Banner trang chủ

Trùng Khánh - Cao Bằng: Phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch bền vững

09/11/2018

     Vừa qua, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tổ chức thành công Lễ hội Du lịch Thác Bản Giốc lần thứ II năm 2018, đây là một trong những điểm nhấn quan trọng nhằm quảng bá hình ảnh tiềm năng phát triển của khu du lịch, đồng thời tăng cường hợp tác phát triển du lịch với huyện Đại Tân - Quảng Tây (Trung Quốc); phát huy những tiềm năng, lợi thế của các khu, điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và giá trị văn hóa phi vật thể của huyện; định hướng phát triển du lịch bền vững, quyết tâm đạt mục tiêu đưa Trùng Khánh trở thành huyện đứng đầu của tỉnh Cao Bằng về phát triển kinh tế du lịch. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, Trưởng ban quản lý khu du lịch Thác Bản Giốc.

     PV: Xin ông cho biết tiềm năng năng lợi thế của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng?

     Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Huyện Trùng Khánh được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh đẹp như Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao và các địa danh nổi tiếng khác gắn với môi trường sinh thái và giá trị về văn hóa ẩm thực, văn hóa phi vật thể như các làn điệu dân ca Zá Hai, Si Zang, Hà Lều, Phong Slư, Hát Then, Hát Lượn...

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh (Cao Bằng)

 

   Bên cạnh đó, Trùng Khánh là huyện có đường biên giới dài 66km, tiếp giáp với 2 huyện Tịnh Tây và Đại Tân - Quảng Tây (Trung Quốc), là thị trường du lịch quốc tế đầy tiềm năng có thể khai thác và đem lại hiệu quả cao. Trong thời gian qua, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam đã đầu tư hai công trình Resort Bản Giốc và Chùa phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, khánh thành đưa vào khai thác trong năm 2014 đã tạo thêm điểm nhấn trong khu du lịch Thác Bản Giốc, góp phần thu hút nhiều du khách đến với huyện Trùng Khánh.

     Với tiềm năng và lợi thế vốn có, Huyện ủy Trùng Khánh đã ban hành Chương trình số 06 ngày 16/5/2016 thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ 19 về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. UBND huyện đã cụ thể hóa thành Kế hoạch để triển khai thực hiện. Đồng thời, huyện đã chủ động đề xuất một số danh mục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm sớm đưa Khu du lịch Thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm cấp quốc gia.

     PV: Xin ông cho biết yếu tố tạo nên thành công Lễ hội Du lịch Thác Bản Giốc lần thứ II năm 2018?

     Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Thực hiện chủ trương của của UBND tỉnh và Kế hoạch của UBND huyện Trùng Khánh về tổ chức Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc lần thứ II, năm 2018, đến nay Lễ hội đã thành công tốt đẹp. Trong hai ngày 13 - 14/10 diễn ra Lễ hội đã có rất nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các đại biểu, du khách và hai huyện của Trung Quốc, thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc.

     Để có thành công này, UBND huyện và Ban Tổ chức Lễ hội đã ban hành gần 100 văn bản các loại để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, phân công nhiệm vụ. Đặc biệt, công tác chỉnh trang cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường Khu du lịch. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo việc tôn tạo mặt bằng, bù đất sạt lở tại khu vực bờ sông Quây Sơn về phía hạ lưu Thác Bản Giốc khoảng 200m, với khối lượng đất đá trên 200m3, diện tích mặt bằng được tái tạo khoảng 500m2, đảm bảo cho việc xây dựng sân khấu chính phục vụ các hoạt động lễ hội. Chỉ đạo nâng cấp cải tạo đường vào khu chân thác với phương án dải tấm bê tông đúc sẵn và đổ sỏi chèn khe, có bó vỉa tạo thành đoạn đường sạch, đẹp kịp thời phục vụ Lễ hội.

 

Phong cảnh Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng)

 

     Đồng thời, tiến hành sửa chữa cầu đi bộ vào khu vực chân thác, có gắn đèn lét tạo cảnh quan; sửa chữa đường từ Trạm Biên phòng xuống đến khu gian hàng; lắp hệ thống điện chiếu sáng đường đi vào thác; lắp điện chiếu sáng cột mốc 836, thiết kế các chậu hoa trang trí khu vực chân mốc, tạo tiểu cảnh “BẢN GIỐC 2018” phục vụ du khách chụp ảnh lưu niệm; tăng cường hệ thống nhà vệ sinh.

