Banner trang chủ

Bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển bền vững

04/06/2014

     Đó là một trong những mục tiêu quan trọng được đề cập trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch). Quy hoạch đã được xây dựng và thông qua tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Việc ban hành văn bản này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam.

     Ensuring important natural ecosystems, rare and threatened species and genetic resources to be conserved and sustainably developed; sustaining and developing ecosystem services responding to climate change in order to promote the national sustainable development are the key objectives of the National Master Plan on Biodiversity Conservation to 2020, Vision to 2030 (the Master Plan). The Master Plan was formulated and approved at Decision no. 45/QD-TTg dated 8th January 2014 by the Prime Minister. Accordingly, the biodiversity conservation planning to 2020 will follow eight geographical regions nationwide (Northeast, Northwest, Red River Delta Region, Northern Central, Southern Central, Central Highlands, Southeast, Mekong River Delta Region) and four targets including natural ecosystems, protected areas, biodiversity conservation units and biodiversity corridors.

     Some solutions have been proposed to implement the Master Plan: Completing legal documents on management of protected areas, biodiversity conservation units and biodiversity corridor; Enhancing the effectiveness of the state management system on biodiversity; Investigating, studying and identifying ecological zoning criteria nationwide; Enhancing information sharing, dissemination and international cooperation; Ensuring financial allocation to programs and projects to implement the Master Plan. 

     1. Sự cần thiết ban hành Quy hoạch

     Việt Nam được đánh giá là một trong những trung tâm ĐDSH của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng. Các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, biển, núi đá vôi, gò đồi, cát ven biển… với những nét đặc trưng của vùng bán đảo nhiệt đới, là nơi sinh sống và phát triển của nhiều loài hoang dã đặc hữu, có giá trị, trong đó có những loài không được tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Việt Nam cũng được biết đến với nhiều nguồn gen hoang dã có giá trị, đặc biệt là cây thuốc, các loài hoa, cây cảnh nhiệt đới... Theo kết quả thống kê, Việt Nam có khoảng 20.000 loài thực vật, trên 10.500 loài động vật trên cạn, trên 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt, trên 11.000 loài sinh vật biển và khoảng 7.500 chủng vi sinh vật (Báo cáo hiện trạng ĐDSH, Bộ TN&MT, 2011).

     Nhằm bảo tồn các giá trị ĐDSH quý giá, Việt Nam đã thành lập hệ thống các khu bảo tồn rừng đặc dụng; quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển và hệ thống các khu bảo tồn vùng nước nội địa. Các hình thức bảo tồn chuyển chỗ như trung tâm cứu hộ động vật, vườn động vật, vườn thực vật, vườn cây thuốc và trung tâm lưu giữ nguồn gen/ngân hàng gen cũng đã và đang phát triển. Một số hành lang ĐDSH cũng đang được nghiên cứu, thí điểm thành lập nhằm kết nối các sinh cảnh đã và đang bị chia cắt.

     Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mặc dù nền kinh tế đã tăng trưởng nhanh chóng, đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, song cũng gây ra nhiều áp lực đối với ĐDSH. Dân số đông, tăng nhanh (năm 2013 đạt ngưỡng 90 triệu người) đã và đang tạo ra một nhu cầu lớn về tiêu thụ tài nguyên cũng như sử dụng đất. Ngoài ra, những tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã xuất hiện và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Các hiện tượng thời tiết bất thường như bão, áp thấp nhiệt đới, gió lốc, các trận lũ, lụt đã để lại những hậu quả nặng nề và thậm chí không còn khả năng phục hồi đối với ĐDSH, các hệ sinh thái tự nhiên trên cạn cũng như dưới nước. Do vậy, việc ban hành Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là hết sức cần thiết và cấp bách.

     2. Một số nội dung trong Quy hoạch

     Mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2020 là bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Định hướng đến năm 2030, tiếp tục bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia; các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn tự nhiên, đầm phá ven biển và núi đá vôi bị suy thoái; Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn ĐDSH và hành lang ĐDSH đã được đề xuất.

      Quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020 theo 8 vùng địa lý trên phạm vi cả nước và 4 đối tượng, bao gồm: Hệ sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn ĐDSH và hành lang ĐDSH, cụ thể:

      Vùng Đông Bắc: Bảo vệ các hệ sinh thái rừng tự nhiên lưu vực sông Hồng, sông Lô, sông Gâm; hệ sinh thái núi đá vôi tại Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh; hệ sinh thái đất ngập nước tại Đầm Hà, Yên Hưng (Quảng Ninh); Chuyển tiếp 36 khu bảo tồn hiện có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật ĐDSH với tổng diện tích khoảng 265.800 ha; Nâng cấp và thành lập 3 cơ sở bảo tồn ĐDSH, bao gồm: 1 trung tâm cứu hộ động vật, 1 vườn thực vật và 1 vườn cây thuốc; Thành lập và đưa vào hoạt động 1 hành lang ĐDSH với diện tích khoảng 506 ha kết nối các sinh cảnh giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang và Vườn quốc gia Ba Bể.

     Vùng Tây Bắc: Bảo vệ các hệ sinh thái rừng tự nhiên lưu vực sông Đà, sông Mã; rừng ở các đai cao trên 1.500 m tại Lào Cai, Sơn La; Chuyển tiếp 15 khu bảo tồn hiện có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật ĐDSH với tổng diện tích khoảng 261.500 ha; Nâng cấp, thành lập 2 cơ sở bảo tồn ĐDSH, bao gồm: 1 trung tâm cứu hộ động vật và 1 vườn cây thuốc.

