Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 01/07/2024

Mối nguy hại từ thuốc lá đối với môi trường và sức khỏe con người

20/06/2023

    Thuốc lá đang dần hủy hoại hành tinh của chúng ta, để tạo ra chúng, hàng tỷ cây xanh đã bị đốn hạ; để trồng cây thuốc lá, môi trường đất và nước đều bị nhiễm chất độc hóa học. Quá trình sản xuất thuốc lá, không khí trở nên ô nhiễm vi chất độc và sau khi sử dụng, tàn thuốc chính là lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường tự nhiên.

    Thuốc lá gây hại cho sức khỏe con người

    Y học đã có nhiều bằng chứng cho thấy hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe con người; sử dụng thuốc lá thường xuyên cũng gây ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, xã hội và môi trường sống. Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân khiến hơn 8 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm, trong đó, hơn 7 triệu người chết do sử dụng trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người chết do hút thuốc lá thụ động. Người trực tiếp hút thuốc lá sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh nan y như ung thư, tim mạch, phổi…; người hút thuốc thụ động (hít phải khói từ điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra, cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm do khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất độc hại. Đáng chú ý, phụ nữ và trẻ em là một trong 2 đối tượng thường xuyên phải hút thuốc thụ động, đặc biệt, phụ nữ khi mang thai nếu hít phải khói thuốc thụ động sẽ có nguy cơ bị sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc đẻ non. Đối với trẻ em, hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen suyễn và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh, bởi khói thuốc thụ động làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân; làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200 - 400 gram. Mặt khác, khi trẻ hút thuốc thụ động sẽ kém phát triển chức năng phổi và tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác. Ngoài tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội (tiêu tốn khoảng 1.400 tỷ đô la Mỹ/năm), bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí khám, điều trị các bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

    TS. Ruediger Krech - Giám đốc Ban nâng cao sức khỏe của WHO cho biết, trong thuốc lá có chứa hơn 7.000 hóa chất, 69 chất gây ung thư. Các thành phần độc hại chính bao gồm nhựa thuốc lá (hắc ín); Nicotin (chất gây nghiện); Carbon Monoxide là nguyên nhân hình thành các mảng xơ vữa động mạnh, gây ra bệnh tim, đột quỵ cùng nhiều vấn đề tuần hoàn khác; Benzene và Nitrosamines là chất sinh ung thư; Ammonia được sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng, các sản phẩm tẩy rửa; dung dịch Formaldehyde dùng trong ướp xác… Như vậy, với các thành phần độc tính trong khói thuốc, sử dụng thuốc lá có thể gây ra khoảng 25 căn bệnh đặc biệt nghiêm trọng như ung thư phổi, thanh quản, khoang miệng, da; các bệnh về tim mạch (xơ vữa động mạch, mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...) và một số bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đặc biệt, theo đánh giá của Hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29/4/2020, những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe và khả năng tử vong cao hơn khi nhiễm Covid-19 so với những người không hút thuốc, bởi Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi, vì vậy, hút thuốc lá sẽ làm suy yếu chức năng phổi, khiến cơ thể khó chống lại vi rút corona và các bệnh khác. Do đó, ngoài việc bị ức chế, làm giảm khả năng bảo vệ của hệ hô hấp, tế bào niêm mạc đường hô hấp và các phế nang ở phổi bị tổn thương nhiều hơn, khiến vi rút SARS-CoV-2 dễ xâm nhập hơn.

