Banner trang chủ

Vung Viêng - Bước đi mới trong bảo vệ môi trường biển và phát triển kinh tế

11/04/2019

     Làng chài Vung Viêng, nằm trong vùng lõi vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20. Trước đây, Vung Viêng là nơi sinh sống của hàng nghìn dân chai. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014, tỉnh Quảng Ninh có chính sách di dân đưa làng chài Vung Viêng lên định cư trên đất liền, nên hiện nay, làng chài chỉ còn một số ngư dân ở lại bám biển, nuôi trồng thủy sản.

     Nhằm quản lý, bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý các tài nguyên của Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường kết hợp với du lịch có trách nhiệm trên vịnh Hạ Long tại làng chài Vung Viêng thuộc Dự án: “Sáng kiến liên minh Hạ Long - Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng vì phát triển bền vững” được xem là một bước đi mang tính đột phá. Mô hình được thực hiện trong 3 năm (2016 - 2019). Dự án có tổng nguồn vốn thực hiện hơn 17 tỷ đồng, trong đó có hơn 13 tỷ đồng tài trợ không hoàn lại, với 4 nội dung chính, bao gồm: Hỗ trợ tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý theo tiếp cận tổng hợp và nuôi trồng thủy sản bền vững trên vịnh Hạ Long gắn với bảo tồn di sản; cộng đồng tham gia quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch và thực hiện thí điểm trình diễn nuôi trông thủy sản bền vững; tăng cường tuyên truyền thúc đẩy hợp tác đa ngành và sự tham gia của các bên liên quan; tăng cường năng lực thực hiện, giám sát, đánh giá dự án và cơ chế tổ chức thực hiện.

     Trước đây, người dân làng chài Vung Viêng nuôi trồng thuỷ sản vẫn theo hình thức nuôi truyền thống, như sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá nuôi thương phẩm, dẫn đến ô nhiễm môi trường nước. Hình thức nuôi cá tạp làm thức ăn có thể áp dụng đối với vùng thủy vực lớn, nhưng với vịnh Hạ Long là vùng biển kín, lưu tốc dòng chảy thấp, độ sâu mực nước thấp, vì vậy, việc nuôi cá lồng theo truyền thống sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, tác động xấu đến thảm cỏ biển và rạn san hô.

     Theo đó, trong quy hoạch mô hình, toàn bộ hệ thống nhà bè với diện tích 180,5 m2 được nâng bởi hệ thống 77 phao nhựa có đường kính 57,4 cm dài 89 cm. Kết cấu bè nuôi là hệ thống dầm dọc, dầm ngang bằng gỗ táu kích thước 8x12cm liên kết với nhau bằng dây thừng. Toàn bộ bè gồm 10 ô lồng nuôi và một nhà trông coi, mỗi lồng có thể tích 27 m3. Nhà trông coi đặt trên mặt bè có diện tích 9,7m2; kết cấu bao tre và ván gỗ dài 3,5 cm. Đến nay, mô hình đã có 32 nhà bè được lắp đặt hoàn thiện và đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm lượt khách tham quan mỗi ngày.

 

Mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường tại làng chài Vung Viêng

 

     Song song với nuôi trồng thủy sản, các hoạt động du lịch được đẩy mạnh: Dịch vụ vận chuyển du khách tham quan tổ hợp nuôi trồng thủy sản; Tham quan làng chài bằng thuyền nan truyền thống; Phục vụ thưởng thức hải sản tại chỗ hay du lịch tìm hiểu nghề ngư… vào mùa cao điểm (mỗi ngày làng chài đón khoảng 600 khách du lịch đến trải nghiệm). Trong đó, du lịch có trách nhiệm còn được thể hiện qua việc duy trì thu gom rác thải ở làng chài Vung Viêng, giúp hoạt động du lịch phát triển bền vững và ngày càng thu hút du khách tham quan làng chài. Làng chài bố trí 2 lao động có trách nhiệm dọn vệ sinh, vớt rác. Đồng thời, 60 thuyền nan chở khách được trang bị vợt vớt rác. Khi chèo thuyền chở khách, nhân viên chèo đò có thể kết hợp vớt rác, giảm tải công việc cho các nhân viên vệ sinh. Bên cạnh đó, họ cũng tuyên truyền cho du khách đảm bảo quy định BVMT làng chài. Với những loại rác vô cơ như xỉ than sau khi gom sẽ được đơn vị dọn vệ sinh môi trường chèo thuyền chở đến đảo Ti Tốp để xử lý, hoặc đưa vào đất liền. Rác hữu cơ được tận dụng ủ làm phân bón, góp phần BVMT vịnh tốt hơn. Hoạt động thu gom, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường tại làng chài Vung Viêng được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm thu hút khách du lịch đến làng chài. Đến nay, ý thức BVMT của bà con ngư dân đã được nâng lên rất nhiều. Trên mỗi thuyền chở khách du lịch đều có sẵn những chiếc vợt và túi rác. Nhờ đó mà môi trường Vung Viêng ngày càng xanh, sạch, đẹp, số lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan ngày một nhiều, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho bà con ngư dân.

     Thông qua Dự án “Sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long - Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng”, các làng chài trên vịnh Hạ Long sẽ được "phục sinh," tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch để cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống và qua đó hạn chế các tác động của cộng đồng đến tài nguyên, môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, Dự án đã nâng cao hiệu quả sinh kế thân thiện với môi trường, tăng cường nhận thức, năng lực cho các nhóm cộng động có liên quan gắn kết với Vịnh Hạ Long, góp phần ổn định việc làm lâu dài cho cư dân làng chài. Đặc biệt là giảm thiểu mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn giữa các ngành trong việc sử dung tài nguyên, phân phối lợi nhuận một cách công bằng hơn từ nuôi trồng thủy sản và các hoạt động kinh tế biển khác.

     Bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình còn tồn tại nhiều hạn chế như nguồn giống không ổn định, khách du lịch đến đây chủ yếu là khách nước ngoài, đặc biệt, hạn chế về ngoại ngữ là rào cản lớn đối với bà con ngư dân. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực mà mô hình mang lại, bởi giúp bà con nơi đây và hình thành phương thức nuôi trồng thủy sản mới gắn với du lịch BVMT và phát triển bền vững.

     Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân, về lâu dài sẽ quy hoạch những vùng NTTS tập trung bền vững, tạo điều kiện cho ngư dân có việc làm ổn định… Tin rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, những giá trị của Vvịnh Hạ Long sẽ mãi vững bền.

 

                                                                                                Hải Âu

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2019)

 

Ý kiến của bạn