Banner trang chủ

Quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

12/08/2014

 

     Ô nhiễm môi trường không khí đã ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng và gây ra thiệt hại đáng kể đối với các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch. Ô nhiễm không khí đang có xu hướng gia tăng tại các đô thị lớn và khu công nghiệp (KCN), vì vậy cần phải có các giải pháp quản lý quyết liệt và hiệu quả.
     Statistics show that in the period of 2010-2012, air quality in some major urban areas (Ha Noi, Ho Chi Minh City and Dong Nai) has been declined. The main pollutants are TSP and PM10 in big traffic intersections. The TSP and PM10 in these areas are mostly 1.5 - 2.5 times higher than standards. In addition, policy and regulations on air pollution control are incomplete. Air quality plans have not been developed at both national and local levels.

     To recognize the importance of air pollution control, Prime Minister has directed Ministry of Natural Resources and Environment to take a leading role and coordinate with related ministries and sectors to implement preventive measures and increase effectiveness of air quality management such as: Completing functions and tasks and organizational structure for air environment management, completing policy and regulations, increasing financial resources, diversifying investment sources, education and propaganda, and expanding international cooperation and mobilizing resources to support air environment management.

     Chất lượng môi trường không khí ở Việt Nam được theo dõi, đánh giá dựa trên số liệu quan trắc môi trường định kỳ hàng năm của hệ thống quan trắc môi trường quốc gia và các địa phương. Các số liệu quan trắc sẽ được so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về môi trường không khí để đánh giá mức độ ô nhiễm. Theo các số liệu thống kê, tính toán, báo cáo đánh giá trong giai đoạn 2010 - 2012, diễn biến chất lượng môi trường không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai) có xu hướng suy giảm. Vấn đề ô nhiễm chủ yếu là bụi và bụi mịn (TSP và PM10), đặc biệt là đối với các khu vực đang trong quá trình xây dựng và các nút giao thông, nơi có lưu lượng phương tiện giao thông lớn. Phần lớn tại các khu vực này, nồng độ bụi và bụi mịn vượt quá tiêu chuẩn cho phép khá cao, khoảng từ 1,5 - 2,5 lần.

 

Tại các nút giao thông, nồng độ bụi và bụi mịn vượt quá tiêu chuẩn
cho phép từ 1,5 - 2,5 lần

 

     Ở một số khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp cũng có hàm lượng bụi cao vượt mức cho phép. Nguyên nhân chính là do các cơ sở sản xuất vẫn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, lại chưa đầu tư, vận hành hệ thống xử lý khí thải đã dẫn đến lượng khí thải công nghiệp đưa ra môi trường khá lớn.

     Tại các khu vực đang trong quá trình xây dựng, ô nhiễm bụi chỉ xảy ra vào giai đoạn nhất định và mang tính cục bộ. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư, các đơn vị thi công công trình chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng, phun nước rửa đường... Ngoài ra, việc đào lấp, sửa chữa hệ thống đường sá, diễn ra thường xuyên mà không thực hiện các biện pháp BVMT, gây mất vệ sinh, ô nhiễm bụi tại nhiều khu vực.

      Ở nông thôn, một số vùng cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ do hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Cụ thể, tại các khu vực nông thôn gần nhà máy nhiệt điện, xi măng, các làng nghề tái chế kim loại, chế tác đá, lò gạch... nồng độ bụi cũng vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, ô nhiễm do khói mù từ hoạt động đốt rơm rạ cũng là vấn đề cần được quan tâm.

     Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai các hoạt động quản lý, kiểm soát chất lượng không khí và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể: Trách nhiệm chủ trì và phân công quản lý nhà nước về chất lượng môi trường không khí còn phân tán, chưa rõ đầu mối quản lý giữa các Bộ có liên quan. Trong khi các chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa cụ thể và chưa có kế hoạch quản lý chất lượng không khí ở Trung ương, cũng như địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường không khí còn thiếu tính đồng bộ, công tác quan trắc, kiểm kê nguồn khí thải còn hạn chế, thiếu các chương trình quan trắc tổng thể và định kỳ cho các khu vực nông thôn và làng nghề; Nhiều hoạt động kiểm soát ô nhiễm chưa được triển khai như kiểm soát chất lượng nhiên liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo, tập huấn, nghiên cứu và giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT không khí. Ngoài ra, nguồn nhân lực và kinh phí cho hoạt động kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng vào công tác kiểm soát ô nhiễm không khí còn mờ nhạt, chỉ mang tính hình thức.

     Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng không khí, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện các hoạt động, giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu ngăn ngừa mức độ gia tăng ô nhiễm không khí và tăng cường lý hiệu quả quản lý chất lượng không khí như:

     Kiện toàn tổ chức: Tăng cường năng lực, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức quản lý môi trường không khí, thống nhất đầu mối từ cấp Trung ương đến địa phương. Theo đó, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về BVMT không khí theo quy định của Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

     Hoàn thiện chính sách và pháp luật: Triển khai thực hiện các quy định về BVMT không khí theo Luật BVMT năm 2014, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, trong đó tập trung vào công tác quản lý, giám sát các nguồn thải và trách nhiệm của chủ nguồn thải. Tổ chức nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật Không khí sạch. Trước tiên trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí đến năm 2020 và tổ chức thực hiện; Xây dựng đồng bộ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải các ngành công nghiệp.

     Giải pháp kỹ thuật và công cụ kinh tế: Tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí, đặc biệt là hình thành hệ thống công cụ kinh tế như phí BVMT đối với khí thải, xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải khí thải giữa các doanh nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các KCN. Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên, môi trường quốc gia đến năm 2020, trong đó quan tâm đến các hệ thống quan trắc không khí, giám sát các nguồn khí thải công nghiệp lớn; xây dựng và ban hành quy định về chuẩn kết nối và yêu cầu kết nối số liệu trong hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, các địa phương và KCN.

     Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức: Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về môi trường không khí đô thị, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động BVMT nói chung, môi trường không khí nói riêng; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng và doanh nghiệp trong quản lý chất lượng không khí; Tăng cường năng lực, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo về BVMT không khí.

     Hợp tác quốc tế: Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác kỹ thuật với các nước có kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực trong BVMT không khí; Ưu tiên mở rộng quan hệ quốc tế về BVMT không khí dưới hình thức thiết lập các chương trình, dự án đa phương và song phương, hỗ trợ kỹ thuật; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và sử dụng hiệu quả hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: Chương trình phát triển với Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Tổ chức Sáng kiến Không khí sạch châu Á (CAI-ASIA)…

 

 

TS. Đặng Văn Lợi - Phó Cục trưởng

ThS. Nguyễn Hoàng Đức

Cục Kiểm soát ô nhiễm

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 7/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn