Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 01/07/2024

Nhận thức, thái độ và hành vi của người dân đô thị trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn - Nghiên cứu trường hợp tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

03/10/2023

Tóm tắt:

    Để tìm hiểu nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại phường Trung Liệt - quận Đống Đa - TP. Hà Nội, nghiên cứu đã áp dụng phương pháp trưng cầu ý kiến và phương pháp phỏng vấn sâu. Kết quả cho thấy, nhận thức của người dân là khá tốt về chủ trương phân loại CTRSH và phần lớn cho rằng việc phân loại là cần thiết. Mặc dù tỷ lệ người dân biết cách phân loại là khá cao, tuy nhiên, vì nhiều lý do nên người dân không phân loại trước khi loại bỏ đạt tỷ lệ thấp. Qua đó, tác giả đề xuất một số giải pháp phù hợp với thực tế để giải quyết những rào cản trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại địa bàn.

Từ khóa: Nhận thức, thái độ, hành vi, CTRSH.

Ngày nhận bài: 7/8/2023. Ngày sửa bài: 18/9/2023. Ngày duyệt đăng: 28/9/2023.

 

Awareness, attitude and behavior of urban residents in the classification of domestic solid waste at source - Case study in trung liet ward, Dong Da district, Ha Noi city

Abstract:

    To find out the awareness, attitude and behavior of the people in the classification of domestic solid waste in Trung Liet Ward - Dong Da District - Hanoi City, the research has applied the poll method and in-depth interview method. The results show that people's awareness is quite good about the policy of segregation of domestic solid waste and the majority think that classification is necessary. Although the percentage of people who know how to classify is quite high, for many reasons, people do not classify before discarding, the rate is low. Thereby, the author proposes some practical solutions to solve the barriers in the classification of domestic waste in the locality.

Keywords: Awareness, attitude, behavior, domestic solid waste.

JEL Classification: O13, O44, Q53.

1. Đặt vấn đề

    Trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề tốt để tăng cường công tác BVMT trong thời gian tới. Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường khi CTRSH đang gia tăng cả về khối lượng và chủng loại. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý loại chất thải này còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người [1].

    Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2022 thì hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH và không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng [3]. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để thay đổi thói quen “gom rác một túi” thì lộ trình cần thực hiện là nghiên cứu nhận thức, từ đó điều chỉnh hành vi của người dân, đồng thời phổ biến các quy định pháp luật vào cuộc sống [5]. Vì vậy, theo quy định tại Khoản 7, Điều 79, Luật BVMT năm 2020, chậm nhất là ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại CTRSH theo Khoản 1 Điều 75 Luật BVMT năm 2020 và thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định tại Khoản 1 Điều 79 Luật BVMT năm 2020 [6].

    Cùng với xu hướng phát triển chung của thủ đô Hà Nội, phường Trung Liệt thuộc quận Đống Đa đã có những chuyển biến tích cực về mặt kinh tế - xã hội trong những năm qua, bện cạnh đó là sự gia tăng về dân số, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dẫn đến lượng CTRSH tương đối lớn. Vì vậy, việc tìm hiểu về nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong việc phân loại CTRSH khi mà Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách là rất cấp thiết nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp với thực tế để giải quyết những rào cản trong việc phân loại CTRSH tại địa bàn.

 2. Khái niệm và phương pháp nghiên cứu

    Tại Khoản 11 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật BVMT: Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác thải sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người [4].

    Như vậy, bài viết áp dụng khái niệm CTRSH như sau: Chất thải rắn sinh hoạt là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của hộ gia đình, được phân loại theo nguyên tắc:

+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Nhựa, giấy, kim koại, cao su, thủy tinh.

 + Chất thải thực phẩm: Thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây, các phần thải bỏ từ việc sơ biến, chế biến… Bã các loại như cà phê, trà (túi trà), bã mía, xác mía, cùi bắp… Các sản phẩm bỏ đi từ đậu, đỗ, thịt, trứng (vỏ trứng) và các sản phẩm từ thủy sản như ốc, hến, tôm, cua, ghẹ…

 + CTRSH khác (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải): Tã; bỉm; băng, giấy vệ sinh; giấy ăn đã qua sử dụng, tăm bông; bông tẩy trang, khẩu trang… Các loại khăn làm từ chất liệu sợi, sản phẩm da và lông, chăn đệm bông, lông vũ, giấy cảm nhiệt, thú nhồi bông, quần áo cũ… Túi giấy, hộp xốp đựng thức ăn, vỏ bao bì bánh kẹo, giấy bạc, giày dép cũ, găng tay cao su.

    Bài viết áp dụng phương pháp trưng cầu ý kiến, cụ thể nghiên cứu tiến hành phát 200 phiếu bảng hỏi tại tổ 11 và tổ 15 thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội để đại diện hộ gia đình tự trả lời bảng hỏi, mục đích là để tìm hiểu, đánh giá về nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong việc phân loại CTRSH. Bên cạnh đó, tác giả cũng tiến hành phỏng vấn sâu 8 trường hợp để tìm hiểu những khó khăn nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp với thực tế, góp phần giải quyết những rào cản trong việc phân loại CTRSH tại địa bàn.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng phát sinh CTRSH tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội

    Do quá trình đô thị hóa, điều kiện và thói quen sinh hoạt thay đổi, thành phần CTRSH tại phường Trung Liệt có tỷ lệ khác nhau.

    Việc xác định được thành phần CTRSH sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phân loại, thu gom và xử lý, góp phần tiết kiệm được những loại chất thải rắn có khả năng tái chế, tiết kiệm được thêm chi phí xử lý chúng.

Hình 1. Thành phần CTRSH hàng ngày của hộ gia đình (N=200)

               Nguồn: Tính toán từ khảo sát của đề tài, 2023

    Đối với thành phần CTRSH hàng ngày qua khảo sát tại 200 hộ gia đình thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, có thể thấy, chất thải thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất (62,9%), tiếp đến là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế chiếm 26,7% và cuối cùng là CTRSH khác chiếm 10,4% (Hình 1).

Bảng 1. Khối lượng CTRSH phát sinh trong ngày của hộ gia đình (kg/hộ/ngày)

 

Số hộ (N)

Tỷ lệ (%)

Dưới 1kg

35

17,5

Từ 1kg đến dưới 5kg

163

81,5

Từ 5kg đến 10kg

2

1,0

Tổng

200

100,0

                 Nguồn: Tính toán từ khảo sát của đề tài, 2023

    Khối lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị phụ thuộc vào quy mô dân số, tốc độ đô thi hóa, công nghiệp hóa của đô thị và đang có xu thế ngày càng tăng, ước tính tăng trung bình 10-16%/năm (với tổng khối lượng phát sinh là 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm, chiếm 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh của cả nước) [2]. Đây là con số rất lớn, tạo áp lực nặng nề lên đội ngũ thu gom và vận chuyển, đặt ra yêu cầu phải gia tăng tần suất lao động của đội ngũ có chức năng, tuy vậy, nguy cơ rò rỉ chất thải ra môi trường vẫn là rất cao.

    Qua khảo sát tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội cho thấy, phần lớn các hộ gia đình được khảo sát có lượng CTRSH nằm ở nhóm từ 1kg đến dưới 5kg chiếm 81,5%; tiếp đến là dưới 1kg chiếm 17,5% và từ 5kg - 10kg chỉ chiếm 1,0% (Bảng 1).

3.2. Nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong việc phân loại CTRSH tại nguồn

    Nhận thức và hành vi là hai khái niệm luôn đi song hành cùng với nhau. Trong bất cứ hoạt động sống nào của con người nếu muốn thay đổi hành vi, thói quen thì bắt buộc phải thay đổi nhận thức của con người trước. Đối với hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn cũng đòi hỏi sự tuân theo mô típ đó.

Bảng 2. Mức độ hiểu biết đối với Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về chủ trương phân loại CTRSH tại nguồn

 

 

Địa chỉ

Tổ 11

Tổ 15

Chung

%

%

%

Chưa từng biết đến

38,0

23,0

30,5

Đã biết nhưng chưa đọc nội dung

37,0

49,0

43,0

Đã biết và đọc qua nội dung

22,0

24,0

23,0

Đã biết và đọc kỹ nội dung

3,0

4,0

3,5

Tổng

100,0

100,0

100,0

N

100

100

200

       Nguồn: Tính toán từ khảo sát của đề tài, 2023

    Bảng 2 cho thấy, mức độ hiểu biết đối với   Nghi định số 45/2000/NĐ-CP về chủ trương phân loại CTRSH tại nguồn của người dân tại tổ 11 và tổ 15 thuộc phường Trung Liệt là khác nhau, nhưng tỷ lệ đã biết và đọc kỹ nội dung về  đều chiếm thấp nhất. Cụ thể, tại tổ 11 có 38,0% người dân chưa từng biết đến ; 37,0% đã biết nhưng chưa đọc nội dung; 22,0% đã biết và đọc qua nội dung và chỉ có 3,0% đã biết và đọc kỹ nội dung. Tại tổ 15, có 49,0% người dân đã biết nhưng chưa đọc qua nội dung; 24,0% đã biết và đọc qua nội dung; 23,0% chưa từng biết đến và chỉ có 4,0% đã biết và đọc kỹ nội dung.