    Gây thoái hóa đất, tác động đến khai thác và tàn phá rừng 

    Theo WHO, ngành công nghiệp thuốc lá đã góp phần gây ra tình trạng suy thoái rừng trên diện rộng, làm chuyển mục đích sử dụng của tài nguyên đất và nước khỏi sản xuất lương thực - đặc biệt ở các nước nghèo, thải ra chất thải nhựa, hóa chất và hàng triệu tấn carbon dioxide gây ô nhiễm. Trung bình mỗi năm, thế giới có khoảng 3,5 triệu ha đất bị phá để trồng thuốc lá, nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, thuốc lá là loài cây rất ưa nước nên thường được trồng ở nơi có nguồn nước tưới dồi dào như vùng trũng, gần ao, hồ, sông, suối... tuy nhiên, loài cây này thường làm thoái hóa đất trồng, cạn kiệt chất dinh dưỡng và độ phì nhiêu của đất, khiến đất bạc màu, cằn cỗi, dẫn đến hiện tượng xói mòn vào mùa mưa. Thực tế từ những người trực tiếp trồng cho biết, họ chỉ trồng thuốc lá trên một mảnh đất được khoảng 3 - 4 vụ, sau đó dễ cây sẽ bị sâu bệnh, còi cọc do thiếu chất dinh dưỡng từ đất. Dù được bón phân hay chăm sóc tích cực cũng chỉ cầm cự một thời gian, bởi càng trồng thì đất càng bị thoái hóa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất thuốc lá cũng giải phóng độc tố vào không khí và đất, đồng thời, tạo ra lượng chất thải rất lớn, trong đó ngoài những chất hữu cơ thông thường như bụi than, giấy vụn... còn nhiều chất độc khác dính trong bụi thuốc và môi trường không khí tại nơi sản xuất cũng như khu vực lân cận, bao gồm chất dầu, chất dẻo, amoniac, etylen, glycol, nicotin... khiến đất bị suy thoái do ô nhiễm công nghiệp, không thích hợp để trồng trọt.

    WHO cũng ước tính, hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và cần tới 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Trung bình một lò sấy cần hơn 33.600 m3 củi để sấy khô 3.000 ha cây thuốc lá - con số khiến bất cứ ai cũng phải giật mình trước mức độ “phá rừng” của cây thuốc lá. Hơn nữa, củi sấy thuốc lá phải đảm bảo các tiêu chí: Độ lớn, độ chắc, đốt đượm lửa và tiêu hao ít mới “trụ” nổi thời gian từ 6 - 7 ngày để cho ra sản phẩm thuốc lá có màu vàng đẹp mắt. Điều này có nghĩa, củi rừng luôn là lựa chọn số 1, dẫn đến tình trạng khai thác rừng một cách tận thu, bừa bãi… Ngoài ra, tàn thuốc lá có thể là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng, là thảm họa cho con người và môi trường sinh thái của các loài sinh vật.

    Là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và môi trường tự nhiên 

    Trung bình mỗi năm, con người sử dụng khoảng 22 tỷ tấn nước để sản xuất, chế biến thuốc lá; một người hút thuốc có thể thải ra môi trường tới 4.500 tỷ đầu lọc và tàn thuốc (tương đương 766.571 tấn). Lượng rác thải này thường phơi nhiễm trong môi trường, trên đường phố, lối đi bộ và khu vực công cộng, một phần theo nước mưa trôi ra cống và cuối cùng làm ô nhiễm sông hồ, bờ biển, đại dương. Không những thế, các vật liệu trong bộ lọc thuốc lá lá mối nguy hiểm đối với nhiều loài động vật thủy sinh, bởi nhựa được sử dụng trong các bộ lọc phải mất ít nhất cả thập kỷ để phân hủy, trong khi đó, một số loài cá và rùa thường nhầm lẫn tàn thuốc là thức ăn của chúng, dẫn đến sự tích tụ, làm tắc nghẽn đường tiêu hóa của các loài động vật này, thậm chí là chết do không thể tiêu thụ được thức ăn.

Trẻ em Ấn Độ xếp hình biểu tượng“Không hút thuốc lá” nhằm nâng cao ý thức của người dân trong Ngày Thế giới không hút thuốc lá tại Patiala

    Ở khía cạnh khác, các nghiên cứu khoa học của WHO cho thấy, việc người dân sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm từ 3.000 - 6.000 tấn formaldehyde (chất có khả năng gây ung thư); khoảng 12.000 - 47.000 tấn nicotine (chất làm tăng huyết áp, nhịp tim ở người, có thể gây ra khả năng xơ vữa) và 300 - 600 triệu kg chất thải độc hại từ các mẩu thuốc lá, đây được xem là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, khu vực công cộng. Một nghiên cứu cho thấy, ngành công nghiệp thuốc lá cùng với cháy rừng thải ra môi trường 84 triệu tấn khí CO2 hàng năm (cao gấp 10 lần so với các loại nhiên liệu khác và tương đương với 20% lượng CO2 mà ngành hàng không thương mại thải ra mỗi năm), góp phần làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu, gây hiệu ứng nhà kính cho Trái đất. Mặt khác, khi hút thuốc, khói thuốc sản xuất ra nhiều hạt muội - Yếu tố gây ô nhiễm không khí mạnh hơn cả khói diesel. Được biết, kượng chất độc tạo ra khi hút 3 điếu thuốc cao gấp 10 lần so với lượng chất độc do một chiếc xe hơi thải ra (nồng độ hạt muội đo được trong không khí sau khi động cơ chạy 1 giờ đầu tiên là 88 ug/m3, trong khi đó, nồng độ này trong những điếu thuốc lá ở cùng thời gian là 830 ug/m3). Một điểm đáng chú ý là khi hoạt động với công suất lớn nhất, lượng hạt muội mà động cơ diesel thải ra tại garage chỉ lớn gấp đôi so với nồng độ đo được ngoài trời, nhưng nồng độ hạt muội từ khói thuốc lại cao gấp 15 lần so với nồng độ bên ngoài.