     Huy động hàng trăm Đoàn viên thanh niên tình nguyện tổ chức tổng vệ sinh toàn bộ khu vực trước khi diễn ra Lễ hội; trong và sau Lễ hội luôn duy trì lực lượng thường xuyên vệ sinh, thu gom rác; tổ chức lắp hệ thống điện, sửa đường, làm biển chỉ dẫn, sắp xếp xe ô tô vào các bãi xe tập trung; hỗ trợ công tác trọng tài, các hoạt động văn nghệ, thể thao trong Chương trình Lễ hội.

     PV: Để giữ gìn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa địa phương, kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, huyện cần triển khai kế hoạch gì, thưa ông?

     Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Với tiềm năng và lợi thế cả về cảnh quan và văn hóa đặc sắc, cấp ủy, chính quyền huyện Trùng Khánh đã xác định mục tiêu phát triển du lịch bền vững kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái vừa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng miền, biến các giá trị văn hóa bản địa thành “món ăn” tinh thần. Qua đó, trở thành các sản phẩm du lịch trong chuỗi giá trị sản phẩm để tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách đến thăm quan du lịch và thưởng thức những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương Trùng Khánh ngày càng nhiều.

     Trong thời gian tới, huyện Trùng Khánh sẽ xây dựng Đề án phát triển du lịch của toàn huyện, trong đó tập trung vào nhiệm vụ trước mắt là phát triển du lịch cộng đồng, để thực hiện Đề án hàng năm huyện sẽ dành ra một số kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng, nâng cao nhận thức về du lịch, xây dựng các mô hình, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề và phát triển cơ sở hạ tầng… gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới để tạo ra những chuỗi giá trị sản phẩm thu hút du khách, tạo công ăn việc làm cho người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương, lấy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

     PV: Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch của huyện có gặp những số khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

     Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Việc triển khai quy hoạch xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trên phạm vi 1.000ha, trong đó Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc (vùng lõi) quy mô 156,7ha nằm trong Khu hợp tác chung với phía Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn, do chưa được cắm mốc quy hoạch ngoài thực địa, dẫn đến khó quản lý hoạt động xây dựng tự phát của người dân. Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ du lịch chưa đa dạng, chất lượng chưa cao; hạ tầng cơ sở, kỹ thuật thiếu đồng bộ, một số hạng mục đầu tư mới trong giai đoạn lập dự án. Ngoài ra, hệ thống thu gom rác, xử lý môi trường chưa được đầu tư; công tác quảng bá, xúc tiến, khai thác thị trường du lịch còn hạn chế, thiếu sự kết nối tour tuyến giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành; đồng thời, nhận thức của một số hộ dân về chấp hành quy định của Nhà nước trong hoạt động du lịch chưa đầy đủ, hoạt động kinh doanh còn mang tính tự phát, thiếu tính bền vững…Đây là những vấn đề mà cấp ủy, chính quyền huyện Trùng Khánh đang nhìn nhận và sẽ có hướng điều chỉnh, đưa ra giải pháp phù hợp để chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.

     PV: Theo ông, trong thời gian tới, huyện Trùng Khánh cần triển khai, thực hiện những giải pháp trọng tâm nào nhằm phát triển du lịch bền vững?

     Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, đạt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 thu hút 15 nghìn lượt khách quốc tế, trên 500 nghìn lượt khách nội địa đến tham quan, Lãnh đạo huyện Trùng Khánh ngoài việc quan tâm thực hiện công tác quy hoạch phát triển du lịch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng như nâng cấp hạ tầng cơ sở, kêu gọi các Doanh nghiệp địa phương mạnh dạn đầu tư xây dựng mới một số nhà hàng, khách sạn; chỉnh trang cảnh quan khu du lịch, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các điểm lưu trú, các nhà hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý và giám sát công tác bảo vệ môi trường sinh thái…

     UBND huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ huyện Trùng Khánh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 - 2020, lấy phát triển du lịch làm nhiệm vụ đột phá để thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện từ nay đến hết nhiệm kỳ của cấp ủy; chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và ban hành các văn bản mới tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ cảnh quan môi trường tại các khu, điểm du lịch,... xây dựng hình ảnh Khu du lịch văn minh thân thiện, hiếu khách, đảm bảo tính bền vững.

     Đồng thời, tập trung các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương; tạo cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch. phát triển các sản phẩm đặc sản, văn hóa ẩm thực của địa phương; xây dựng kế hoạch, tổ chức định kỳ các sự kiện văn hóa du lịch đặc sắc nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và thu hút du khách đến thăm quan du lịch.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Phạm Đình (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn