Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 09/07/2024

Hướng tiếp cận mới về phương pháp tính thiệt hại khí hậu do lũ lụt gây ra

13/04/2018

Đỗ Thị Ngọc Thúy

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

     

     Việt Nam là một trong những quốc gia phải gánh chịu nhiều thiên tai như lũ lụt, hạn hán… Trung bình mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 1-1,5% GDP/năm. Năm 2017, Việt Nam phải hứng chịu 16 cơn bão lũ, ước tính thiệt hại khoảng 6.000 tỷ đồng. Việc lượng giá giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra đối với nền kinh tế đất nước và đời sống của con người là yêu cầu cần thiết và cấp bách để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và người dân thực hiện công tác khôi phục và khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, những rủi ro về tính mạng con người cũng cần được đánh giá. Việc sử dụng phương pháp tính khoa học sẽ giúp công tác hỗ trợ, khắc phục tổn thất được hiệu quả.

     1. Mở đầu

     Hiện nay, hoạt động thích ứng sẽ không còn hiệu quả khi mà các tác động của biến đổi khí hậu vượt quá khả năng của con người. Các chiến lược thích ứng cần phải được thay đổi để ứng phó với sự khắc nghiệt của khí hậu. Việt Nam đang nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai nhằm giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản. Sáng kiến kinh doanh thông tin khí hậu liên quan đến rủi ro khí hậu là một chủ đề mới, chưa được nghiên cứu nhiều. Hoạt động lượng giá thiệt hại do khí hậu gây ra đối với kinh tế môi trường ngày càng được chú trọng. Kỹ thuật tính thiệt hại với các dạng thiên tai khác nhau cũng có sự khác biệt. Thiệt hại do lũ lụt gây ra được thực hiện tính toán theo các bước cụ thể nhằm toàn diện và cụ thể hóa những ảnh hưởng tác động tới nền kinh tế, xã hội và môi trường.

     2. Phương pháp luận

     Kỹ thuật tính toán thiệt hại do lũ lụt gây ra trình bày các phương pháp đo lường những ảnh hưởng kinh tế. Cần thiết phải có các đánh giá thiệt hại trước và sau khi xảy ra thiên tai để từ đó đề xuất các giải pháp giảm nhẹ và kế hoạch quản lý rủi ro từ những ảnh hưởng sẽ xảy ra trong tương lai.  Mô hình đo lường thiệt hại giúp tính toán chi phí kinh tế và chi phí xã hội. Đánh giá thiệt hại về kinh tế và xã hội là một bước quan trọng và cần thiết trong việc quản lý rủi ro. Tính toán thiệt hại các chi phí kinh tế không chỉ tính thiệt hại về tài chính liên quan trực tiếp tới lũ lụt, mà còn bao gồm cả các chi phí gián tiếp và thường chiếm khoảng 25-40% tổng chi phí. Điều này đòi hỏi phải có các thông tin số liệu liên quan đến kinh tế, xã hội, môi trường. Ước tính thiệt hại trung bình hàng năm do thiên tai tại một khu vực được sử dụng để phân tích chi phí lợi ích và nhằm đề xuất các giải pháp giảm nhẹ. Ngoài ra, kết quả thu được giúp Chính phủ có thể đưa ra các quyết định thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và phát triển cộng đồng.

     2.1. Mô hình đánh giá thiệt hại do lũ lụt gây ra

     Các thiệt hại có thể xác định được sau khi thiên tai xảy ra hoặc dựa trên các giả định và các số liệu tương đối sẵn có từ các giá trị trung bình của các cơn lũ đã diễn ra trong lịch sử.  

     Chi phí thiệt hại trực tiếp là các chi phí liên quan đến những tổn thất, mất mát do lũ lụt gây ra như thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, cơ sở hạ tầng... Chi phí thiệt hại gián tiếp là các chi phí liên quan đến đời sống xã hội, tắc nghẽn giao thông, tổn thất do ngừng trệ trong sản xuất kinh doanh. Trong đó, mỗi loại chi phí trên được chia nhỏ thành chi phí hữu hình và chi phí vô hình - Chi phí khó xác định giá trị tiền tệ như tính mạng, thương vong, giá trị tinh thần, văn hóa tâm linh…

     Phương pháp tính toán thiệt hại do thiên tai gây ra được thực hiện theo 12 bước như sau:

     Bước 1: Xác định thiệt hại và mục đích của hoạt động đánh giá.

     Bước 2: Tiến hành tham vấn và thu thập thông tin về các loại chi phí thiệt hại.

     Bước 3: Xác định phạm vi không gian và thời gian bị ảnh hưởng bởi thiên tai (cụ thể đối với lũ lụt).

     Bước 4: Lựa chọn cách tiếp cận (giả thuyết, các trường hợp điển hình, điều tra tình hình thực tiễn).

     Bước 5: Mô tả chi tiết mức độ ảnh hưởng của thiên tai gây ra những chi phí thiệt hại.

     Bước 6: Thu thập các thông tin về thiệt hại tính mạng, tài sản và các hoạt động sản xuất kinh doanh bị rủi ro.

     Bước 7: Phân loại các dạng chi phí thiệt hại trực tiếp và chi phí thiệt hại gián tiếp.

     Bước 8: Sử dụng các phương pháp khác nhau để đo lường, tính toán các thiệt hại.

     Bước 9:  Phân biệt giữa thiệt hại thực tế với thiệt hại tiềm năng trong quá trình đánh giá.

     Bước 10: Tính toán các giá trị thiệt hại trung bình hàng năm (nếu cần).

     Bước 11: Phân tích, đánh giá những lợi ích thu được do thiên tai gây ra.

     Bước 12: Phân loại, sắp xếp và thể hiện các kết quả thiệt hại đã tính được.

     2.2. Cách xác định các chi phí thiệt hại

     Thực hiện phân tích tài chính được áp dụng cho tính toán ở quy mô doanh nghiệp và hộ gia đình, đánh giá mức độ ảnh hưởng tới lợi nhuận ròng và thu nhập ròng thông qua việc sử dụng giá thị trường. Tiền thuế phải nộp được tính là chi phí và trợ cấp được tính là lợi ích. Trong khi cách tính kinh tế thì phạm vi ảnh hưởng liên quan đến tất cả đối tượng chịu tác động trong xã hội, tính đến cả những ảnh hưởng mà bị bỏ qua và xem xét đến tính hiệu quả kinh tế. Các giá trị này là giá thị trường đã được điều chỉnh và phản ánh chi phí kinh tế, sử dụng tỷ lệ chiết khấu để phản ánh chi phí cơ hội của vốn đầu tư và tính ưu tiên về mặt thời gian. Để phân tích kinh tế, cần chú ý việc tính toán các giá trị thiệt hại kinh tế từ khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp, tránh tính trùng, xem xét những thiệt hại của doanh nghiệp khi không sản xuất, mua bán được trong thời gian xảy ra lũ, nếu doanh nghiệp vẫn có thể tự khôi khục được ngay sau khi hết lũ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp bị thiệt hại hư hỏng về máy móc do lũ lụt gây ra, nhưng máy móc này lại có thể thay thế được và doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại do ngừng trệ sản xuất, lợi nhuận bị giảm đi thì cần được tính toán. Ngoài ra, cần xem xét tất cả những ảnh hưởng tới con người ở địa bàn nghiên cứu.

     Với đặc thù thiên tai là lũ lụt thì cần nắm các thông tin về thời gian kéo dài của lũ, mức độ tàn phá của cơn lũ, tốc độ dòng chảy để đưa ra các cảnh báo, biện pháp phòng tránh. Xác định mức độ, tốc độ, tần suất, thời gian của các cơn lũ xảy ra, so sánh với các cơn lũ trong lịch sử để tìm ra sự khác biệt. Đánh giá môi trường sinh thái bị ảnh hưởng như thế nào, có thể vận dụng cách cho điểm xác định mức độ ảnh hưởng từ tích cực đến tiêu cực. Một số tiêu chí đánh giá thiệt hại về môi trường do lũ lụt gây ra, gồm: Sự mất mát hoặc suy giảm các loài thực vật và cỏ biển, mức độ tan rã, phân chia số lượng loài và nơi cư trú của các loài, sự thay đổi trong phân bố và đa dạng các loài thực vật sống dưới nước, những thay đổi trong ngành khai thác và chế biến thủy sản (tôm, cá…). Ngoài ra, hoạt động giao thương hàng hóa, đời sống sinh hoạt của người dân tại vùng lũ cũng bị ảnh hưởng. Lũ lụt có thể làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, làm biến đổi chất lượng nước (nước vẩn đục, tăng phú dưỡng…). Toàn bộ những tổn thất liên quan đều phải được liệt kê xác định thiệt hại.

     Khi lũ về, lưu lượng nước lớn đột ngột, kèm theo các chất ô nhiễm và bùn đất  khiến chi phí cho công tác khắc phục tăng lên, thể hiện trong chi phí thiệt hại trực tiếp, nếu thời gian kéo dài thì chi phí này tăng. Công tác cứu hộ, thu dọn đồ đạc, vật dụng của các hộ gia đình cũng cần được liệt kê tính toán bằng cách phỏng vấn người dân tại địa phương để có cái nhìn tổng thể và đầy đủ. Với trường hợp nước biển dâng cao, xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn thì thiệt hại sẽ càng lớn hơn.