      Vùng đồng bằng sông Hồng: Bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên tại Hải Phòng, Thái Bình; các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng tại Ninh Bình, Nam Định; Chuyển tiếp 11 khu bảo tồn hiện có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật ĐDSH với tổng diện tích khoảng 88.000 ha; Nâng cấp, thành lập 8 cơ sở bảo tồn ĐDSH, bao gồm: 2 trung tâm cứu hộ động vật, 1 vườn thực vật, 1 vườn động vật, 1 vườn cây thuốc và 3 ngân hàng gen.

     Vùng Bắc Trung bộ: Bảo vệ hệ sinh thái rừng nguyên sinh tại Nghệ An, Hà Tĩnh; rừng tự nhiên lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Gianh; rừng ngập mặn ven biển tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa; hệ sinh thái núi đá vôi ở Thanh Hóa và Quảng Bình; hệ sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tại Thừa Thiên - Huế; Chuyển tiếp 21 khu bảo tồn hiện có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật ĐDSH với tổng diện tích khoảng 630.000 ha; Nâng cấp, thành lập 3 cơ sở bảo tồn ĐDSH, bao gồm: 2 trung tâm cứu hộ động vật và 1 vườn cây thuốc.

     Vùng Nam Trung bộ: Bảo vệ các hệ sinh thái rừng tự nhiên lưu vực sông Cái (tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa), sông Côn, sông Đà Rằng, sông Ba, sông Trà Khúc, sông Thu Bồn; hệ sinh thái rừng khộp tại Ninh Sơn (Ninh Thuận), Hoàn Giao (Khánh Hòa); các rạn san hô, thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm, Ninh Hải, vịnh Vĩnh Hy, vịnh Cam Ranh, đầm Thủy Triền, vịnh Vân Phong; hệ sinh thái đất ngập nước khu vực đầm Thị Nại, Trà Ổ, Cù Mông, Ô Loan, Nha Phu; Chuyển tiếp 22 khu bảo tồn hiện có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật ĐDSH với tổng diện tích khoảng 347.000 ha; Thành lập và đưa vào hoạt động 3 hành lang ĐDSH kết nối các khu bảo tồn tại vùng Nam Trung Bộ với tổng diện tích khoảng 118.700 ha.

     Vùng Tây Nguyên: Bảo vệ hệ sinh thái rừng nguyên sinh gồm: rừng trên núi trung bình (Ngọc Linh, Chư Yang Sin), rừng nửa rụng lá (rừng bằng lăng), rừng rụng lá cây họ Dầu (rừng khộp); rừng tự nhiên lưu vực sông Sê San, sông Ba, sông Đồng Nai; Chuyển tiếp 16 khu bảo tồn hiện có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật ĐDSH với tổng diện tích khoảng 461.000 ha; Nâng cấp, thành lập 3 trung tâm cứu hộ động vật.

 

Bảo vệ các rạn san hô, thảm cỏ biển ở Cù Lao Chàm là một trong những nội dung của Quy hoạch

 

     Vùng Đông Nam bộ: Bảo vệ hệ sinh thái rừng nguyên sinh; các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển tại Cà Ná, Côn Đảo; hệ sinh thái đất ngập nước tại đầm Thị Nại, rừng ngập mặn Cần Giờ; Chuyển tiếp 11 khu bảo tồn hiện có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật ĐDSH với tổng diện tích khoảng 212.200 ha; Nâng cấp, thành lập 6 cơ sở bảo tồn ĐDSH, bao gồm: 2 trung tâm cứu hộ động vật, 2 vườn thực vật, 1 vườn cây thuốc và 1 vườn động vật.

     Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Bảo vệ và phát triển bền vững 30.000 ha hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên; hệ sinh thái các rạn san hô, thảm cỏ biển tại Phú Quốc; các hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái rừng tràm tại Tràm Chim, U Minh, Trà Sư; Chuyển tiếp 21 khu bảo tồn hiện có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật ĐDSH với tổng diện tích khoảng 106.500 ha; Nâng cấp, thành lập 1 trung tâm cứu hộ động vật.

 

Rừng nguyên sinh tại Nghệ An

 

     3. Giải pháp thực hiện

     Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn ĐDSH và hành lang ĐDSH; tiêu chí phân hạng, phân loại khu bảo tồn theo hệ sinh thái; thành lập khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn ĐDSH và hành lang ĐDSH; định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn ĐDSH.

     Tăng cường hiệu quả hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về ĐDSH theo hướng phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, trong đó chú trọng việc thực hiện quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Tăng cường công tác thực thi pháp luật, chế tài xử phạt, xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch bảo tồn ĐDSH.

     Điều tra, nghiên cứu xác định các tiêu chí phân vùng sinh thái trên phạm vi cả nước; xác định các vùng có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nhạy cảm, dễ bị tổn thương, bị suy thoái để có kế hoạch bảo vệ và phục hồi. Tập trung các vùng có tiềm năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái. Điều tra, đánh giá sự phù hợp và nhu cầu thực tế về quỹ đất cho bảo tồn ĐDSH.

     Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện quy hoạch, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn và hành lang ĐDSH.

     Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ về tài chính và kỹ thuật để điều tra, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ; mở rộng việc trao đổi, hợp tác khoa học với các nước, đặc biệt với các nước có chung biên giới để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn ĐDSH và hành lang ĐDSH.

     Kinh phí thực hiện các chương trình, dự án thực hiện quy hoạch được xác định cụ thể trên cơ sở quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định hiện hành về tài chính của Nhà nước; đồng thời khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính; xây dựng cơ chế đa dạng hóa nguồn đầu tư cho quy hoạch bảo tồn ĐDSH.

 

Phạm Anh Cường - Cục trưởng

Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014

Ý kiến của bạn