Banner trang chủ

Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường

25/12/2013

     Hiện nay, các hoạt động của đời sống xã hội đều liên quan trực tiếp đến vấn đề môi trường hoặc tác động làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, cộng đồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giám sát các hoạt động BVMT.

     Cộng đồng bao gồm người dân và thành viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội có thể trực tiếp tham gia xử lý các sự cố liên quan đến môi trường như phòng chống cháy rừng, lụt bão, khơi thông kênh mương, dọn vệ sinh môi trường sau bão, lũ, đấu tranh BVMT...

     Người dân có thể phản đối một nhà máy xả rác thải, khí thải độc hại ra môi trường và sông ngòi, khi nhìn thấy và cảm nhận được. Một điểm mỏ khai thác khoáng sản sai quy trình, gây mất an ninh trận tự và gây ô nhiễm môi trường đều có thể bị phát giác. Thậm chí người dân cũng có thể phát hiện một cây rừng quý hiếm đang bị đe dọa bởi lâm tặc. Hiện trạng môi trường tự nhiên bị thay đổi cũng được cộng đồng nhận biết và đánh giá công bằng. Mới đây, nhân dân huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và trực tiếp đấu tranh lên án hành vi vi phạm pháp luật môi trường của Công ty CP Nicotex Thanh Thái chôn lấp số lượng lớn thuốc trừ sâu dưới lòng đất trong khu vực nhà máy nhiều năm. Tiếp đó, là Công ty Hào Dương, TP. Chí Minh đã xả thải trực tiếp khối lượng nước thải ra môi trường cũng do người dân phản ánh. Theo thống kê, có trên 50% vụ việc vi phạm pháp luật BVMT do người dân, cộng đồng tại địa phương phát hiện, phản ánh với cơ quan có thẩm quyền.

     Các thành viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội còn được coi là lực lượng nòng cốt để đấu tranh, phản đối gay gắt, thậm chí hình thành làn sóng, sức mạnh dư luận lên án các các nhân, tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến tài nguyên nhiên nhiên của đất nước. Người dân nhiều địa phương đã chủ động và phối hợp giám sát, thu thập dữ liệu, hình ảnh, củng cố hồ sơ pháp lý, chứng cứ, hình ảnh... nhằm khẳng định và xác nhận các hành vi vi phạm pháp luật BVMT của tổ chức, doanh nghiệp để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng chức năng. Đồng thời, người dân là lực lượng tiêu dùng đông đảo có thể từ chối, loại bỏ các sản phẩm hàng hóa của tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Thương hiệu, sản phẩm của Công ty CPHH Vedan Việt Nam và nhiều doanh nghiệp khác bị sụt giảm do quá trình vi phạm pháp luật BVMT, cộng đồng từ chối, thậm chí loại bỏ.

 

Bộ TN&MT trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2013 cho các

tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác BVMT

 

     Thời gian qua, vai trò giám sát của cộng đồng trong BVMT còn hạn chế do chưa nâng cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng; Trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền đối với các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng về BVMT, nhất là cấp địa phương, cơ sở chưa thường xuyên, hiệu quả.

      Xuất phát từ chính nhu cầu cần thiết của cuộc sống, cả nước đã hình thành, phát triển nhiều mô hình cộng đồng điển hình tiên tiến đóng góp quan trọng trong công tác BVMT. Các mô hình cộng đồng do chính người dân trực tiếp bàn bạc thống nhất các phương thức tổ chức thực hiện, quản lý giám sát và được hưởng lợi từ thành quả tham gia. Nhiều chương trình/dự án thực hiện thành công và hiệu quả do chủ dự án đã trực tiếp lấy ý kiến của người dân và cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia vào công tác giám sát. Như vậy, có thể khẳng định, người dân, thành viên, hội viên của tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp là chủ thể chính trong việc quyết việc các hoạt động BVMT.

     Để tăng cường hiệu quả BVMT của cộng đồng, các chính sách của Nhà nước cần phải đảm bảo các quyền và lợi ích cơ bản như: Được tham gia góp ý xây dựng, tiếp cận và thực hiện các điều luật quy định về BVMT. Nguyện vọng, ý kiến của đại đa số người dân cho rằng, trước khi tiến hành các công trình/dự án thì họ được tham vấn và trưng cầu ý kiến; Được tiếp cận thông tin có định hướng, đầy đủ, chính xác và kịp thời về các nội dung liên quan đến BVMT; Được học tập nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng tham gia các hoạt động BVMT và tiếp cận sử dụng các nguồn lực, kinh nghiệm, công nghệ trong nước và quốc tế về BVMT; Tham gia các phong trào của quần chúng, các cuộc vận động, sự kiện và hoạt động cộng đồng, chương trình/dự án về BVMT; Đồng thời, được tham gia phản biện xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan/doanh nghiệp có liên quan đến BVMT. Nghĩa là, mỗi người dân, thành viên, hội viên có quyền được tham vấn trực tiếp, gián tiếp, quyền được phát huy và đảm bảo tính dân chủ đối với các chương trình/dự án về môi trường; có trách nhiệm lên tiếng đấu tranh và phản đối đối với các doanh nghiệp, cá nhân gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn…

     Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia BVMT” trong các tầng lớp nhân dân. Phong trào thi đua phải được phát động thường xuyên, đều khắp các địa phương. Thông qua phong trào thi đua cũng như các cuộc vận động khác để mỗi người dân thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình; Phát triển nhân rộng mô hình cộng đồng, điển hình tiên tiến trong phong trào BVMT. Khen thưởng cộng đồng có thành tích tiêu biểu trong BVMT, nhất là cộng đồng có trách nhiệm cao trong việc phát hiện, đấu tranh về BVMT.

 

Trương Văn Đạt - Phó Vụ trưởng

Phạm Ngọc Bách

Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, Bộ TN&MT

Chuyên đề Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường

 

Ý kiến của bạn