    Trong một thí nghiệm tương tự, các nhà khoa học nhận thấy, lượng chất độc hại trong không khí ở 1 phòng hút thuốc lá nhiều gấp 120 lần so với 1 phòng cấm hút thuốc. Mức độ ô nhiễm này cũng tương đương với mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay London. Như vậy có thể thấy, những người sống chung với người nghiện thuốc lá phải tiếp xúc với các phần tử gây ô nhiễm cao hơn gấp nhiều lần so với những hộ gia đình không có người hút thuốc lá (Hàm lượng khí CO trong không khí tại nhà ở những gia đình có người hút thuốc cao gấp 2,4 lần nồng độ giới hạn cho phép; hàm lượng nicotine trong không khí tại nhà khá cao, trung bình 0,687 mg/m3).

    Ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng chiêu bài quảng cáo xanh

    Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành công nghiệp thuốc lá đang tiêu tốn 23 triệu đô la cho quảng cáo mỗi ngày, được xếp vào nhóm công ty thực hiện quảng cáo xanh (green advertising) - Thuật ngữ dùng để chỉ các công ty đánh lừa người tiêu dùng tin rằng sản phẩm của họ góp phần BVMT - Hành động được xem là “Greenwashing” khi dùng tiền để tự xưng là doanh nghiệp xanh thông qua quảng cáo, tiếp thị hơn là tham gia các hoạt động hữu ích góp phần giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường. Mặc dù các công ty này thúc đẩy quảng cáo rằng thuốc lá không gây hại cho môi trường, thậm chí còn góp phần cải tạo, giúp môi trường xanh, sạch hơn, nhưng sự thật, ngành công nghiệp thuốc lá đang gây hại cho hành tinh của chúng ta. Theo WHO, việc trồng trọt, sản xuất, tiêu thụ thuốc không chỉ đầu độc không khí, nước, đất bằng các chất hóa học, chất thải độc hại, tàn thuốc và vi nhựa mà còn góp phần vào nạn phá rừng, nhất là ở các nước đang phát triển.

    Báo cáo Thuốc lá: Kẻ đầu độc hành tinh của chúng ta từ WHO nhân Ngày Thế giới không khói thuốc năm 2022 cho thấy, tác động của thuốc lá đến môi trường trong toàn bộ chu kỳ phát triển, từ nảy mầm, sản xuất các sản phẩm thuốc lá, đến quá trình tiêu thụ trên thị trường và trở thành rác thải ra môi trường. Trước đây, người ta mới chỉ tập trung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người đã được ghi nhận trong nhiều thập kỷ mà chưa tập trung vào hậu quả lớn hơn về ô nhiễm môi trường. TS.Ruediger Krech, Giám đốc Ban nâng cao sức khỏe của WHO nhận định, “Tác động của thuốc lá đến môi trường khá tàn khốc” và đánh giá ngành công nghiệp này là “một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất”.

    Ngày Thế giới không thuốc lá và nỗ lực của Việt Nam

    Kể từ năm 1987, ngày 31/5 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới không thuốc lá, theo Nghị quyết Resolution 42.19 của WHO, nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm thuốc lá đối với con người, sức khỏe cộng đồng và môi trường, qua đó khuyến khích, kêu gọi trong khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu. Mục đích xa hơn là thu hút sự chú ý đến hoạt động kinh doanh của các công ty sản xuất và người tiêu dùng về tác hại của thuốc lá đối với người hút chủ động cũng như bị động. Đây đồng thời là dịp để nhấn mạnh các thông điệp cụ thể và tăng cường tuân thủ Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO. Từ đó đến nay, Ngày Thế giới không thuốc lá đã nhận được sự ủng hộ của những người không hút thuốc lá, các Chính phủ, tổ chức y tế, chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu.

