Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 03/07/2024

Bước đầu nghiên cứu đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ vùng trung du và miền núi phía Bắc

16/07/2023

    Tóm tắt:

    Bài viết bước đầu đánh giá bức tranh hiện trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) ở Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) - Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển NNHC trong cả nước dựa trên sự phong phú về tài nguyên đất, nước, khí hậu, các chính sách hỗ trợ phát triển NNHC của Đảng và Nhà nước. Các cấp lãnh đạo tại các địa phương luôn ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm NNHC; người dân trong Vùng ngày càng có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, có nhận thức và mong muốn chuyển đổi sang sản xuất NNHC để đáp ứng nhu cầu được tiếp cận với thực phẩm sạch, an toàn. Tuy  nhiên, hiện nay phát triển NNHC vùng TD&MNPB còn gặp phải một số khó khăn, rào cản nhất định liên quan đến nguồn vốn đầu tư hạn chế; quy trình sản xuất nghiêm ngặt; quy mô sản xuất theo vùng; chất lượng sản phẩm; tiếp cận thị trường tiêu thụ; phân bón… Bài báo tập trung phân tích hiện trạng phát triển NNHC vùng TD&MNPB, những thuận lợi, kết quả đạt được cũng như khó khăn, rào cản còn tồn tại, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển NNHC vùng TD&MNPB theo hướng bền vững, phù hợp với chủ trường, đường lối của Đảng và Nhà nước.

    Từ khóa: NNHC, vùng TD&MNPB, chỉ số.

    Ngày nhận bài: 3/3/2023. Ngày sửa chữa: 25/3/2023. Ngày duyệt đăng: 4/4/2023.

Initial study of organic agriculture development in Northern hilly and mountainous areas

    Abstract:

    The article initially assesses the current situation of organic agriculture development in the Northern Midland and mountainous - The region has many potentials and advantages in develop organic agriculture in the whole country based on the richness of land, water and climate resources, policies to support the development of organic agriculture in the region of the country. Local leaders at all levels have always strongly supported efforts to develop a sustainable and environmentally friendly agricultural foundation, improve productivity and competitiveness of organic agricultural products; People in the region are becoming more and more experienced, enthusiastic, understand and desire to switch to organic agricultural production to meet the demand for access to clean and safe food. However, at present, the development of organic agriculture in the Northern  Midlands and Mountains region still faces certain difficulties and barriers related to limited investment budget; research production process; production scale by region; product quality; access to the consumption market; analysis... The article focuses on analyzing the development status of organic agriculture in the Northern  Midlands and mountains region, highlighting the advantages, disadvantages, proposing some solutions for the sustainable development of organic agriculture in the Northern  Midlands and mountains region.

    Keywords: Organic Agriculture, the Northern  Midlands and mountains, indicators.

    JEL Classifications:Q55, R58, Q57, Q013.

    1. Đặt vấn đề

    Trên thế giới, NNHC phát triển mạnh từ những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, đến nay, đã có gần 200 quốc gia thực hiện phương thức sản xuất NNHC và phân bố trên tất cả các châu lục. Số liệu thống kê của IFOAM cho thấy, trong giai đoạn 1999 đến nay - tức là sau 25 năm phát triển, số quốc gia trên thế giới tham gia sản xuất NNHC đã tăng lên mạnh mẽ, từ 77 nước (năm 1999) lên 179 nước (năm 2015) (FiBL & IFOAM).  

    Phát triển NNHC dựa vào hệ sinh thái tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ tài nguyên đất, nước và thích ứng với điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, mỗi địa phương là hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, đạt mục tiêu kinh tế và môi trường. Sản xuất NNHC gắn liền sản xuất truyền thống cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đảm bảo chất lượng cuộc sống của con người và duy trì phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Vùng TD&MNPB có vị trí rất quan trọng, xét về mặt tài nguyên và môi trường, đây là vùng đệm bảo vệ sự an toàn cho vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là nguồn nước, các rủi ro thiên nhiên; về kinh tế - xã hội, vùng này cung cấp một lượng lớn nông sản cho tiêu dùng cả nước và xuất khẩu. Vì vậy, phát triển NNHC của vùng TD&MNPB không chỉ đảm bảo về mặt môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự quyết tâm của các cấp chính quyền, sản xuất NNHC vùng TD&MNPB đã có bước phát triển nhất định nhằm đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của vùng nói chung, NNHC nói riêng. 

    2. Phương pháp nghiên cứu

    2.1. Điều tra, khảo sát, thu thập tài liệu, số liệu

    Đây là phương pháp được nhóm nghiên cứu thực hiện nghiêm túc, công phu, áp dụng cho 14 tỉnh thuộc vùng TD&MNPB, bao gồm: Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Việc điều tra, khảo sát các đối tượng quản lý là lãnh đạo, chuyên viên trực thuộc các Sở, ngành liên quan: NN&PTNT, TN&MT, Công Thương, Kế  hoạch và Đầu tư; Cục thống kê và điều tra, khảo sát thực tế các mô hình sản xuất NNHC như Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau hữu cơ, lúa hữu cơ, cam hữu cơ, dược liệu hữu cơ, cây công nghiệp và cây ăn quả hữu cơ.