    Qua khảo sát tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, việc phân loại CTRSH chưa được thực hiện, một số hộ dân mới chỉ phân loại đơn thuần như chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế như nhựa, giấy, kim loại, cao su, thủy tinh… để bán cho đội thu mua tái chế. Toàn bộ lượng CTRSH còn lại là đội công nhân môi trường thu gom.

    Việc phân loại CTRSH trước hết đòi hỏi phải xuất phát từ chủ trương, kế hoạch của Đảng và Nhà nước rồi mới triển khai kế hoạch đó trong nhân dân. Tuy nhiên, một trong những yếu tố góp phần quyết định tới sự thành công của việc phân loại CTRSH đó là sự đồng thuận, sự tham gia của người dân.

Bảng 3. Mức độ ủng hộ đối với Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về chủ trương phân loại CTRSH tại nguồn

 

 

Địa chỉ

Tổ 11

Tổ 15

Chung

%

%

%

Không ủng hộ

0,0

0,0

0,0

Ủng hộ nhưng chưa thực hiện thời điểm này

Ủng hộ và sẵn sàng thực hiện ngay

54,0

46,0

61,0

39,0

57,5

42,5

Tổng

100,0

100,0

100,0

N

100

100

200

 Nguồn: Tính toán từ khảo sát của đề tài, 2023

    Mặc dù mức độ hiểu biết của người dân tại tổ 11 và tổ 15 thuộc phường Trung Liệt đối với  Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về chủ trương phân loại CTRSH tại nguồn là khác nhau, tuy nhiên, mức độ ủng hộ là giống nhau (Bảng 3) khi người dân tại 2 tổ đều ủng hộ nhưng chưa thực hiện thời điểm này chiếm tỷ lệ cao nhất (54,0% tổ 11; 61,0% tổ 15); tiếp đến là ủng hộ và sẵn sàng thực hiện ngay (46,0% tổ 11; 39,0% tổ 15). Ngoài ra, không có người dân nào tại tổ 11 và tổ 15 không ủng hộ (Bảng 3).

    Người dân chưa được hướng dẫn cụ thể phải phân loại rác như thế nào cho đúng, phải sử dụng bao bì gì cho đúng, phân loại xong thì để ở đâu để thu gom, trước nhà hay đem ra nơi tập trung. Do đó, cần thiết phải có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết để người dân làm cho đúng. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng người dân bị phạt oan và rác lại phải phân loại lại, rất mất thời gian, gây bức xúc trong nhân dân.

    (Nam, 40 tuổi, lớp 12, kinh doanh, tổ 11, phường Trung Liệt)

    Chưa thực hiện được tại thời điểm này do suy nghĩ và nhận thức của người dân mình chưa đồng bộ nên cần có thời gian, thực hiện từng bước một vì người dân nhiều tầng lớp khác nhau. Trước tiên, nên yêu cầu phân thành 2 loại rác là rác thải thực phẩm và rác thải có khẩ năng tái sử dụng, tái chế trước, để họ hình thành thói quen phân loại rác rồi mới phân thành 3 loại sau.

    (Nữ, 67 tuổi, cao đẳng, cán bộ nghỉ hưu, tổ 15, phường Trung Liệt).

Bảng 4. Mức độ nhận thức về việc phân loại CTRSH tại nguồn

 

 

Địa chỉ

Tổ 11

Tổ 15

Chung

%

%

%

Không cần thiết

2,0

1,0

1,5

Cần thiết

Rất cần thiết

78,0

20,0

69,0

30,0

73,5

25,0

Tổng

100,0

100,0

100,0

N

100

100

200

Nguồn: Tính toán từ khảo sát của đề tài, 2023

    Người dân tại tổ 11 và tổ 15 thuộc phường Trung Liệt cho rằng việc phân loại CTRSH tại nguồn là cần thiết (78,0% tổ 11 và 69,0% tổ 15); tiếp theo là rất cần thiết (20,0% tổ 11 và 30,0% tổ 15) và một số ít người dân cho rằng việc phân loại là không cần thiết (2,0% tổ 11 và 1,0% tổ 15) (Bảng 4).

    Tôi thấy cần thiết vì hiện nay lượng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều, cùng với đó là những loại khác nhau, nếu không phân loại sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

(Nữ, 45 tuổi, đại học, nhân viên văn phòng, tổ 11, phường Trung Liệt)

Phân loại rác thải sinh hoạt rất cần thiết vì sẽ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên, tiết kiệm thời gian và chi phí xử lý rác thải, rác thải thực phẩm có thể dùng làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, còn rác thải tái chế có thể chế tạo sản phẩm mới có ích trong cuộc sống.

(Nam, 68 tuổi, đại học, cán bộ nghỉ hưu, tổ 15, phường Trung Liệt)

    Kết quả tìm hiểu về nhận thức của người dân đối với cách phân loại CTRSH cho thấy có 81,0% người dân biết cách phân loại và 19,0% người dân không biết cách phân loại.

    Để có những hiểu biết về việc phân loại CTRSH thì người dân tại địa bàn cũng đã tìm hiểu thông tin qua nhiều nguồn khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy nguồn thông tin mang lại hiểu biết về cách phân loại CTRSH của người dân từ sách/báo/internet chiếm tỷ lệ cao nhất (27,5%), tiếp đến là đài phát thanh/tivi chiếm 22,4%, cán bộ tuyên truyền chiếm 21,4%, công nhân vệ sinh môi trường chiếm 16,0%, người thân bạn bè chiếm 8,9% và cuối cùng là qua các lớp tập huấn chiếm 3,8%.

    Mặc dù nhận thức của người dân về sự cần thiết của việc phân loại CTRSH là khá tốt, song trên thực tế việc phân loại CTRSH tại các hộ gia đình ở phường Trung Liệt chưa được thực hiện triệt để. Kết quả khảo sát cho thấy, trong khi có 81,0% người dân biết cách phân loại CTRSH thì chỉ có 18,5% số người được hỏi thực hiện phân loại CTRSH trước khi loại bỏ.

    Điều này chứng tỏ vẫn còn khoảng trống giữa nhận thức và hành vi của người dân trong việc phân loại CTRSH. Từ thay đổi nhận thức trong phân loại rác đến thay đổi hành vi là một sự chuyển dịch mang tính khoảng cách. Tuy nhiên, để nhận thức trở nên bền vững và hành vi được duy trì thường xuyên trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, đòi hỏi phải xây dựng, bồi đắp và nâng ý thức lên một tầng nghĩa cao hơn, trở thành ý thức hệ phân loại rác.

Hình 2. Nguyên nhân không phân loại CTRSH trước khi loại bỏ

Nguồn: Tính toán từ khảo sát của đề tài, 2023

    Nguyên nhân người dân không phân loại CTRSH là do thiếu thùng rác để phân loại chiếm tỷ lệ cao nhất (28,1%), thiếu người hướng dẫn và quản lý việc phân loại rác chiếm 23,9%, do thói quen chiếm 13,8%, làm theo những hộ gia đình xung quanh chiếm 13,2%, không có thời gian chiếm 10,9%, cảm thấy đấy là việc của công nhân vệ sinh môi trường chiếm 9,2% và cuối cùng là cảm thấy không cần thiết chiếm 0,8% (Hình 2).

    Hộ gia đình tôi chưa phân loại rác thải sinh hoạt vì chưa có quyết định chính thức bắt buộc phải áp dụng về việc phân loại. Hơn nữa, hiện nay mới có một xe rác nên có phân loại thì cũng bỏ hết vào đấy, chẳng có tác dụng gì.

    (Nữ, 67 tuổi, cao đẳng, cán bộ nghỉ hưu, tổ 15, phường Trung Liệt)

    Hộ gia đình tôi mới chỉ phân loại thành rác thải thực phẩm và rác thải có khả năng tái chế được như nhựa, giấy, kim loại, cao su, thủy tinh… để bán cho đội thu mua tái chế vì chưa có văn bản chính thức bắt buộc phải phân thành 3 loại, cũng như hiện nay chỉ có 1 xe rác, nếu phân loại xong bỏ chung vào 1 xe đấy cũng như không.

    (Nam, 68 tuổi, đại học, cán bộ nghỉ hưu, tổ 15, phường Trung Liệt).

    Có thể thấy, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan cần có những giải pháp thiết thực nhằm lôi cuốn sự tham gia của tất cả mọi người trong cộng đồng vào việc BVMT nói chung và phân loại CTRSH tại nguồn nói riêng.