    Mỗi năm, Ngày Thế giới không thuốc lá đề cập đến một vấn đề cụ thể liên quan đến ngành công nghiệp này và chủ đề năm 2022 là “Thuốc lá - mối đe dọa đối với môi trường của chúng ta”, nhấn mạnh rằng, trong suốt vòng đời của nó, thuốc lá gây ô nhiễm hành tinh, gây hại cho sức khỏe của tất cả mọi người. Từ đó có thể khẳng định “Bỏ thuốc lá để cứu hành tinh của chúng ta” cũng là nội dung cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người và biện pháp hữu hiệu để triển khai nội dung trên là: Giúp nông dân trồng thuốc lá chuyển sang cây trồng bền vững. Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách, cũng như các công ty cần định hướng, hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá chuyển sang sinh kế thay thế, bền vững hơn để giảm tác động đến môi trường, đồng thời vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá. Như vậy, về ngắn hạn, Ngày Thế giới không thuốc lá nhằm khuyến khích trong khoảng thời gian 24 giờ đồng hồ không có khói thuốc lá trên toàn cầu, nhưng về dài hạn phải tạo ra những biện pháp hữu hiệu, góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới loại bỏ triệt để thói quen sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc lá của cả cộng đồng.

    Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 70.000 người/năm (gấp gần 4 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ). Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động, trong đó, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3% và nữ giới là 1,1%. Thuốc lá chính là thủ phạm của 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, đồng thời là nguyên nhân thứ 2 gây nên các bệnh tim mạch như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Bên cạnh đó, kết quả khảo sát tại Bệnh viện K (Hà Nội) cũng cho thấy, 90% ca ung thư phổi có hút thuốc lá. Như vậy, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc, ước tính nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.

    Những năm gần đây, nhận thức của người dân Việt Nam về tác hại của khói thuốc ngày càng được nâng cao, cụ thể, hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25 - 31/5) và Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), Bộ Y tế, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, các bộ, ban/ngành, tỉnh/thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm tỷ lệ người dân hút thuốc lá. Mỗi địa phương, đơn vị đều đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị… Đặc biệt, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013 là bước tiến đáng ghi nhận trong công tác lập pháp của Việt Nam, thể hiện nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước và các địa phương về tác hại cũng như tầm quan trọng của việc phòng, chống thuốc lá trong cộng đồng. Các cấp, các ngành cũng ngày càng quan tâm, tích cực triển khai quy định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc; xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở y tế, trường học, cơ quan, xí nghiệp; tư vấn cai nghiện thuốc lá, kiểm tra, giám sát; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá… Nhờ đó, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá giảm đáng kể, từ 22,5% (năm 2015) xuống 21,7% (năm 2020); tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% (năm 2015) xuống 42,3% (năm 2020)… góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và Trái đất.

    Tuy nhiên, công tác phòng, chống hút thuốc lá hiện vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định do sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng - sử dụng nhiệt để làm nóng mà không đốt cháy như thuốc lá điếu thông thường, Shisha...), trong khi đối tượng tiếp cận chủ yếu là giới trẻ. Bên cạnh đó, tình trạng bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi vẫn còn tồn tại do chưa được quản lý chặt chẽ; cai nghiện thuốc lá chưa được triển khai triệt để, chủ yếu do nỗ lực của mỗi cá nhân; công tác xử phạt còn hạn chế… Thực tế trên cho thấy, để công tác phòng, chống hút thuốc hiệu quả, trước hết cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và tăng cường hơn nữa lực lượng thực thi pháp luật. Song song đó, hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, đòi hỏi sự vào cuộc kiên quyết của các cấp chính quyền, cơ quan công an, đội ngũ quản lý thị trường và đặc biệt, mỗi tổ chức, cá nhân phải tự nâng cao ý thức để loại trừ thuốc lá, bảo vệ sức khỏe, tạo ra môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng.

Vũ Thị Hiền

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2023)

    Tài liệu tham khảo

    1.https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/phong-chong-tac-hai-thuoc-la/thuoc-la-huy-hoai-suc-khoe-va-moi-truong-song-139983

2.https://soyte.hanoi.gov.vn/tac-hai-thuoc-la/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/hon-70-hoa-chat-co-hai-trong-thuoc-la?_101_INSTANCE_4IVkx5Jltnbg_viewMode=view

Ý kiến của bạn