    Mỗi địa bàn điều tra, sử dụng 10 mẫu phiếu phỏng vấn các hộ dân trực tiếp tham gia làm NNHC và đối tượng người dân được tham gia phỏng vấn thường tập trung phần lớn ở các HTX sản xuất NNHC. Nội dung mẫu phiếu chủ yếu tập trung vào hiện trạng phát triển NNHC; điều kiện, nhân tố ảnh hưởng đến phát triển NNHC, bao gồm điều kiện về mặt tự nhiên, kinh tế - xã hội, chính sách, rào cản cho phát triển NNHC và một số định hướng của các cấp quản lý, người dân trong phát triển NNHC.

    2.2. Điều tra, phỏng vấn sâu các đối tượng

    Song song với điều tra, khảo sát, thu thập tài liệu, số liệu, phương pháp phỏng vấn sâu nhằm tập trung vào các nội dung chính đối với người quản lý, người dân có vai trò chính trong tổ, nhóm thực hiện kỹ thuật sản xuất NNHC. Việc điều tra, khảo sát, phỏng vấn được thực hiện công phu, bài bản trên địa bàn 14 tỉnh thuộc vùng TD&MNPB, bao gồm: Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên với tổng số 420 mẫu phiếu, trong đó, 20 mẫu phiếu cho cán bộ quản lý thuộc các Sở, ngành liên quan như NN&PTNT, TN&MT, Công Thương, Sở Kế  hoạch và Đầu tư, Cục thống kê và 10 phiếu phỏng vấn những hộ dân trực tiếp tham gia làm NNHC và đối tượng người dân được tham gia phỏng vấn thường tập trung phần lớn ở các HTX sản xuất NNHC. Nội dung mẫu phiếu tập trung chủ yếu vào hiện trạng phát triển NNHC; điều kiện, nhân tố ảnh hưởng đến phát triển NNHC (tự nhiên, kinh tế - xã hội, chính sách, rào cản cho phát triển NNHC) và một số định hướng của các cấp quản lý, người dân trong phát triển NNHC.

    2.3. Tổng hợp, phân tích tài liệu, số liệu

    Nhóm nghiên cứu đã thực hiện việc phân loại, tổng hợp, rà soát và phân tích các nguồn số liệu tài liệu, bao gồm: Hệ thống chính sách phát triển NNHC của quốc tế và Việt Nam; chính sách hỗ trợ phát triển NNHC của 14 tỉnh trong vùng TD&MNPB; số liệu về hiện trạng phát triển NNHC tập trung vào 5 loại hình cây trồng chính: Cây lúa, cây ăn quả, cây rau, dược liệu, cây công nghiệp. Từ việc tổng hợp, phân tích, đánh giá các nguồn số liệu, tài liệu liên quan, nhóm tác giả đã làm nổi bật hiện trạng phát triển NNHC của vùng TD&MNPB và đề xuất một số định hướng để có những kết quả ban đầu.

    3. Kết quả nghiên cứu

    3.1. Hiện trạng chính sách phát triển NNHC của Đảng và Nhà nước nói chung, vùng TD&MNPB nói riêng

    Chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển NNHC đã được khẳng định trong “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030)” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu lần thứ XIII, cụ thể “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, NNHC, nông nghiệp sinh thái, đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm”. Như vậy, chủ trương, định hướng của Đảng đã chỉ rõ “Phát triển mạnh NNHC” là nội dung quan trong nhằm cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy thế mạnh của nền nông nghiệp nhiệt đới ở Việt Nam, hướng đến các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn phổ biến và an toàn thực phẩm. Đối với vùng TD&MNPB, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đáng chú ý định hướng cho vùng đến năm 2045 phải “là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện”.

    Từ năm 2018, Chính phủ đã triển khai phát triển NNHC theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về NNHC, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2018, tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn chậm. Ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg về Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành. Thực tế bên cạnh những cơ hội phát triển NNHC ở Việt Nam như: Phù hợp với xu hướng thế giới; sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; nhu cầu của người tiêu dùng; điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều thách thức: Nhận thức về NNHC; cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện; xác lập khoanh định vùng NNHC; cạnh tranh sản phẩm không phải hữu cơ; khoa học kỹ thuật trong sản xuất NNHC. Từ cơ hội và thách thức, cần có giải pháp phù hợp: Triển khai tốt Quyết định số 885/QĐ-TTg và Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ; hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường truyền thông; tạo lập thị trường sản phẩm NNHC. Đặc biệt, cần xác định hai nhóm bộ tiêu chí: Tài nguyên (đất, nước, khí hậu); Môi trường (ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí). Trên cơ sở đó, khoanh vùng phù hợp cho phát triển NNHC trên các vùng đã được khoanh định để đầu tư hiệu quả.

