hợp với Bộ TN&MT để triển khai. Một số địa phương đã chủ động thành lập các Đoàn liên ngành để tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở gây ÔNMTNT, đồng thời có biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để trên địa bàn.

     - Tiếp tục tổng hợp danh mục dự án, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương để xử lý ô nhiễm triệt để đối với các đối tượng thuộc khu vực công ích theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có 342 dự án xử lý ô nhiễm triệt để trên địa bàn 47 tỉnh và 4 Bộ (Quốc phòng, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải) được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nguồn sự nghiệp môi trường.

     - Một số lượng lớn các cơ sở gây ÔNMTNT đã được xử lý triệt để, góp phần giảm đáng kể các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong tổng số 439 cơ sở gây ÔNMTNT theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đến nay đã có 384/439 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ÔNMTNT, chiếm tỷ lệ 87,47%; còn lại 55 cơ sở chưa hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm tỷ lệ 12,8%, bao gồm: 18 bãi rác, 08 bệnh viện, 10 làng nghề, 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, 8 cơ sở thuộc loại hình hoạt động khác (4 hệ thống xử lý nước thải tập trung, 2 điểm tồn lưu hóa học và 2 kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu). Trong số đó, 26 cơ sở công ích (18 bãi rác, 8 bệnh viện) đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn xử lý ô nhiễm triệt để đến ngày 31/12/2015 tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg. Như vậy, nếu không tính 26 cơ sở công ích, đến nay tỷ lệ các cơ sở gây ÔNMTNT theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg đã hoàn thành các biện pháp xử lý là 384/413 cơ sở (đạt tỷ lệ 92,98%).

 

 

     Đối với 435 cơ sở cơ sở gây ÔNMTNT theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg (trong đó không bao gồm 43 cơ sở còn tồn đọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg chuyển sang), tới nay đã có 101/435 cơ sở cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ÔNMTNT (chiếm tỷ lệ 23,22%). Bên cạnh đó, phần lớn các cơ sở đang trong thời gian xử lý ô nhiễm đã triển khai các biện pháp xử lý tạm thời, qua đó góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm, giảm các tác động xấu tới môi trường, giảm những bức xúc trong dư luận.

     Nhìn chung, nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn; tỷ lệ các cơ sở hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để đã có nhiều chuyển biến tích cực; các cơ sở đã có ý thức trong việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở gây ÔNMTNT đã chủ động thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT cũng đang dần được hoàn thiện thông qua việc Luật hóa nội dung xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT.

     2. Một số khó khăn, vướng mắc đặt ra

    Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc triển khai xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT vẫn còn những thách thức, khó khăn, vướng mắc.

     - Thứ nhất, công tác tuyên truyền về Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMTNT theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa được quan tâm đúng mức; việc niêm yết bản tóm tắt kế hoạch xử lý triệt để tại cơ sở và trụ sở UBND cấp xã nơi cơ sở đang hoạt động gây ÔNMTNT để theo dõi, giám sát chưa được thực hiện ở nhiều nơi trên thực tế. Nhận thức về trách nhiệm về xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT của các cấp chính quyền còn nhiều hạn chế. Một số địa phương còn thiếu quyết liệt, chậm triển khai thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ sở trên địa bàn mặc dù Bộ TN&MT đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc.

     - Thứ hai, một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tuy đã được ban hành song còn chậm được triển khai; việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả, thậm chí một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiếu tính khả thi, doanh nghiệp khó tiếp cận. Các quy định trong các hệ thống pháp luật về BVMT và hệ thống pháp luật khác có liên quan đến việc di dời, xử lý cơ sở ÔNMTNT như: đất đai, tài chính, quy hoạch xây dựng vẫn còn chưa đồng bộ làm hạn chế công tác xử lý ô nhiễm triệt để.

     - Thứ ba, việc xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT thuộc khu vực công ích trên thực tế gặp một số khó khăn, đặc biệt là việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở công ích như bệnh viện, bãi rác. Thậm chí, một số cơ sở công ích cố tình không chấp hành nộp phạt theo yêu cầu của quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BVMT nhưng các địa phương vẫn không có biện pháp xử lý thỏa đáng. Điều này đã phần nào làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở công ích trong việc xử lý ô nhiễm triệt để vẫn chưa được quan tâm và chưa được triển khai tại các địa phương. Đối với các cơ sở đã được đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước, cán bộ quản lý, vận hành hệ thống xử lý chất thải không được đào tạo, thiếu chuyên môn nghiệp vụ; kinh phí cho việc duy trì, vận hành chưa được quan tâm đúng mức.

 

Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên

 

     - Thứ tư, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây nên nguồn lực đầu tư cho xử lý triệt để các cơ sở gây ô môi trường nghiêm trọng còn nhiều hạn chế, đưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó kinh phí đầu tư cho công tác BVMT cũng bị ảnh hưởng, không phù hợp với thực tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực như chế biến thủy sản, sản xuất giấy,... làm chậm tiến độ và nội dung xử lý ô nhiễm triệt để. Việc bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước chưa đủ để thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT thuộc khu vực công ích.

     3. Các giải pháp trong thời gian tới

     Nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

     Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai thông tin về xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT. UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện tốt việc công khai thông tin về xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai thông tin về xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP.

     Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý ô nhiễm triệt để. Hoàn thiện và ban hành quy định về chứng nhận cơ sở gây ÔNMTNT hoàn thành xử lý triệt để khi Luật BVMT năm 2014 có hiệu lực thi hành (thay thế Quyết định số 10/2006/QĐ-BTNMT ngày 21/8/2006); quy định về tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ÔNMTNT cho phù hợp với Luật BVMT năm 2014 (thay thế Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT ngày 8/5/2012); đồng thời xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định về xử lý ô nhiễm triệt để.

     Đẩy mạnh huy động nguồn vốn triển khai xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT. Ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước nguồn sự nghiệp môi trường và nguồn đầu tư phát triển cho thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT thuộc khu vực công ích chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để theo quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ có mục tiêu xử lý triệt để các cơ gây ÔNMTNT thuộc đối tượng công ích từ nguồn ngân sách giai đoạn 2015-2020.

     Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành về xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT. Tổ chức kiểm tra trách nhiệm Ủy ban nhân dân các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg; đánh giá tính hiệu quả của việc triển khai các dự án xử lý ô nhiễm triệt để đã được hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn. Chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các trường hợp cơ sở gây ÔNMTNT cố tình chây ỳ, không đầu tư thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, tăng cường sử dụng các biện pháp mạnh về xử lý triệt để theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg.

 

PGS.TS Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng

Bộ Tài nguyên và Môi trường

TS. Hoàng Văn Thức - Chánh Văn phòng

ThS. Dương Thị Thanh Xuyến - Phó Chánh Văn phòng

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014

 

 

Ý kiến của bạn