Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 03/07/2024

Các tổ chức phi chính phủ yêu cầu ngừng xây đập thủy điện Xayaburi

15/09/2015

     Ngày 31/3/2014, tại Băng Cốc, Thái Lan, đại diện 39 tổ chức phi chính phủ và các nhóm xã hội dân sự, trong đó có WWF và Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, đã ký vào bản tuyên bố chung phản đối việc tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayaburi (Lào) trên dòng chảy chính của sông Mê Công; đồng thời kêu gọi Chính phủ Thái Lan hủy bỏ Thỏa thuận mua bán điện có liên quan đến dự án thủy điện gây tranh cãi này. Bản tuyên bố trên được đưa ra trước thềm Hội nghị cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) diễn ra vào ngày 5/4/2014 tại TP. Hồ Chí Minh.      Trong tuyên bố chung, các tổ chức tham gia ký tên nhìn nhận dự án thủy điện Xayaburi là một trong những con đập tiềm tàng những tác hại lớn nhất trên thế giới và là mối đe dọa tới an ninh lương thực, phát triển bền vững và sự hợp tác trong khu vực Hạ lưu sông Mê Công. Hơn nữa, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án không đáp ứng bất kỳ một tiêu chuẩn nào được quốc tế công nhận. Các chuyên gia đã chỉ ra sự thiếu hụt nghiêm trọng về số liệu và yếu điểm trong thiết kế đường di cư cho các loài cá, đồng thời khẳng định Xayaburi sẽ chặn dòng chảy trầm tích, hủy hoại hệ sinh thái của con sông. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp, ngành đánh bắt thủy sản và các ngành kinh tế phụ thuộc vào con sông.      Là dự án đầu tiên trải qua quy trình tham vấn của MRC, dự án đập thủy điện Xayaburi đóng vai trò quan trọng đối với 10 con đập khác đang được đề xuất xây dựng trên nhánh chính của vùng hạ lưu sông Mê Công. Theo quy trình, MRC yêu cầu các quốc gia cùng xem xét dự án để đưa ra kết luận có nên đưa vào thi công hay không. Theo đó, Campuchia và Việt Nam không ủng hộ dự án Xayaburi. Nhưng Lào vẫn quyết định xây dựng con đập này mà không cân nhắc ý kiến của các nước láng giềng.   Biểu tình phản đối việc xây đập Xayaburi tại Băng Cốc, Thái Lan với khẩu hiệu: Bảo vệ sông Mê Công là bảo vệ 60 triệu sinh mạng        Các tổ chức phi chính phủ ủng hộ tuyên bố chính thức của Việt Nam trong Quy trình tham vấn của MRC vào ngày 15/4/2011, trong đó Việt Nam yêu cầu dứt khoát “hoãn đưa ra quyết định xúc tiến xây dựng các đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mê Công, trong đó có dự án Xayaburi, trong vòng ít nhất 10 năm”. Đây cũng là đề xuất trong báo cáo ĐTM do MRC thực hiện năm 2010 về các đập thủy điện trên nhánh chính của con sông này.      Vẫn còn thời gian để cứu sông Mê Công      Theo Công ty tư vấn xây dựng Phần Lan Pöyry, Lào sẽ xây dựng một đập ngăn dòng vào quý I/2015 để lái dòng chảy của sông Mê Công lệch khỏi khu vực thi công đập thủy điện. Đây là hoạt động can thiệp trực tiếp đầu tiên vào khu vực lòng sông trong mùa khô và sẽ là sự kiện đánh dấu những ảnh hưởng tiêu cực không thể cứu vãn tới môi trường. Trước khi kết cục này có thể xảy đến, các quốc gia trong khu vực vẫn còn thời gian và cơ hội để xoay chuyển tình hình.      Mặc dù đập Xayaburi đang xây dựng và đến nay đã hoàn thành 30% tiến độ, nhưng trong suốt gần hai năm qua các nhà khoa học, các tổ chức dân sự và cộng đồng người dân các nước hạ lưu vực, kể cả ở Thái Lan - quốc gia sẽ được hưởng lợi do nhập khẩu nguồn điện từ công trình này - vẫn không ngừng phản đối. Họ vẫn nỗ lực và bền bỉ đấu tranh nhằm ngăn chặn con đập này và cả chuỗi đập đang lăm le dùng Xayaburi như một tiền lệ để đi theo.      Mới đây nhất, cuối tháng 3/2014, hàng loạt các cuộc tuần hành phản đối Xayaburi và thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đã diễn ra tại Thái Lan và Campuchia. Người dân Thái Lan, vốn đã trải nghiệm những hậu quả nặng nề từ con đập Pak Mun trên dòng nhánh sông Mê Công, đã có tiếng nói mạnh mẽ phản đối Chính phủ, các ngân hàng và công ty Thái Lan tham gia vào dự án đầu tiên trên dòng chính hạ nguồn này.      “Vẫn còn một năm nữa để các quốc gia ngăn chặn dự án “thảm họa” này trước khi nó vĩnh viễn tàn phá con sông Mê Công” - ông Marc Goichot, người quản lý Chương trình Thủy điện Bền vững của WWF-Greater Mekong cho biết. “Thái Lan cần phải hành động có trách nhiệm và hoãn lại thỏa thuận mua bán điện với Lào cho đến khi các quốc gia đạt được thỏa thuận chung về các con đập trên dòng chính sông Mê Công. Và nếu các ngân hàng của Thái Lan cân nhắc mọi rủi ro, coi trọng uy tín của họ trên trường quốc tế và xem xét lại các lợi ích tài chính, tôi tin rằng họ sẽ rút ra khỏi dự án này.”      Thiết nghĩ, đã đến lúc cần nâng tầm hợp tác Mê Công lên mức cao hơn, không dừng lại đơn thuần là quản lý và sử dụng nguồn nước nữa. Bốn quốc gia thành viên (Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam) cần đàm phán, thảo luận về cơ chế, lộ trình hợp tác phát triển chung, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm, xem xét lại mô hình phát triển và cân đối nhu cầu năng lượng của khu vực mà không nhất thiết phải thay đổi dòng sông Mê Công.     Nguyễn Phương Ngân Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2014
Ý kiến của bạn