    Đối với vùng TD&MNPB trên cơ sở Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 “Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nội dung chủ đạo của Nghị quyết là “đến năm 2030, vùng TD&MNPB  trở thành vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện, trên cơ sở đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản”. Như vậy đối với TD&MNPB, Chính phủ có Nghị quyết riêng khẳng định phát triển NNHC là một trong những nội dung cơ bản để thực hiện phát triển xanh, bền vững.

    Qua tổng hợp và đánh giá kết quả phiếu điều tra, hiện nay 100% cán bộ thuộc 14 tỉnh vùng TD&MNPB trả lời tỉnh có áp dụng chính sách phát triển NNHC, bao gồm các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch riêng hoặc lồng nghép trong các chương trình, chính sách của tỉnh trên cơ sở hệ thống chính sách của Trung ương. Dưới đây là bảng tổng hợp của nhóm nghiên cứu từ quá trình thu thập tài liệu tại 14 tỉnh vùng TD&MNPB liên quan đến hệ thống văn bản chính sách được ban hành.

    Bảng 1. Tổng hợp ban hành chính sách NNHC tại các tỉnh vùng TD&MNPB

TT

Tỉnh

Thời gian ban hành

Đề án NNHC/ Kế hoạch phát triển NNHC

Thành lập tổ chức/hội nhóm cấp tỉnh tham gia quản lý NNHC

Lồng ghép NNHC trong văn bản khác của tỉnh

1

Bắc Giang

2019

x

 

 

2

Cao Bằng

2019

 

x

Đề án NN thông minh

3

Điện Biên

2019

x

 

 

4

Hà Giang

2015

-

 

 

5

Lạng Sơn

2019

-

 

Đề án tái cơ cấu NN

6

Lào Cai

2019

x

 

 

7

Phú Thọ

2019

x/x

 

 

8

Thái Nguyên

2017

x

 

 

9

Tuyên Quang

2019

 

x

QĐ vùng canh tác hữu cơ

10

Yên Bái

2019

 

 

Đề án tái cơ cấu NN

11

Hòa Bình

2019

x

x

 

12

Sơn La

2019

x

 

 

13

Bắc Kan

2021

x

 

 

14

Lai Châu

2020

 

 

Đề án phát triển NN hàng hóa

Ghi chú: x: Đề án NNHC; xx: Kê hạch phát triển NHHC

Nguồn: Tổng hợp thông tin từ điều tra tại 14 tỉnh của nhóm nghiên cứu

    Từ thực tế nghiên cứu của nhóm thực hiện cho thấy, hiện nay ngoài việc ban hành chính sách định hướng thì Việt Nam cũng đã ban hành bộ tiêu chí về NNHC. Thực tế cho thấy TCVN về NNHC được xây dựng, công bố, áp dụng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài như sau: Trường hợp sản xuất để xuất khẩu, cơ sở sản xuất áp dụng tiêu chuẩn theo thỏa thuận, hợp đồng với tổ chức nhập khẩu; Trường hợp sản xuất/nhập khẩu để tiêu thụ trong nước, cơ sở có thể áp dụng tiêu chuẩn mà Việt Nam là thành viên/có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được chấp thuận áp dụng tại Việt Nam. Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá, công bố danh sách các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài hài hòa với tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được áp dụng tại Việt Nam. Khuyến khích sử dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài làm tiêu chuẩn cơ sở.

    Trong canh tác hữu cơ, nhiều tiêu chuẩn khác nhau được phát triển bởi Nhà nước và tổ chức tư nhân, hầu hết các tiêu chuẩn được xây dựng trên nền tảng 4 nguyên tắc chung của NNHC và có những yêu cầu khác nhau tùy theo mỗi nước. Tiêu chuẩn hữu cơ được giới thiệu phổ biến, được thế giới thừa nhận rộng rãi là USDA Organic của Hoa Kỳ, EU Organic Farming của châu Âu, Organic JAS của Nhật, tiêu chuẩn NNHC của các nước khác khi áp dụng cần đáp ứng yêu cầu, phù hợp với tiêu chuẩn IFOAM. Hầu hết tiêu chuẩn giống nhau về tiêu chí kiểm định, mức độ của từng tiêu chí, bởi các quốc gia thường dựa theo tiêu chuẩn hữu cơ trên và hoàn thiện lại cho phù hợp với nhu cầu riêng của mỗi quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Srilanka… Vì vậy, khi nói đến thực phẩm hữu cơ, cần phải tìm hiểu xem nó được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của quốc gia nào, ai là đơn vị đánh giá và công nhận (Hội NNHC Việt Nam, 2017).

    Tháng 12/2006, tiêu chuẩn NNHC đầu tiên của Việt Nam 10TCN602-2006 do Bộ Nông Nghiệp ban hành, nhưng không được áp dụng do không có văn bản hướng dẫn thủ tục để được thẩm định cấp chứng nhận. Mặt khác, khi Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn ra đời và có hiệu lực thì tiêu chuẩn này không còn hiệu lực, chỉ để tham khảo. Đến năm 2015, Tiêu chuẩn TCVN 11041:2015 “Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn, tiếp thị sản phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ” được ban hành bởi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tuy nhiên, tiêu chuẩn này cũng chưa được hướng dẫn áp dụng người sản xuất và còn nhiều điểm cần hoàn thiện để phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Năm 2017,      Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tổ chức xây dựng bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về NNHC, trình Bộ KH&CN công bố vào cuối năm 2017 với số hiệu TCVN 11041:2017. Nhóm các tiêu chuẩn đầu tiên trong bộ tiêu chuẩn này bao gồm Phần 1, 2, 3, đề cập một cách toàn diện tới quá trình sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm NNHC và hướng dẫn cụ thể về nội dung này trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và tiêu chuẩn TCVN 12134 đưa ra các yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ (SPHC). Như vậy, tiêu chuẩn chứng nhận NNHC của Việt Nam hiện tại được quy định trong TCVN 11041-6:2018 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3/SC1 sản phẩm NNHC biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định, Bộ KH&CN công bố TCVN 11041-1:2017 và TCVN 11041- 2:2017 được công bố tại Quyết định số 3883/QĐ-BKHCN ngày 29/12/2017 của Bộ KH&CN về công bố tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó:  TCVN 11041-1:2017, Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm NNHC; TCVN 11041-2:2017, Phần 2: Trồng trọt hữu cơ; Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-3:2017 về NNHC - Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ; TCVN 11041-5:2018, Phần 5: Gạo hữu cơ; TCVN 11041-6:2018, Phần 6: Chè hữu cơ; Tiêu chuẩn TCVN 11041-7:2018: Tiêu chuẩn về sữa hữu cơ; Tiêu chuẩn TCVN 11041-8:2018: Tiêu chuẩn về tôm hữu cơ. Đối với các tiêu chuẩn của Việt Nam, chủ yếu xây dựng dựa trên quy định của IFOAM nên không có sự khác biệt nhiều trong quy hoạch khoanh vùng cho NNHC. Đặc biệt, Việt Nam đã đưa ra 4 tiêu chuẩn cụ thể cho gạo hữu cơ, chè hữu cơ, sữa hữu cơ và tôm hữu cơ.

    Hiệp hội NNHC Việt Nam (VOAA) được chính thức thành lập vào ngày 31/10/2011 trong khuôn khổ Dự án Phát triển NNHC do Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á - Đan Mạch (ADDA) tài trợ, được thực hiện bởi Hội Nông dân Việt Nam (VNFU) giai đoạn 2005 - 2012, tuân thủ định hướng phát triển và nguyên tắc của IFOAM. Có thể nói NNHC còn rất non trẻ ở Việt Nam.

    Riêng về tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ, yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất, chế biến SPHC, tiêu chuẩn này được xây dựng với mục tiêu chính là đưa ra yêu cầu cho các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động chứng nhận SPHC tại Việt Nam, phù hợp với tiêu chuẩn về trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế. Việc ban hành bộ tiêu chuẩn về chứng nhận hữu cơ kịp thời, hài hòa với quốc tế là rất cần thiết cho mọi thành phần tham gia, bảo vệ người tiêu dùng tránh bị lừa dối, tránh gian lận trong thương mại và tránh công bố sản phẩm vô căn cứ; bảo vệ những cơ sở sản xuất, chế biến SPHC trước mọi cách làm phi đạo đức. Các tiêu chuẩn này đều nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng, góp phần tăng giá trị cũng như chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu. Đây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, ghi nhãn sản phẩm NNHC, yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất, chế biến SPHC. Chứng nhận của bên thứ 3 trong vùng áp dụng là tổ chức chứng nhận độc lập của cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức chứng nhận, tư nhân có đủ điều kiện được phép thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, công nhận, cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm NNHC được sản xuất đã tuân thủ theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hình thức này chứng nhận cho các đơn vị là doanh nghiệp, công ty có khả năng điều hành, giám sát nội bộ các quá trình sản xuất NNHC. Đây là hình thức chứng nhận khi người sản xuất có sự theo dõi, giám sát lẫn nhau, cùng với sự giám sát của lãnh đạo các nhóm, liên nhóm, nhà quản lý, người tiêu dùng và hệ thống phân phối. Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra quá trình sản xuất, nếu các hộ, nhóm tuân thủ theo yêu cầu của tiêu chuẩn thì sản phẩm sẽ được công nhận, chứng nhận là SPHC. Hình thức chứng nhận này phù hợp với những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô sản xuất theo hộ gia đình ở điều kiện sản xuất phổ biến hiện nay trong Vùng. Tuy nhiên, sản xuất để được công nhận, chứng nhận SPHC và mang nhãn hữu cơ phải áp dụng các quy chuẩn được ban hành từ Nhà nước là bắt buộc, vì thế người sản xuất có quyền lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện sản xuất, nhu cầu thị hiếu của thị trường để tổ chức sản xuất, làm thủ tục công nhận, dán nhãn, bán SPHC một cách minh bạch.