     Xác định những chi phí thiệt hại trực tiếp là các khoản chi phí thiệt hại từ các công trình nhà ở khu dân cư, các tòa nhà văn phòng thương mại, cửa hàng, tài sản thiết bị máy móc, khu vực công bị phá hủy… Đối với các chi phí này, cần sử dụng giá trị khấu hao để tính toán thiệt hại. Sự gián đoạn của mạng lưới giao thông được phản ánh qua sự gia tăng chi phí vận hành, giá trị tổn thất về mặt thời gian khi con người phải chờ đợi. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp cũng phụ thuộc rất nhiều vào hiện tượng thời tiết như gió bão, mưa lớn, gây ra những thiệt hại về mùa màng. Việc giảm sản lượng nông nghiệp được thể hiện qua giảm lợi nhuận thu hoạch từ mùa vụ. Ngoài ra, cần tính đến những thiệt hại về vật nuôi - gia súc, gia cầm, thủy sản, hoa màu. Mặt khác, cũng cần tính đến sự thay đổi về phân bố và đa dạng của các loài cây dưới nước, thay đổi giống loài, các chất ô nhiễm hóa học, quy mô của các loài sinh vật ngoại lai, sinh vật bản địa; Chi phí sức người cho công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường...

     Những chi phí thiệt hại gián tiếp là chi phí tổn hại do đường giao thông bị chia cắt, hư hỏng, chi phí cận biên của việc sản xuất ra các mặt hàng, dịch vụ công, chi phí thiệt hại do gián đoạn sản xuất, do phân phối, bán lẻ gặp khó khăn trong những vùng xảy ra thiên tai, chi phí cho cả các đơn vị tổ chức tình nguyện như Hội Chữ thập đỏ, quân đội, chi phí sử dụng các dịch vụ khẩn cấp, cứu hộ… Đối với tính toán các thiệt hại liên quan đến tính mạng con người, thương vong cần dựa vào cách tiếp cận giá trị con người, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe, tổn thương về tinh thần của những người trải qua sự căng thẳng và lo lắng… Đó là những ảnh hưởng về khả năng trao đổi thông tin, các mối quan hệ giữa con người với nhau.

     2.3. Lượng giá giá trị môi trường

     Các giá trị môi trường bị ảnh hưởng do bão lũ có thể kể đến là giá trị sử dụng đất của người dân tại các vùng thiên tai lũ lụt, hoạt động sinh kế bị ảnh hưởng do khả năng phục hồi đất trở nên kém, đất bị ô nhiễm, chất dinh dưỡng bị rửa trôi, giảm đa dạng sinh học, biến đổi nguồn nước ngầm. Những thiệt hại này được đánh giá qua thang điểm và cần xác định thời gian (ngắn hạn hay dài hạn). Những ảnh hưởng đến giá trị phi sử dụng của các di tích lịch sử và giá trị môi trường khác cũng cần được cân nhắc đánh giá. Do nhiều dạng TN&MT không có giá thị trường, việc xác định và lượng giá gặp nhiều khó khăn. Các phương pháp này được áp dụng nhằm lượng giá những giá trị phi thị trường để định giá các giá trị môi trường, như giá trị dịch vụ hệ sinh thái, dịch vụ cung cấp nước sạch, dịch vụ cung cấp không khí trong lành, chức năng sản xuất thức ăn, cung cấp dịch vụ giải trí - Văn hóa tinh thần của con người… Với phương pháp chi phí du lịch, để tính giá trị thiệt hại tại những vùng có điểm tham quan du lịch, cần xây dựng đường cầu về sử dụng tài nguyên để tìm ra thặng dư của người tiêu dùng. Phương pháp giá trị hưởng thụ để định giá chất lượng môi trường tại địa bàn nghiên cứu, thông qua ước tính giá trị "sự sẵn lòng" chi trả của người dân để sống tại những vùng có chất lượng môi trường khác nhau. Sử dụng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên điều tra thông qua bảng hỏi để tính mức sẵn lòng chi trả bằng các mức giá. Đối với những khu vực muốn tính giá trị đất đai cần dựa vào chi phí cơ hội/chi phí bị bỏ qua ở hiện tại bằng cách sử dụng phương pháp chi phí lựa chọn tối thiểu. Còn đối với những vùng có hệ sinh thái đa dạng phong phú, sử dụng chi phí cơ hội của việc khôi phục và xây dựng lại giá trị hệ sinh thái để tính toán chi phí thay thế cho phương án đầu tư.

     3. Kết luận

     Theo thống kê, trung bình mỗi năm ở nước ta có từ 6 - 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và môi trường sống của con người. Số lượng bão có cường độ mạnh ngày càng nhiều. Những yếu tố bất thường, khắc nghiệt của khí hậu đã để lại những thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống kinh tế của nguời dân. Do vậy, cần có giải pháp kỹ thuật và giải pháp kinh tế tính toán tổn thất để đánh giá đầy đủ những rủi ro, nhằm phục vụ cho việc ra quyết định của các nhà quản lý, đưa ra các kế hoạch đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, sự tăng trưởng của nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Việt Nam cần vận dụng phương pháp tiếp cận tiến bộ, cập nhật trên thế giới về phương pháp tính thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra. Đồng thời, các cơ quan cần phối hợp trong công tác thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu đánh giá và quản lý rủi ro về khí hậu để có biện pháp ứng phó khắc phục kịp thời.

Ý kiến của bạn