Banner trang chủ

Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn voi ở Đắc Lắc

03/12/2018

     Tây Nguyên là nơi hiện có đàn voi rừng lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 70% quần thể voi rừng toàn quốc, trong đó, Đắc Lắc được coi là thủ phủ voi của Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tác động, đến nay đàn voi tại Đắc Lắc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

     Năm 1980, Đắc Lắc có hơn 550 cá thể voi rừng, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 80 - 100 cá thể voi hoang dã. Do sinh cảnh sống của voi là rừng bị thu hẹp, chia cắt, thoái hóa và do biến đổi thời tiết nên vào mùa khô, voi rừng thiếu thức ăn nên thường di chuyển đến các nơi trồng hoa màu, cây ăn trái, nương rẫy của nhân dân quanh vùng và gây ra xung đột voi người làm cho nhân dân thiệt hại hoa màu, tài sản. Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, quần thể voi hoang dã ở Việt nam đã giảm khoảng 95% sau 40 năm (1975 - 2015).  Riêng ở Đắc Lắc, trong vòng 8 năm (2009 - 2016) đã có ít nhất 23 cá thể voi rừng bị chết, trong đó, gần 75% là voi con dưới một tuổi. Đàn voi nhà có số lượng cũng giảm mạnh, những năm 80 của thế kỷ trước, số lượng voi nhà tại Đắc Lắc là 502 con. Đến nay, voi nhà chỉ còn 45 cá thể được nuôi theo hộ gia đình hoặc làm du lịch.

 

Cán bộ Trung tâm bảo tồn voi Đắc Lắc điều tra, giám sát voi rừng

 

     Trước thực trạng trên và thực hiện Quyết định số 940/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn voi ở Việt Nam đến năm 2020, cuối năm 2013, tỉnh Đắc Lắc phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) triển khai Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắc Lắc đến năm 2020, thời gian thực hiện từ năm 2014 - 2020, với tổng mức đầu tư hơn 84,6 tỷ đồng. Phạm vi Dự án là trong các khu rừng đặc dụng và hành lang di chuyển của voi hoang dã, voi nhà thuần dưỡng tại  huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk. Mục tiêu của Dự án nhằm bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà; khôi phục, bảo vệ nguồn gen động, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi với người.

     Đến nay, sau 5 năm triển khai, Dự án đã mang lại những thay đổi tích cực trong công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh. Dự án góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong khu vực có voi hoang dã phân bố về ý thức bảo tồn voi, kỹ năng phòng chống xung đột giữa voi và người. Đồng thời, cải thiện năng lực điều tra, giám sát quần thể voi hoang dã; thu hút sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, hình thành cơ sở dữ liệu về voi hoang dã và voi thuần dưỡng để tăng cường năng lực quản lý, giám sát... Theo đó, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc đã lập hồ sơ, gắn chip điện tử trên 45/45 cá thể voi nhà, giúp cho việc quản lý và theo dõi sức khỏe của voi thuận lợi; tổ chức 120 đợt khám sức khỏe định kỳ và đột xuất cho voi. Trung tâm đã cử cán bộ tham gia lớp tập huấn tại các nước trên thế giới về thú y, sinh sản trên voi, qua đó, chữa trị được nhiều ca do nhiễm trùng đường ruột, bệnh lao mà trước đây voi có thể chết. Đồng thời, Trung tâm cũng đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, ghép cặp cho voi nhà sinh sản và có những tín hiệu tích cực khi một cá thể voi ở huyện Lắk đã mang thai sau 30 năm voi nhà không thể mang thai, sinh sản. Hiện Trung tâm tiếp tục nghiên cứu, theo dõi 8 cá thể voi cái trong độ tuổi sinh sản để áp dụng biện pháp cho giao phối trong thời gian tới.

 

Voi nhà được khám sức khỏe định kỳ

 

     Đối với công tác bảo tồn voi hoang dã, theo nghiên cứu, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc có 5 đàn voi hoang dã, với khoảng 60 - 80 cá thể (gồm voi đực, voi cái, voi trưởng thành và voi con), sinh sống trong khu vực rừng thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn và rừng của các công ty lâm nghiệp Ya Mơ, Ya Lốp, huyện Ea Súp. Hiện tại, tỉnh Đắc Lắc đã thành lập được 9 tổ bảo vệ voi hoang dã tại các huyện: Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’leo, đây là địa bàn đàn voi hoang dã thường xuyên xuất hiện, di chuyển và kiếm ăn. Các tổ bảo vệ voi hoang dã và Trung tâm bảo tồn voi Đắc Lắc tổ chức theo dõi, nắm bắt tình hình di chuyển của đàn voi, hỗ trợ xua đuổi khi voi xâm nhập khu vực sản xuất, khu dân cư; hạn chế xung đột giữa voi với người; phát hiện và tham gia cứu hộ khi voi bị thương. Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã cứu hộ thành công 3 cá thể voi hoang dã bị thương. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo tồn voi cũng được chú trọng, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc chăm sóc, sử dụng đàn voi nhà theo hướng tích cực, bảo vệ sức khỏe cho voi nhà; tránh xung đột, xâm hại đàn voi rừng… Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn voi cũng đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó Tổ chức động vật châu Á đã hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn voi trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc và cứu hộ voi.

     Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn voi thời gian qua còn gặp nhiều tồn tại như: Quá trình phẫu thuật, chữa trị bệnh và làm các xét nghiệm thú y cho voi còn gặp nhiều khó khăn; số lượng voi nhà còn lại quá ít, đã lớn tuổi và được quản lý độc lập nên không có cơ hội được gặp gỡ, giao phối nhằm sinh sản, bảo tồn nòi giống; số lượng và chất lượng dinh dưỡng cho voi nhà chưa đầy đủ, cộng thêm việc thường xuyên được sử dụng phục vụ du lịch nên tuổi thọ ngày càng giảm. Mặc dù trong quá trình thực hiện Dự án, tỉnh Đắc Lắc đã có nhiều biện pháp phòng tránh xung đột giữa người với voi hoang dã và giữa voi hoang dã với voi nhà, song do nhiều nguyên nhân mà những xung đột trên vẫn ở mức đáng lo ngại, gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, từ năm 2011 - 2016 có 2 người chết và 1 người bị thương khi bị voi hoang dã tấn công, từ năm 2016 - 2017, có 7 voi nhà bị chết do xung đột với voi hoang dã hoặc sa xuống nước khi đi kiếm ăn.

     Để công tác bảo tồn voi đạt được hiệu quả cao, thời gian tới, các cấp, ngành có liên quan cần tiến hành điều tra chi tiết, toàn thể quần thể voi hoang dã tại tỉnh Đắc Lắc để làm cơ sở theo dõi quần thể và biến động của voi hoang dã; tích cực triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu xung đột giữa voi và người, bảo vệ tài sản và tính mạng, sức khỏe của người dân; xây dựng và triển khai kế hoạch bảo tồn sinh cảnh voi hoang dã; tăng cường công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ cho voi nhà. Đồng thời, tiếp cận, học tập các phương pháp sinh sản nhân tạo để gia tăng số lượng voi nhà; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn voi; tăng cường kinh phí để chăm sóc sức khỏe, cứu hộ, nghiên cứu sinh sản voi…

 

Lê Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

Ý kiến của bạn