    Có thể nói, hiện nay Việt Nam đã có bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041 cho sản xuất NNHC, các tiêu chuẩn này được xuất bản năm 2017 và 2018 dựa trên quy định của IFOAM. Tuy nhiên chưa có cơ quan chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm NNHC, do đó cần thành lập các tổ chức cấp chứng nhận và giám sát những cơ sở sản xuất, chế biến để đảm bảo cyêu cầu đối với sản xuất NNHC.

    Thực tế hiện nay vùng TD&MNPB đang áp dụng bộ tiêu chí của Việt Nam để đánh giá các SPHC cho vùng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy, để phát triển NNHC vùng TD&MNPB, cần phải xây dựng bộ tiêu chí phù hợp, điều này sẽ được phân tích tại mục 3.2.

    3.2. Hiện trạng phát triển NNHC ở vùng TD&MNPB

    3.2.1. Những kết quả đạt được

    Hiện trạng sản xuất các cây trồng NNHC chủ lực của Vùng: Từ kết quả điều tra, phân tích số liệu về hiện trạng phát triển NNHC vùng TD&MNPB cho thấy, mỗi địa phương có sự phát triển NNHC khác nhau, dựa trên chính sách hỗ trợ, nhà đầu tư và tiềm năng của từng tỉnh. Tuy nhiên, mỗi tỉnh có lơi thế và hạn chế nhất định, do vậy nhìn chung kết quả đạt được chưa cao, cụ thể số liệu thể hiện ở Bảng 2 xét cho 5 loại cây trồng chính đã triển khai.

    Bảng 2. Diện tích nhóm cây trồng NNHC của vùng TD&MNBB năm 2021

STT

Nhóm cây

Diện tích (ha)

Tỷ trọng (%)

1

Cây lương thực

133,2

0,66

2

Cây ăn quả

191,2

0,95

3

Cây rau, gia vị

66,93

0,28

4

Cây công nghiệp lâu năm

8.336,06

41,48

5

Cây dược liệu

11.380,73

56,63

Tổng

20.098,12

100.00

 Nguồn: Số liệu tổng hợp, đánh giá của nhóm nghiên cứu

    Từ Bảng 2 cho thấy, diện tích cho 5 nhóm cây trồng NNHC ở vùng TD&MNPB chưa nhiều, về cơ cấu cây trồng NNHC còn có sự chênh lệch lớn, trong đó chủ yếu là phát triển cây công nghiệp lâu năm, đây cũng là thế mạnh gắn với phát triển diện tích rừng của vùng. Nhóm cây rau và gia vị có diện tích, tỷ lệ phát triển thấp nhất, phù hợp với đặc điểm tự nhiên của vùng, kết quả điều tra tham vấn tại các tỉnh cho thấy, nguyên nhân chính vẫn là thị trường tiêu thụ sản phẩm, thực tế chỉ có hai tỉnh đủ điều kiện phát triển nhóm cây này là tỉnh Bắc Giang và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) do có vị trí gần với thị trường tiêu thụ (Thủ đô Hà Nội). Một số loại sản phẩm là thế mạnh của vùng như cây công nghiệp lâu năm cũng mới phát triển ở dạng nhỏ lẻ, hoặc lấy thương hiệu, để có chứng nhận là sản phẩm NNHC, doanh nghiệp phải sử dụng các cơ quan chứng nhận nước ngoài cho loại SPHC của mình, chẳng hạn như sản phẩm chè hữu cơ sản xuất ở Thái Nguyên hay Lai Châu là những ví dụ điển hình. Kết quả tham vấn và điều tra tại 14 tỉnh vùng TD&MNPB cũng cho thấy sự cần thiết phải có bộ tiêu chí cho sản xuất NNHC các nhóm cây trồng để có cơ sở khoanh vùng sản xuất nông nghiệp cây trồng phù hợp đối với vùng TD&MNPB.

    Đối với nguồn phân bón hữu cơ: Hiện nay nguồn phân bón sử dụng trong canh tác hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong vùng  ngày càng đa dạng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng của người dân. Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón như cây phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú. Một số khu vực sản xuất còn rất hoang sơ, canh tác chủ yếu là quảng canh nên đất và nước chưa bị ô nhiễm kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều HTX tự chế biến phân hữu cơ phục vụ sản xuất tại chỗ đảm bảo chất lượng và cũng được đơn vị chức năng quản lý kịp thời (trường hợp HTX trồng rau hữu cơ của anh Nguyễn Văn Quyết tại Bắc Giang là ví dụ điển hình cho mô hình trên).

