Banner trang chủ

Ðội liên ngành 903 góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại Bình Dương

09/01/2014

     Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch BVMT hướng đến xây dựng Bình Dương có môi trường sống tốt, đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT. Để chủ động quản lý và kiểm soát chất lượng môi trường, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập Đội công tác liên ngành kiểm tra đột xuất tình hình chấp hành quy định pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (Đội liên ngành 1193) theo Quyết định số 1193/QĐ - UBND, ngày 30/3/2009. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, nhằm kiện toàn và tăng cường hiệu quả hoạt động của Đội, ngày 25/3/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 903/QĐ-UBND đổi tên thành Đội liên ngành 903.

 

      Đội liên ngành 903 có 14 thành viên, bao gồm: đại diện Sở TN&MT, Công an tỉnh, Sở Công Thương, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapo (VSIP), UBND các huyện, thị. Trong đó, Sở TN&MT (đội trưởng) chịu trách nhiệm quản lý điều hành trực tiếp hoạt động của Đội công tác liên ngành. Đội công tác có chức năng giúp UBND tỉnh đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường và giám sát việc tuân thủ, chấp hành BVMT của các doanh nghiệp trên địa bàn; Hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh.

      Đối tượng kiểm tra chủ yếu là các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT và các đối tượng bị khiếu kiện nhiều lần, kéo dài mà không có biện pháp khắc phục… Đội công tác liên ngành được quyền tiến hành kiểm tra đột xuất về BVMT của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh mà không cần phải thông báo trước. Đồng thời, Đội được quyền tạm đình chỉ hoạt động và lập biên bản vi phạm đối với các hoạt động vi phạm quy định pháp luật về BVMT đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét…

     Bà Võ Thị Ngọc Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương, Đội trưởng Đội liên ngành 903 cho biết: Dựa trên danh sách đề xuất kiểm tra của Thanh tra Sở TN&MT, Chi cục BVMT, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh, hàng quý Đội trưởng sẽ hội ý với các thành viên xác định đối tượng cần kiểm tra. Mỗi tuần đội sẽ kiểm tra từ 1- 2 cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, dựa vào kênh thông tin qua điện thoại, phản ánh của người dân, Phòng TN&MT các huyện, thị và các tình huống cụ thể, Đội trưởng sẽ quyết định đối tượng cần kiểm tra. Năm 2010, Đội liên ngành 903 đã tiến hành kiểm tra đối với 53 đơn vị trong và ngoài KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Qua kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BVMT, Đội đã chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở TN&MT và UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt đối với các đơn vị vi phạm, với tổng mức phạt: 2.267.750.000 đồng và yêu cầu các đơn vị thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Đến năm 2012, Đội đã kiểm tra 34 đơn vị trên địa bàn và chuyển các cơ quan có chức năng của tỉnh xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.168.000.000 đồng. Trong 10 tháng năm 2013, Đội đã kiểm tra 11 đơn vị và chuyển các cơ quan có chức năng xử phạt vi phạm 648.000.000 đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu của các đơn vị là chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải; một số trường hợp có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng không vận hành hoặc hư hỏng… xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường; quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định về BVMT… Qua công tác kiểm tra đột xuất, Đội liên ngành 903 đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT, góp phần thực hiện tốt hơn chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Dương về BVMT. Có thể nói, kết quả kiểm tra đột xuất, không báo trước doanh nghiệp phản ánh đúng sự việc, khách quan và hiệu quả.

 

Đội liên ngành lấy mẫu nước thải KCN Đồng An 1, huyện Thuận An,

tỉnh Bình Dương

 

     Để đạt những kết quả trên, Đội liên ngành 903 đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp từ Lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Sở TN&MT tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa các thành viên trong Đội. Ngoài ra, Đội xây dựng kế hoạch công tác theo tuần (ngày thứ tư hàng tuần kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn) và kiểm tra tập trung vào các ngành nghề nhạy cảm, có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao như chăn nuôi, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, xi mạ, cơ khí, dệt may, da giày, cao su…

     Theo bà Hạnh, để tăng cường công tác BVMT và chủ động trong kiểm soát ô nhiễm, các cơ quan Trung ương (cụ thể là Chính phủ, Bộ TN&MT, Thanh tra nhà nước) cần xây dựng và cụ thể hóa cơ chế kiểm tra đột xuất, trong đó cần quy định cụ thể cách xử lý đối với trường hợp không có lãnh đạo doanh nghiệp tại hiện trường hoặc doanh nghiệp cố tình chây ỳ không ký biên bản; các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho đội liên ngành (như thiết bị đo nhanh, thiết bị rà tìm đường ống ngầm…), đồng thời cần có chế độ chính sách đối với các cán bộ công chức tham gia.

     Có thể thấy, Đội liên ngành 903 đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về BVMT trong cộng đồng doanh nghiệp và dân cư… Qua đó, vấn đề ô nhiễm môi trường được cải thiện, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật BVMT trên địa bàn tỉnh được nâng lên.

 

            Phạm Đình Tuyên

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013

 

 

 

Ý kiến của bạn