Banner trang chủ

Các địa phương cần thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm đối với bảo vệ môi trường lưu vực sông

09/01/2014

     Đó là ý kiến của ông Mai Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực (UB BVMT LV) sông Nhuệ - sông Đáy khi trao đổi với Tạp chí Môi trường sau một năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch UB BVMT LV.

 

 

Ông Mai Tiến Dũng
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam;

Chủ tịch Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - Đáy         

 

     Xin ông cho biết, một số kết quả bước đầu nhiệm kỳ thứ hai trong việc triển khai Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020?

     Ông Mai Tiến Dũng: Ngay sau Hội nghị lần thứ tư UB BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy, chúng tôi đã có buổi làm việc với Bộ TN&MT về kế hoạch triển khai Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy năm 2013 và giai đoạn 2013 - 2015. Theo đó, UB BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đã chỉ đạo, huy động sức mạnh liên ngành, liên vùng trong triển khai Đề án đạt được một số kết quả:

      Phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030 tại Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 3/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch là cơ sở để các tỉnh, thành phố trong LV lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thuộc phạm vi LV sông Nhuệ - sông Đáy góp phần giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất từ các khu công nghiệp, khu dân cư đô thị và nông thôn.

     Thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, nạo vét khơi thông dòng chảy. Tăng cường sự phối hợp với các địa phương trong LV đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo yêu cầu của Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, trên 80% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg đã được xử lý.

     Triển khai Dự án “Quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc LV sông Đồng Nai và sông Nhuệ - sông Đáy”, trong đó 2 tỉnh thuộc LV sông Nhuệ - sông Đáy tham gia (Hà Nam và Nam Định). Dự án hỗ trợ 2 tỉnh vay vốn Ngân hàng Thế giới để đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN và đầu tư xây dựng hệ thống các trạm quan trắc tự động trên LV sông Nhuệ - sông Đáy.

     Ngoài ra, UBND các tỉnh/thành phố trên LV đang triển khai lập quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường địa phương đến năm 2020 và định hướng đến 2030.

     Sau gần 1 năm giữ cương vị Chủ tịch UB BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy, ông cho biết những khó khăn, vướng mắc khi triển khai nhiệm vụ BVMT?

     Ông Mai Tiến Dũng: Trong thời gian qua, công tác BVMT trên LV sông Nhuệ - sông Đáy đã được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tiến độ triển khai Đề án tại hầu hết các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành còn chậm, chưa đạt được các mục tiêu đề ra, cụ thể:

     Hoạt động của UB BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy còn hạn chế, các quyết định, kết luận của Ủy ban mang tính đồng thuận, không ràng buộc về pháp lý nên chưa giải quyết được các vấn đề môi trường bức xúc mang tính liên vùng...

     Các thành viên Ủy ban hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, thường xuyên có sự thay đổi, đồng thời đảm nhiệm nhiều trọng trách nên khó bố trí thời gian để chỉ đạo, điều hành các hoạt động BVMT. Bên cạnh đó, Văn phòng UB BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy cũng như các cán bộ phụ trách thực hiện các nhiệm vụ còn thiếu về lực lượng và cơ sở vật chất nên khó đáp ứng các nhiệm vụ được giao.

 

 

Theo Quy hoạch đến năm 2030 dự kiến có 24 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt

cho các đô thị thuộc phạm vi LV sông Nhuệ - sông Đáy  

 

     Tiến độ triển khai Đề án của các tỉnh, thành phố trên LV đều chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do việc triển khai xây dựng các dự án cụ thể tại các địa phương chưa được quan tâm, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT LV đã được thực hiện quyết liệt song việc khắc phục những vi phạm chưa nhiều.

     Nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, BVMT tại các địa phương còn hạn chế, đặc biệt các tỉnh như Hòa Bình, Hà Nam. Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí từ các nguồn sự nghiệp môi trường của các tỉnh/thành phố trên LV chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

     Để nâng cao hiệu quả BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy, ông có đề xuất, kiến nghị gì?

     Ông Mai Tiến Dũng: Trong thời gian qua, hoạt động của UB BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy chưa đạt hiệu quả cao. Để đạt được mục tiêu của Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020, tôi có một số đề xuất, kiến nghị:

     Thứ nhất, Bộ TN&MT sớm nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ đưa ra mô hình quản lý mới đối với UB BVMT các LV sông, tăng quyền lực về hành chính và tài chính tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương và sự đồng thuận giữa các tỉnh, thành phố trên các LV. Thống nhất sự phối hợp giữa các tỉnh và các Bộ, ban, ngành thông qua hội nghị họp Ban chỉ đạo, có thể tổ chức nhiều cuộc họp Ban chỉ đạo trong 1 năm mới giải quyết được những vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc trên LV. Đồng thời phối hợp với các địa phương trong các LV đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo yêu cầu của Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg.

     Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tiếp tục thu hút đầu tư của các tổ chức quốc tế cho các dự án BVMT của các tỉnh thuộc các LV sông, phân bổ kế hoạch và xây dựng cơ chế tài chính cho các dự án thuộc Đề án tổng thể BVMT các LV sông, đặc biệt là các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

     Thứ ba, UBND các tỉnh thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ trong quy định của Luật BVMT đối với BVMT nước sông là điều tra, khảo sát và công khai thông tin các nguồn thải trên sông; kiểm soát nguồn thải vào nước sông và tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường; không cấp phép mới với đối với các dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên các LV sông.

     Xin cảm ơn ông!

 

      Phạm Tuyên (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013

 

Ý kiến của bạn