    Về kinh nghiệm quản lý và kinh nghiệm sản xuất NNHC: Các cấp quản lý tại địạ bàn các tỉnh trong vùng rất sát sao và quản triệt, thực hiện đầy đủ việc triển khai các nghị quyết, đề án, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển NNHC của tỉnh đến bà con nông dân, tận tình giúp đỡ người dân trong việc kết nối cũng như tìm nhà tài trợ về vốn, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm, quy trình cấp phép SPHC, tổ chứ các khóa đào tạo, tập huấn bài bản về cách thức sản xuất cho từng loại SPHC để đạt chất lượng tốt nhất. Theo số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu, hiện nay 14 tỉnh đều có mô hình NNHC được cấp phép bởi các tổ chức đánh giá cấp giấy chứng nhận SPHC trong nước và quốc tế (đạt 100%). Một số sản phẩm nổi bật như chè, gia vị từ dược liệu đã được chứng nhận bởi các tổ chức nước ngoài với quy trình cấp phép nghiêm ngặt, mức chi phí cho mỗi lần vào khoảng 200 triệu VNĐ và các sản phẩm đó hiện đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, Ôxtrâylia, châu Âu, Canađa… Phần lớn người dân trong vùng có kinh nghiệm, nhiệt tình, có nhận thức và mong muốn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, đặc biệt là các loại hình sản xuất chè, rau, bưởi, rau… từ đó đã vận dụng, góp phần vào thành công của các mô hình sản xuất hữu cơ tại các tỉnh trong vùng.

    3.2.2. Một số khó khăn, thách thức trong phát triển NNHC của vùng

    Về chính sách: Trong những năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển NNHC như việc ban hành nghị quyết, đề án, các tiêu chuẩn hữu cơ... tuy nhiên khi thực hiện tại các tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế trong việc thực thi liên quan đến nguồn vốn đầu tư, quy định và hướng dẫn chi tiết về quy trình sản xuất, vấn đề giám sát sản phẩm, lợi ích của người dân, đánh giá hiệu quả mô hình như thế nào, quy hoạch vùng trồng quy mô lớn, tiêu chí đánh giá NNHC trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của quốc tế…

    Thị trường tiêu thụ sản phẩm: Có thể nói, cùng với sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo và người dân, doanh nghiệp trong những năm qua, khâu tiêu thụ SPHC bên cạnh những kết quả đạt được còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa ổn định. Cụ thể như nhu cầu sử dụng SPHC ngày một tăng cao trong khi sản xuất không đáp ứng. Nhiều cá nhân sản xuất hữu cơ tự phát theo cách hiểu đơn giản chỉ thay thế đầu vào vô cơ bằng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm SPHC của người tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm không rõ ràng, nhiều loại thực phẩm được dán nhãn hữu cơ nhưng thực chất không phải; việc kiểm định SPHC chưa có hoặc chưa rõ; Nhà nước chưa có luật để kiểm soát thị trường SPHC…

    Năng suất, sản lượng cây trồng: Năng suất và sản lượng cây trồng NNHC về cơ bản là hiệu quả còn thấp hơn nhiều so với mô hình canh tác thông thường có sử dụng phân bón hóa học. Tuy nhiên, theo bà con tại các địa phương trong vùng canh tác liên quan đến một số SPHC chủ lực như rau, dược liệu, lúa, cây ăn quả, đánh giá nhìn nhận đối với chất lượng một số loại sản phẩm NNHC ở trên đạt tiêu chuẩn và người tiêu dùng cũng rất ưa chuộng nhưng hiệu quả năng suất thực sự chưa cao, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường ở thời điểm hiện tại, đa phần vẫn là bán cho một số thương lái và siêu thị. Một trong những lý do dẫn đến hiệu suất sản phẩm chưa cao là nguồn phân bón chưa thực sự hiệu quả; kinh nghiệm sản xuất hạn chế; quy trình nghặt nghèo; lao động thiếu do số đông người dân chưa thực sự hứng thú với mô hình, quy mô sản xuất cần theo diện rộng vì hiện nay phần lớn các doanh nghiệp và hộ sản xuất NNHC có quy mô sản xuất nhỏ, việc đầu tư sản xuất chủ yếu dựa vào các dự án hỗ trợ. Về tổng thể, chưa có quy hoạch hay định hướng đối tượng cũng như thị trường cho SPHC, thêm vào đó, sản xuất theo quy trình hữu cơ có thời hạn cấp phép nên ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ đầu ra cho thị trường trong và ngoài nước.