4. Kết luận

    Kết quả nghiên cứu cho thấy nhận thức của người dân tại địa bàn là khá tốt về chủ trương triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP và phần lớn cho rằng việc phân loại CTRSH là cần thiết. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân ủng hộ  nghị định nhưng chưa thực hiện tại thời điểm này cao hơn tỷ lệ người dân ủng hộ nghị định và sẵn sàng thực hiện ngay. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân biết cách phân loại CTRSH là khá cao (81,0%), nguồn thông tin mang lại cho họ hiểu biết về cách phân loại từ sách/báo/internet chiếm tỷ lệ cao nhất (27,5%) nhưng tỷ lệ người dân phân loại CTRSH trước khi loại bỏ chỉ chiếm 18,5%, nguyên nhân là do thiếu thùng rác để phân loại chiếm tỷ lệ cao nhất (28,1%).

    Thực tế, việc phân loại CTRSH tại địa bàn còn gặp không ít trở ngại vì chưa có quy định bắt buộc, chế tài xử phạt hay cơ chế khuyến khích. Sự quan tâm, ủng hộ từ chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể không thường xuyên, chưa đồng bộ mà chỉ mang tính phong trào, một số hộ dân mới chỉ phân loại đơn thuần như chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế để bán cho đội thu mua tái chế, toàn bộ lượng CTRSH còn lại là đội công nhân môi trường thu gom. Muốn thay đổi công nghệ xử lý CTRSH theo hướng thân thiện với môi trường, tạo ra nhiều giá trị hơn, quay trở lại phục vụ con người và làm giàu cho nền kinh tế, không còn cách nào khác phải quyết liệt phân loại CTRSH tại nguồn dưới sự giám sát, hướng dẫn của các cơ quan có chuyên môn. Tiếp đó, phải đồng bộ với khâu trung gian, khâu xử lý mới từng bước tạo được những chuyển biến rõ nét, không xây mới các lò đốt rác, kể cả đốt rác phát điện, nghiêm cấm đốt rác lộ thiên hoặc đốt rác trong các lò đốt mini gây ô nhiễm môi trường, loại bỏ dần và tiến tới đóng cửa các lò đốt chất thải không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

    Trong thời gian để Nghị định số 45/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2025, chính quyền địa phương cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc phân loại CTRSH, để từ đó thay đổi thái độ và hành vi của người dân trong việc BVMT. Trước mắt, nên ưu tiên phân thành 2 loại là chất thải thực phẩm và chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế để người dân hình thành thói quen phân loại, rồi sau đó tùy vào thời điểm thích hợp mới bắt đầu áp dụng phân thành 3 loại theo Luật BVMT năm 2020, có hình thức khen thưởng đối với hộ dân thực hiện tốt việc phân loại. Về mức xử phạt theo nghị định là từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một lần vi phạm đã đủ sức răn đe người dân và đại diện cấp phường trở lên nên thực thi và quản lý số tiền phạt này.

    Tuy nhiên, việc phân loại có một số bất cập đó là với những hộ gia đình có diện tích chật hẹp nếu phải bố trí 3 thùng đựng rác trong nhà thì việc triển khai sẽ rất khó. Vì vậy, nếu để 3 thùng đựng rác ở chỗ hợp lý nơi công cộng thì bộ phận chịu trách nhiệm phải tiến hành giám sát, kiểm tra, kiên quyết nếu người dân không phân loại thì sẽ không tiến hành thu gom, vận chuyển, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, phải có quy định giờ thu gom chung phù hợp với người dân và màu túi đựng các loại CTRSH phải dễ nhận biết, cũng như cần tính đến câu chuyện BVMT do phát sinh túi đựng.

Trần Việt Long

Viện Xã hội học, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2023)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ TN&MT, 2020, Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia 2019 – Chuyên đề: Quản lý CTRSH. Nxb Dân trí, Hà Nội.

2. Bộ TN&MT, 2021, Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia giai đoạn 2016-2020. Nxb Dân trí, Hà Nội.

3. Chính phủ, 2022, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, Số: 45/2022/NĐ-CP.

4. Chính phủ, 2022, Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật BVMT, Số: 08/2022/NĐ-CP.

5. Nguyễn Việt Anh, Hoàng Thị Huê, 2022, Đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý CTRSH tại TP. Hà Nội, Tạp chí Môi trường, Chuyên đề III, tháng 9/2022, trang 32-37.

6. Quốc hội, 2020, Luật BVMT, Luật số: 72/2020/QH14.

Ý kiến của bạn