    Về kinh nghiệm quản lý và kinh nghiệm sản xuất NNHC: Các cấp quản lý tại địạ bàn các tỉnh trong vùng rất sát sao và quán triệt thực hiện đầy đủ việc triển khai các nghị quyết, đề án, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển NNHC của tỉnh đến bà con nông dân; tận tình giúp đỡ người dân trong việc kết nối cũng như tìm nhà tài trợ về vốn; hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm, quy trình cấp phép SPHC; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn bài bản về cách thức sản xuất cho từng loại SPHC để đạt chất lượng tốt nhất. Theo số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu, hiện nay 14 tỉnh khảo sát đạt 100% đều có mô hình NNHC được cấp phép của các tổ chức đánh giá cấp giấy chứng nhận SPHC trong nước và quốc tế. Một số sản phẩm nổi bật như chè, gia vị từ dược liệu đã được chứng nhận của các tổ chức nước ngoài với quy trình cấp phép nghiêm ngặt, mức chi phí cho mỗi lần vào khoảng 200 triệu VNĐ và các sản phẩm đó hiện đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, Ôxtrâylia, châu Âu, Canađa… Phần lớn người dân trong vùng có kinh nghiệm, nhiệt tình, có nhận thức và mong muốn chuyển đổi sang sản xuất NNHC, đặc biệt là các loại hình sản xuất chè, rau, bưởi, rau… từ đó đã vận dụng, góp phần vào thành công của các mô hình sản xuất NNHC tại các tỉnh trong vùng.

    Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển NNHC: Theo nghiên cứu của nhóm tác giả tại 14 tỉnh trong vùng TD&MNPB thì 100% các tỉnh đã áp dụng các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cáo nhận thức của người dân về quy trình sản xuất NNHC cho các loại hình cây trồng khác nhau như chè hữu cơ, rau hữu cơ, cam hữu cơ, bưởi hữu cơ, lúa hữu cơ… bước đầu đạt được kết quả tích cực. Người dân trong vùng đã được làm quen với mô hình sản xuất NNHC, biết cách chăm sóc, vận hành mô hình của mình và chủ yếu hiện đang tồn tại phổ biến hình thức HTX NNHC dưới sự hướng dẫn của cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã thông qua hình thức khuyến nông.

    3.3. Đề xuất một số giải pháp phát triển NNHC vùng TD&MNPB

    Từ kết quả phân tích kết quả đạt được và những khó khăn trong phát triển NNHC vùng TD&MNPB, nhóm nghiên cứu bước đầu đề xuất một số giải pháp nhằm hướng đến sự phát triển NNHC bền vững như sau:

    Về mặt chính sách: Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong định hướng phát triển NNHC để khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của vùng TD&MNPB. Các chính sách cần phải bám sát với tình hình thực tế như: Chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, cần có thông tư hướng dẫn chi tiết liên quan đến quy trình sản xuất, vấn đề giám sát sản phẩm, lợi ích của người dân, quy hoạch vùng trồng quy mô lớn; đồng thời, cần ban hành các tiêu chí đánh giá NNHC sát với tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sản phẩm được tiếp cận gần hơn với thị trường ngoài nước.

    KH&CN: Một trong những giải pháp cần quan tâm đó là áp dụng trình độ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả tại vùng TD&MNPB, những năm qua, trình độ khoa học công nghệ đã được áp dụng trong sản xuất NNHC liên quan đến cơ cấu giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật tạo phân bón hữu cơ, nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Cần phải có những nghiên cứu nhằm xác định khoanh vùng NNHC cho các địa phương, đảm bảo cách tiếp cận theo hướng khoa học trong việc xác định vùng trồng, định hướng đầu tư hiệu quả cho SXNNHC. Muốn vậy, cần xem xét, phân tích, đánh giá kinh nghiệm các nước đã thực hiện bộ tiêu chí như thế nào, hiện trạng xây dựng bộ tiêu chí cho phát triển NNHC ở Việt Nam ra sao, từ đó nghiên cứu thực trạng, đánh giá thực tế khả năng xác lập bộ tiêu chí phát triển NNHC cho các vùng trong cả nước nói chung, vùng TD&MNPB nói riêng.

    Đối với phát triển NNHC vùng TD&MNPB trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và bộ TCVN 11041, điều tra, nghiên cứu thực tế trên địa bàn 14 tỉnh của vùng TD&MNPB để xác lập bộ tiêu chí làm căn cứ cho khoanh vùng phát triển NNHC của vùng này. Hai nhóm tiêu chí được để xuất là nhóm tiêu chí liên quan đến đầu vào của sản xuất NNHC (tài nguyên đất, tài nguyên nước và tài nguyên khí hậu); nhóm tiêu chí về chất lượng môi trường (chất lượng môi trường đất, chất lượng môi trường nước và chất lượng môi trường không khí). Trên cơ sở các tiêu chí được xác lập cho 2 nhóm chí sẽ có các chỉ số cụ thể cho từng tiêu chí để làm căn cứ sắp xếp, lựa chọn khoanh vùng NNHC. Chẳng hạn đối với tiêu chí, chỉ số tài nguyên và môi trường đất được đề xuất như ở Bảng 3.

    Bảng 3: Bộ tiêu chí và chỉ số đất đai cho khoanh vùng NNHC

Tiêu chí

Nhóm chỉ số

Chỉ số cấp I

Chỉ số cấp II

Chỉ số cấp III

Tài nguyên và Môi trường Đất

Chất lượng đất

Chỉ tiêu về đất

Loại đất (kèm các giá trị)

Độ dầy tầng đất (kèm các giá trị)

Độ dốc(kèm các giá trị)

Độ cao (kèm các giá trị)

Môi trường đất

Chỉ tiêu về độ phì nhiêu đất

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Kim loại nặng

Tính chất vật lý

Tính chất  hóa học (kèm các giá trị)

Dinh dưỡng tổng số (kèm các giá trị)

Clour hữu cơ (kèm các giá trị)

Lân hữu cơ (kèm các giá trị)

Đồng (kèm các giá trị)

Chì kẽm (kèm các giá trị)

Nguồn: Đề xuất ban đầu của Nhóm nghiên cứu.

    Từ Bảng 3 cho thấy, đối với tài nguyên và môi trường đất, từ tiêu chí xác định là căn cứ để xác lập bộ chỉ số gồm 3 cấp, chính bộ chỉ số này là căn cứ để khoanh vùng cho sản xuất NNHC khi áp dụng vào vùng TD&MNPB.

    Xây dựng vùng trồng: Cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương gắn với công nghiệp chế biến, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chuyển đổi linh hoạt giữa trồng cây lương thực, cây thực phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại lợi nhuận cao. Duy trì và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Xây dựng vùng canh tác hữu cơ; vùng nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện cấp mã số vùng trồng và hoàn thiện sản phẩm NNHC đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; làm tốt công tác dự tính, dự báo, hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng kịp thời.

    Nâng cao nhận thức: Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tập quán canh tác của người dân trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn, hiệu quả; tăng cường các lớp đào tạo tập huấn về quy trình sản xuất cho từng loại hình NNHC.

    4. Kết luận

    Phát triển NNCH vùng TD&MNPB là hướng đi phù hợp nhằm giải quyết bài toán trong mối quan hệ kinh tế và môi trường, phục hồi chất lượng đất, hệ sinh thái tự nhiên để hướng đến phát triển bền vững. Nghiên cứu này được thực hiện có căn cứ khoa học và thực tiễn, bám sát sự chỉ đạo của Đảng, yêu cầu của Chính phủ thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, văn bản chỉ đạo cho vùng TD&MNPB trong thời gian qua. Thực tế hiện nay việc phát triển NNHC vùng TD&MNPB còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất chưa cao; kinh nghiệm người dân hạn chế; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định... Để thực hiện hiệu quả việc phát triển NNHC vùng TD&MNPB, cần phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp nêu trên, nhằm cơ bản tháo gỡ khó khăn, rào cản mà vùng đang gặp phải. Đây là vấn đề cần được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao và quyết liệt hơn nữa để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng, nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển NNHC trong nước và hội nhập thị trường trong khu vực cũng như quốc tế.

    Ghi chú: Bài viết là kết quả ban đầu nghiên cứu thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ khoanh vùng khu vực trồng trọt hữu cơ theo đặc trưng tài nguyên và môi trường tại vùng Trung du và miền núi Bắc bộ”, mã số: TNMT.885.04.

Nguyễn Thế Chinh, Nguyễn Thị Liễu

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt I/2023)

      Tài liệu tham khảo

  1. Bộ KH&CN (2017). Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-1:2017 về NNHC - Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm NNHC
  2. Bộ KH&CN (2017). Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017 về NNHC - Phần 2: Trồng trọt hữu cơ
  3. Bộ KH&CN (2017). Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-3:2017 về NNHC - Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ
  4. Bộ KH&CN (2017). Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-5:2018 NNHC - Phần 5: Gạo hữu cơ
  5. Bộ KH&CN (2018). Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-6:2018 NNHC - Phần 6: Chè hữu cơ
  6. Bộ KH&CN (2018). Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-8:2018 NNHC - Phần 8: Tôm hữu cơ
  7. Bộ KH&CN (2017). Quyết định số 3883/QĐ-BKHCN ngày 29/12/2017 về công bố tiêu chuẩn quốc gia.
  8. Chính phủ Việt Nam (2018). Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về NNHC.
  9. Chính phủ Việt Nam (2022). Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 “Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
  10.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030”. NXBCTQG.
  11.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2022). Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.  
  12.  Chính phủ Việt Nam (2018). Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước.
  13.  Eyhorn, F., Heeb, M. and Weidmann, G., 2003. IFOAM training manual for organic agriculture in the tropics. Bonn, Germany: International Federation of Organic Agriculture Movements (IFOAM).
  14.  Hội NNHC Việt Nam (2017). Tài liệu đào tạo trồng trọt hữu cơ.
  15.  Savci, S., 2012. An agricultural pollutant: chemical fertilizer. International Journal of Environmental Science and Development, 3(1), p.73.
  16.  FiBL & IFOAM (Ed), 2016. The World of Organic Agriculture: Statistics & Emerging Trend 2016. Research Institute of Organic Agriculture FiBL - IFOAM - Organics International
  17.  Willer, H., Trávníček, J., Meier, C and Bernhard Schlatter 2021. The world of organic agriculture. Statistics and emerging trends 2021. Research Institute of Organic Agriculture FiBL and IFOAM Organics International.
Ý kiến của bạn